Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 01/CT-VKSTC | Hà Nội, ngày 27 tháng 12 năm 2021 |
CHỈ THỊ
CÔNG TÁC CỦA NGÀNH KIỂM SÁT NHÂN DÂN NĂM 2022
Năm 2022, toàn ngành Kiểm sát nhân dân tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, các chỉ đạo của Trung ương Đảng, Nghị quyết của Quốc hội đối với Viện kiểm sát nhân dân (VKSND); tập trung thực hiện tốt những yêu cầu của công tác tư pháp và cải cách tư pháp, với mục tiêu: Tăng cường trách nhiệm công tố, kiểm sát chặt chẽ cáo hoạt động tư pháp bảo đảm tuân thủ đúng quy định của pháp luật; thực hiện tốt hơn nhiệm vụ chống oan, sai, bỏ lọt tội phạm; đạt và vượt các chỉ tiêu công tác của Quốc hội giao. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động Cơ quan điều tra của VKSND tối cao góp phần xây dựng hệ thống các cơ quan tư pháp liêm chính, nghiêm minh. Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, xây dựng đội ngũ cán bộ Viện kiểm sát các cấp ngang tâm với yêu cầu nhiệm vụ được giao. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong ngành Kiểm sát nhân dân và bảo đảm nguồn lực để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ trong tình hình mới. Viện trưởng VKSND tối cao chỉ thị toàn ngành Kiểm sát nhân dân tiếp tục thực hiện phương châm: “Đoàn kết, đổi mới - Trách nhiệm, kỷ cương - Thực chất, hiệu quả”, tập trung thực hiện có hiệu quả những yêu cầu sau:
1. Người đứng đầu các cấp Kiểm sát tăng cường hơn nữa vai trò, trách nhiệm nêu gương trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện nhiệm vụ của đơn vị, cấp Kiểm sát do mình quản lý; gắn công tác xây dựng Đảng với xây dựng Ngành; giữ gìn uy tín, hình ảnh của Ngành, của cơ quan, đơn vị; siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ và tu dưỡng rèn luyện đạo đức, lối sống của người cán bộ, đảng viên, kiểm sát viên; kiên quyết xử lý, đấu tranh với những vi phạm và biểu hiện tiêu cực ngay trong nội bộ cơ quan, đơn vị và trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao. Rà soát, có kế hoạch, giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế của đơn vị; thực hiện đồng bộ, hiệu quả các biện pháp công tác đã được Viện trưởng VKSND tối cao chỉ đạo trong các Chỉ thị chuyên đề và Chỉ thị công tác hằng năm.
2. Toàn ngành Kiểm sát tiếp tục xác định chống oan sai, chống bỏ lọt tội phạm và chống tham nhũng, tiêu cực là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu. Tăng cường hơn nữa trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, nâng cao chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên tại các phiên tòa, bảo đảm căn cứ buộc tội vững chắc, không để oan sai, bỏ lọt tội phạm; tôn trọng, thực hiện nghiêm nguyên tắc suy đoán vô tội, “trọng chứng hơn trọng cung”, bảo vệ tốt hơn quyền con người, quyền công dân trong hoạt động tố tụng hình sự; đồng thời phải coi trọng việc thu thập chứng cứ ngay từ đầu, tăng cường thực nghiệm điều tra để chuyển hóa chứng cứ (nhất là chứng cứ chỉ là lời khai) để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh chống tội phạm. Kịp thời phát hiện, tổng hợp vi phạm pháp luật qua công tác kiểm sát để kiến nghị, kháng nghị yêu cầu xử lý, khắc phục và phòng ngừa chung.
Phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường công tác phát hiện, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các hành vi tham nhũng, trong đó tập trung vào những lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, những vấn đề nổi cộm, gây bức xúc trong xã hội; tập trung chỉ đạo, xử lý kịp thời, có hiệu quả các vụ án do Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thành ủy theo dõi, chỉ đạo. Nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án kinh tế, tham nhũng, tiêu cực.
3. Thủ trưởng Cơ quan điều tra của VKSND tối cao cần đổi mới phương thức hoạt động, phải chủ động trong thu thập và thụ lý nguồn tin báo, tố giác tội phạm, xử lý đúng thời hạn điều tra theo quy định pháp luật; có kế hoạch đào tạo và đào tạo lại đội ngũ Điều tra viên cả về năng lực chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp nhằm bảo đảm hiệu lực, hiệu quả góp phần vào xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh. Xác định những khâu, lĩnh vực công tác gây bức xúc, có nhiều vi phạm trong hoạt động tư pháp trong thời gian qua để tập trung phát hiện, điều tra, xử lý nghiêm; qua đó góp phần chấn chỉnh hoạt động của các cơ quan tư pháp, bảo đảm việc thực thi pháp luật nghiêm minh; đồng thời có tác dụng răn đe, cảnh tỉnh và phòng ngừa chung trong toàn hệ thống các cơ quan tư pháp.
4. Viện trường Viện kiểm sát các cấp tiếp tục tập trung thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các biện pháp theo chức năng, nhiệm vụ trong công tác kiểm sát hoạt động tư pháp nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tổ chức và công dân. Viện trưởng Viện kiểm sát các cấp trực tiếp phụ trách khâu công tác kiểm sát giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc dân sự, kinh doanh thương mại; lựa chọn, bố trí, đào tạo, tự đào tạo đội ngũ Kiểm sát viên giỏi chuyên môn, nghiệp vụ đảm nhiệm khâu công tác này; thực hiện đầy đủ quyền hạn, trách nhiệm trong công tác kháng nghị, kiến nghị yêu cầu khắc phục, bảo đảm hoạt động này tuân thủ đúng pháp luật. Quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ phải xem xét, cân nhắc thận trọng khi áp dụng pháp luật, biết đặt lợi ích của Nhà nước, của nhân dân lên trên hết; góp phần xây dựng hành lang pháp lý chặt chẽ, có ý thức tạo điều kiện cho sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
5. Tiếp tục nghiên cứu, sắp xếp, cơ cấu tổ chức, bộ máy Viện kiểm sát các cấp theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Tập trung xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ công chức, Kiểm sát viên, Điều tra viên với đầy đủ các phẩm chất: công minh, chính trực để bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, bảo vệ lẽ phải, nghiêm minh nhưng rất nhân văn; khách quan, thận trọng để không làm oan người vô tội, không để lọt tội phạm; khiêm tốn để có sức thuyết phục và được xã hội, nhân dân ủng hộ, giúp đỡ. Trong thực thi nhiệm vụ phải luôn có tinh thần thượng tôn pháp luật, có ý thức giữ gìn uy tín, hình ảnh của Ngành; dám bảo vệ cái đúng, đấu tranh với cái sai, có tinh thần vượt khó để hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng và cấp trên giao.
Quá trình thực hiện chức trách, nhiệm vụ phải gán trách nhiệm của công chức, Kiểm sát viên, Điều tra viên với trách nhiệm của đảng viên và thực hiện nghiêm Quy định số 37-QĐ-TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm.
Hằng năm VKSND tối cao, Viện kiểm sát quân sự trung ương, VKSND cấp tỉnh phải xây dựng kế hoạch đào tạo, luân chuyển, điều động cán bộ; tăng cường luân chuyển giữa Viện kiểm sát các cấp nhằm đào tạo toàn diện đội ngũ cán bộ, kiểm sát viên; định kỳ chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ để bảo đảm ngăn ngừa, phòng chống suy thoái, trì trệ, tiêu cực và bảo vệ cán bộ trong thực hiện nhiệm vụ. Viện kiểm sát các cấp chủ động phối hợp với Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội và Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ Kiểm sát tại Thành phố Hồ Chí Minh để mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ và lãnh đạo, quản lý cho đội ngũ, cán bộ, Kiểm sát viên của đơn vị.
6. Tăng cường hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng chống tội phạm, nhất là tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm có yếu tố nước ngoài. Kết nối với Viện Công tố, Viện kiểm sát các nước để thực hiện tốt nhiệm vụ tương trợ tư pháp về hình sự và trao đổi, học hỏi kinh nghiệm về pháp luật và đào tạo về kỹ năng điều tra kỹ thuật số, chứng cứ số trên cơ sở bảo đảm yêu cầu của công tác bảo vệ chính trị nội bộ. Bảo đảm sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn ngân sách được cấp; thường xuyên kiểm tra, giám sát việc sử dụng nguồn tài chính, đầu tư công của Ngành, bảo đảm chất lượng đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị. Tăng cường trách nhiệm trong thực hiện các dự án công nghệ thông tin, bảo đảm đầu tư đồng bộ, hiệu quả, có tính liên thông và ứng dụng cao trong toàn bộ hệ thống VKSND. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật gắn với nhiệm vụ chính trị của Ngành. Thực hiện thí điểm mô hình tự chủ của các đơn vị sự nghiệp trong Ngành theo lộ trình phù hợp, bảo đảm hoạt động hiệu quả và đóng góp nhiều hơn nữa vào sự phát triển chung của Ngành trong thời gian tới.
7. Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn còn diễn biến khó lường, đòi hỏi Viện kiểm sát các cấp, nhất là người đứng đầu phải cập nhật kịp thời diễn biến tình hình Covid-19 để chủ động, linh hoạt, đề ra các biện pháp, phương pháp công tác phù hợp để triển khai thực hiện tốt các yêu cầu nhiệm vụ trong Chỉ thị này.
Yêu cầu thủ trưởng các cấp kiểm sát chủ động xây dựng kế hoạch, chương trình để tổ chức thực hiện hiệu quả Chỉ thị này. Các Phó Viện trưởng VKSND tối cao chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ thuộc lĩnh vực được phân công. Giao Chánh Văn phòng, Chánh Thanh tra VKSND tối cao theo dõi kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị này./.
| VIỆN TRƯỞNG |
- 1Chỉ thị 01/CT-VKSTC năm 2020 về công tác của ngành Kiểm sát nhân dân năm 2021 do Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành
- 2Quyết định 161/QĐ-VKSTC năm 2021 quy định về chuyển đổi vị trí công tác trong ngành Kiểm sát nhân dân do Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành
- 3Chỉ thị 05/CT-VKSTC năm 2021 về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền của ngành Kiểm sát nhân dân do Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành
- 4Chỉ thị 05/CT-VKSTC năm 2022 thực hiện các biện pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm sát việc giải quyết vụ án hành chính, vụ việc dân sự và những việc khác theo quy định của pháp luật do Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành
- 5Chỉ thị 01/CT-VKSTC năm 2022 về công tác của ngành Kiểm sát nhân dân năm 2023 do Viện Kiểm sát nhân dân tối cao ban hành
- 1Chỉ thị 01/CT-VKSTC năm 2020 về công tác của ngành Kiểm sát nhân dân năm 2021 do Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành
- 2Quyết định 161/QĐ-VKSTC năm 2021 quy định về chuyển đổi vị trí công tác trong ngành Kiểm sát nhân dân do Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành
- 3Chỉ thị 05/CT-VKSTC năm 2021 về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền của ngành Kiểm sát nhân dân do Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành
- 4Quy định 37-QĐ/TW năm 2021 về những điều đảng viên không được làm do Ban Chấp hành Trung ương ban hành
- 5Chỉ thị 05/CT-VKSTC năm 2022 thực hiện các biện pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm sát việc giải quyết vụ án hành chính, vụ việc dân sự và những việc khác theo quy định của pháp luật do Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành
- 6Chỉ thị 01/CT-VKSTC năm 2022 về công tác của ngành Kiểm sát nhân dân năm 2023 do Viện Kiểm sát nhân dân tối cao ban hành
Chỉ thị 01/CT-VKSTC năm 2021 về công tác của ngành Kiểm sát nhân dân năm 2022 do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành
- Số hiệu: 01/CT-VKSTC
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 27/12/2021
- Nơi ban hành: Viện kiểm sát nhân dân tối cao
- Người ký: Lê Minh Trí
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 27/12/2021
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra