Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3090/BC-BNN-CB | Hà Nội, ngày 26 tháng 10 năm 2011 |
Kính gửi: Thủ tướng Chính phủ
Thực hiện ý kiến Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng tại công văn số 1719/VPCP-KTN ngày 23/3/2011 của Văn phòng Chính phủ về việc tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết 5 năm thực hiện Nghị định số 66/2006/NĐ-CP ngày 07/7/2006 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn (sau đây gọi tắt là Hội nghị), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức Hội nghị và xin kính báo báo Thủ tướng Chính phủ kết quả như sau:
Để triển khai công tác chuẩn bị, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng kế hoạch, tiến độ và phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương, tổ chức quốc tế có liên quan báo cáo kết quả thực hiện Nghị định số 66/2006/NĐ-CP ngày 07/7/2006 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn (sau đây xin gọi tắt là Nghị định 66) và đã nhận được báo cáo của 05 Bộ, Ngành và 54 tỉnh, thành phố.
Hội nghị đã được tổ chức vào ngày 20 tháng 10 năm 2011 theo hình thức trực tuyến với 63 điểm cầu tại 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Điểm cầu Hà Nội được đặt tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có sự tham gia của đại diện Văn phòng Chính phủ, các Bộ, Ngành trung ương có liên quan, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và các Sở, Ban ngành liên quan; một số Hội, Hiệp hội nghề nghiệp, một số cơ sở sản xuất ngành nghề nông thôn và các cơ quan truyền thông.
1. Một số kết quả đã đạt được sau 5 năm thực hiện Nghị định
Hội nghị đã nghe báo cáo đánh giá kết quả 5 năm thực hiện Nghị định số 66/2006/NĐ-CP của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và ý kiến phát biểu của đại diện các Bộ, ngành, địa phương và một số cơ sở sản xuất ngành nghề nông thôn.
Qua 5 năm thực hiện Nghị định 66 và các văn bản hướng dẫn của các Bộ, ngành cho thấy, kể từ khi Nghị định 66 ra đời đến nay Nghị định đã nhanh chóng đi vào cuộc sống, góp phần bảo tồn, phát triển nghề thủ công, làng nghề truyền thống, phát triển kinh tế xã hội ở nông thôn nói chung và ngành nghề nông thôn nói riêng. Giá trị sản xuất từ các ngành nghề nông thôn ngày càng tăng, trở thành ngành kinh tế chủ lực phát triển kinh tế ở nhiều địa phương, tạo việc làm, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo.
Hiện nay cả nước có 4.575 làng nghề, trong đó 3.251 làng có nghề và 1.324 làng nghề được công nhận theo tiêu chí của Thông tư số 116/2006/TT-BNN ngày 18/12/2006 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn thực hiện Nghị định 66. Bình quân tốc độ phát triển làng nghề tăng từ 6-15%/năm. Hoạt động sản xuất nghề nông thôn đã tạo ra việc làm cho hơn 11 triệu lao động, thu hút khoảng 30% lực lượng lao động nông thôn, đặc biệt có những địa phương đã thu hút được hơn 60% nhân lực lao động. Mức thu nhập từ sản xuất nghề cao hơn nhiều so với nguồn thu từ nông nghiệp, thu nhập trung bình của người lao động đạt từ 450 nghìn đồng/ tháng đến 4 triệu đồng/tháng (tùy theo từng loại ngành nghề), gấp 1,5-4 lần so với lao động thuần nông.
Về quy hoạch ngành nghề nông thôn, Nghị định 66 và các văn bản hướng dẫn liên quan đã hướng dẫn thực hiện công tác quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn trong cả nước. Đối với chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề, nhiều tỉnh, thành phố đã chỉ đạo xây dựng và triển khai thực hiện, thúc đẩy công tác khôi phục, bảo tồn và phát triển các làng nghề, đặc biệt là nhiều nghề truyền thống, làng nghề truyền thống có nguy cơ mai một. Các chính sách về vốn tín dụng cho phát triển ngành nghề nông thôn, làng nghề theo quy định trong Nghị định 66 và các chính sách có liên quan đã góp phần hỗ trợ quan trọng về tài chính phát triển ngành nghề nông thôn, làng nghề.
Nhìn chung, sau 5 năm thực hiện Nghị định số 66/2006/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn, được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan, Tỉnh ủy, Thành ủy và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố, các Sở, ban, ngành; sự hỗ trợ thiết thực, có hiệu quả của các tổ chức quốc tế và sự tham gia tích cực của các tổ chức, cá nhân tại các làng nghề, lĩnh vực ngành nghề nông thôn, làng nghề đã có sự phát triển mạnh mẽ. Công tác khôi phục, bảo tồn, phát triển nhiều nghề thủ công truyền thống được quan tâm hơn, tạo nhiều việc làm, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn.
2. Khó khăn, vướng mắc
Phát triển ngành nghề nông thôn vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Tình trạng thiếu nguyên liệu ngày càng tăng trong nhiều ngành, nhất là sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ; công nghệ, thiết bị lạc hậu; thị trường tiêu thụ sản phẩm không ổn định. Bên cạnh nhiều địa phương quan tâm lĩnh vực phát triển ngành nghề nông thôn, vẫn còn một số địa phương thiếu quan tâm, chỉ đạo chưa quyết liệt, nhất là trong việc dành nguồn lực đầu tư phát triển ngành nghề để tạo việc làm, tăng thu nhập, chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở nông thôn. Tình trạng ô nhiễm môi trường làng nghề chưa được quan tâm, mức độ ô nhiễm ngày càng tăng, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ của người lao động trong các cơ sở sản xuất và cộng đồng. (Xin gửi kèm theo Báo cáo tống kết 5 năm thực hiện Nghị định 66/2006/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn).
Để các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển ngành nghề nông thôn, làng nghề có hiệu quả cao hơn, tạo môi trường thuận lợi để các thành phần kinh tế tham gia phát triển sản xuất, kinh doanh, mở rộng thị trường tiêu thụ, Hội nghị đã có một số kiến nghị cụ thể như sau:
1. Về quản lý nhà nước lĩnh vực ngành nghề nông thôn
- Đề nghị Chính phủ cho phép sửa đổi, bổ sung Nghị định số 66/2006/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn, trong đó sửa đổi, làm rõ một số nhóm ngành nghề và bổ sung một số chính sách phù hợp với chủ trương, chính sách xây dựng nông thôn mới.
- Đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có Nghị quyết hoặc Chỉ thị về phát triển ngành nghề nông thôn bền vững phù hợp với chủ trương xây dựng nông thôn mới.
2. Đối với các Bộ, ngành liên quan
Đề nghị các Bộ, ngành liên quan phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các ngành chức năng tại địa phương có kế hoạch cụ thể để thúc đẩy ngành nghề nông thôn, làng nghề, nhất là thực hiện lồng ghép các chương trình, dự án để phát huy hiệu quả.
- Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm ban hành Thông tư quản lý môi trường làng nghề, xây dựng và thực hiện Đề án xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề, Đề án kiểm soát môi trường làng nghề; ưu tiên bố trí đất, tạo điều kiện mặt bằng sản xuất cho các cơ sở sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực ngành nghề nông thôn theo quy định tại Nghị định 66, Quyết định 132/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản có liên quan.
- Bộ Công Thương phối hợp triển khai có hiệu quả Chương trình khuyến công và hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ thiết thực các cơ sở sản xuất kinh doanh tại các làng nghề tăng cường năng lực sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm và xây dựng, quảng bá thương hiệu sản phẩm làng nghề, ngành nghề nông thôn; công tác phong tặng Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú.
- Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp thực hiện các dự án bảo tồn các nghề, làng nghề truyền thống; xây dựng và triển khai các dự án phát triển cơ sở hạ tầng du lịch làng nghề; chỉ đạo phát triển làng nghề gắn với du lịch, nhất là xây dựng và triển khai thực hiện các tuyến, điểm du lịch gắn với làng nghề.
- Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp thực hiện các chương trình, dự án tạo việc làm, đào tạo nghề, an toàn lao động … cho lao động nông thôn tại các làng nghề.
- Bộ Khoa học và Công nghệ ưu tiên cho các đề tài, dự án nghiên cứu, phát triển, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất trong lĩnh vực ngành nghề nông thôn, nhất là ưu tiên kinh phí cho các đề tài, dự án thuộc Chương trình hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế xã hội nông thôn và miền núi giai đoạn 2011 - 2015.
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư bố trí tăng nguồn kinh phí hàng năm để đầu tư cơ sở hạ tầng nông thôn, các chương trình, dự án phát triển ngành nghề nông thôn, làng nghề.
- Bộ Giao thông vận tải tập trung đầu tư phát triển giao thông nông thôn, tạo điều kiện thuận lợi để hỗ trợ sản xuất, kinh doanh tại các làng nghề.
- Ủy ban Dân tộc phối hợp nghiên cứu, hỗ trợ bảo tồn và phát triển các nghề truyền thống của đồng bào dân tộc.
- Bộ Tài chính ưu tiên bố trí kinh phí từ phát triển ngành nghề nông thôn, làng nghề; có hướng dẫn cụ thể về quản lý kinh phí thực hiện Dự án bảo tồn và phát triển làng nghề theo hướng mỗi làng một sản phẩm tại Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
3. Về việc thực hiện công tác quản lý nhà nước lĩnh vực ngành nghề nông thôn ở các địa phương
- Đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố thống nhất giao nhiệm vụ theo dõi, quản lý nhà nước về lĩnh vực ngành nghề nông thôn ở các địa phương cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; chỉ đạo rà soát, bổ sung xây dựng và triển khai thực hiện Quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn, Chương trình Bảo tồn và phát triển làng nghề; cho phép thành lập Quỹ khuyến nghề tại địa phương; ưu tiên bố trí ngân sách hàng năm để hỗ trợ phát triển ngành nghề, làng nghề ở nông thôn.
- Đề nghị Ủy ban nhân dân các cấp tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các chính sách khuyến khích phát triển ngành nghề nông thôn; hàng năm tăng kinh phí để hỗ trợ các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất và ngành nghề nông thôn, dự án bảo tồn và phát triển làng nghề.
4. Đối với các Hiệp hội, hội trong các lĩnh vực liên quan đến phát triển ngành nghề nông thôn
Tăng cường công tác vận động, hỗ trợ hội viên phát triển sản xuất, mở rộng thị trường, kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc và hỗ trợ đổi mới công nghệ, mở rộng thị trường tiêu thụ.
5. Đối với các tổ chức quốc tế
Đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì điều phối để:
- Tăng cường sự hợp tác, hỗ trợ thông qua các dự án phát triển ngành nghề nông thôn, bảo vệ môi trường, tạo việc làm, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo ở nông thôn, nhất là các nghề thủ công truyền thống, ngành nghề của đồng bào dân tộc thiểu số.
- Hỗ trợ các dự án đào tạo nghề, thiết kế sản phẩm thủ công, xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề; vay vốn tín dụng và mở rộng thị trường tiêu thụ.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kính báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả Hội nghị trực tuyến tổng kết 5 năm thực hiện Nghị định 66/2006/NĐ-CP ngày 07/7/2006 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn và một số kiến nghị, đề xuất nhằm đẩy mạnh phát triển ngành nghề nông thôn, làng nghề trong thời gian tới.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG |
- 1Công văn 724/BNN-VP năm 2014 đăng ký lịch họp, hỗ trợ tổ chức hội nghị trực tuyến do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 2Công văn 12618/VPCP-NN về tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết ngành Nông nghiệp năm 2018, triển khai kế hoạch năm 2019 do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 3Công văn 3168/BNN-KTHT năm 2019 về khảo sát tình hình phát triển ngành nghề nông thôn, làng nghề do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 1Nghị định 66/2006/NĐ-CP về việc phát triển ngành nghề nông thôn
- 2Thông tư 116/2006/TT-BNN hướng dẫn Nghị định 66/2006/NĐ-CP về phát triển ngành nghề nông thôn do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 3Công văn 724/BNN-VP năm 2014 đăng ký lịch họp, hỗ trợ tổ chức hội nghị trực tuyến do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 4Công văn 12618/VPCP-NN về tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết ngành Nông nghiệp năm 2018, triển khai kế hoạch năm 2019 do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 5Công văn 3168/BNN-KTHT năm 2019 về khảo sát tình hình phát triển ngành nghề nông thôn, làng nghề do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
Báo cáo 3090/BC-BNN-CB kết quả Hội nghị trực tuyến tổng kết 5 năm thực hiện Nghị định 66/2006/NĐ-CP về phát triển ngành nghề nông thôn do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- Số hiệu: 3090/BC-BNN-CB
- Loại văn bản: Văn bản khác
- Ngày ban hành: 26/10/2011
- Nơi ban hành: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Người ký: Hồ Xuân Hùng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 26/10/2011
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra