Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 176/BC-UBND

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 01 tháng 10 năm 2014

 

BÁO CÁO

TÌNH HÌNH KINH TẾ - VĂN HÓA - XÃ HỘI VÀ QUỐC PHÒNG - AN NINH THÀNH PHỐ 9 THÁNG ĐẦU NĂM; CÁC NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM 3 THÁNG CUỐI NĂM 2014

Thực hiện Kết luận số 74-KL/TW ngày 17 tháng 10 năm 2013 của Hội nghị Trung ương lần thứ 8 khóa XI; Nghị quyết số 53/2013/QH13 ngày 11 tháng 11 năm 2013 của Quốc hội; Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 02 tháng 01 năm 2014 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2014; Kết luận số 151-KL/TU ngày 06 tháng 12 năm 2013 của Hội nghị lần thứ 16 Thành ủy khóa IX; Nghị quyết số 25/2013/NQ-HĐND ngày 10 tháng 12 năm 2013 của Hội đồng nhân dân Thành phố về dự toán và phân bổ ngân sách Thành phố năm 2014, Nghị quyết số 38/2013/NQ-HĐND ngày 10 tháng 12 năm 2013 của Hội đồng nhân dân Thành phố về nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2014; Ủy ban nhân dân Thành phố đã kịp thời ban hành các Quyết định, Chỉ thị, Kế hoạch về điều hành phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Thành phố năm 2014, xây dựng các chương trình cụ thể và tổ chức thực hiện; chỉ đạo các Sở, ban ngành, quận - huyện, các doanh nghiệp trực thuộc thành phố tập trung công tác chỉ đạo điều hành, khắc phục khó khăn, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra. Với quyết tâm cao của hệ thống chính trị, sự phấn đấu nỗ lực của các ngành, các cấp, các doanh nghiệp và nhân dân Thành phố; tình hình kinh tế - xã hội Thành phố 9 tháng đầu năm 2014 đạt được một số kết quả cụ thể như sau:

I.- Kết quả chủ yếu về kinh tế - văn hóa - xã hội, thu chi ngân sách, quốc phòng - an ninh 9 tháng đầu năm 2014:

1. Kinh tế Thành phố tiếp tục phục hồi tăng trưởng ổn định, tình hình sản xuất kinh doanh có nhiều chuyển biến tích cực

1.1. Tổng sản phẩm nội địa (GDP) trên địa bàn Thành phố 9 tháng ước đạt 593.552 tỷ đồng, tăng 8,9% so cùng kỳ (cùng kỳ tăng 8,7%).

Khu vực dịch vụ chiếm tỷ trọng 59,1% trong GDP, tăng 10,3% (cùng kỳ tăng 10,4%), khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm tỷ trọng 40%, tăng 6,9% (cùng kỳ tăng 6,4%), khu vực nông nghiệp chiếm tỷ trọng 0,9%, tăng 5,9% (cùng kỳ tăng 5,8%).

1.2. Dịch vụ

a) Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 9 tháng đầu năm ước đạt 476.140,2 tỷ đồng, tăng 12,5% so cùng kỳ; nếu loại trừ yếu tố biến động giá thì tăng 7,4% so cùng kỳ. Trong đó, thương nghiệp chiếm 74,7%, tăng 13,7%; khách sạn, nhà hàng chiếm 10,7%, tăng 8,3%; dịch vụ chiếm 6,5%, tăng 11,3%; du lịch chiếm 3%, tăng 12,5%.

b) Kim ngạch xuất khẩu 9 tháng đầu năm ước đạt 23,836 tỷ đô-la Mỹ, tăng 3,50% (cùng kỳ tăng 0,68). Một số mặt hàng xuất khẩu chủ yếu tăng so cùng kỳ: gạo tăng 14,4%; may mặc tăng 4,62%; cà phê tăng 33,58%; thuỷ sản tăng 9,85%; giày dép tăng 15,25%.... Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 24,785 tỷ đô-la Mỹ, giảm 8,78% (cùng kỳ tăng 12,92%). Chủ yếu nhập nguyên liệu đầu vào cho sản xuất như: nhiên liệu, máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng, nguyên phụ liệu dệt, may, da giày, vải các loại, chất dẻo, dược phẩm, các sản phẩm hóa chất,..[1]

Lãnh đạo Thành phố đã làm việc với các doanh nghiệp, Hiệp hội các ngành nghề để tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị, tạo điều kiện để các doanh nghiệp tiếp cận vốn với lãi suất hợp lý để đầu tư máy móc, thiết bị, cải tiến sản xuất; tăng cường công tác xúc tiến thương mại và đầu tư để giữ vững thị trường xuất nhập khẩu truyền thống, mở rộng thị trường xuất khẩu mới, đa dạng thị trường xuất khẩu, khai thác tốt thị trường nội địa thông qua cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

c) Chương trình Bình ổn thị trường năm 2014 - Tết Ất Mùi 2015: Các mặt hàng thiết yếu trong Chương trình được cung ứng với lượng dồi dào, giá cả hợp lý, chất lượng đảm bảo và nguồn hàng ổn định; không có hiện tượng khan hàng, sốt giá; góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Tính đến tháng 9 năm 2014, trên địa bàn Thành phố đã có 8.487 điểm bán, tăng 8.239 so với năm 2008 và tăng 284 so với thời điểm tháng 4 năm 2014 khi bắt đầu triển khai thực hiện Chương trình năm 2014 - Tết Ất Mùi 2015. Chương trình năm nay có sự gia tăng về chủng loại trong một số nhóm hàng, về lượng hàng và số doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường. Các ngân hàng thương mại đã nâng hạn mức tín dụng cam kết cho vay phục vụ hoạt động sản xuất - kinh doanh tạo nguồn hàng bình ổn thị trường với lãi suất ưu đãi và mở rộng đối tượng cho vay[2]. Năm 2014, biểu trưng (Logo) của Chương trình Bình ổn thị trường đã được đưa vào khai thác nhằm giúp người tiêu dùng nhận diện sản phẩm Việt Nam tham gia bình ổn thị trường; nâng cao ý thức trách nhiệm của doanh nghiệp; thúc đẩy quảng bá hoạt động và góp phần tạo hiệu ứng lan tỏa sâu rộng trong nhân dân về mục đích, ý nghĩa của Chương trình; hạn chế các hành vi lợi dụng thương hiệu của Chương trình gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng, ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh của Chương trình.

Đã rà soát, tổng hợp danh sách 97 mặt bằng nhà đất phù hợp để giới thiệu cho các tổ chức kinh tế tham gia Chương trình bình ổn thị trường. Thành phố đã chấp thuận 37 địa chỉ nhà đất chuyển giao cho doanh nghiệp để đầu tư xây dựng cửa hàng, siêu thị bán hàng bình ổn thị trường.

Thành phố đã tập trung chỉ đạo công tác quản lý thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại, kiểm tra kiểm soát chống hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng nhằm đảm bảo quyền lợi cho doanh nghiệp sản xuất chân chính, hạn chế thiệt hại và bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dung; 9 tháng đầu năm 2014 đã kiểm tra 13.099 vụ, tăng 20,14% so cùng kỳ; phát hiện 8.778 vụ vi phạm, tăng 17,62% so cùng kỳ; thu nộp ngân sách 62,259 tỷ đồng, tăng 38,5% so cùng kỳ.

d) Tín dụng - Ngân hàng

Tổng vốn huy động ước đạt 1.226.000 tỷ đồng, tăng 4,71% so cuối năm 2013 và tăng 11,6% so cùng kỳ; trong đó, huy động vốn bằng VNĐ ước đạt 1.038.000 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 84,7% tổng vốn huy động, tăng 5,53% so cuối năm 2013; huy động vốn bằng ngoại tệ ước đạt 188.000 tỷ đồng, tăng 0,42% so cuối năm 2013;.

Tổng dư nợ tín dụng ước đạt 1.010.500 tỷ đồng, tăng 6,05% so cuối năm 2013 và tăng 10,6% so cùng kỳ; trong đó, dư nợ tín dụng bằng VNĐ đạt 839.000 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 83% tổng dư nợ, tăng 4,65% so cuối năm 2013; dư nợ tín dụng bằng ngoại tệ đạt 171.500 tỷ đồng, chiếm 17% tổng dư nợ, tăng 13,48% so cuối năm 2013. Dư nợ cho vay ngắn hạn đạt 515.500 tỷ đồng, chiếm 51% tổng dư nợ; dư nợ cho vay trung, dài hạn đạt 495.000 tỷ đồng, chiếm 49% tổng dư nợ.

Huy động vốn trên địa bàn Thành phố 9 tháng đầu năm mặc dù có tốc độ tăng trưởng chậm hơn cùng kỳ năm trước[3] nhưng vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng dương, tiền gửi tiết kiệm dân cư (bộ phận tiền gửi ổn định) chiếm tỷ lệ cao (56,1%) trong tổng nguồn vốn huy động; tăng 8,8% so cuối năm 2013. Nguồn vốn tín dụng tiếp tục tập trung cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh theo đúng định hướng của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Ủy ban nhân dân Thành phố; góp phần duy trì, phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, hộ gia đình, thúc đẩy kinh tế thành phố tăng trưởng và phát triển. Dư nợ cho vay đối với 5 nhóm lĩnh vực ưu tiên[4] đạt 136.237 tỷ đồng, tăng 7,9% so cuối năm 2013, trong đó dư nợ cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm tỷ lệ cao nhất (65,9%) so tổng dư nợ 5 nhóm lĩnh vực ưu tiên.

Đến cuối tháng 7, nợ xấu trên địa bàn Thành phố ở mức 58.941 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 5,93% tổng dư nợ, tăng 1,24% so cuối năm 2013 (cuối năm 2013 là 4,69%). Riêng tháng 6, nợ xấu tăng 12.136 tỷ đồng so tháng 5, tháng 7 tăng 398 tỷ đồng so tháng 6; nguyên nhân nợ xấu tăng mạnh trong tháng 6 là do từ ngày 01/6/2014 các tổ chức tín dụng bắt đầu thực hiện phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro và thực hiện các điều kiện cơ cấu lại nợ theo Thông tư 09/2014/TT-NHNN và Thông tư 02/2013/TT-NHNN.

Lượng kiều hối trong 9 tháng đầu năm 2014 ước đạt 3,12 tỷ đô-la Mỹ, bằng 68% so cả năm 2013.

Tính đến cuối tháng 8 năm 2014, đã tiếp tục triển khai thực hiện chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp nhằm tạo điều kiện doanh nghiệp tiếp cận vốn và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước - chi nhánh Thành phố phối hợp với Ủy ban nhân dân các quận - huyện thực hiện kết nối cho 790 lượt doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể tại 24 quận huyện vay vốn ngân hàng 20.296,06 tỷ đồng với lãi suất phù hợp. Lãi suất cho vay ở mức không quá 8%/năm đối với ngắn hạn và không quá 11%/năm đối với trung, dài hạn. Chương trình này đã được đánh giá hiệu quả và nhận được hưởng ứng tích cực từ cộng đồng doanh nghiệp.

Thành phố tiếp tục triển khai thực hiện Quyết định số 33/2011/QĐ-UBND và 38/2013/QĐ-UBND về Chương trình kích cầu của Thành phố; đến nay, thành phố đã phê duyệt 100 dự án với tổng mức đầu tư là 7.729,076 tỷ đồng, số vốn vay được ngân sách hỗ trợ là 3.789,231 tỷ đồng[5]. Vốn đầu tư bình quân của 01 dự án là 77,29 tỷ đồng. Lũy kế vốn hỗ trợ là 137,868 tỷ đồng.

đ) Thị trường chứng khoán, kinh doanh vàng: đến ngày 29 tháng 8 năm 2014, có 90 công ty chứng khoán là thành viên Sở Giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh với tổng vốn điều lệ khoảng 35.301 tỷ đồng; có 302 cổ phiếu, 38 trái phiếu, 01 chứng chỉ quỹ chính thức niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán, nâng tổng khối lượng niêm yết lên 31.399,7 triệu chứng khoán, tăng 16,04% so cuối năm 2013, giá trị chứng khoán niêm yết đạt gần 320.305 tỷ đồng, tăng 15,67% so cuối năm 2013. Chỉ số VN-Index ngày 17/9 đạt 625,66 điểm, tăng 121,03 điểm so cuối năm 2013. (504,63 điểm). Kể từ đầu năm, chỉ số VN-Index đạt mức thấp nhất ngày 02/01 với 504,51 điểm và đạt mức cao nhất ngày 03/9 với 640,75 điểm (đây là mức điểm cao nhất kể từ tháng 4/2008 đến nay).

Tình hình thị trường chứng khoán trong 8 tháng đầu năm đang phục hồi và tăng trưởng ổn định, tuy số lượng chứng khoán niêm yết giảm 5 công ty, nhưng khối lượng và giá trị niêm yết đều tăng gần 15% so cùng kỳ. Khối lượng giao dịch bình quân đạt 116 triệu chứng khoán/ngày, tăng 95,65% so cùng kỳ; giá trị giao dịch bình quân đạt 1.986 tỷ đồng/ngày, tăng 92,06% so cùng kỳ. Dòng vốn ngoại đầu tư vào thị trường tăng đáng kể so cùng kỳ, 8 tháng đầu năm, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng khoảng 259 triệu chứng khoán, tương ứng giá trị mua ròng 5.580 tỷ đồng, tăng 22,71% về khối lượng và 51,43% về giá trị so cùng kỳ.

Thị trường vàng trong nước tiếp tục ổn định, trật tự thị trường được đảm bảo. Đến ngày 11/9/2014 giá vàng trong nước ở mức 36,05 triệu đồng/lượng, tăng 3,68% so cuối năm 2013, chênh lệch giá vàng trong nước và giá vàng thế giới quy đổi khoảng 4 triệu đồng/lượng.

e) Du lịch: Trong 9 tháng đầu năm, tổng doanh thu dịch vụ lưu trú, nhà hàng và du lịch lữ hành ước đạt 67.388 tỷ đồng, tăng 8 % so cùng kỳ (cùng kỳ tăng 20%), đạt 72% kế hoạch năm 2014 (94.000 tỷ đồng); lượng khách quốc tế đến Thành phố ước đạt 3,1 triệu lượt, tăng 9 % so cùng kỳ (cùng kỳ tăng 3%), đạt 70% kế hoạch năm 2014 (4,4 triệu lượt); Các hoạt động phát triển sản phẩm, hợp tác phát triển du lịch tiếp tục được đẩy mạnh. Các sự kiện được nâng tầm với quy mô lớn hơn, nội dung phong phú, đa dạng và chú trọng chiều sâu.

Đã tổ chức thành công Hội chợ Du lịch quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh 2014 (ITE-HCMC) với chủ đề “Năm quốc gia - Một điểm đến”; số lượng gian hàng Hội chợ tăng 8 % và số hãng lữ hành quốc tế tham dự tăng 20 % so năm 2013; nét mới là việc tổ chức Lễ hội Thuyền đăng nhân dịp kỷ niệm 10 năm ITE-HCMC. Đây cũng là dịp quảng bá, giới thiệu về du lịch đường sông, một sản phẩm du lịch mang nét đặc trưng riêng có của Thành phố. Thành phố cũng đã tham dự và tổ chức hiệu quả nhiều hoạt động xúc tiến du lịch ở các thị trường nước ngoài như: Nhật Bản, các Tiểu Vương Quốc Ả rập Thống nhất, Malaysia, Singapore, Liên bang Nga…

Trước tình hình an ninh trật tự phức tạp về vấn đề Biển Đông trong thời gian qua đã làm ảnh hưởng đến việc thu hút khách du lịch đến Việt nam nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng. Thành phố đã kịp thời thực hiện Công điện của Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng Cục Du lịch đề nghị các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch đẩy mạnh quảng bá xúc tiến các hoạt động, nâng cao chất lượng dịch vụ, có phương án đảm bảo an ninh tuyệt đối cho du khách.

g) Doanh thu vận tải ước đạt 45.138,1 tỷ đồng, tăng 15% (cùng kỳ tăng 15,1%). Trong đó: doanh thu vận tải hàng hóa ước đạt 31.221,9 tỷ đồng, tăng 15,5% (cùng kỳ tăng 15,8%); doanh thu vận tải hành khách ước đạt 13.916,2 tỷ đồng, tăng 13,9% (cùng kỳ tăng 13,6%). Lượng hàng hóa thông qua cảng ước đạt 62.121,4 nghìn tấn, tăng 15,1% (cùng kỳ tăng 5,8%). Có 429,5 triệu lượt hành khách sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng, giảm 5,9% (cùng kỳ tăng 9,6%) và đạt 66,1% so kế hoạch (650 triệu lượt hành khách)[6].

Thành phố đã tổ chức đón tàu vận tải biển 50.000 tấn đầu tiên lưu thông theo luồng Soài Rạp vào Cảng Container Trung tâm Sài Gòn (SPCT). Việc đón tàu Container NORTHERN GENIUS tải trọng 54.020 DWT của Hãng tàu NYK Nhật Bản vào cảng SPCT qua luồng Soài Rạp thành công đã đánh dấu bước phát triển mới của hoạt động hàng hải trên địa bàn thành phố; giúp các phương tiện rút ngắn quãng đường gần 20 km, tiết kiệm hơn 01 giờ đồng hồ và nhiều chi phí khác so việc di chuyển qua luồng Lòng Tàu như hiện nay. Sau hơn 01 năm thi công, đến nay luồng sông Soài Rạp đã đạt độ sâu âm 9,5 m, chiều rộng của luồng đạt 120 m đoạn sông và 160 m đoạn ngoài biển. Việc hoàn thành dự án nạo vét luồng Soài Rạp giai đoạn 2 là bước ngoặt quan trọng trong hoạt động kinh tế biển Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, góp phần tăng tính cạnh tranh hàng hóa xuất, nhập khẩu của Việt Nam.

h) Bưu chính viễn thông và công nghệ thông tin: Tính đến tháng 9, tổng số thuê bao điện thoại di động ước đạt 14,58 thuê bao (giảm 8% so cùng kỳ do trong thời gian qua, đã triển khai quản lý chặt việc đăng ký thông tin thuê bao, giảm lượng SIM rác). Mật độ thuê bao (tính cả di động trả sau và cố định) ước đạt 166 máy/100 dân. Có 3.952 cơ sở kinh doanh dịch vụ Internet công cộng (giảm 2%) và 981.774 thuê bao Internet ADSL. Doanh thu bưu chính, viễn thông ước 24.571 tỷ đồng, tăng 25% so cùng kỳ; trong đó, doanh thu bưu chính ước 2.440 tỷ đồng (tăng 8%) và doanh thu viễn thông ước 22.131 tỷ đồng, tăng 27% so cùng kỳ. Doanh thu lĩnh vực công nghệ thông tin ước đạt 76.431 tỷ đồng (tăng 49% so cùng kỳ), trong đó sản xuất phần cứng ước đạt 53.086 tỷ đồng, doanh thu từ công nghiệp phần mềm và nội dung số ước đạt 23.345 tỷ đồng.

1.3. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI): tháng 9 ước tăng 1,13% so tháng trước (cùng kỳ tăng 3,13%) do chịu tác động của nhóm giáo dục tăng 19,02%, hầu hết các loại hình giáo dục của thành phố đồng loạt tăng học phí năm học 2014 - 2015 theo Nghị định số 49/2010/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2010 của Chính phủ và hướng dẫn Liên Sở số 2949/HDLS/GDĐT-TC của Sở Giáo dục và Đào tạo và Sở Tài chính. Nếu loại trừ yếu tố tăng giá của giáo dục thì chỉ số giá tiêu dùng tháng 9 giảm 0,03% so tháng trước. So tháng 12 năm 2013, chỉ số giá tiêu dùng tăng 2,41% (cùng kỳ tăng 4,43%).

1.4. Công nghiệp: Chỉ số phát triển công nghiệp tháng 9 ước tăng 0,5% so tháng trước, tăng 8,5% so cùng kỳ; 9 tháng đầu năm ước tăng 6,8% so cùng kỳ (cùng kỳ tăng 6,0%). Quy mô sản xuất công nghiệp Thành phố tiếp tục được mở rộng, cơ cấu nội bộ ngành công nghiệp tiếp tục có bước chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, giảm dần tỷ trọng ngành công nghiệp khai khoáng. Bốn ngành công nghiệp trọng yếu (cơ khí chế tạo, điện tử, hóa chất - cao su - nhựa và chế biến tinh lương thực thực phẩm) ước tăng 8% so cùng kỳ, cao hơn mức tăng chung của toàn ngành. Ngành cơ khí chế tạo có bước phát triển nhanh, đóng vai trò quan trọng vào sự phát triển các ngành kinh tế, ước tăng 19% so cùng kỳ. Ngành điện tử ước tăng 9,4% so cùng kỳ. Ngành hóa chất, cao su - nhựa ước tăng 3,3% so cùng kỳ. Ngành công nghiệp chế biến thực phẩm và đồ uống ước tăng 0,7% và từng bước chuyển sang tinh chế, những công nghệ sản xuất mới được ứng dụng đã cho ra đời những sản phẩm chất lượng cao, giá trị gia tăng lớn.

Thành phố tiếp tục thực hiện chương trình tiết kiệm điện năm 2014 nhằm tạo chuyển biến trong nâng cao ý thức sử dụng điện tiết kiệm. Sản lượng điện nhận tiêu thụ ước đạt 14.518,5 triệu kWh, tăng 4,58% so cùng kỳ; sản lượng điện thương phẩm cung cấp cho thành phố đạt 13.758,5 triệu kWh, đạt 72,41% kế hoạch năm 2014, tăng 4,29% so cùng kỳ. Sản lượng điện tiết kiệm 9 tháng ước đạt 340,18 triệu kWh, chiếm 2,47% điện thương phẩm, đạt 89,52% kế hoạch.

- Tình hình hoạt động đầu tư tại các khu chế xuất, khu công nghiệp: Công tác đầu tư xây dựng hạ tầng các khu chế xuất, khu công nghiệp; hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh nhà đầu tư; hạ tầng xã hội phục vụ tiện ích cho công nhân tiếp tục triển khai thực hiện. Tổng vốn đầu tư thu hút kể cả cấp mới và điều chỉnh 9 tháng đầu năm ước đạt 577,79 triệu đô-la Mỹ, đạt 105,05% kế hoạch, tăng 43,82% so cùng kỳ. Trong đó, vốn đầu tư nước ngoài đạt 296,97 triệu đô-la Mỹ, tăng 0,11% so cùng kỳ; vốn đầu tư trong nước đạt 280,82 triệu đô-la Mỹ, tăng 167,2% so cùng kỳ[7]. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 3,7 tỷ đô-la Mỹ, tăng 8,8% so cùng kỳ.

- Hoạt động của Khu Công nghệ cao: Thành phố đã tập trung thu hút đầu tư các lĩnh vực công nghệ cao và triển khai công tác nghiên cứu, đào tạo, ươm tạo phục vụ nhà đầu tư; tổ chức xúc tiến đầu tư gắn kết chặt chẽ với xây dựng hạ tầng, thu hồi đất, quy hoạch và bảo vệ môi trường. Đã cấp phép mới 04 dự án trong nước[8] với 333,3 triệu đô-la Mỹ vốn đầu tư; lũy kế đến nay có 80 dự án được cấp phép với 2,790 tỷ đô-la Mỹ vốn đầu tư[9]. Giá trị sản xuất 9 tháng đầu năm ước đạt 2,003 tỷ đô-la Mỹ, trong đó giá trị xuất khẩu ước đạt 1,992 tỷ đô-la Mỹ.

- Tổng số doanh nghiệp công nghệ thông tin đang hoạt động tại Khu Công viên phần mềm Quang Trung là 113 doanh nghiệp, tăng 3% so cùng kỳ. Tổng doanh thu 9 tháng năm 2014 ước đạt 2.340 tỷ đồng (tương đương 104,52 triệu đô-la Mỹ), tăng 18,5% so cùng kỳ. Giá trị xuất khẩu 9 tháng đầu năm 2014 ước đạt 60,4 triệu đô-la Mỹ, tăng 18,7% so cùng kỳ.

1.5. Nông nghiệp: Thành phố đã đẩy mạnh hoạt động khuyến nông, tổ chức chương trình chuyển giao các tiến bộ về giống và đẩy mạnh áp dụng công nghệ, cải tiến kỹ thuật trồng rau theo quy trình VietGAP, đặc biệt đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất hoa lan; phát triển mô hình nuôi cá cảnh,[10]…Giá trị sản xuất nông nghiệp ước đạt 10.340,8 tỷ đồng tăng 5,9% so cùng kỳ (cùng kỳ tăng 6%).[11] Cơ cấu kinh tế nông nghiệp tiếp tục chuyển dịch theo hướng nông nghiệp đô thị hiện đại, hiệu quả, bền vững; giảm diện tích trồng lúa một vụ, hiệu quả kém sang các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, phù hợp điều kiện Thành phố[12]. Đã đẩy mạnh Chương trình chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị, tiếp tục thực hiện Quyết định số 36/2011/QĐ-UBND và triển khai thực hiện Quyết định số 13/2013/QĐ-UBND ngày 20 tháng 3 năm 2013 của Ủy ban nhân dân Thành phố về khuyến khích chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp đô thị trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2013 - 2015[13].

Đã tăng cường kiểm tra tình hình dịch tễ đàn gia súc, gia cầm; vận chuyển, giết mổ, kinh doanh động vật, nhất là các khu vực giáp ranh giữa các quận - huyện trên địa bàn. Thành phố triển khai các biện pháp phòng, chống dịch một cách đồng bộ, nhanh chóng đảm bảo không xảy ra dịch bệnh gia súc, gia cầm, góp phần duy trì và phát triển ngành chăn nuôi. Tăng cường công tác phòng, chống cháy rừng, quản lý bảo vệ rừng, đặc biệt rừng phòng hộ, đặc dụng. Tính đến nay, tỉ lệ che phủ rừng đạt 16,43%, tỉ lệ che phủ rừng và cây xanh trên địa bàn thành phố đạt 39,6%.

- Kết quả thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới: Thành phố đã đẩy mạnh triển khai thực hiện Chương trình xây dựng mô hình nông thôn mới tập trung vào các công tác đầu tư xây dựng các công trình giao thông, thủy lợi, văn hóa - xã hội - y tế,.. tạo điều kiện thúc đẩy giao thương, phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần người dân, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động và thu hút doanh nghiệp đầu tư. Đã có 06/06 xã điểm đạt 19/19 tiêu chí[14]. Đối với 50 xã nhân rộng, đã có 22 xã đạt từ 14 - 18 tiêu chí, 26 xã đạt từ 9 - 13 tiêu chí và 02 xã đạt từ 5 - 8 tiêu chí.

Đề án xây dựng thí điểm mô hình nông thôn mới tại 6 xã thí điểm đã tạo sự đồng thuận, ủng hộ và phát huy sức dân trong quá trình xây dựng nông thôn mới; cơ sở hạ tầng phát triển đáp ứng nhu cầu sản xuất và dân sinh, góp phần thu hút đầu tư trong cộng đồng; đã xuất hiện các mô hình sản xuất có hiệu quả, phù hợp với nền nông nghiệp đô thị, có thể nhân rộng (như hoa lan, cây kiểng, cá cảnh…), khôi phục và phát triển ngành nghề nông thôn, góp phần nâng cao thu nhập; đời sống vật chất, tinh thần tại khu vực nông thôn không quá cách biệt so nội thành, nhân dân ngày một hưởng thụ nhiều hơn về đời sống văn hóa, môi trường xanh, sạch. Tại các xã thí điểm, các tiêu chí chủ yếu như: thu nhập, liên kết sản xuất, chuyển dịch lao động, quy hoạch, đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, xóa nhà tranh tre vách nứa … đã hoàn thành. Trình độ năng lực của đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp xã, ấp được nâng lên một bước.

- Tình hình hoạt động Khu Nông nghiệp Công nghệ cao: Tiếp tục triển khai các công tác chuẩn bị đầu tư các dự án: xây dựng Khu nuôi trồng thủy sản công nghệ cao tại Cần Giờ; dự án mở rộng tại chỗ 200 ha tại xã Phạm Văn Cội, huyện Củ Chi; dự án mở rộng về lĩnh vực chăn nuôi tại huyện Bình Chánh. Thành phố đã đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học để sản xuất giống cây, giống con chất lượng cao. 9 tháng đầu năm đã cung cấp cho thị trường hạt giống F1 chất lượng cao các loại, hơn 1.168 tấn thành phẩm (nấm rơm, dưa leo, dưa lưới, dưa leo thủy canh, bầu thủy canh, bí đao thủy canh, trái cây xử lý bằng công nghệ hơi nước nóng), 4.970 lít chế phẩm sinh học, nấm linh chi kiểng,… đạt doanh thu hơn 62,6 tỷ đồng.

1.6. Thu - chi ngân sách

a) Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn (không tính ghi thu ghi chi) ước thực hiện 9 tháng đầu năm 189.317 tỷ đồng, đạt 83,66% dự toán, tăng 15,66% so cùng kỳ. Trong đó: thu nội địa 101.390 tỷ đồng, đạt 81,63% dự toán, tăng 18,19% so cùng kỳ; thu từ dầu thô 23.626 tỷ đồng, đạt 86,54% dự toán, tăng 2,49% so cùng kỳ; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 64.300 tỷ đồng, đạt 85,96% dự toán, tăng 17,24% cùng kỳ.

Công tác thanh kiểm tra thuế tiếp tục thực hiện nghiêm túc, quyết liệt. Trong 8 tháng đầu năm đã thực hiện thanh tra, kiểm tra 10.107 doanh nghiệp với số truy thu thuế và phạt là 2.892 tỷ đồng, đưa nộp vào ngân sách nhà nước 1.447 tỷ đồng, giảm khấu trừ thuế giá trị gia tăng 196 tỷ đồng, giảm lỗ 5.218 tỷ đồng.

Nhìn chung, kết quả thu ngân sách nhà nước có sự chuyển biến tích cực. Hầu hết các chỉ tiêu thu đều đạt khá so dự toán và tăng cao hơn so cùng kỳ năm trước, đặc biệt thu từ khu vực kinh tế tăng 18,74% so cùng kỳ, cho thấy tình hình sản xuất kinh doanh có dấu hiệu phục hồi, các doanh nghiệp đã nỗ lực duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, đóng góp nguồn thu ngân sách nhà nước. Nguyên nhân tăng thu do: kinh tế thành phố giữ mức tăng trưởng ổn định; một số ngành, lĩnh vực tăng cao hơn so cùng kỳ; do thực hiện một số cơ chế, chính sách của nhà nước (thực hiện Thông tư số 187/2013/TT-BTC ngày 05 tháng 12 năm 2013 của Bộ Tài chính về việc các doanh nghiệp nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ nộp vào ngân sách nhà nước khoản lợi nhuận còn lại sau khi trích nộp các quỹ theo quy định của pháp luật; các khoản thuế thu nhập doanh nghiệp được gia hạn trong năm 2013 và đến hạn nộp trong quý I năm 2014; thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế, từ ngày 01 tháng 7 năm 2013, tất cả doanh nghiệp xuất nhập khẩu không còn được hưởng chế độ ân hạn nộp thuế); kim ngạch nhập khẩu của một số mặt hàng có thuế suất cao tăng cao so cùng kỳ; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, quyết liệt đôn đốc thu hồi nợ đọng. Về nguyên nhân giảm thu do: thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, từ năm 2014 thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp được giảm từ 25% xuống 22% (thuế suất phổ thông) và từ 25% xuống 20% (đối với doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ); thực hiện Nghị định hướng dẫn thi hành Luật số 45/2013/QH13 ngày 29/11/2013 về Luật đất đai (có hiệu lực từ ngày 01/7/2014). Theo lộ trình cắt giảm thuế quan khi cam kết gia nhập WTO và tham gia hiệp định thương mại tự do (FTA), thuế suất nhập khẩu của nhiều nhóm hàng tiếp tục được điều chỉnh giảm trong năm 2014, hầu hết mức thuế ưu đãi đặc biệt đã điều chỉnh bằng 0%, ảnh hưởng đến số thu từ hoạt động xuất nhập khẩu.

b) Tổng chi ngân sách địa phương (trừ tạm ứng) ước thực hiện 9 tháng đầu năm 2014 là 30.718 tỷ đồng, đạt 73,17% dự toán, tăng 2,64% so cùng kỳ. Trong đó: chi đầu tư phát triển 12.539 tỷ đồng (đạt 112,5% dự toán, tăng 31,06% cùng kỳ) (trong đó: chi trả vốn và lãi vay: 3.127 tỷ đồng, đạt 92,7% so dự toán, trong đó thực hiện hoàn trả tạm ứng vốn nhàn rỗi Kho bạc Nhà nước 2.350 tỷ đồng; chi đầu tư xây dựng cơ bản 9.412 tỷ đồng, đạt 59,3% kế hoạch đầu tư xây dựng được Ủy ban nhân dân Thành phố giao đợt 1 và đợt 2 theo Quyết định số 459/QĐ-UBND ngày 24/01/2014 và Quyết định số 4220/QĐ-UBND ngày 25/8/2014 (15.871,792 tỷ đồng, chưa kể vốn ODA) và tăng 5,52% so cùng kỳ; chi thường xuyên 17.694 tỷ đồng, đạt 59,98% dự toán, tăng 3,3% so cùng kỳ.

Thành phố đã phê duyệt bán nhà và chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất từ khi thực hiện Quyết định số 80/2001/QĐ-TTg (nay là Quyết định số 09/2007/QĐ-TTg) đến nay là 1.831 địa chỉ. Kết quả thực hiện với số tiền là 18.356,7 tỷ đồng (trong đó, Ủy ban nhân dân Thành phố phê duyệt bán nhà và chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất của khối quận-huyện là 1.220 địa chỉ và đã bán 297 địa chỉ (đạt 24,34%), thu được 1.659,254 tỷ đồng). Ngoài ra, đã thu hồi trên địa bàn quận - huyện 206/227 địa chỉ nhà đất, trong đó thu hồi để bán đấu giá 23/29 địa chỉ, thu hồi để xây dựng các công trình phúc lợi công cộng là 81/88 địa chỉ, thu hồi để chuyển giao cho đơn vị khác là 95/103 địa chỉ. Qua đó, góp phần huy động nguồn lực to lớn từ nhà đất để bổ sung nguồn vốn cho đầu tư phát triển và bổ sung nguồn thu cho ngân sách.

1.7. Đầu tư phát triển

a) Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội 9 tháng đầu năm ước thực hiện 131.286 tỷ đồng, tăng 6,1% so cùng kỳ (cùng kỳ tăng 3,3%). Ngày 25 tháng 8 năm 2014, Thành phố đã ban hành Quyết định số 4220/QĐ-UBND về điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư xây dựng nguồn vốn ngân sách thành phố (đợt 2) tổng điều chỉnh, bổ sung là 5.368,203 tỷ đồng. Tổng kế hoạch vốn đã giao từ đầu năm đến nay là 19.980,977 tỷ đồng (5.188,918 tỷ đồng vốn ODA và vốn đối ứng; 7.243,969 tỷ đồng vốn cho các công trình chuyển tiếp; 1.283,865 tỷ đồng vốn cho các công trình khởi công mới; 1.032,398 tỷ đồng kinh phí đền bù giải phóng mặt bằng các công trình trọng điểm của Thành phố; 2.852,169 tỷ đồng vốn phân cấp Ủy ban nhân dân quận - huyện).

Tổng số vốn ngân sách nhà nước của Thành phố đã giải ngân từ đầu năm đến 30 tháng 8 năm 2014 là 9.083,694 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 45,46% so kế hoạch đã giao 2 đợt là 19.980,977 tỷ đồng. Thành phố đã ban hành quyết định phê duyệt Đề án phát hành 3.000 tỷ đồng trái phiếu chính quyền địa phương năm 2014 để bổ sung nguồn chi đầu tư phát triển cho các công trình, dự án cấp bách, trọng điểm trên địa bàn Thành phố.

b) Đầu tư trong nước: Thành phố tiếp tục triển khai phục vụ đăng ký doanh nghiệp tại nhà cho doanh nghiệp có nhu cầu đăng ký thành lập mới doanh nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh, giúp hỗ trợ doanh nghiệp chuẩn bị đầy đủ hồ sơ đăng ký doanh nghiệp theo quy định mà không cần đến Sở Kế hoạch và Đầu tư. Trong 9 tháng đầu năm 2014 đã có gần 3.139 hồ sơ đăng ký thành công dịch vụ đăng ký doanh nghiệp tại nhà.

9 tháng đầu năm[15], có 16.981 doanh nghiệp được cấp phép thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 92.726 tỷ đồng (so cùng kỳ giảm 12% về số lượng doanh nghiệp và tăng 5% về vốn đăng ký). Ngoài ra, có 29.785 doanh nghiệp đăng ký thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh với số vốn bổ sung 94.072 tỷ đồng (so cùng kỳ tăng 11% về số lượng doanh nghiệp và tăng 5% về vốn bổ sung). Tính chung tổng vốn đăng ký và bổ sung là 186.798 tỷ đồng, tăng 5% so cùng kỳ.

08 tháng đầu năm 2014, có 17.149 doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động, khóa mã số thuế tại Cục Thuế Thành phố; có 4.206 doanh nghiệp tái hoạt động. Tính đến ngày 20 tháng 09 năm 2014, có 1.927 doanh nghiệp đã hoàn tất thủ tục giải thể tại Sở Kế hoạch và Đầu tư (bằng 11,3% số doanh nghiệp thành lập mới), tăng 7% so cùng kỳ.

c) Đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI): 9 tháng đầu năm 2014[16], có 310 dự án được cấp mới Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đầu tư đạt 2,64 tỷ đô-la Mỹ (so cùng kỳ giảm 6,1% về số dự án và tăng 256,6% về vốn). Ngoài ra, có 98 dự án điều chỉnh tăng vốn với tổng vốn đầu tư là 260,4 triệu đô-la Mỹ (so cùng kỳ giảm 1% về số dự án và giảm 58,1% về vốn điều chỉnh). Tính chung tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và điều chỉnh tăng vốn là 2,9 tỷ đô-la Mỹ, tăng 112,9% so cùng kỳ.

d) Vốn viện trợ phát triển (ODA): Thành phố đang quản lý 03 dự án đã hoàn thành, đang theo dõi trả nợ và 19 dự án đang triển khai thực hiện với tổng vốn đầu tư 119.827,703 tỷ đồng (98.466,994 tỷ đồng vốn ODA, 21.360,709 tỷ đồng vốn đối ứng). Ước giải ngân 9 tháng đầu là 5.730 tỷ đồng (5.065 tỷ đồng vốn ODA, đạt 126,5% kế hoạch; 665 tỷ đồng vốn đối ứng, đạt 69,2% kế hoạch).

đ) Thành phố tiếp tục triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu doanh nghiệp 100% vốn nhà nước giai đoạn 2012 - 2015. Đề án tái cơ cấu doanh nghiệp 100% vốn nhà nước giai đoạn 2012 - 2015 tiếp tục được triển khai có hiệu quả. Đến ngày 31/8/2014, có 14/14 doanh nghiệp đã được Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành Quyết định phê duyệt Đề án; 27/31 doanh nghiệp đã thông qua Tổ giúp việc và Tổ Công tác về Đề án tái cơ cấu doanh nghiệp giai đoạn 2013 - 2015. Đề án cổ phần hóa doanh nghiệp 100% vốn nhà nước giai đoạn 2013 - 2015 cũng tiếp tục thực hiện, Thành phố đã ban hành quyết định thành lập Ban Chỉ đạo cổ phần hóa cho 28/31 doanh nghiệp; quyết định cổ phần hóa và chọn thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp cho 28/31 doanh nghiệp; văn bản chọn tư vấn cổ phần hóa cho 26/31 doanh nghiệp; quyết định giao tài sản thực hiện cổ phần hóa cho 15 doanh nghiệp; quyết định xác định giá trị doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa cho 05 doanh nghiệp; quyết định phê duyệt phương án cổ phần hóa cho 04 doanh nghiệp.

Hiện nay có 108 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước trực thuộc Ủy ban nhân dân Thành phố. Tổng doanh thu 8 tháng đầu năm 2014 ước thực hiện 46.186 tỷ đồng, đạt 55,71% kế hoạch, giảm 16,26% so cùng kỳ. Lợi nhuận ước thực hiện 4.391 tỷ đồng, đạt 49,69% kế hoạch, giảm 13,21% so cùng kỳ. Nộp ngân sách 6.232 tỷ đồng, đạt 69,53% kế hoạch, tăng 18,1% so cùng kỳ.

e) Kinh tế tập thể: Thành phố tập trung triển khai thực hiện Kết luận số 56-KL/TW, Chỉ thị số 16-CT/TU của Thành ủy về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể. Tính thời điểm hiện nay[17], tổng số hợp tác xã là 4.278 tổ hợp tác, trong đó có 220 tổ hợp tác thành lập mới, tập trung vào các lĩnh vực nuôi trồng thủy hải sản, thương mại, dịch vụ, nông nghiệp, tín dụng... Có 537 hợp tác xã và 9 Liên hiệp Hợp tác xã trên địa bàn Thành phố. Trong đó, lĩnh vực Thương mại - dịch vụ có 104 hợp tác xã; lĩnh vực giao thông vận tải, bốc xếp có 175 hợp tác xã và 03 Liên hiệp hợp tác xã; lĩnh vực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và xây dựng có 76 hợp tác xã; lĩnh vực nông nghiệp có 61 hợp tác xã; lĩnh vực dịch vụ môi trường có 11 hợp tác xã.

1.8. Hoạt động hội chợ, triển lãm, xúc tiến đầu tư, thương mại: Thành phố đã đón tiếp và cung cấp thông tin cho 47 đoàn khách đầu tư đến từ các nước[18] với mục đích tìm hiểu về môi trường, cơ hội hợp tác kinh doanh và đầu tư trong các lĩnh vực thương mại, công nghiệp phụ trợ, kêu gọi đầu tư sản xuất tạo ra các sản phẩm công nghệ cao, công nghệ thông tin, chế biến thực phẩm, thủ tục đầu tư kinh doanh tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Các hội thảo xúc tiến thương mại và đầu tư được tổ chức theo chuyên đề, ngành và thị trường xuất khẩu, tiềm năng thu hút sự quan tâm, tham dự của nhiều doanh nghiệp; góp phần hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thông tin thị trường và tìm kiếm cơ hội hợp tác sản xuất kinh doanh[19]. Cổng thông tin điện tử Thương mại và Đầu tư (MIS) thường xuyên cập nhật thông tin dành cho khách mua hàng, nhà đầu tư nước ngoài và cổng dành cho nhà xuất khẩu; cập nhật các báo cáo về thị trường, tin tức về hoạt động xúc tiến của thành phố và các văn bản pháp luật mới ban hành[20]. Tiếp tục tổ chức đối thoại qua mạng và đối thoại trực tiếp thông qua Hệ thống “Đối thoại Doanh nghiệp - Chính quyền Thành phố” nhằm thông tin kịp thời các chủ trương, chính sách của Nhà nước đến doanh nghiệp, tháo gỡ các vướng mắc và khó khăn của doanh nghiệp[21].

Tiếp tục thực hiện Chương trình “Phiên chợ hàng Việt” nhằm phục vụ nhu cầu tiêu dùng tại các quận ven, huyện ngoại thành; đây cũng là một bộ phận của Chương trình hành động của Thành phố về Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn Thành phố; đã tổ chức 5 Phiên chợ hàng Việt trong 9 tháng đầu năm 2014 với 225 lượt doanh nghiệp tham gia, thu hút hơn 108.000 lượt khách tham quan, mua sắm và đạt tổng doanh thu hơn 11,8 tỷ đồng. Trong tháng 9, Thành phố triển khai Chương trình “Tháng khuyến mại” với nhiều sự kiện và phục vụ trong thời gian dài hơn so những năm trước; thu hút sự tham gia của 1.200 doanh nghiệp (tăng 41% về số lượng so năm 2013) và hơn 3.000 hộ kinh doanh cá thể với các hình thức khuyến mại hấp dẫn, đa dạng, phong phú tại khoảng 4.370 điểm bán hàng trong các chợ, cửa hàng, siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn thành phố (tăng 45,6% số lượng điểm bán so năm 2013).

Thành phố tiếp tục thực hiện Chương trình Hợp tác thương mại với các tỉnh, thành Đông - Tây Nam bộ nhằm xúc tiến hình thành các liên kết tạo nguồn hàng, phát triển hệ thống phân phối và chuỗi cung ứng hàng hóa sản xuất trong nước. Trong Hội nghị giao thương tổ chức vào tháng 8 năm 2014 tại tỉnh An Giang, Thành phố tham gia kết nối doanh nghiệp Thành phố và doanh nghiệp tinh ký kết mới 59 hợp đồng cung ứng tiêu thụ sản phẩm và 01 biên bản ghi nhớ.

Thành phố đã tổ chức Hội chợ và Hội thảo tại Campuchia 2014 trong tháng 4 và tại Myanmar trong tháng 6 nhằm quảng bá, xúc tiến tiêu thụ hàng Việt Nam và kết nối doanh nghiệp Việt Nam nói chung, doanh nghiệp Thành phố nói riêng với doanh nghiệp nước sở tại nhằm thiết lập mối quan hệ hợp tác sản xuất kinh doanh lâu dài. Hội chợ tại Campuchia đạt doanh thu khoảng 2,1 triệu đô-la Mỹ và tại Myanmar đạt doanh thu khoảng 2,5 triệu đô-la Mỹ. Doanh nghiệp đã tìm được đại lý phân phối hàng hóa tại Campuchia và Myanmar; riêng đối với thị trường mới, tiềm năng là Myanmar, thông qua Hội chợ, Hội thảo năm 2014 đã ký kết thêm 16 Biên bản ghi nhớ và 50 doanh nghiệp tìm được đại lý phân phối. Các hoạt động xúc tiến do Thành phố tổ chức tại Campuchia và Myanmar đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu của Thành phố với các thị trường này[22]. Đã tham gia Hội chợ Thương mại Việt - Lào 2014 tại Thủ đô Viêng Chăn (Lào); tổ chức đoàn doanh nghiệp tham dự Hội chợ Quốc tế sản phẩm Gia dụng và Dệt may tại Hong Kong - Trung Quốc. Lãnh đạo Chính quyền thành phố tham dự Đoàn Xúc tiến Đầu tư ngành Công nghệ Thông tin và Công nghệ Bán dẫn tại Hoa Kỳ, tham gia Hội chợ Triển lãm Công nghệ Bán dẫn SEMICON West 2014.

Nhờ những cải tiến và nỗ lực phục vụ sản xuất kinh doanh, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Thành phố năm 2013 đã tăng 3 bậc (từ hạng 12 tăng lên hạng 10) trong 63 tỉnh, thành phố do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam công bố. Riêng chỉ số cải cách hành chính Thành phố năm 2013 xếp hạng 9/63 tỉnh, thành phố (giảm 6 bậc so năm 2012) do Bộ Nội vụ công bố.

1.9. Khoa học và công nghệ: Thành phố đã tổ chức triển khai 420 đề tài, dự án khoa học (bao gồm chuyển tiếp từ năm 2013), trong đó xét duyệt 75 đề tài, giám định 148 đề tài, nghiệm thu 197 đề tài, dự án. Tổ chức kiểm tra tiến độ thực hiện 76 đề tài triển khai năm 2013. Nhận 454 hồ sơ đăng ký sơ tuyển đề tài nghiên cứu năm 2015, trong đó có 138 hồ sơ thuộc chương trình Vườn Ươm sáng tạo khoa học công nghệ trẻ. Ký hợp đồng giao nhiệm vụ cho nhóm nghiên cứu tế bào gốc thực hiện “Xây dựng chiến lược phát triển khoa học công nghệ tế bào gốc Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2015 - 2020, tầm nhìn đến năm 2025”. Tiếp tục thực hiện thí điểm hợp đồng đặt hàng nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ nhằm tháo gỡ những vướng mắc trong thủ tục thanh quyết toán các đề tài/dự án nghiên cứu khoa học. Hiện nay có 25 đề tài tham gia hình thức hợp đồng đặt hàng (mua sản phẩm nghiên cứu).

2. Quản lý đô thị

2.1. Quản lý quy hoạch : Đã tổ chức hội nghị công bố Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2631/QĐ-TTg ngày 31 tháng 12 năm 2013; đồng thời ban hành Kế hoạch số 1309/KH-UBND ngày 28 tháng 3 năm 2014 chỉ đạo các ngành, các cấp khẩn trương triển khai thực hiện Quy hoạch. Đã ban hành Quyết định số 2307/QĐ-UBND ngày 15 tháng 5 năm 2014 về phê duyệt danh mục lập các dự án quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, sản phẩm chủ yếu trên địa bàn; trong đó đã bổ sung 12 quy hoạch ngành, lĩnh vực, sản phẩm chủ yếu mới cần được thực hiện song song với các quy hoạch đang triển khai.

Thành phố đã chỉ đạo thành lập Tổ biên tập và bổ sung thành viên Tổ Công tác xây dựng Đề án thành lập Khu kinh tế đặc biệt của Thành phố. Việc thành lập Khu kinh tế đặc biệt của Thành phố là một trong những Đề án trọng điểm, chuẩn bị kế hoạch 5 năm giai đoạn 2016 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030 của Thành phố.

Đã công bố Quy chế quản lý kiến trúc - quy hoạch chung Thành phố Hồ Chí Minh theo Đồ án Quy hoạch chung Thành phố đã được Ủy ban nhân dân Thành phố phê duyệt tại Quyết định 1340/QĐ-UBND ngày 20/3/2014 để làm cơ sở công tác cấp giấy phép xây dựng trên toàn địa bàn. Xem xét việc ngưng, không lập, phê duyệt các nội dung thiết kế đô thị, đánh giá môi trường chiến lược và lập các Quy định quản lý theo các đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung các quận - huyện. Ban hành các Quy định quản lý theo đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2000, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết 1/500 đã được phê duyệt: các đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 Khu 3 - phía nam đường An Phú Đông; Khu 1,2 - phía bắc đường An Phú Đông; Khu 2 - phía nam phường Thạnh Xuân.

Đã hoàn thành thẩm định hồ sơ điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000 Khu công nghiệp Vĩnh Lộc; đang thẩm định Đồ án điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/2000 Khu công nghiệp Đông Nam Củ Chi, xã Bình Mỹ, Hòa Phú, huyện Củ Chi; hướng dẫn nhiệm vụ quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Khu dân cư và công nghiệp Lê Minh Xuân, xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh; xem xét xác định một số khu công nghiệp-cụm công nghiệp có thể bố trí công nghiệp hỗ trợ ngành da - giày, cao su, nhựa.

Hoàn thành thẩm định nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 trường Đại học Văn Lang tại Phường 5, quận Gò Vấp; đang thẩm định nhiệm vụ quy hoạch hệ thống các trường Đại học - Cao đẳng trên địa bàn Thành phố đến năm 2025; xem xét việc điều chỉnh quy hoạch chức năng quy hoạch để đầu tư xây dựng trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Quận 12 tại phường Hiệp Thành, Quận 12; hoàn tất thẩm định điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000 khu dân cư ngã ba Nhơn Đức, huyện Nhà Bè để làm cơ sở bố trí 2 trường đại học. Tiếp tục rà soát việc triển khai thực hiện Quyết định 37/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh quy hoạch mạng lưới các trường Đại học, Cao đẳng giai đoạn 2000 - 2020; hoàn thành thẩm định Đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000 Cụm y tế Tân Kiên, thuộc xã Tân Kiên và Tân Nhựt, huyện Bình Chánh.

Hướng dẫn điều chỉnh cục bộ Đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 Khu đô thị mới GS, phường Long Bình, Quận 9; đã thẩm định xong và hoàn tất hồ sơ Quy định quản lý theo đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 từ Khu I đến Khu VII và Khu IX của Khu đô thị Tây Bắc, huyện Củ Chi; xem xét việc điều chỉnh quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Lô S8 - Khu A thuộc Khu đô thị mới Nam Sài Gòn, góp ý thỏa thuận tổng mặt bằng và phương án kiến trúc công trình tại Lô H2 - Khu A, phường Tân Phong, Quận 7; chuẩn bị cho kế hoạch mời Cảng Antwerp (Bỉ) sang Thành phố Hồ Chí Minh để hỗ trợ tư vấn quy hoạch; ý kiến về mô hình tổ chức bộ máy và nhân sự đối với Công viên Khoa học và Công nghệ.

Tiếp tục phối hợp triển khai lập quy hoạch hệ thống đường ống xăng dầu đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; điều chỉnh quy hoạch hệ thống chợ - siêu thị - trung tâm thương mại tại các quận - huyện đến năm 2015; hoàn thành thẩm định nhiệm vụ quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 dự án Khu du lịch sinh thái Cù Lao Bà Sang. Đang thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 depot Đa Phước của tuyến đường sắt đô thị số 5, tại xã Đa Phước, huyện Bình Chánh; đang thẩm định hồ sơ nhiệm vụ quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Khu Cảng tổng hợp Quốc tế ITC tại phường Phú Hữu, Quận 9 (đang chờ chủ đầu tư nộp hồ sơ); tiếp tục triển khai đề án ngầm hóa hệ thống hạ tầng kỹ thuật; tiếp tục hoàn chỉnh kế hoạch thực hiện chương trình giảm ngập.

Đã tổ chức công bố công khai Đồ án thiết kế đô thị 3 trục đường: Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ (trục Đại lộ Đông - Tây cũ), đường Phạm Văn Đồng (trục Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài cũ) và Xa lộ Hà Nội và tiếp tục triển khai thực hiện thiết kế đô thị một số trục (Trường Sơn - Phan Đình Giót - Trần Quốc Hoàn) và khu vực khác trên địa bàn thành phố. Tổ chức thi tuyển phương án thiết kế “Quy hoạch tổng mặt bằng tỷ lệ 1/500 và thiết kế kiến trúc các công trình trong Khu trung tâm hành chính Thành phố”. Thực hiện “Chương trình hành động trong công tác bảo tồn cảnh quan kiến trúc đô thị trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2013 - 2015”. Thẩm định đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng nông thôn mới xã Thới Tam Thôn, xã Bà Điểm, xã Xuân Thới Sơn (huyện Hóc Môn); góp ý nội dung đồ án xây dựng nông thôn mới xã Tân Hiệp, xã Nhị Bình, xã Xuân Thới Đông, xã Đông Thạnh, xã Tân Thới Nhì (huyện Hóc Môn); góp ý quy hoạch xây dựng nông thôn mới xã Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh).

2.2. Quản lý xây dựng, chương trình nhà ở thành phố: 9 tháng đầu năm 2014, toàn Thành phố đã cấp 36.441 giấy phép xây dựng, với tổng diện tích sàn xây dựng là 9,497 triệu m2; phát triển 5,89 triệu m2 diện tích sàn xây dựng, đạt 73,5% so chỉ tiêu 8 triệu m2 mỗi năm, nâng diện tích nhà ở bình quân đầu người đạt 16,6 m2/người.

- Chương trình nhà ở tái định cư: Rà soát, cân đối, điều chuyển 6.427 căn hộ và nền đất trên địa bàn Thành phố cho các quận huyện; hướng dẫn, phối hợp giải quyết các vướng mắc liên quan đến tiếp nhận quỹ đất 630 nền đất từ việc hoán đổi từ đất do Nhà nước trực tiếp quản lý tại các dự án trên địa bàn quận, huyện; hướng dẫn, hỗ trợ giải quyết khó khăn, vướng mắc 32 dự án xây dựng nhà ở phục vụ tái định cư để đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình xây dựng 30.000 căn hộ tái định cư trên địa bàn Thành phố và chương trình 12.500 căn phục vụ tái định cư khu đô thị mới Thủ Thiêm; trình Ủy ban nhân dân Thành phố Kế hoạch triển khai Nghị định số 84/2013/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý và phát triển nhà ở tái định cư và Thông tư số 07/2014/TT-BXD ngày 20/5/2014 của Bộ Xây dựng; báo cáo Hội đồng nhân dân Thành phố về tình hình thực hiện Nghị quyết số 16/2012/NQ-HĐND liên quan đến giải quyết tái định cư cho các hộ tạm cư phát sinh trên địa bàn Thành phố; báo cáo Bộ Xây dựng kết quả kiểm tra công tác đầu tư xây dựng, quản lý chất lượng, quản lý sử dụng nhà ở tái định cư trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.

- Chương trình di dời, tháo dỡ, cải tạo và xây dựng mới chung cư cũ: Hoàn thành tháo dỡ chung cư 148 Nguyễn Đình Chiểu, Quận 3, với tổng diện tích sàn là 4.600 m2; khởi công đầu tư xây dựng dự án chung cư Khu A Nguyễn Kim, Quận 10 do Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn TNHH Một thành viên làm chủ đầu tư với quy mô 30 tầng, 02 hầm, 765 căn hộ; hoàn thành di dời 410 hộ dân và bố trí tái định cư cho 437 hộ dân tại Chung cư Lý Thường Kiệt phường 7, Quận 11.

- Chương trình nhà ở xã hội:

Về đầu tư xây dựng nhà lưu trú công nhân: Lập Kế hoạch và tổ chức kiểm tra định kỳ năm 2014 chất lượng nhà trọ do các hộ gia đình và cá nhân tự đầu tư xây dựng; tổng hợp, báo cáo về quỹ đất 48ha xây dựng nhà lưu trú công nhân theo Quyết định số 4372/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân Thành phố.

Về đầu tư xây dựng ký túc xá sinh viên: Nghiệm thu hoàn thành Dự án ký túc xá Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, với quy mô 14.300 m2 sàn, đáp ứng 1.776 chỗ và Dự án ký túc xá Trường Đại học Giao thông vận tải - cơ sở II, với quy mô 7.270 m2, đáp ứng 1.024 chỗ.

2.3. Tình hình thị trường bất động sản: Thành phố có khoảng 1.403 dự án phát triển nhà ở, với tổng diện tích đất 11.861,67 ha, tổng diện tích sàn xây dựng 51,307 triệu m2, quy mô 506.547 căn; trong tổng số 1.403 dự án nhà ở, có 426 dự án đã hoàn thành (30,36%); 201 dự án đang xây dựng (14,33%); 689 dự án đang ngưng triển khai (49,1%); 85 dự án đã thu hồi hoặc hủy bỏ chủ trương đầu tư (6,1%).

Trong tổng số 14.490 căn hộ tồn kho vào cuối năm 2012, đến nay đã bán được 6.981 căn (48,18%); trong đó, 9 tháng đầu năm 2014 giải quyết được 1.904 căn. Có 11 dự án xin chuyển đổi nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội. Thành phố đã chấp thuận 08 dự án đủ điều kiện được chuyển đổi từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội. Có 21 dự án nhà ở thương mại xin điều chỉnh căn hộ có diện tích lớn sang căn hộ có diện tích nhỏ. Thành phố đã cho phép điều chỉnh cơ cấu căn hộ của 09 dự án đủ điều kiện. Đối với dự án nhà ở đã chuyển đổi sang công trình dịch vụ, chủ đầu tư đang điều chỉnh quy hoạch và thiết kế cho phù hợp với công năng của bệnh viện.

Chương trình cho vay hỗ trợ nhà ở trên địa bàn, tính đến ngày 31 tháng 8 năm 2014 có 1.088 khách hàng đã ký hợp đồng tín dụng với ngân hàng thương mại, tổng hạn mức tín dụng đã ký kết là 1.248,09 tỷ đồng, trong đó có 866 khách hàng đã giải ngân 636,81 tỷ đồng, dư nợ hiện tại 620,39 tỷ đồng, trong đó có 203 khách hàng vay nhà ở xã hội, dư nợ là 62,14 tỷ đồng.

Tiếp tục triển khai Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 06 tháng 01 năm 2014 của Chính phủ phê duyệt quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm giai đoạn 2011 - 2015 của thành phố. Đã cấp 5.090 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho tổ chức; 30.306 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn Thành phố; ban hành 204 quyết định giao đất cho thuê đất với diện tích 618,8 ha, thu hồi 07 khu đất với diện tích 10,68 ha; tiến hành đấu giá 4 khu đất với diện tích 3.573 m2 tương đương giá trị khoảng 28,3 tỷ đồng nhằm tạo quỹ đất phục vụ đầu tư. Đã phê duyệt 24/24 hồ sơ quy hoạch sử dụng đất của các quận - huyện. Đã triển khai xây dựng kế hoạch lập bảng giá đất năm 2015; hoàn thành công tác xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý đất đai; tăng cường rà soát chỉnh lý biến động bản đồ địa chính trên địa bàn Thành phố theo Thông tư số 50/2013/TT-BTNMT ngày 27 tháng 12 năm 2013 và Thông tư số 25/2014/TT-BTNMT ngày 19 tháng 5 năm 2014 của Bộ Tài nguyên Môi trường[23].

2.4. Chương trình nước sạch cho sinh hoạt của nhân dân nội và ngoại thành: Công suất phát nước bình quân 9 tháng đầu năm 2014 ước đạt 1,567 triệu m3/ngày, tổng sản lượng nước sản xuất ước đạt 427,977 triệu m3, đạt 75,65% kế hoạch và bằng 101,28% so năm 2013. Ước gắn mới 23.000 đồng hồ nước, nâng tỷ lệ hộ dân đô thị được cấp nước sạch đạt 95,6%. Công suất cấp nước hiện hữu của các nhà máy và chất lượng nước cung cấp giữ ổn định; các dự án giảm thất thoát nước, thất thu Vùng 1 và các khu vực thí điểm đạt kết quả khả quan, giảm lượng nước rò rỉ, kéo giảm tỷ lệ nước thất thoát còn 33,03%.

Chương trình nước sinh hoạt cho nhân dân ngoại thành: Quản lý khai thác 123 trạm cấp nước tập trung, phục vụ nước sinh hoạt cho 352.328 hộ dân ngoại thành. Đến nay tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 96%.

2.5. Công trình xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm: Từ đầu năm đến nay, đã chi trả bồi thường 160 tỷ đồng cho 581 hồ sơ; lũy kế đến nay đã chi trả bồi thường 17.223,7 tỷ đồng với diện tích đất bồi thường 715,9 ha/719,9 ha (đạt 99,44% tổng diện tích bao gồm cả diện tích giao thông, sông rạch). Còn 117 hồ sơ có diện tích 10,3 ha chưa thu hồi mặt bằng. Tổng quỹ căn hộ, nền đất giao cho Quận 2 đến nay là 2.878 căn hộ chung cư và 1.512 nền đất. Thành phố đã ban hành Quyết định phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 khu phức hợp Tháp quan sát (khu 2b); phê duyệt quy hoạch chi tiết và điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị tỷ lệ 1/500 Khu nhà thấp tầng (Khu II ) thuộc khu dân cư phía Nam đường Mai Chí Thọ trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm; đang tiến hành thủ tục phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Khu 2a - Khu lõi trung tâm. Ngoài ra, Dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu dân cư phía Bắc tại Khu chức năng số 3, 4 (bao gồm hạng mục mở rộng đường Bắc - Nam nối cầu Thủ Thiêm 1 đến đường Mai Chí Thọ), Quảng trường trung tâm và công viên đã được Thủ tướng Chính phủ có văn bản đồng ý chủ trương thực hiện theo hình thức hợp đồng BT, Ban Quản lý Khu Thủ Thiêm đang phối hợp với các Sở, ngành liên quan hoàn chỉnh các bước thủ tục theo quy định để tiến hành thực hiện. Đã tiếp và cung cấp thông tin cho 60 nhà đầu tư trong và ngoài nước đến tìm hiểu về quy hoạch và cơ hội hợp tác, đầu tư vào dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

3. Văn hóa - giáo dục, thực hiện các chính sách xã hội

3.1. Văn hóa, thể dục, thể thao và thông tin, truyền thông

a) Hoạt động văn hóa - nghệ thuật diễn ra sôi nổi với nhiều chương trình biểu diễn đặc sắc: Các hoạt động lễ hội được tổ chức trang trọng, có ý nghĩa sâu sắc với nhiều nội dung mới, phong phú, hình thức đa dạng; nhiều chương trình, sự kiện được tổ chức với quy mô lớn, thu hút đông đảo công chúng trong cũng như ngoài nước đến thưởng lãm nhằm tuyên truyền, cổ động chính trị, giáo dục lòng yêu nước, truyền thống lịch sử của dân tộc như: Lễ hội đón chào năm mới 2014, Lễ hội đón giao thừa Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014, kỷ niệm 225 năm Ngày Chiến thắng Đống Đa lịch sử, 84 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương; các hoạt động kỷ niệm 124 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, 103 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước, 39 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước 30/4 và lần thứ 128 năm Ngày Quốc tế Lao động 1/5, 124 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, 69 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9…[24]

Thành phố đã ban hành kế hoạch tổ chức trang trí đèn nghệ thuật và Đường Hoa Tết Ất Mùi 2015. Đường Hoa Tết Ất Mùi 2015 thực hiện trên tuyến đường Hàm Nghi, đoạn từ đầu đường tiếp giáp với Công viên Quách Thị Trang đến ngã tư Hồ Tùng Mậu - Hàm Nghi. Riêng Đường Sách Tết Ất Mùi 2015 thực hiện tại đoạn đường Hàm Nghi, từ đường Hồ Tùng Mậu đến đường Tôn Đức Thắng. Đã ban hành kế hoạch tổ chức các hoạt động kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2015).

Thành phố đã củng cố kiện toàn nhân sự và xây dựng Quy chế tổ chức hoạt động của Ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” từ thành phố đến quận - huyện, phường - xã; phối hợp kiểm tra việc tổ chức công nhận phường đạt chuẩn văn minh đô thị, xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới năm 2014; xây dựng thí điểm 02 thư viện xã đạt tại Bưu điện văn hóa xã (xã Nhuận Đức và xã Phú Mỹ Hưng - huyện Củ Chi)[25]. Đã phối hợp Hội Dân tộc tham gia thực hiện dự án “Kiểm kê khoa học về phong tục, tập quán, lễ nghi của đồng bào Kinh, Hoa và các dân tộc khác”; phối hợp với Hội Di sản văn hóa tổ chức giao lưu đờn ca tài tử chủ đề “Tình yêu trong chiến tranh qua bài bản Đờn ca tài tử”.

Công tác quản lý các dịch vụ văn hóa, đã tiến hành kiểm tra, xử lý 343 tổ chức, cá nhân vi phạm trong hoạt động kinh doanh dịch vụ văn hóa - xã hội và du lịch trên địa bàn thành phố với tổng số tiền phạt 5,9 tỷ đồng.

b) Lĩnh vực thể dục, thể thao: Hoạt động thể thao quần chúng được tổ chức với nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Các quận, huyện đã chủ động phối hợp cùng các đơn vị tổ chức hơn 100 giải thể thao, trò chơi vận động và biểu diễn Lân - Sư - Rồng chào mừng các ngày lễ lớn. Công tác tổ chức giải ở quận, huyện được triển khai đúng tiến độ, nhiều hoạt động thể thao dành cho cộng đồng được tổ chức dưới hình thức xã hội hóa thu hút sự quan tâm và số lượng người tham dự đông đảo (như Vòng chung kết giải Thể thao Sinh viên Việt Nam, cuộc đua xích lô từ thiện năm 2014 Saigon Cyclo Challenge 2014”, chương trình chạy bộ năm 2014 “RMIT Vietnam Fun Run 2014”, giải bán Marathon “Cuộc đua mùa xuân” năm 2014, Festival bóng rổ trường học năm 2014).

Đại hội Thể dục thể thao Thành phố lần VII năm 2014 đã kết thúc thành công với 29 môn thể thao thu hút hơn 136.000 vận động viên tham gia. Thể thao thành tích cao đã đạt thành tích ở các giải thể thao toàn quốc, đặc biệt ở Đại hội Thể dục thể thao toàn quốc lần VII và các giải thể thao quốc tế như Asiad 17 (Incheon, Hàn Quốc), Youth Olympic Games 2 (Nam Kinh, Trung Quốc)[26].

c) Hoạt động báo chí, truyền thanh, truyền hình đã tích cực thông tin, tuyên truyền về các chính sách, chủ trương của Nhà nước, của Đảng bộ, Chính quyền Thành phố, góp phần ổn định tư tưởng và dư luận xã hội, động viên mọi người cùng chung sức, chung lòng xây dựng, phát triển thành phố, xây dựng đất nước. Nội dung tuyên truyền về biển, đảo (đặc biệt từ đầu tháng 5 đến nay đã tập trung tuyên truyền về chủ quyền Hoàng Sa - Trường Sa trước sự kiện Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương - 981 nằm sâu trong thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam), vận động Quỹ "Vì trường sa thân yêu - vì tuyến đầu tổ quốc"; về cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; các thành tựu về công tác nhân quyền của Thành phố Hồ Chí Minh; triển khai Đề án “Tuyên truyền, giáo dục phẩm chất, đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước (giai đoạn 2010 - 2015) trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh”; về trật tự an toàn giao thông năm 2014 và Kế hoạch triển khai chiến lược quốc gia đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường bộ,…

3.2. Giáo dục và đào tạo: Ngành giáo dục Thành phố đã hoàn thành nhiệm vụ năm học 2013 - 2014 ở các ngành học, bậc học. Đã tổ chức kỳ thi tuyển vào lớp 10 (năm nay tất cả 24 quận-huyện phải thi không xét tuyển), đã có 60.984 thí sinh đăng ký dự thi (trong đó có 7.525 thí sinh dự thi trường chuyên). Tổ chức tốt kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm học 2013 - 2014, toàn thành phố có 65.795 thí sinh dự thi (trong đó có 8.247 học sinh khối Giáo dục thường xuyên). Tỷ lệ tốt nghiệp hệ trung học phổ thông đạt 97,95% (giảm 0,99% so năm học 2012 - 2013).

Thành phố tiếp tục triển khai Chiến lược phát triển giáo dục 2011 - 2020 và Kết luận số 51-KL/TW ngày 29 tháng 10 năm 2012 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về Đề án “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”. Thành phố đã ban hành kế hoạch huy động trẻ đến trường và tuyển sinh vào các lớp đầu cấp năm học 2014-2015[27].

Đang thẩm định Đề án “Đổi mới dạy và học các môn Toán, khoa học và tiếng Anh theo chuẩn tiên tiến dựa trên phương pháp tích hợp chương trình quốc gia Anh và chương trình Việt Nam”. Tổ chức thành công “Ngày hội Giáo dục phát triển Thành phố Hồ Chí Minh-năm 2014”; triển khai Hội thảo Đề án “Sách giáo khoa điện tử lớp 1, 2, 3”.

Tiếp tục triển khai Đề án đào tạo bồi dưỡng cán bộ quản lý và giáo viên ngành giáo dục và đào tạo Thành phố đến năm 2020. Quan tâm thực hiện các chính sách ưu đãi về vật chất và tinh thần, tạo động lực cho cán bộ quản lý và giảng dạy, đảm bảo đủ đội ngũ hoạt động tại đơn vị. Năm 2014 có 24 nhà giáo được đề xuất danh hiệu Nhà giáo nhân dân - Nhà giáo ưu tú.

Thành phố đang tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết Hội đồng nhân dân Thành phố về Đề án hỗ trợ giáo dục mầm non giai đoạn 2014 - 2020. Tình hình trường, nhóm, lớp mầm non đang hoạt động ổn định[28], có sự giám sát kiểm tra của địa phương và của ngành; qua đó kịp thời chấn chỉnh, hướng dẫn các đơn vị có nhu cầu về nghiệp vụ chăm sóc và an toàn cho trẻ; tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho các đơn vị, quận, huyện trên toàn Thành phố. Từ đầu năm đến nay đã hoàn thành 05 dự án đưa vào sử dụng[29]; đang triển khai thi công 11 dự án[30].

Huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng mới, mở rộng mạng lưới trường lớp theo quy hoạch; tăng cường đầu tư trang thiết bị, đồ dùng dạy học hiện đại; tăng số trường đạt chuẩn quốc gia, trường chất lượng cao. Quy mô ngành giáo dục Thành phố năm học 2014-2015 với 2.124 trường, tăng 108 trường so năm học 2013-2014 với 1,52 triệu học sinh. Số phòng học đưa vào sử dụng năm học 2014-2015 là 1.527 phòng (156 phòng khối mầm non; 620 phòng khối tiểu học; 401 phòng khối trung học cơ sở; 235 phòng khối trung học phổ thông; 25 phòng khối giáo dục thường xuyên; 30 phòng khối trường chuyên biệt).

Công tác xã hội hóa giáo dục luôn được quan tâm và có sự chuyển biến rõ nét. Quy mô giáo dục ở các ngành học, cấp học tiếp tục phát triển. 24/24 quận, huyện đã được Bộ Giáo dục - Đào tạo tổ chức kiểm tra và công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Đã sơ kết việc phối hợp giữa Sở Giáo dục và Đào tạo với Hội Nông dân thành phố trong công tác xoá mù chữ, phổ cập giáo dục và dạy nghề cho nông dân. Tổ chức thành công Ngày hội thể thao cho học sinh khuyết tật thành phố; giải vô địch thể thao học sinh cấp trường và cấp quận, huyện.

3.3. Y tế và chăm sóc sức khỏe cộng đồng: Bước đầu thực hiện có kết quả Đề án giảm tải các bệnh viện, Thành phố: cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh; triển khai Đề án bệnh viện vệ tinh tại 12 bệnh viện thuộc 08 tỉnh khu vực phía Nam[31]. Thực hiện đề án luân chuyển cán bộ y tế 2 đợt trong năm 2014 vào ngày 04/12/2013 và 03/07/2014, cử 46 cán bộ y tế bệnh viện tuyến Thành phố thực hiện hỗ trợ luân phiên tại các bệnh viện quận - huyện[32], cử 5 bác sĩ Bệnh viện Nhân Ái thực hiện hỗ trợ nhân lực cho 5 trung tâm thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội[33]. Các chuyên khoa được hỗ trợ như: Hồi sức cấp cứu; Ngoại tổng quát; Ngoại chấn thương chỉnh hình; Nhi khoa; Nội tổng quát; Sản; Nhiễm; Mắt; Tai Mũi Họng; Chấn thương chỉnh hình. Đã thành lập nhiều phòng khám vệ tinh[34], khoa vệ tinh[35], chuyển giao gói kỹ thuật chuyên môn nhằm nâng cao công tác khám chữa bệnh cho bệnh viện tuyến dưới.

Thành phố đã chấn chỉnh việc áp thầu thuốc (làm lợi cho nhân dân, cho quỹ bảo hiểm y tế 1.300 tỷ đồng) và đấu thầu thuốc, đã tiếp tục giảm giá thuốc vào các bệnh viện (tiếp tục làm lợi 1.300 tỷ đồng nữa); cả 2 đợt là 2.600 tỷ đồng; chuẩn bị đấu thầu tập trung trang thiết bị y tế và vật tư tiêu hao ngành y tế trong tháng 9 năm 2014.

Từ đầu năm đến nay[36], số ca tay chân miệng nhập viện điều trị là 5.933 ca, tăng 27,18% so cùng kỳ (5.933 ca/4.665 ca), không có trường hợp tử vong; Ngành y tế Thành phố đã có nhiều nỗ lực trong điều trị nhằm hạn chế tỷ lệ tử vong, thực hiện tuyên truyền biện pháp phòng bệnh “Thường xuyên rửa sạch tay bằng nước và xà bông là biện pháp đơn giản, hiệu quả để phòng nhiều bệnh nguy hiểm”. Có 4.227 ca sốt xuất huyết, tăng 99 ca (2,39%) so cùng kỳ, tử vong 3 ca[37] (cùng kỳ có 3 trường hợp tử vong); Thành phố triển khai thực hiện chiến dịch “Vệ sinh khử khuẩn, vệ sinh môi trường, diệt muỗi, diệt lăng quăng phòng ngừa dịch bệnh trên địa bàn thành phố”. Thành phố cũng đã tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát, chỉ đạo, hỗ trợ công tác phòng, chống dịch bệnh tại 24 quận-huyện, tập trung vào những quận-huyện có số ca mắc bệnh cao như huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Quận 8, Bình Thạnh, Tân Phú... Kiểm soát chặt chẽ các ca nhiễm trong các trường mầm non và các nhóm trẻ gia đình; khẩn trương xử lý các ổ dịch nhỏ, các ca bệnh lẻ tẻ theo hướng dẫn của Bộ Y tế về giám sát và phòng chống bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng.

Đã xảy ra 2.507 trường hợp nhập viện vì bệnh sởi, không có trường hợp tử vong. Thành phố đã thực hiện tiêm bổ sung vắc xin sởi cho trẻ từ 9 tháng đến 36 tháng; triển khai chiến dịch tiêm vét vắc xin sởi bổ sung cho trẻ từ 3 đến 10 tuổi; đã chỉ đạo các bệnh viện thành lập đội điều trị cơ động, phân mức độ điều trị giữa các tuyến bệnh viện, nhằm giảm ca bệnh tập trung quá đông ở bệnh viện tuyến cuối.

Có 2 trường hợp tử vong do bệnh tiêu chảy cấp tại huyện Bình Chánh[38]. Đã thực hiện kiểm tra giám sát, theo dõi diễn tiến ổ dịch nhằm phát hiện kịp thời ca bệnh mới trong khu vực; giám sát, lấy mẫu tất cả các nguồn nước ăn uống, sinh hoạt và giám sát tình hình vệ sinh môi trường tại khu vực trên; điều tra thêm các khu vực có nguy cơ như trên tại địa bàn xã Lê Minh Xuân, có các biện pháp xử lý phòng ngừa không để bịch bệnh bùng phát; tiếp tục tăng cường công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe đến từng hộ gia đình để phòng tránh bệnh.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh do vi rút Ebola gây ra tại các quốc gia vùng Tây Phi, Thành phố đang tích cực triển khai các biện pháp nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh vì đây là căn bệnh nguy hiểm, tốc độ lây truyền nhanh, tỷ lệ tử vong cao, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc xin phòng bệnh[39]. Thành phố đang theo dõi, cập nhật thường xuyên thông tin, diễn biến của dịch bệnh; tăng cường thực hiện công tác giám sát, kiểm tra, phòng chống vi rút Ebola, đặc biệt là tại các khu vực cửa khẩu, sân bay, các quận - huyện có nhiều người nước ngoài nhập cư, du lịch hoặc chuyển đến từ vùng có nguy cơ cao. Từ ngày 11 tháng 08 năm 2014, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đã tăng cường việc giám sát thân nhiệt hành khách nhập cảnh vào Việt Nam và thực hiện tờ khai y tế đối với những hành khách lưu trú tại 4 quốc gia (Guinea, Liberia, Sierra Leone và Nigeria) đang có dịch Ebola bùng phát mạnh; thực hiện diễn tập phòng, chống Ebola tại Sân bay Tân Sơn Nhất vào ngày 17/8/2014 do Bộ Y tế tổ chức. Ngoài ra, Thành phố đã chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương xây dựng kế hoạch ứng phó, bố trí đầy đủ phòng cách ly, hóa chất, trang thiết bị dự phòng khi có dịch xảy ra; tăng cường thông tin, tuyên truyền đến người dân để chủ động phòng, chống dịch bệnh. Chuẩn bị khu vực cách ly điều trị để có thể đưa vào cách ly ngay khi phát hiện ca nghi ngờ nhiễm Ebola; Bệnh viện Bệnh nhiệt đới phối hợp Bệnh viện Nhi đồng 1, Nhi đồng 2 tổ chức tập huấn cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập và ngoài công lập trên địa bàn Thành phố về chẩn đoán phát hiện sớm, điều trị cách ly, chuyển viện kịp thời.

Cơ sở vật chất, đội ngũ y bác sĩ luôn được tập trung ưu tiên nhằm đảm bảo chất lượng khám chữa bệnh phục vụ người dân. Ước 9 tháng đầu năm, Thành phố đạt 14,5 bác sĩ trên một vạn dân, 33,7 điều dưỡng trên một vạn dân, 43 giường bệnh trên một vạn dân (đạt kế hoạch đề ra); tỷ lệ xã có trạm y tế đạt 100%; tỷ lệ trạm y tế phường - xã có bác sĩ đạt 100%; tỷ lệ tử vong trẻ em dưới 5 tuổi <9‰; tỷ lệ suy dinh dưỡng của trẻ em dưới 5 tuổi < 8%.

Công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình đã được Thành phố thực hiện tốt với mô hình Tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân; đề án sàng lọc trước sinh, sàng lọc sơ sinh, mất cân bằng giới tính khi sinh; điểm tư vấn sức khỏe sinh sản - Tiền hôn nhân; tổ chức các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức về bình đẳng giới trong đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, người lao động và người dân trên địa bàn nhằm duy trì và đảm bảo cân bằng về tỷ số giới tính khi sinh; tỷ lệ sinh 9 tháng đầu năm ở mức 13,02‰ (đạt kế hoạch đề ra, kế hoạch 14,02‰).

Đã tiến hành xử lý vi phạm hành chính 191 cơ sở hành nghề y với tổng số tiền phạt 3,121 tỷ đồng; 559 cơ sở hành nghề dược với tổng số tiền phạt 2,973 tỷ đồng; xử phạt 996 cơ sở vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm. Từ đầu năm đến nay, xảy ra 03 vụ ngộ độc thực phẩm[40] với 412 người mắc, không có trường hợp tử vong. Thành phố tiếp tục triển khai công tác khảo sát, tập huấn, hướng dẫn các cơ sở tham gia chuỗi thực phẩm an toàn, hạn chế tình trạng ngộ độc thực phẩm.

3.4. Công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm: Đào tạo nghề theo hướng xã hội hóa tiếp tục phát triển, tăng số lượng và hiệu quả ở các cấp độ đào tạo. Từ đầu năm đến nay, đã cấp 18 giấy chứng nhận đăng ký hoạt động dạy nghề mới và 27 giấy chứng nhận đăng ký bổ sung hoạt động dạy nghề đối với các hồ sơ đủ điều kiện theo quy định; số lượng tuyển mới dạy nghề đạt 320.603 người[41]; hướng dẫn các trường điều chỉnh bổ sung và hoàn chỉnh dự án hỗ trợ đầu tư nghề trọng điểm theo chương trình Mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011 - 2015. Đã thực hiện thanh tra, kiểm tra hoạt động dạy nghề của 06 cơ sở dạy nghề và kiểm tra, cấp lại giấy phép đào tạo lái xe cho 06 đơn vị trên địa bàn thành phố; tổ chức Hội thi tay nghề trẻ Thành phố Hồ Chí Minh năm 2014; cử đoàn cán bộ, chuyên gia và 54 thí sinh tham gia kỳ thi tay nghề cấp Quốc gia năm 2014[42]. Sơ kết 03 năm (2011 - 2013) thực hiện Chương trình nâng cao chất lượng đào tạo nghề Thành phố Hồ Chí Minh; hoàn thành đề cương chi tiết Dự án “Quy hoạch phát triển dạy nghề Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025”. Báo cáo tình hình thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn” theo Quyết định 1956 và tình hình kinh phí đầu tư thiết bị dạy nghề thuộc Dự án “Đổi mới và phát triển dạy nghề” giai đoạn 2011 - 2014.

9 tháng đầu năm 2014[43], Thành phố đã giải quyết việc làm 218.418 lượt người, đạt 82,42% kế hoạch, tăng 0,84% so cùng kỳ; trong đó lao động có việc làm ổn định là 125.193 người; tạo ra 87.971 chỗ làm mới, đạt 73,3% kế hoạch, tăng 0,35% so cùng kỳ. Đã xét duyệt 257 dự án vay vốn sản xuất kinh doanh từ quỹ hỗ trợ đào tạo và giải quyết việc làm cho người bị thu hồi đất để thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn Thành phố, giải quyết việc làm cho 2.167 lao động với tổng số tiền 19,117 tỷ đồng; hỗ trợ học phí, đào tạo nghề và sinh hoạt phí cho 601 lượt học với số tiền 433 triệu đồng. Xét duyệt 1.184 dự án từ Quỹ quốc gia về việc làm, giải quyết việc làm cho 3.843 lao động với số tiền 52,812 tỷ đồng[44].

Tình hình hoạt động doanh nghiệp có nhiều khởi sắc, có 82.541 lao động đăng ký thất nghiệp, giảm 7,91% so cùng kỳ. Đã tư vấn việc làm 78.152 người, hỗ trợ học nghề 6.370 người. Đã xảy ra 61 vụ tranh chấp tập thể với 17.525 người lao động tham gia (giảm 18 vụ và 7.232 người tham gia so cùng kỳ); trong đó có 32 vụ tranh chấp lao động ở khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Thành phố đã chỉ đạo quận - huyện nắm thông tin kịp thời, phát hiện giải quyết tranh chấp có thể xảy ra tại các doanh nghiệp, không để tình trạng lây lan ảnh hưởng xấu đến môi trường đầu tư và an toàn trật tự xã hội.

3.5. Về công tác giảm nghèo, tăng hộ khá và bảo đảm an sinh xã hội

Công tác giảm nghèo, tăng hộ khá đã được Thành phố thực hiện với nhiều giải pháp hiệu quả, hỗ trợ kịp thời cho đối tượng nghèo. Quỹ xóa đói giảm nghèo Thành phố đang trợ vốn 30.616 hộ với 222,073 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 1.714 lao động nghèo. Thành phố đã giới thiệu việc làm cho 8.055 lao động nghèo, đào tạo nghề ngắn hạn cho 1.191 người nghèo. Tổng số hộ nghèo có thu nhập từ 16 triệu đồng/người/năm trở xuống theo chuẩn nghèo của Thành phố là 83.270 hộ[45], chiếm 4,56% tổng hộ dân Thành phố; tổng số hộ cận nghèo có thu nhập trên 16-21 triệu đồng/người/năm trở xuống là 49.705 hộ, chiếm 2,72% tổng hộ dân Thành phố[46].

Thành phố đã tổ chức Hội nghị công bố Quyết định công nhận Quận 5 hoàn thành mục tiêu Chương trình giảm nghèo tăng hộ khá giai đoạn 2014 - 2015 trước thời hạn 01 năm. Đây là quận đầu tiên tại Thành phố hoàn thành mục tiêu giảm nghèo tăng hộ khá trong giai đoạn mới không còn hộ có thu nhập bình quân 16 triệu đồng/người/năm trở xuống.

Thành phố đã công nhận mới 2.586 hồ sơ diện chính sách có công theo Nghị định 31/CP ngày 09 tháng 4 năm 2013 của Chính phủ[47]. Tổ chức các hoạt động đền ơn đáp nghĩa chăm lo cho diện chính sách trên địa bàn thành phố nhân Kỷ niệm 67 năm Ngày Thương binh Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2014)[48].

Tiếp tục triển khai có hiệu quả các chương trình, kế hoạch liên quan đến bảo vệ và chăm sóc trẻ em như Chương trình hành động vì trẻ em giai đoạn 2013 - 2020; Kế hoạch phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em giai đoạn 2014 - 2015; kế hoạch thực hiện Chương trình hỗ trợ phẫu thuật tim cho trẻ em bị bệnh tim bẩm sinh giai đoạn 2014 - 2015[49].

Tổ chức 38 lớp đào tạo, tập huấn, nói chuyện chuyên đề về giới và bình đẳng giới; 03 buổi Hội thảo về Tham vấn kinh nghiệm thực hiện công tác bình đẳng giới, hoạt động vì sự tiến bộ của phụ nữ - Chủ đề “Tiếng nói người trong cuộc”, Tham vấn “Giải pháp triển khai thực hiện các dự án, mô hình bình đẳng giới trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh năm 2014” và “Chia sẻ kinh nghiệm truyền thông về bình đẳng giới”. Tổ chức Hội nghị sơ kết 03 năm triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về Bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020” và 02 năm triển khai thực hiện “Chương trình quốc gia về Bình đẳng giới năm 2012 và 2013” trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.

Thực hiện hiệu quả công tác giáo dục pháp luật, truyền thống, chính trị tư tưởng, đạo đức lối sống, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh cho thanh niên Thành phố; đã tổ chức hội thi “Tuổi trẻ học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; tổ chức 1.229 diễn đàn “Nghe thanh niên nói - Nói thanh niên nghe”; triển khai chương trình “Chung sức bảo vệ chủ quyền biển Đông”[50]; đẩy mạnh chương trình “Thắp sáng ước mơ tuổi trẻ Việt Nam”[51].

4. Tình hình trật tự an toàn xã hội

a) Vi phạm kinh tế và môi trường: Hoạt động của tội phạm vi phạm về kinh tế có thay đổi về phương thức, thủ đoạn và có sự tổ chức, liên kết móc nối với nhau, lợi dụng sơ hở trong cơ chế quản lý, điều hành và kiểm soát của cơ quan chức năng để hoạt động. Nổi lên là việc gian lận thương mại phức tạp và tinh vi, kê khai hàng hóa không đúng trên tờ khai Hải quan để buôn lậu, lừa đảo chiếm đoạt tiền hoàn thuế. Thành phố đã chỉ đạo việc nắm tình hình các ngành trọng điểm, giá cả các mặt hàng thiết yếu; tăng cường xác minh, rà soát các tụ điểm, các tuyến, địa bàn trọng điểm phức tạp về buôn lậu; phối hợp các ngành chức năng kiểm tra, xử lý các vụ vi phạm về kinh tế. Qua đó, đã phát hiện, xử lý 1.100 vụ vi phạm, thu giữ nhiều loại hàng hóa, tang vật trị giá khoảng 97 tỷ đồng.

Tình hình vi phạm pháp luật về môi trường vẫn diễn biến phức tạp, tình trạng các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh không xây dựng hệ thống xử lý nước thải, khí thải hoặc nếu có chỉ mang tính đối phó vẫn còn phổ biến; việc không tuân thủ các quy định về kinh doanh hóa chất, quản lý chất thải nguy hại; sử dụng hóa chất bị cấm trong chế biến thực phẩm… và tình trạng vận chuyển, mua bán trái phép động vật hoang dã vẫn còn diễn ra. Đã phát hiện 565 vụ vi phạm về môi trường, đề xuất xử phạt hành chính 400 vụ, thu nộp ngân sách nhà nước trên 20 tỷ đồng.

b) Phạm pháp hình sự: Thành phố đã tăng cường bố trí lực lượng kiểm soát, tuần tra, phục kích bí mật tại các khu vực, tuyến, địa bàn trọng điểm, phức tạp về hình sự; củng cố công tác quản lý hành chính, đẩy mạnh phát động phong trào toàn dân tham gia phòng chống tội phạm. Hoạt động của tội phạm hình sự có xu hướng chuyển dịch từ các địa phương phía Bắc, miền Trung vào Thành phố hoạt động và hình thành các băng nhóm tội phạm có tổ chức nguy hiểm; tập trung chủ yếu vào các ngành nghề kinh doanh có điều kiện như vũ trường, quán bar, khách sạn, dịch vụ cầm đồ, cho thuê tài chính… Tội phạm trộm cắp vẫn còn chiếm tỉ lệ cao trong cơ cấu tội phạm. Xuất hiện ngày càng tăng loại tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Đã xảy ra 4.668 vụ phạm pháp hình sự (tăng 10 vụ so cùng kỳ); làm chết 57 người, bị thương 508 người; thiệt hại tài sản khoảng 137,4 tỷ đồng, đã điều tra khám phá 3.009 vụ, chiếm tỷ lệ 64,46% (cùng kỳ 63,31%), bắt 3.716 tên.

c) Tội phạm ma túy: Thành phố đã tăng cường triển khai công tác đấu tranh chống tội phạm ma túy và đã phát hiện đường dây, tổ chức vận chuyển trái phép ma túy với số lượng lớn xuyên Quốc gia, có yếu tố nước ngoài qua cửa khẩu hàng không Tân Sơn Nhất sang Úc; các băng nhóm tội phạm ma túy liên tỉnh vận chuyển trái phép ma túy về Thành phố để tiêu thụ vẫn chủ yếu từ các tỉnh biên giới phía Tây giáp Campuchia và một số tỉnh phía Bắc (Nghệ An, Hà Nội…) với phương thức, thủ đoạn hoạt động rất tinh vi. Các lực lượng chức năng (Công an Thành phố, Hải quan, Bộ đội Biên phòng) đã tổ chức phối hợp chặt chẽ khám phá nhiều đường dây vận chuyển ma túy lớn. Đã điều tra, khám phá 1.263 vụ, bắt 2.600 tên, thu giữ gần 25,73 kg heroin, 27,724 kg ma túy tổng hợp, 9,72 kg cần sa, 1,9kg cocain, 1,28kg tạp chất gây nghiện, 2,9 kg tiền chất PSE. Đã khởi tố 956 vụ, 1.433 bị can, xử lý hành chính 307 vụ với 1.167 đối tượng.

d) Tệ nạn mại dâm và các tệ nạn xã hội khác: Thành phố đã tăng cường công tác kiểm tra, rà soát chuyển hóa các địa bàn phức tạp về tệ nạn xã hội. Tình trạng gái mại dâm nước ngoài có chiều hướng gia tăng, qua đấu tranh đã triệt phá 48 ổ mại dâm, xử lý 268 đối tượng; lập biên bản vi phạm về các hành vi kinh doanh không phép, hoạt động quá giờ, sử dụng tiếp viên hợp đồng lao động của các dịch vụ giải trí không lành mạnh. Thành phố đã phát hiện xử lý 582 vụ cờ bạc, bắt 3.048 đối tượng, thu giữ trên 4,9 tỷ đồng, 1.374 đô-la Mỹ và nhiều công cụ, phương tiện phạm tội khác.

Tổng số đối tượng cai nghiện hiện đang quản lý tại các Trường, Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động Xã hội là 7.241 người; tổng số người hiện còn quản lý tại địa phương 3.507 người, trong đó: có việc làm là 2.454 người, được hỗ trợ vay vốn tạo việc làm 140 lượt người với tổng số tiền được vay 1,331 tỷ đồng. Thành phố hiện có khoảng 167 câu lạc bộ thu hút người sau cai nghiện tham gia với những nội dung về phòng chống tái nghiện, thể dục thể thao, giao lưu giải trí và tạo sân chơi lành mạnh, giúp người sau cai nghiện có môi trường sống tốt.

Tính đến nay, các quận - huyện đã có quyết định công nhận 255 phường - xã, thị trấn không còn tệ nạn ma túy, mại dâm (102 phường, xã, thị trấn đạt mức 1a, và 153 đơn vị đạt mức 1b); có 50 phường, xã, thị trấn đạt mức 2 và 17 phường, xã, thị trấn đạt mức 3. Trên địa bàn Thành phố hiện có 471 Đội công tác xã hội tình nguyện hoạt động với 1.689 thành viên (646 nữ) tham gia[52].

Sau khi Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 có hiệu lực, việc thực hiện các Nghị định về xử lý người vi phạm hành chính gặp một số khó khăn, vướng mắc (nhất là số nghiện ma túy) làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự trên địa bàn Thành phố, như: việc thực hiện Nghị định số 221/2013/NĐ-CP của Chính phủ ngày 30/12/2013 về quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; Nghị định 02/2014/NĐ-CP của Chính phủ ngày 10/01/2014 về quy định chế độ áp dụng thi hành biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc hiện chưa thực hiện được do chờ hướng dẫn của cơ quan cấp trên. Do đó việc xử lý đối tượng vi phạm hành chính tái nghiện nhiều lần hoặc người nghiện ma túy hiện nay chỉ mới dừng lại ở việc áp dụng Nghị định 111/2013/NĐ-CP của Chính phủ ngày 30/9/2013 về quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn, nên không đủ sức răn đe.

đ) Phòng, chống cháy nổ; cứu hộ, cứu nạn[53]: Thành phố đã thực hiện tốt việc vận động toàn dân tham gia phong trào phòng cháy chữa cháy, 24 quận - huyện đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác phòng cháy chữa cháy trên địa bàn. Đã tổ chức công tác tuyên truyền về sử dụng tổng đài cứu nạn, cứu hộ và phòng cháy chữa cháy 114 theo Chỉ thị số 15/2014/CT-UBND ngày 09 tháng 7 năm 2014 của Ủy ban nhân dân Thành phố; tổ chức 4.628 lớp huấn luyện bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ phòng cháy chữa cháy; 226 lớp huấn luyện nghiệp vụ cho các đội viên mới. Thành phố đã tổ chức 19 Đoàn kiểm tra liên ngành, chuyên ngành kiểm tra 276 đơn vị, cơ sở trên địa bàn; kiểm tra an toàn về phòng cháy chữa cháy 391 lượt cơ sở (tăng 1.158 cơ sở, tỷ lệ 2,06 %). Tổ chức triển khai phương án chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại tàu Bến Nghé SG.1242 trên sông Sài Gòn. Việc thực hiện tốt công tác tuyên truyền và triển khai phương án chữa cháy đã góp phần kéo giảm số vụ cháy so cùng kỳ năm 2013, cụ thể:

- Xảy ra 217 vụ cháy (giảm 248 vụ so cùng kỳ, tỷ lệ 53,33%), làm chết 08 người, bị thương 10 người, ước tính thiệt hại thành tiền khoảng hơn 43 tỷ đồng, có 30 vụ chưa ước tính được thiệt hại thành tiền.

- Xảy ra 05 vụ nổ (giảm 02 vụ so cùng kỳ, tỷ lệ 28,57%), làm chết 05 người, bị thương 03 người (so cùng kỳ giảm 08 người chết, 10 người bị thương); về tài ước tính thiệt hại khoảng 154 triệu đồng, có 03 vụ chưa chưa thống kê được thiệt hại.

- Đã nhận được 84 tin yêu cầu cứu nạn, cứu hộ (tăng 08 tin so cùng kỳ, tỷ lệ 10,53%). Đã điều động lực lượng, phương tiện triển khai cứu nạn, cứu hộ; đã cứu được 29 người và tìm được 30 thi thể nạn nhân bàn giao lại cho địa phương và gia đình xử lý.

5. Quốc phòng - an ninh

Thành phố đã tổ chức tốt Lễ giao quân 2 đợt năm 2014 đạt 100% chỉ tiêu ở 3 cấp. Như vậy Thành phố đã hoàn thành kế hoạch giao quân năm 2014, có 4.970 thanh niên nhập ngũ lực lượng vũ trang (quân đội: 4.100; công an: 870); tất cả 24 quận - huyện đều hoàn thành nhiệm vụ, trong đó tỷ lệ đảng viên thi hành nghĩa vụ quân sự đạt 6,02%; đoàn viên đạt 93,98%; trình độ từ trung cấp trở lên chiếm 29,83%. Để nâng cao chất lượng và hoàn thành chỉ tiêu giao quân năm nay, Thành phố đã chỉ đạo tổ chức tuyển chọn theo đúng quy trình, công khai, dân chủ, công bằng, đúng Luật nghĩa vụ quân sự, bảo đảm tuyển đủ số lượng, nâng cao chất lượng thanh niên nhập ngũ; phân công thành viên bám sát cơ sở, phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, triển khai có hiệu quả công tác hậu phương quân đội, góp phần nâng cao nhận thức của nhân dân và thanh niên về nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đã tổ chức Hội nghị Sơ kết công tác phối hợp giữa 04 lực lượng (Bộ Tư lệnh, Bộ đội Biên phòng, Công an, Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy TP) trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội và nhiệm vụ quốc phòng theo Nghị định 77/2010/NĐ-CP của Chính phủ. Hoàn chỉnh chỉ tiêu bồi dưỡng kiến thức quốc phòng an ninh cho đối tượng 2 (4 lớp 128 đ/c) tại trường Quân sự Quân khu. Tổ chức 6 lớp 765 đ/c cho đối tượng 3 và 44 lớp 5.298 đ/c cho đối tượng 4 và 96 lớp 11.455 đ/c cho các đối tượng khác.

Trên địa bàn Thành phố trong thời gian qua đã phát sinh một số yếu tố phức tạp mới. Việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương - 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền biển đảo của Việt Nam, ảnh hưởng đến tình hình chính trị khu vực và trong nước; đã tạo sự phản ứng bất bình, phẫn nộ của nhân dân. Lợi dụng tình hình đó, một số đối tượng thuộc tổ chức phản động Việt Tân và bọn phản động, chống đối trong và ngoài nước, nhất là số đối tượng tham gia các tổ chức “xã hội dân sự” đã kích động các phần từ xấu trong nước lôi kéo, kích động người dân, công nhân gây ra các vụ gây rối, chiếm đoạt, hủy hoại tài sản của các doanh nghiệp tại các khu công nghiệp, khu chế xuất. Thành phố đã thực hiện nghiêm Công điện số 697/CĐ-TTg ngày 15 tháng 5 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ và Thông báo số 203/TB-VPCP ngày 17 tháng 5 năm 2014 của Văn phòng Chính phủ về việc đảm bảo an ninh trật tự; Thông báo số 207/TB-VPCP ngày 20 tháng 5 năm 2014 của Văn phòng Chính phủ về Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng về việc giúp đỡ, hỗ trợ các doanh nghiệp khắc phục thiệt hại, sớm trở lại sản xuất kinh doanh. Thành phố đã chủ động triển khai các biện pháp nắm chắc tình hình, chủ động phòng ngừa, kịp thời phát hiện, đấu tranh hiệu quả với các tổ chức phản động, đối tượng cực đoan chống đối trong và ngoài nước, ngăn chặn kịp thời các hoạt động tuyên truyền phá hoại tư tưởng, đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, không để xảy ra tình hình phức tạp, đột biến bất ngờ; đảm bảo giữ vững ổn định an ninh chính trị trên địa bàn.

Đã chỉ đạo lực lượng Công an phối hợp các ban ngành chức năng và các cấp chính quyền địa phương tiếp xúc, giải thích, vận động số người dân tham gia khiếu kiện, đình lãn công theo đúng quy định pháp luật, không để tình hình an ninh trật tự phức tạp; 9 tháng đầu năm xảy ra 522 lượt đoàn khiếu kiện đông người với 6.290 lượt người; 44 vụ đình, lãn công với khoảng 15.493 công nhân tại 43 công ty (có 29/43 công ty có vốn nước ngoài).

Lực lượng Bộ đội biên phòng đã tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát nắm chắc diễn biến tình hình trên biển, quản lý chặt chẽ các loại phương tiện hoạt động trên biển. Duy trì nghiêm chế độ trực sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ các tàu quân sự nước ngoài, các tàu khách đến thăm Thành phố Hồ Chí Minh, tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho lực lượng trực tiếp tham gia bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền các vùng biển. Lực lượng Công an, Quân sự, Cảnh sát phòng cháy chữa cháy, Cảng vụ Hàng hải đã tổ chức diễn tập chuyển trạng sẵn sàng chiến đấu, thực hành đánh bắt khủng bố, giải cứu con tin trên tàu tại khu vực sông Nhà Bè - Quận 7.

6. Công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo

Thành phố đã ban hành Quyết định số 07/2014/QĐ-UBND ngày 11 tháng 02 năm 2014 về ban hành Quy trình giải quyết khiếu nại trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh và Quyết định số 12/2014/QĐ-UBND ngày 13 tháng 3 năm 2014 về ban hành Quy trình giải quyết tố cáo trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.

9 tháng đầu năm, Thành phố đã tổ chức tiếp 1.075 lượt công dân, trong đó: Lãnh đạo tiếp 116 lượt công dân, cán bộ thường xuyên tiếp 959 lượt công dân; xử lý 1.359 đơn, trong đó đã xử lý theo quy định 1.295 đơn, đang xử lý 64 đơn. Giải quyết 464 đơn (34 đơn tố cáo, 430 đơn khiếu nại), đã xử lý theo quy định 366/464 đơn, đạt 78,88%. Qua giải quyết khiếu nại, nhất là trong lĩnh vực khiếu nại về bồi thường, Ủy ban nhân dân thành phố xem xét điều chỉnh, bổ sung một số chính sách bồi thường, hỗ trợ tại các dự án cho phù hợp thực tế, đem lại quyền lợi cho công dân. Trên cơ sở giải quyết khiếu nại, tố cáo được tăng cường và thực tế cho thấy ý thức trách nhiệm trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của các cấp, các ngành trên địa bàn Thành phố được nâng lên. Nhiều quận, huyện không phát sinh mới các vụ việc phức tạp, đông người; đã tập trung giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo mới phát sinh.

7. Công tác phòng, chống tham nhũng

Thành phố đã ban hành nhiều văn bản để hướng dẫn chỉ đạo, công tác phòng, chống tham nhũng trên địa bàn Thành phố, quyết định phê duyệt Kế hoạch thanh tra công tác phòng, chống tham nhũng, thanh tra chuyên đề về phòng, chống tham nhũng năm 2014; các văn bản chỉ đạo việc thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 12 tháng 6 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về đưa nội dung phòng, chống tham nhũng vào giảng dạy tại các cơ sở giáo dục, đào tạo từ năm học 2013 - 2014; Chỉ thị số 33-CT/TW ngày 03 tháng 01 năm 2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản.

Đã triển khai việc thực hiện Nghị định 68/2011/NĐ-CP ngày 08 tháng 8 năm 2011 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 37/2007/NĐ-CP của Chính phủ về minh bạch tài sản, thu nhập. Quan tâm thực hiện việc chuyển đổi vị trí công tác cán bộ, công chức, viên chức các khâu, bộ phận nhằm phòng, ngừa tham nhũng theo Nghị định 158/2007/NĐ-CP của Chính phủ. Triển khai thực hiện kiểm tra một số đơn vị về thực hiện các quy định của pháp luật trong công tác phòng, chống tham nhũng.

Đã chỉ đạo các đơn vị, sở ngành thực hiện kiểm tra, rà soát lại chức năng, nhiệm vụ, quy chế tổ chức và hoạt động để bổ sung điều chỉnh cho phù hợp; tăng cường kiểm tra chặt chẽ các nguồn vốn gồm: vốn ngân sách Thành phố, vốn doanh nghiệp và nguồn vốn viện trợ của nước ngoài (ODA); rà soát việc triển khai các dự án kém hiệu quả và việc sử dụng nhà, đất lãng phí để xử lý. Tăng cường công tác thanh tra trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác phòng, chống tham nhũng và kiểm tra tập trung các vụ tiêu cực, tham nhũng gây bức xúc trong nhân dân, dự luận xã hội quan tâm góp phần an dân, đảm bảo giữ vững an ninh.

Đã triển khai thực hiện 45 đoàn, trong đó có 41 đoàn thanh tra hành chính. Đã ban hành kết luận thanh tra 21/41 đoàn và đang tiếp tục thực hiện 20 đoàn. Qua đó, phát hiện 23/56 đơn vị có sai phạm; sai phạm về kinh tế hơn 351 tỷ đồng; đã kiến nghị thu hồi khoảng 350 tỷ đồng (đã thu hồi nộp ngân sách nhà nước hơn 210 tỷ đồng); kiến nghị xử lý khác hơn 01 tỷ đồng; kiến nghị xử lý hành chính 13 tập thể và 05 cá nhân.

Đã tổ chức 04 đoàn thanh tra trách nhiệm tại 12 đơn vị, trong đó việc thực hiện các quy định của pháp luật về thanh tra (01 đoàn), giải quyết khiếu nại, tố cáo (01 đoàn) và phòng, chống tham nhũng (02 đoàn). Đã kết thúc 01 đoàn/04 đơn vị, phát hiện sai phạm và kiến nghị thu hồi hơn 33 tỷ đồng (đã thu khoảng 33 tỷ đồng). Qua đó giúp cho lãnh đạo sở-ngành, quận-huyện, kịp thời chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế thiếu sót, đặc biệt là đề cao vai trò, vị trí tầm quan trọng của Thủ trưởng cơ quan, đơn vị trong việc chấp hành và thực hiện các quy định của pháp luật về Thanh tra, khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng.

Đã thụ lý điều tra 29 vụ án tham nhũng, chức vụ với 72 bị can; tổng giá trị tài sản thiệt hại gần 60 tỷ đồng; đề nghị truy tố 20 vụ, 52 bị can; đang điều tra 09 vụ, 11 bị can (trong đó, đình chỉ điều tra 02 bị can; tạm đình chỉ điều tra 01 bị can; Viện Kiểm sát hủy quyết định khởi tố 06 bị can).

8. Công tác đối ngoại với các địa phương trong nước và quốc tế

9 tháng đầu năm, các hoạt động đối ngoại của Thành phố được triển khai chủ động, chu đáo, đúng kế hoạch. Lãnh đạo Thành phố đã đón tiếp 67 đoàn khách quốc tế[54], dẫn đầu 14 đoàn đi công tác nước ngoài[55], Lãnh đạo Thành phố đã có 48 cuộc tiếp khách[56].

Thành phố đã đón 106 đoàn báo chí, bao gồm 473 phóng viên đến từ các nước vào tác nghiệp. Các chủ đề được phóng viên quan tâm: các đoàn cấp cao đến thăm Thành phố, tình hình kinh tế - xã hội và đầu tư tại Thành phố, nạn nhân chất độc da cam, con người và tiềm năng du lịch của Việt Nam, tình hình hợp tác đầu tư Việt Nam - Trung Quốc, đường sắt, du lịch của Thành phố và vấn đề nhận con nuôi, công tác bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam,…

Quan hệ hợp tác quốc tế của Thành phố tiếp tục được mở rộng với nhiều hoạt động đối ngoại đa dạng, phong phú góp phần triển khai chính sách đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa của cả nước và phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố. Thành phố đã hỗ trợ tỉnh Savanakhet - Lào lập quy hoạch chi tiết khu tưởng niệm Chủ tịch Cay-sỏn Phnôm-vi hản; hỗ trợ xây dựng Thư viện tỉnh Xiêng Khoảng và lập quy hoạch Thị trấn Paksong, tỉnh Champasak (Lào); phối hợp Nhật Bản tổ chức Hội thảo “Chương trình hợp tác phát triển thành phố carbon thấp tại Thành phố Hồ Chí Minh; tổ chức “Ngày Busan” tại Thành phố Hồ Chí Minh nhân kỷ niệm 5 năm hoạt động tình nguyện của Quỹ hoạt động quốc tế Busan (Hàn Quốc); ký kết Thỏa thuận khung về hợp tác giữa Thành phố và vùng Rhôme-Alpes (Pháp) giai đoạn 2014 - 2017; tổ chức Hội thảo doanh nghiệp Việt Nam - Nauy tại Thành phố; phối hợp với Tổng Lãnh sự quán Nga tổ chức Lễ kỷ niệm 64 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Viện Nam - Liên bang Nga và Lễ ngành Ngoại giao Liên bang Nga; ký kết Bản Ghi nhớ hợp tác với Úc; phối hợp các cơ quan hữu quan tổ chức Hội nghị cấp cao lần 2 Ủy hội sông Mê Công với sự tham gia của các lãnh đạo cấp cao các nước Lào và Myanmar …

Ngoại giao văn hóa đã triển khai chủ động, tích cực góp phần nâng cao vị thế, quảng bá hình ảnh của thành phố nói riêng, Việt Nam nói chung đến bạn bè quốc tế, qua đó thắt chặt hơn nữa quan hệ hữu nghị của thành phố với các nước, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư, du lịch và mở rộng hợp tác trên các lĩnh vực khác. Thành phố đã phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức trọng thể Lễ đón Bằng của UNESCO vinh danh nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ là Di sản Văn hóa phi vật thể Đại diện của nhân loại. Đã tăng cường định hướng thông tin đối ngoại, quản lý hoạt động thông tin tuyên truyền, cung cấp thông tin khách quan về các chủ trương, chính sách và tình hình phát triển của Thành phố và Việt Nam ra cộng đồng quốc tế. Công tác tuyên truyền đối ngoại đã giúp Thành phố chủ động trong đấu tranh dư luận, góp phần hiệu quả đẩy lùi các luận điệu tuyên truyền xuyên tạc, bóp méo, thù địch, đặc biệt trong các vấn đề về dân chủ, tôn giáo, nhân quyền…; đồng thời tăng cường kêu gọi đầu tư, đẩy mạnh xúc tiến thương mại và mở rộng quan hệ đối ngoại. Tổ chức Lễ hội ”Thành phố Hồ Chí Minh - Hội nhập và phát triển” năm 2014 gồm các hoạt động: triển lãm “Hoạt động đối ngoại của Thành phố Hồ Chí Minh - Hội nhập và phát triển”; khu gian nhà văn hóa các nước; khu giới thiệu sách; khu sân khấu, ẩm thực, trò chơi.

Công tác ngoại giao nhân dân tiếp tục triển khai có hiệu quả. Thành phố phối hợp tổ chức Lễ hội Ấn Độ; tổ chức họp mặt Ngày Chiến thắng của nhân dân Campuchia; tổ chức họp mặt kỷ niệm Quốc khánh Australia, kỷ niệm 65 năm Ngày Cộng hòa Ấn Độ; tổ chức chương trình giới thiệu cá Koi (Nhật Bản); phối hợp với báo Mực Tím tổ chức trao giải Hành trình Văn hóa với chủ đề về Hà Lan nhân kỷ niệm 40 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hà Lan; tổ chức hoạt động kỷ niệm ngày Quốc tế Pháp Ngữ; tổ chức Tết cổ truyền dân tộc Lào, Thái, Campuchia, Myanmar; tổ chức họp mặt kỷ niệm Chiến thắng Hiron (Cuba); tổ chức họp mặt kỷ niệm chiến thắng Phát-xít; tổ chức buổi tọa đàm về “Quan hệ đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Lào trong chiến cuộc Đông Xuân 1953 - 1954 và chiến dịch Điện Biên Phủ”…

Đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng nắm bắt, xử lý kịp thời các vấn đề nhạy cảm, phức tạp, góp phần đảm bảo ổn định an ninh chính trị trên địa bàn Thành phố.

9. Tình hình thực hiện 6 chương trình đột phá

9.1. Chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực: Trong 9 tháng đầu năm, Thành phố đã tổ chức đào tạo, bồi dưỡng về lý luận chính trị; kiến thức quản lý nhà nước; tập huấn, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về công tác cán bộ, công chức, viên chức; kỹ năng giao tiếp; xây dựng; nghiệp vụ đấu thầu, nghiệp vụ công tác Dân tộc, công tác Tổ chức nhà nước, tiếng Anh;... cho trên 13.627 lượt cán bộ, công chức, viên chức, trong đó: 1.182 lượt về lý luận chính trị; 1.621 lượt quản lý nhà nước; 10.321 lượt chuyên môn, nghiệp vụ và 503 lượt ngoại ngữ, tin học.

Đã cử trên 30 lượt cán bộ, công chức, viên chức tham dự các khóa bồi dưỡng, thực tập, tập huấn ngắn và dài hạn trên các lĩnh vực quản lý giáo dục, quản lý hành chính, quản lý dự án, quản lý đô thị, du lịch, y tế, công nghệ sinh học,… bằng nguồn kinh phí tài trợ, học bổng của các đối tác nước ngoài và kinh phí tự túc ở các nước Bỉ, Hàn Quốc, Lào, Nga, Nhật Bản, Pháp, Úc,...

Đã cử 23 cán bộ, công chức của Thành phố tham dự lớp bồi dưỡng nông nghiệp công nghệ cao tại Đài Loan. Tuyển chọn và cử 12 lượt học viên tham dự chương trình đào tạo Thạc sĩ, Tiến sĩ. Số lượng học viên đang tham gia đào tạo trong và ngoài nước khoảng 70 học viên, trong đó: 10 trường hợp đào tạo thạc sĩ, trên 6 trường hợp đào tạo tiến sĩ, trên 60 lượt cán bộ, học viên tham gia nghiên cứu và thực tập ở nước ngoài để hoàn thành chương trình đào tạo (tại trường đại học RMIT, Úc và các trường liên kết khác).

Đã thẩm định và tuyển chọn vào Chương trình tạo nguồn quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý trẻ tuổi 32 trường hợp. Số lượng cán bộ được phân công, bố trí công tác tại các Sở - ngành, quận - huyện, các cơ quan, đơn vị thuộc Thành phố là trên 25 trường hợp. Số cán bộ trẻ được đưa về cơ sở đã phát huy tinh thần nhiệt huyết, tích cực học hỏi, rèn luyện về chuyên môn, nghiệp vụ và phẩm chất chính trị, có đóng góp tích cực vào việc hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ chung của cơ quan, đơn vị.

9.2. Chương trình hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế Thành phố

Đang tập trung thực hiện Đề án tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước). Đã ban hành, triển khai thực hiện 57/72 chương trình, đề án. Một số đề án, chương trình mới ban hành như: Chương trình chuyển dịch cơ cấu hàng xuất khẩu giai đoạn 2011 - 2015; chương trình đào tạo, bồi dưỡng nâng cao tay nghề cho công nhân, người lao động tại các doanh nghiệp, tầm nhìn đến năm 2025; chương trình bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản đến năm 2020; chính sách hỗ trợ cơ sở vật chất ban đầu cho các Hợp tác xã nông nghiệp - dịch vụ thành lập mới giai đoạn 2010 - 2015.

Chương trình hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Thành phố đã góp phần tích cực, quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Thành phố, thúc đẩy việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế Thành phố theo hướng tích cực, đúng theo định hướng Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ IX đề ra mặc dù một số chỉ tiêu chưa đạt do khó khăn chung của nền kinh tế thế giới và trong nước tác động. Cơ cấu kinh tế Thành phố tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng tỷ trọng các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ có giá trị gia tăng cao, hàm lượng khoa học - kỹ thuật cao. Từng bước chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế từ phát triển theo chiều rộng dựa vào tăng vốn đầu tư, khai thác tài nguyên và nguồn lao động chất lượng thấp sang phát triển theo chiều sâu; lấy chất lượng tăng trưởng là động lực chủ yếu để phát triển các ngành, lĩnh vực trên cơ sở áp dụng những thành tựu mới về khoa học, công nghệ, ít gây ô nhiễm môi trường; sử dụng nhân lực chất lượng cao và kỹ năng quản lý hiện đại; phát triển nông nghiệp công nghệ cao....

9.3. Chương trình cải cách hành chính

Đã triển khai thực hiện Chương trình hoàn thiện và nâng cao hiệu quả công tác xây dựng, ban hành văn bản Quy phạm pháp luật giai đoạn 2011-2015, Thành phố ban hành Quyết định số 1398/QĐ-UBND ngày 24 tháng 3 năm 2014 về Kế hoạch tổ chức lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ pháp chế, cán bộ trực tiếp tham gia công tác xây dựng, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật năm 2014; Quyết định số 18/2014/QĐ-UBND ngày 09 tháng 5 năm 2014 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định về trình tự, thủ tục ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Ủy ban nhân dân các cấp tại Thành phố Hồ Chí Minh ban hành kèm theo Quyết định số 67/2011/QĐ-UBND ngày 24 tháng 10 năm 2011, đã tổ chức 03 lớp bồi dưỡng.

Để nâng cao hiệu quả và chất lượng công tác thực hiện Chương trình lập quy, trong năm 2014, Thành phố đã quyết liệt hơn trong công tác theo dõi, đôn đốc, nhắc nhở các đơn vị có liên quan trong triển khai thực hiện; xây dựng dự thảo Quyết định sửa đổi, bổ sung Chương trình lập quy năm 2014. Trong 9 tháng đầu năm, Thành phố đã ban hành tổng cộng 46 văn bản quy phạm pháp luật các loại (28 Quyết định và 18 Chỉ thị).

Đã triển khai thực hiện Nghị định số 24/2014/NĐ-CP ngày 04 tháng 4 năm 2014 của Chính phủ về quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Nghị định số 37/2014/NĐ-CP của Chính phủ về tổ chức các cơ quan chuyên môn cấp huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.

Thành phố đã tập trung tổ chức thực hiện Kế hoạch triển khai thi hành Nghị định số 16/2013/NĐ-CP về rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật kỳ đầu. Đến nay, đã phân loại, lập Danh mục văn bản quy phạm pháp luật thuộc đối tượng hệ thống hóa gồm 881 văn bản, thuộc trách nhiệm rà soát của 32 sở ban ngành và 24 quận, huyện.

Nâng cao chất lương công tác khảo sát chỉ số hài lòng của tổ chức và công dân về dịch vụ công trong năm 2013 theo Quyết định số 23/2011/QĐ-UBND về thực hiện Chương trình cải cách hành chính giai đoạn 2011 - 2015, Thành phố đã công bố kết quả khảo sát chỉ số hài lòng của tổ chức và công dân về dịch vụ công năm 2013 đối với 10 lĩnh vực[57]. Kết quả cho thấy đa số hộ dân và doanh nghiệp đều có chỉ số hài lòng trên mức trung bình. Từ kết quả đó, Thành phố đã có Công văn số 3998/UBND-CCHC ngày 13 tháng 8 năm 2014 yêu cầu Thủ trưởng các sở - ngành Thành phố có liên quan chấn chỉnh các tồn tại, hạn chế.

Cơ chế “một cửa” tiếp tục triển khai đồng bộ, trong đó chú trọng nâng cao chất lượng thực hiện để giải quyết tốt công việc của tổ chức và công dân. Đến nay, các sở - ngành Thành phố, 24/24 quận - huyện, 322/322 phường - xã, thị trấn đã áp dụng cơ chế “một cửa” trong giải quyết các thủ tục hành chính của cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp theo thẩm quyền quy định. Cơ chế “một cửa liên thông” tiếp tục thực hiện tại các sở - ngành thành phố. Đã có 24/24 Ủy ban nhân dân quận - huyện triển khai quy trình liên thông hoàn chỉnh giữa Ủy ban nhân dân quận - huyện và Ủy ban nhân dân phường - xã, thị trấn trên lĩnh vực đất đai, xây dựng, đăng ký kinh doanh và đăng ký mã số thuế. Một số Ủy ban nhân dân quận - huyện đã tiến hành sơ kết, đánh giá kết quả tình hình thực hiện cơ chế “một cửa liên thông”, kiểm tra tiến độ giải quyết hồ sơ hành chính trên cơ sở đó có những điều chỉnh kịp thời. Đã tổ chức sơ kết 01 năm thực hiện Quyết định số 07/2013/QĐ-UBND ngày 30 tháng 01 năm 2013 về ban hành quy chế thực hiện cơ chế “một cửa liên thông” nhóm thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực hộ tịch, bảo hiểm y tế và quản lý cư trú. Kết quả đã rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục cho người dân từ 20 ngày xuống còn 11 ngày, tiết kiệm công sức đi lại và chi phí đáng kể cho dân.

Đã ban hành Kế hoạch đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức của Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn từ nay đến năm 2015 và Kế hoạch số 1503/KH-UBND ngày 10 tháng 4 năm 2014 về đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức năm 2014. Đối với nhiệm vụ đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức, đã ban hành hướng dẫn số 01/HD-SNV ngày 13 tháng 01 năm 2014 để hướng dẫn, triển khai Đề án vị trí việc làm theo kế hoạch trình Bộ Nội vụ theo đúng thời gian quy định. Đến nay, việc thực hiện Đề án vị trí việc làm của các cơ quan, đơn vị cơ bản đảm bảo đạt yêu cầu tiến độ. Hầu hết các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố đã triển khai, hoàn tất các bước và đang tổng hợp xây dựng Đề án chung của các cơ quan, đơn vị.

Đã triển khai Đề án thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý cấp phòng và tương đương tại các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập của Thành phố; đã ban hành kế hoạch triển khai xác định chỉ số Cải cách hành chính Sở-ngành Thành phố, Ủy ban nhân dân quận-huyện năm 2014; đã ban hành Quy chế tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính tại Thành phố.

Tiếp tục thực hiện Nghị quyết 36/2012/NQ-QH ngày 23 tháng 11 năm 2012 của Quốc hội về việc cho phép tiếp tục thực hiện chế định Thừa phát lại và mở rộng thực hiện tại các địa phương khác đến năm 2015; đến nay, trên địa bàn Thành phố có 12 Văn phòng Thừa phát lại được thành lập và đi vào hoạt động; tổ chức phân chia địa hạt tống đạt của các Văn phòng Thừa phát lại; chủ động phối hợp với các quận - huyện và các cơ quan có liên quan tổ chức tuyên truyền về chế định Thừa phát lại; thực hiện đăng ký vi bằng do các Thừa phát lại lập; thẩm định hồ sơ đăng ký hoạt động của các Văn phòng Thừa phát lại; phối hợp với Tòa án nhân dân Thành phố và Cục Thi hành án dân sự Thành phố tổ chức phân chia lại địa hạt tống đạt của các Văn phòng Thừa phát lại.

9.4. Chương trình giảm ùn tắc giao thông

Thành phố đã chỉ đạo triển khai quyết liệt các giải pháp, nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông để kéo giảm ùn tắc và tai nạn giao thông trên cả 3 mặt trong năm 2014 (giảm từ 5% - 10% so năm 2013). Tập trung thực hiện Chương trình giảm ùn tắc và tai nạn giao thông năm 2014 gắn với với chủ đề “Siết chặt quản lý hoạt động vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện”, nâng cao năng lực hiệu quả quản lý nhà nước và trách nhiệm cá nhân của người làm công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Đã tổ chức khảo sát tại 03 cửa ngõ của Thành phố có tỉ lệ tai nạn giao thông cao để triển khai các giải pháp kiềm chế nhằm kéo giảm tai nạn giao thông trên địa bàn Thành phố. Kết quả 9 tháng đầu năm 2014[58]:

Về giảm ùn tắc giao thông: xảy ra 01 vụ ùn tắc kéo dài trên 30 phút tại khu vực vòng xoay Lăng Cha Cả, tăng 01 vụ so cùng kỳ năm 2013; ngoài ra chỉ xảy ra tình trạng ùn ứ cục bộ tại một số khu vực ngập do mưa và triều cùng lúc.

Công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn thành phố kéo giảm trên cả 3 mặt. Đã xảy ra 3.067 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết 514 người, bị thương 2.856 người (so cùng kỳ: giảm 734 vụ - tỉ lệ 19,31%; giảm 73 người chết - tỉ lệ 12,44% và 473 người bị thương - tỉ lệ 14,21%). Tai nạn giao thông đường sắt không xảy ra vụ nào, giảm 07 vụ và giảm 07 người chết so cùng kỳ. Xảy ra 01 vụ va chạm giao thông đường thủy, giảm 03 vụ so cùng kỳ, không gây thiệt hại về người.

Đã đăng ký mới 229.676 phương tiện giao thông cơ giới (22.286 ôtô, 207.390 môtô); đang quản lý 6.748.756 chiếc (572.857 ôtô, 6.175.899 môtô), tăng 5,76% so cùng kỳ.

Từ đầu năm đến nay có nhiều công trình hoàn thành đưa vào sử dụng nhằm giảm tải áp lực giao thông Thành phố. Cụ thể: về phía Đông, sau khi đưa vào sử dụng nút giao giữa đường cao tốc và đường vàng đai 2, tạo điều kiện khai thác tuyến đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, áp lực ùn tắc trên tuyến đường Xa lộ Hà Nội đã giảm hẳn và thông thoáng nhiều. Về phía Tây, Thành phố đang đầy nhanh tiến độ thi công hai dự án huyết mạch là tỉnh lộ 10 và 10B, phấn đấu sẽ hoàn thành vào cuối năm nay.

Đã thi công hoàn thành cầu Lê Văn Sỹ, cầu Bông, cầu Hậu Giang, cầu Kiệu; Cải tạo, nâng cấp, hoàn thiện mặt đường Vành đai phía Đông; đường Nguyễn Thị Thập; xây dựng hệ thống thoát nước Khu dân cư Bình Chiểu; Cải tạo hệ thống thoát nước đường Trang Tử (đoạn từ Đỗ Ngọc Thạch đến Nguyễn Thị Nhỏ), Cải tạo hệ thống thoát nước đường Trần Hưng Đạo (từ Châu Văn Liêm đến Học Lạc); hệ thống cống thoát nước Đường chui dưới cầu Điện Biên Phủ; Xây dựng kè chống sạt lở bờ kênh Thanh Đa - Đoạn 1.2, kè Bến Bình Đông, kè rạch Giồng - sông Kinh Lộ, kè Tổng cục 5 Bộ Công an, kè khu vực cầu Bà Sáu.

Đang tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu thi công hoàn thành các công trình trong năm 2014 như đường Phạm Văn Đồng; cầu Kinh Thanh Đa; Tỉnh lộ 10; Tỉnh lộ 10B; đường vào trường Đại học Sài Gòn; xây dựng nhà máy nước Thủ Đức 3; Chống sạt lở kênh Thanh Đa - đoạn 1.2 và 1.4; dự án Nâng cấp Đô thị - TP4 và các công trình chống ngập trọng điểm.

Đã khởi công xây dựng các công trình: cầu Sa Sạp thuộc dự án Xây dựng tuyến đường nối từ nút giao thông cầu Bà Chiêm đến Khu công nghiệp Hiệp Phước - giai đoạn 2; Thảm bêtông nhựa mặt đường trục Bắc - Nam giai đoạn 2 (từ Nguyễn Văn Linh đến nút giao cầu Bà Chiêm); Dự án nâng cấp, cải tạo đường Nguyễn Huệ trở thành tuyến phố đi bộ; Dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1, Bến Thành - Suối Tiên; Xây dựng tường rào dọc bờ kênh tuyến Đại lộ Đông Tây; Lắp đặt lan can an toàn dọc kênh Tàu Hủ - Bến Nghé; Xây dựng đường nối từ đường Thái Văn Lung đến đường Tôn Đức Thắng; Xây dựng cầu TL9 trên đường Nguyễn Văn Bứa;…

Đã phê duyệt các dự án Nâng cấp, mở rộng đường Trần Não, quận 2; Nâng cấp, mở rộng đường Chu Văn An đoạn từ cầu Chu Văn An đến đường Phan Chu Trinh, quận Bình Thạnh; Xây dựng cầu rạch Lăng trên đường Phan Chu Trinh hiện hữu, kể cả phần đường dẫn hai bên để kết nối đến đường Nơ Trang Long, quận Bình Thạnh; Xây dựng đường Lâm Viên Đồng Đình, huyện Cần Giờ; Xây dựng đường Lương Văn Nho, huyện Cần Giờ; phê duyệt điều chỉnh dự án đầu tư Xây dựng cầu Rạch Chiếc trên đường Vành đai phía Đông, quận 9; xây dựng đường nối Chánh Hưng - Rạch sông Sáng; phê duyệt điều chỉnh Kế hoạch lựa chọn nhà thầu công trình Xây dựng cầu vượt thép tại nút giao Ngã 6 Gò Vấp; Xây dựng cầu Rạch Chiếc trên đường Vành đai phía Đông, quận 9;…

9.5. Chương trình giảm ngập nước

Từ đầu năm đến nay trên địa bàn Thành phố xảy ra 83 trận mưa với 18 trận mưa gây ngập, số trận mưa gây ngập năm 2014 giảm so cùng kỳ các năm 2011, 2012 và 2013. Thành phố đã tập trung nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành cơ bản 10 dự án chuyển tiếp; kịp thời đưa công trình vào khai thác sử dụng, đảm bảo khả năng thoát nước, chống ngập úng cho lưu vực, phát huy nhiệm vụ công trình như: Hoàn thành dự án cải tạo hệ thống thoát nước đường Trần Hưng Đạo, Quận 5 (từ đường Châu Văn Liêm đến đường Học Lạc) và Cải tạo hệ thống thoát nước đường Tân Hòa Đông (từ An Dương Vương đến vòng xoay Phú Lâm)....

Đã triển khai thực hiện công tác duy tu, sữa chữa, nạo vét hệ thống thoát nước có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên các vị trí thường xuyên bị ngập nước. Từ đầu năm đến nay đã nạo vét 383,337km lượt cống thoát nước; duy tu nạo vét 35 tuyến kênh rạch và cửa xả với chiều dài 11 km; nạo vét 9.467 hầm ga; nạo vét 26.388 máng hầm ga; nạo vét 403 hầm ga và máng; sửa chữa 1.841 hầm ga; thay 2.272 nắp hầm ga; thay 238m cống sụp; sửa chữa mở rộng 1.101 miệng thu nước; nâng 482 khuôn hầm ga; thay 482 khuôn hầm ga; sửa chữa 4.075 máng; sửa chữa máng, lưỡi của hầm ga 70 cái. Tính từ đầu năm 2014, Thành phố đã xử lý cơ bản 01 điểm ngập (Tỉnh lộ 43, quận Thủ đức); Tiếp tục tập trung nguồn lực triển khai thực hiện 05 điểm còn lại đã đăng ký xóa giảm ngập năm 2014 gồm: Đường Đỗ Xuân Hợp (Quận 9); Quốc lộ 1A; Nguyễn Văn Quá (Quận 12); Quang Trung (quận Gò Vấp); Kinh Dương Vương (quận Bình Tân).

Ngoài ra, xuất hiện tái ngập tại 22 điểm do ảnh hưởng dẫn dòng thi công dự án, do mưa vượt tần suất thiết kế cống, trong đó:

- 12 điểm ngập vừa do chặn dòng thi công dự án cải tạo kênh Tân Hoá - Lò Gốm: Đường Tân Hóa, Phan Anh, An Dương Vương, Chợ Lớn, đường 26, Mai Xuân Thưởng, Hậu Giang, Lê Quang Sung, Cao Văn Lầu, Dương Tử Giang (Quận 6); Tôn Thất Hiệp, Hồng Bàng (Quận 11).

- 10 điểm tái ngập (trong đó có 07 điểm chưa triển khai dự án để xóa giảm ngập căn cơ và 01 điểm chưa có cống thoát nước) do mưa lớn: Đường Gò Dưa, Ung Văn Khiêm, Nguyễn Hữu Cảnh, Tân Quý, Trương Vĩnh Ký, Gò Dầu, Tân Hương, Quốc lộ 13 (chưa có cống thoát nước); Bùi Hữu Nghĩa, Phan Đình Phùng.

Đến tháng 9/2014, Thành phố vẫn còn 2 điểm ngập nặng do triều: Đường Lương Định Của (Quận 2): Tuyến đường thuộc Khu đô thị mới Thủ Thiêm; Đường Huỳnh Tấn Phát (Quận 7). Ngoài ra, có 05 điểm ngập nhẹ: Đường Văn Thân, Chợ Lớn, Bình Quới, Quốc lộ 50 (huyện Bình Chánh), Bến Phú Định. Thành phố tiếp tục phát huy hiệu quả các biện pháp xử lý cấp bách, hạn chế thấp nhất tình trạng ngập trong khi chờ các công trình, dự án lớn phát huy tác dụng, ngăn chặn phát sinh điểm ngập mới; đảm bảo vận hành ổn định các trạm bơm, nhà máy xử lý nước thải; ứng cứu kịp thời khi gặp tổ hợp bất lợi mưa vượt tần suất cùng lúc thủy triều dâng cao.

9.6. Chương trình giảm ô nhiễm

Tình hình vệ sinh môi trường đô thị tiếp tục được quan tâm thực hiện. Đã đảm bảo thu gom vận chuyển 1.731,2 nghìn tấn rác sinh hoạt, bình quân 7.124 tấn/ngày. Rác thải sau khi thu gom được xử lý hoàn toàn tại 2 Khu liên hợp xử lý chất thải rắn của thành phố là Khu liên hợp Tây Bắc - Củ Chi và Khu liên hợp Đa Phước - Bình Chánh. Tỷ lệ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn đô thị đạt 100%. Đối với chất thải nguy hại, hiện nay, việc lưu giữ an toàn, thu gom, phân loại và tái chế chất thải rắn công nghiệp - chất thải nguy hại được thực hiện tại nhà máy ngay từ lúc phát sinh. Đã thực hiện xã hội hóa hoạt động trên với 10 công ty hành nghề xử lý và 42 cơ sở thu gom vận chuyển, chất thải nguy hại đảm bảo thu gom, vận chuyển và xử lý bình quân từ 350 - 400 tấn/ngày chất thải nguy hại, đạt tỷ lệ 100%. Công tác thu gom vận chuyển và xử lý chất thải y tế được chú trọng thực hiện. Bình quân thu gom, xử lý 14,4 tấn rác thải y tế/ngày. Tỷ lệ xử lý nước thải y tế đạt 99,7%[59].

Thành phố đã ban hành 83 quyết định xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường với tổng số tiền 7,2 tỷ đồng; thẩm định và phê duyệt 96 hồ sơ báo cáo đánh giá tác động môi trường, xác nhận hoàn thành báo cáo đánh giá tác động môi trường cho 25 dự án nhằm đảm bảo 100% các dự án đầu tư sản xuất kinh doanh được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc cấp giấy xác nhận Bản cam kết bảo vệ môi trường. Tình hình xử lý nước thải tại các khu công nghiệp - khu chế xuất tiếp tục được kiểm soát chặt chẽ, 14/14 khu công nghiệp - khu chế xuất thực hiện nghiêm túc việc xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn môi trường, đạt tỷ lệ 100% khu chế xuất - khu công nghiệp trên địa bàn thành phố hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường. Đối với các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định 64/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đến nay có 35/37 cơ sở đã cơ bản thực hiện xong xử lý ô nhiễm triệt để; còn 2 cơ sở đã khắc phục, xử lý ô nhiễm nhưng chưa triệt để cần tiếp tục thực hiện[60].

Đã ban hành Quyết định số 4456/QĐ-UBND ngày 06 tháng 9 năm 2014 về ban hành Kế hoạch triển khai Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 18 tháng 3 năm 2013 của Chính phủ về một số vấn đề cấp bách trong lĩnh vực bảo vệ môi trường trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh; Chỉ thị số 08/2014/CT-UBND ngày 06 tháng 5 năm 2014 về tăng cường quản lý và bảo vệ môi trường trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, trách nhiệm bảo vệ môi trường của các tổ chức và cá nhân, góp phần bảo vệ sức khỏe, nâng cao chất lượng sống của nhân dân. Đang tập trung xây dựng quy hoạch xử lý chất thải rắn trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2025 tầm nhìn đến năm 2030; lấy ý kiến dự thảo chỉ thị tăng cường công tác quản lý lực lượng thu gom rác dân lập trên địa bàn Thành phố, Quy định quản lý chất thải rắn thông thường trên địa bàn thành phố, Chỉ thị tăng cường quản lý chất thải rắn y tế trên địa bàn Thành phố; sửa đổi Quyết định số 73/2007/QĐ-UBND ngày 10/5/2007 về ban hành quy định quản lý bùn hầm cầu và dự thảo quy định quản lý chất thải rắn thông thường trên địa bàn Thành phố. Chương trình phân loại chất thải rắn tại nguồn tiếp tục được đẩy mạnh. Bên cạnh việc triển khai tại các chợ, siêu thị, khu chế xuất khu công nghiệp, các bệnh viện, Thành phố đã triển khai phân loại rác tại nguồn tại Khu A - khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng (Quận 7); tiếp tục xem xét thí điểm chương trình phân loại rác tại nguồn hộ gia đình.

Đã tổ chức lấy ý kiến các ngành, các cấp về dự thảo kế hoạch thực hiện Chiến lược bảo vệ môi trường thành phố đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, lấy ý kiến các tỉnh về Quy chế phối hợp quản lý tài nguyên nước tài nguyên khoáng sản và bảo vệ môi trường vùng giáp ranh của 7 tỉnh/thành phố; dự thảo quyết định thành lập Ban Chỉ đạo bảo vệ môi trường nước lưu vực hệ thống sông Sài Gòn - Đồng Nai và quy định về quản lý hoạt động khoáng sản và bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn Thành phố; hoàn thiện đề cương và dự toán kinh phí xây dựng kế hoạch hành động của Thành phố Hồ Chí Minh về đa dạng sinh học đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020; hoàn thành cập nhật danh sách các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng của 24/24 quận-huyện trên địa bàn theo Thông tư 04/2012/BTNMT ngày 08 tháng 5 năm 2012 của Bộ Tài nguyên Môi trường. Đã triển khai công tác lập dự án đầu tư xây dựng hệ thống quan trắc tự động khu chế xuất - khu công nghiệp và dự án trung tâm quan trắc phân tích môi trường; thực hiện thường xuyên công tác thông tin và truyền thông về môi trường đến các ngành các cấp và người dân trên địa bàn.

Về triển khai chương trình ứng phó biến đổi khí hậu thành phố: Là một đô thị lớn đang trên đà phát triển với nhu cầu phát triển toàn diện trên mọi lĩnh vực, thành phố đang phải đối mặt với những thách thức từ các tác động và rủi ro của biến đổi khí hậu. Thành phố đã ban hành Quyết định số 2838/QĐ-UBND ngày 11 tháng 06 năm 2014 về ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động số 34-CTrHĐ/TU của Thành ủy và Nghị quyết số 08/NQ-CP của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW Hội Nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; Quyết định số 3911/QĐ-UBND ngày 12 tháng 8 năm 2014 về phê duyệt đề án của Chương trình “Thành phố Hồ Chí Minh phát triển hướng về phía biển thích ứng với biến đổi khí hậu - Giai đoạn 2”; Quyết định số 3896/QĐ-UBND ngày 11 tháng 8 năm 2014 về phê duyệt danh mục các Chương trình thực hiện Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh trong năm 2014; triển khai tốt Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2015 theo Quyết định 2484/QĐ-UBND ngày 15 tháng 5 năm 2013; xây dựng Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn đến năm 2030. Thành phố cũng đã duy trì việc tuyên truyền về biến đổi khí hậu đến các tầng lớp nhân dân thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, báo đài; chuẩn bị tổ chức hội thi tìm hiểu kiến thức về biến đổi khí hậu.

Công tác phối hợp với các tổ chức quốc tế trong bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu được tăng cường thực hiện. Đã phối hợp với thành phố Osaka và Trung tâm Môi trường tổ chức Hội thảo phát triển thành phố phát thải ít Carbon; tham dự hội thảo hệ thống quản lý chất thải rắn thu hồi năng lượng, hội thảo các thành phố bền vững về môi trường, diễn đàn 3R khu vực Châu Á lần thứ 5, sự kiện diễn đàn các thành phố thế giới tại Singapore; tham gia giải thưởng về thích ứng với biến đổi khí hậu do tổ chức C40 và Siemens sáng lập; tiếp Giám đốc Khu vực Đông Nam Á và Châu Đại dương thuộc tổ chức C40 đến làm việc tại thành phố. Phối hợp với JICA khảo sát bước đầu cho dự án xử lý chất thải rắn tái sinh năng lượng; phối hợp với Thành phố Osaka nghiên cứu phương án kiểm kê khí nhà kính trên địa bàn Thành phố.

II. Nhận xét chung

1. Những kết quả đạt được và nguyên nhân:   

1.1. 9 tháng đầu năm 2014, trước tình hình kinh tế thế giới và trong nước còn khó khăn, lãnh đạo Thành phố đã chủ động nắm bắt tình hình, kịp thời chỉ đạo giải quyết các khó khăn, vướng mắc, tổng hợp các vấn đề phát sinh để kiến nghị, đề xuất điều chỉnh. Doanh nghiệp và người dân trên địa bàn đã đồng thuận các chủ trương, chính sách của nhà nước, cùng phấn đấu vượt qua khó khăn. Kinh tế thành phố tăng trưởng cao hơn cùng kỳ 2 năm liên tiếp trước đó; lĩnh vực xuất khẩu tiếp tục tăng so cùng kỳ năm 2013; chương trình bình ổn thị trường triển khai hiệu quả; quy mô sản xuất công nghiệp thành phố tiếp tục mở rộng; chỉ số phát triển công nghiệp đạt mức tăng trưởng khá. Ngành cơ khí chế tạo có bước phát triển nhanh, đạt tốc độ tăng so cùng kỳ. Doanh thu dịch vụ du lịch đều tăng so cùng kỳ.

Thành phố đã chỉ đạo các ngành, các cấp và các đơn vị trên toàn địa bàn tập trung thực hiện các hoạt động tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp trong xúc tiến đầu tư, thương mại, đầu tư đổi mới trang thiết bị, nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo sản phẩm mới, quảng bá thương hiệu, mở rộng thị trường, thực hiện kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, đặc biệt đã luôn quan tâm đến mời gọi các tập đoàn lớn nước ngoài đầu tư sản xuất vào Khu Công nghệ cao. Triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản; hướng dẫn các doanh nghiệp đăng ký tham gia chương trình chuyển đổi dự án đầu tư xây dựng khu đô thị mới và chuyển đổi nhà ở thương mại sang làm nhà ở xã hội hoặc công trình dịch vụ.

1.2. Lĩnh vực văn hóa - xã hội tiếp tục có nhiều tiến bộ. Đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm đảm bảo an sinh xã hội. Tình hình thị trường lao động ổn định, số lao động đến đăng ký thất nghiệp giảm. Công tác chăm lo cho các đối tượng diện chính sách và người nghèo, các chính sách ưu đãi xã hội (cấp thẻ bảo hiểm y tế, miễn học phí,…) được quan tâm thực hiện, kịp thời giúp người nghèo an tâm ổn định cuộc sống. Công tác giáo dục và đào tạo đạt nhiều kết quả tích cực. Lĩnh vực chăm sóc sức khỏe nhân dân được chú trọng, chủ động, quyết liệt thực hiện các biện pháp ngăn ngừa, phòng bệnh, giải quyết việc chữa bệnh cho người dân, hạn chế thấp nhất tỷ lệ tử vong; bước đầu thực hiện có hiệu quả chuỗi thực phẩm an toàn.

1.3. Các hoạt động đối ngoại của Thành phố tiếp tục được triển khai chu đáo, đúng kế hoạch, đảm bảo hiệu quả và đồng bộ trên ba kênh ngoại giao của Đảng bộ, Chính quyền, nhân dân. Quan hệ đối ngoại của Thành phố tiếp tục được mở rộng từ song phương đến đa phương trên tất cả các lĩnh vực, trải rộng trên nhiều địa bàn. chủ động và tích cực đẩy mạnh ngoại giao kinh tế với nhiều hoạt động quảng bá hàng hóa Việt Nam, xúc tiến thương mại, đầu tư và du lịch.

1.4. Thời gian qua, tình hình Biển Đông diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng không nhỏ đến tâm tư của doanh nghiệp và nhân dân cả nước, trước tình hình đó, thành phố đã chủ động triển khai nhiều giải pháp để ổn định sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Thành phố đã tổ chức quán triệt và triển khai các giải pháp hỗ trợ đối với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng trong cuộc biểu tình gây rối tại các khu công nghiệp, khu chế xuất. Đã hỗ trợ kịp thời các doanh nghiệp khắc phục thiệt hại, ổn định sản xuất kinh doanh; lập các Đoàn công tác đến từng doanh nghiệp để cùng giải quyết tiền lương, chế độ của người lao động trong thời gian doanh nghiệp ngừng hoạt động; chỉ đạo các ngành chức năng làm việc thêm ngoài giờ để đảm bảo việc xuất nhập khẩu hàng hóa cho các doanh nghiệp kịp tiến độ hợp đồng đã ký kết; rà soát hoạt động, mức độ thiệt hại để có chính sách giảm thuế, gia hạn thuế cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng; hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn với lãi suất phù hợp phục vụ sản xuất và chi trả lương người lao động. Thành phố đã tăng cường các biện pháp đảm bảo an ninh trật tự; tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tiếp tục nêu cao tinh thần cảnh giác, nâng cao ý thức, không có những hành động vi phạm pháp luật, nâng cao đời sống và góp phần cùng cả nước bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc theo đúng luật pháp Việt Nam và luật pháp quốc tế.

1.5. Thành phố tập trung mở đợt tấn công truy quét bọn tội phạm, hoàn thành công tác tuyển quân, xây dựng và củng cố quốc phòng toàn dân, xây dựng khu vực phòng thủ ngày càng vững mạnh; đảm bảo an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội.

1.6. Công tác chỉ đạo, điều hành của Ủy ban nhân dân thành phố và tổ chức thực hiện của các sở, ngành có nhiều tiến bộ và chuyển biến tích cực. Đã chủ động linh hoạt giải quyết nhiều khó khăn trong tình hình mới về kinh tế - xã hội.

* Nguyên nhân đạt được:

- Trước những diễn biến bất lợi và thử thách, khó khăn, lãnh đạo thành phố luôn theo dõi sát sao, chia sẽ, đồng hành cùng với cộng đồng doanh nghiệp, đã thực hiện nhiều biện pháp để tháo gỡ, tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, duy trì và phát triển sản xuất kinh doanh. Lãnh đạo Thành phố xem đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành.

- Lãnh đạo Thành phố đã chủ động đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp trong tổ chức thực hiện, phù hợp với điều kiện của Thành phố nhằm hỗ trợ sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường (cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp; hỗ trợ lãi suất cho các dự án thông qua chương trình kích cầu đầu tư; hỗ trợ doanh nghiệp trong xúc tiến thương mại và đầu tư; xây dựng thương hiệu; thực hiện quyết liệt chương trình bình ổn thị trường; thực hiện chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp; thực hiện nghiêm các chính sách hỗ trợ về thuế của Chính phủ).

- Thường xuyên kiểm tra, giám sát cơ sở trong việc thực hiện các nhiệm vụ được giao; theo dõi chặt chẽ tiến độ thực hiện 6 Chương trình đột phá và các công trình trọng điểm để tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ; thường xuyên sơ kết đánh giá việc thực hiện các chương trình, công trình.

2. Hạn chế, yếu kém và nguyên nhân: Bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình kinh tế - xã hội của Thành phố 9 tháng đầu năm 2014 có một số hạn chế, yếu kém sau:

2.1. Tình hình kinh tế tuy có chuyển biến nhưng tổng cầu của nền kinh tế chưa tăng nhanh được; kim ngạch xuất khẩu tuy tăng trưởng khá nhưng tốc độ tăng thấp hơn mức tăng chung của cả nước. Điều này cho thấy thị trường hàng hóa thế giới vẫn còn nhiều bất ổn, rào cản thương mại phi thuế quan ngày càng nhiều nên doanh nghiệp Thành phố gặp nhiều khó khăn về thị trường và đơn hàng xuất khẩu. Tốc độ tăng trưởng tín dụng vẫn còn chậm so kế hoạch, tỷ lệ nợ xấu vẫn còn ở mức cao.

2.2. Công tác giải phóng mặt bằng của địa phương thực hiện còn chậm, ảnh hưởng đến tiến độ chung của nhiều công trình. Nhiều tuyến đường cần thiết nâng cấp, mở rộng nhưng chưa cân đối được nguồn vốn để triển khai đầu tư (như đường Phan Văn Hớn, Bùi Đình Túy, Tân Hòa Đông, An Dương Vương, Tân Kỳ Tân Quý,…).

2.3. Việc giải quyết các điểm ngập trong thời gian qua vẫn chưa được bền vững, khả năng tái ngập cao khi xuất hiện các tổ hợp bất lợi mưa kết hợp với triều cường. Tình trạng ngập nước kéo dài do chặn dòng thi công dự án, lấn chiếm hệ thống thoát nước, thiếu đồng bộ trong việc xây dựng hệ thống thoát nước tại các khu dân cư mới, trục giao thông vẫn tiếp tục tái diễn.

2.4. Ý thức trách nhiệm của cộng đồng về bảo vệ môi trường tuy có chuyển biến tích cực nhưng chưa hình thành được thói quen thường xuyên trong sinh hoạt, tính tự giác của một số doanh nghiệp chưa cao nên tình trạng ô nhiễm môi trường vẫn còn diễn ra ở một số khu vực; trong khi công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực bảo vệ môi trường cũng còn nhiều bất cập; hạn chế; xử lý vi phạm về ô nhiễm môi trường cũng chưa nghiêm.

2.5. Tình hình khiếu kiện vẫn còn diễn biến phức tạp; phạm pháp hình sự có chiều hướng gia tăng, chủ yếu là trộm cắp xe máy và trộm đột nhập. Tình hình cháy trên địa bàn Thành phố tuy có giảm về số vụ nhưng diễn biến phức tạp, mức độ thiệt hại nghiêm trọng (có vụ cháy đã làm chết 07 người).

2.6. Cơ quan truyền thông chưa theo kịp tình hình, không kịp thời định hướng dư luận xã hội (ngược lại còn theo đuôi dư luận).

* Nguyên nhân hạn chế:

- Về khách quan: Do kinh tế thế giới còn khó khăn, đã ảnh hưởng đến thị trường xuất nhập khẩu của Việt Nam. Trong nước, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp; những rủi ro do thiên tai, dịch bệnh ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế và ổn định đời sống nhân dân.

- Về chủ quan: Công tác dự báo phân tích, đánh giá tình hình của các cơ quan nghiên cứu tổng hợp chưa sát thực tế, năng lực tham mưu của một số Sở, ngành còn hạn chế, mặc dù phát hiện được những vấn đề khó khăn phát sinh từ thực tiễn nhưng đề xuất các giải pháp tháo gỡ còn chậm, thiếu tính khả thi; sự phối hợp công tác giữa một số Sở, ban ngành chưa đồng bộ ....

Do Thành phố Hồ Chí Minh là đô thị đặc biệt, khối lượng công việc rất lớn và phức tạp nên công tác chỉ đạo, điều hành của Ủy ban nhân dân Thành phố đôi khi không đủ thời gian, thiếu đeo bám xử lý quyết liệt; trong khi người đứng đầu một số cơ quan đơn vị còn thụ động, trông chờ vào sự chỉ đạo của Thành phố đã ảnh hưởng đến tiến độ và chất lượng công việc.

III.- Nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 3 tháng cuối năm 2014

Tiếp tục triển khai thực hiện Kết luận số 74-KL/TW ngày 17 tháng 10 năm 2013 của Hội nghị Trung ương lần thứ 8 khóa XI; Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 02 tháng 01 năm 2014 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2014; Nghị quyết số 61/NQ-CP ngày 21 tháng 8 năm 2014 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 07 tháng 01 năm 2013 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu; Kết luận số 151-KL/TU ngày 06 tháng 12 năm 2013 của Hội nghị lần thứ 16 Thành ủy khóa IX; Nghị quyết số 25/2013/NQ-HĐND ngày 10 tháng 12 năm 2013 của Hội đồng nhân dân Thành phố về dự toán và phân bổ ngân sách Thành phố năm 2014, Nghị quyết số 38/2013/NQ-HĐND ngày 10 tháng 12 năm 2013 của Hội đồng nhân dân Thành phố về nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2014; các nhiệm vụ tại Quyết định số 01/2014/QĐ-UBND ngày 08 tháng 01 năm 2014 về Kế hoạch chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh và ngân sách Thành phố năm 2014; trong đó tập trung thực hiện các nội dung Chỉ thị của Ủy ban nhân dân Thành phố về triển khai các giải pháp chủ yếu đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, tập trung hoàn thành các nhiệm vụ, chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế - xã hội năm 2014, trong 3 tháng cuối năm 2014 sẽ tập trung các nhóm giải pháp sau:

1. Tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh

Tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội năm 2014 theo Nghị quyết của Thành ủy, của Hội đồng nhân dân Thành phố. Tiếp tục đẩy mạnh phát triển 4 ngành công nghiệp trọng yếu có hàm lượng khoa học - công nghệ cao; xây dựng Đề án phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ; thông qua các giải pháp về kích cầu, kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, phát triển nguồn nhân lực, triển khai các quy hoạch chuyên ngành, rà soát mặt bằng sản xuất,.. hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp chuyển dịch cơ cấu theo hướng giảm dần tỷ trọng các ngành thâm dụng lao động, tăng dần tỷ trọng các ngành công nghiệp có hàm lượng tri thức, công nghệ cao, có lợi thế cạnh tranh, thân thiện với môi trường, tiết kiệm năng lượng, công nghiệp phục vụ nông thôn.

Phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước tập trung tháo gỡ khó khăn về vốn cho doanh nghiệp, đảm bảo hỗ trợ kịp thời, ưu tiên hỗ trợ vốn cho 5 lĩnh vực: nông nghiệp và nông thôn, sản xuất kinh doanh hàng xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp vừa và nhỏ và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Tiếp tục theo dõi sát tình hình hoạt động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn, đặc biệt chú trọng về nợ xấu và công tác xử lý nợ xấu; tiếp tục phối hợp thực hiện tốt công tác quản lý vàng và ngoại tệ.

Tăng cường các hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài, đặc biệt tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh cho doanh nghiệp, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư nâng cao chất lượng hoạt động để tăng hiệu quả của đầu tư nước ngoài và giúp phát triển các ngành theo đúng định hướng phát triển của Thành phố.

Tiếp tục đẩy mạnh chương trình xây dựng nông thôn mới, thực hiện chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân phát triển cơ giới hóa, ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp. Nghiên cứu, thực hiện chính sách về huy động các nguồn lực, thúc đẩy nhanh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; đầu tư, đổi mới hoạt động tư vấn hỗ trợ, chuyển giao khoa học - công nghệ để nâng cao trình độ sản xuất của nông dân. Tăng cường tính liên kết giữa các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế Thành phố với các tỉnh trong vùng để xây dựng “Chuỗi thực phẩm an toàn”.

2. Tăng cường hoạt động xúc tiến đầu tư - thương mại - du lịch

Tiếp tục triển khai có hiệu quả các chương trình còn lại của kế hoạch xúc tiến thương mại - đầu tư - du lịch năm 2014. Chú trọng nâng cao hiệu quả khâu tổ chức, phối hợp tổ chức thực hiện hoạt động xúc tiến đầu tư - thương mại - du lịch.

Nâng cao hiệu quả xúc tiến đầu tư theo hướng tập trung thị trường và ngành kinh tế trọng điểm nhằm huy động các nguồn vốn cho đầu tư phát triển kinh tế Thành phố, đặc biệt là đầu tư vào các ngành có vai trò quan trọng trong thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế Thành phố. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các Chương trình bình ổn thị trường, bảo đảm cung ứng các mặt hàng thiết yếu với chất lượng đảm bảo và mức giá hợp lý; không để xảy ra tình trạng sốt hàng, tăng giá bất hợp lý. Nâng cao hiệu quả xúc tiến thương mại theo hướng thúc đẩy sự hiện diện sâu, rộng của hàng Việt Nam tại thị trường nội địa; tiếp tục triển khai có hiệu quả Chương trình hành động của Thành phố thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và Chương trình Hợp tác thương mại giữa Thành phố với các tỉnh, thành phố miền Đông Nam bộ và Tây Nam bộ. Từng bước nâng cao tính chuyên nghiệp trong công tác tổ chức các hội chợ triển lãm ở nước ngoài; thông tin, vận động và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tham gia nhằm kết nối nhà sản xuất Việt Nam với các đối tác, nhất là các đối tác phân phối hàng hóa; qua đó thúc đẩy sự hiện diện bền vững của hàng Việt Nam tại các thị trường trọng điểm, tiềm năng. Tăng cường gắn kết với Đại sứ quán, Tổng Lãnh sự và Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài nhằm cập nhật tình hình thị trường và nâng cao hiệu quả của hoạt động xúc tiến, nhất là hoạt động xúc tiến tổ chức ở nước ngoài. Khai thác tối đa nguồn lực sẵn có, thúc đẩy xã hội hóa kinh phí thực hiện nhằm nâng cao nhận thức và đề cao vai trò của doanh nghiệp trong việc góp sức cùng Thành phố triển khai các hoạt động xúc tiến.

3. Phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu thu ngân sách, tăng cường hiệu quả đầu tư công

3.1. Về thu ngân sách nhà nước

- Tăng cường chỉ đạo quyết liệt công tác quản lý thu, khai thác và nuôi dưỡng nguồn thu, chống thất thu và xử lý nợ đọng thuế, phấn đấu hoàn thành vượt mức dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2014 được giao. Rà soát, nắm chắc các nguồn thu và đối tượng thu ngân sách trên địa bàn; kiểm soát việc kê khai thuế, quyết toán thuế của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân để thu đúng, đủ, kịp thời các khoản thuế, phí, lệ phí và thu khác vào ngân sách nhà nước. Đôn đốc nộp kịp thời số thuế và thu ngân sách được gia hạn trong năm 2013 đến hạn phải nộp vào ngân sách, các khoản phải thu theo kết quả kiểm toán, thanh tra và các cơ quan bảo vệ pháp luật. Quản lý chặt chẽ công tác hoàn thuế, bảo đảm đúng đối tượng, đúng chế độ quy định.

- Đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra thuế, hải quan; tăng cường các giải pháp chống buôn lậu và gian lận thương mại, chống chuyển giá, đảm bảo môi trường kinh doanh lành mạnh; kiểm soát chặt chẽ hoạt động tạm nhập, tái xuất, chuyển cửa khẩu và gửi kho ngoại quan. Phấn đấu thanh tra, kiểm tra thuế tại trụ sở người nộp thuế đạt tối thiểu 15% số doanh nghiệp đang quản lý thuế. Thu hồi kịp thời số tiền phát hiện qua thanh tra, kiểm tra vào ngân sách, phấn đấu số thuế truy thu thực nộp vào ngân sách đạt tối thiểu 80% số thuế phát hiện tăng thêm. Tăng cường đôn đốc, xử lý thu hồi nợ thuế, không để phát sinh số nợ thuế mới; phấn đấu số nợ thuế đến cuối năm 2014 dưới mức 5% trên tổng số thu.

- Tiếp tục đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan theo Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 05 tháng 8 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ, phấn đấu giảm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính thuế, hải quan cho cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp.

3.2. Về chi ngân sách nhà nước

a) Tăng cường quản lý chi ngân sách nhà nước, bảo đảm tiết kiệm, chặt chẽ và hiệu quả.

- Thực hiện thu hồi để bổ sung dự phòng ngân sách các cấp đối với số vốn đầu tư thuộc kế hoạch năm 2014 đã giao trong dự toán đầu năm của các sở - ban - ngành Thành phố và các quận - huyện nhưng đến ngày 30 tháng 6 năm 2014 chưa phân bổ cho các dự án, hoặc đã phân bổ nhưng chưa triển khai thực hiện các công việc của dự án theo quy định của pháp luật về quản lý vốn đầu tư xây dựng cơ bản; kinh phí thường xuyên đã giao dự toán cho các đơn vị nhưng đến hết ngày 30 tháng 6 năm 2014 vẫn chưa phân bổ hết (trừ một số khoản được phép để lại phân bổ sau theo quy định).

- Các chủ đầu tư khẩn trương đẩy nhanh tiến độ thi công, tiến độ giải ngân các nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản từ nguồn ngân sách nhà nước (bao gồm các dự án sử dụng vốn hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách trung ương, vốn chương trình mục tiêu quốc gia, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn ODA). Không kéo dài thời gian thực hiện các khoản vốn đầu tư, ứng trước từ ngân sách nhà nước thuộc kế hoạch năm 2014 sang năm 2015 (trừ một số trường hợp được cấp thẩm quyền cho phép kéo dài). Hạn chế tối đa việc ứng vốn từ ngân sách nhà nước cho các công trình dự án, trừ trường hợp thực sự cần thiết, cấp bách và phải cân đối bố trí được nguồn để hoàn trả vốn ứng trước.

- Tiếp tục tập trung xử lý các khoản tạm ứng, thanh quyết toán các công trình, dự án, thu hồi vốn để chi đầu tư phát triển; không giải quyết tạm ứng tiếp cho các dự án mà chủ đầu tư không làm thủ tục thanh toán đối với các khoản đã tạm ứng trước đó.

b) Thực hiện nghiêm chủ trương thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong chi thường xuyên; chủ động rà soát, sắp xếp để cắt giảm hoặc lùi thời gian thực hiện các nhiệm vụ chi chưa thực sự cần thiết, cấp bách (như chi mua sắm để thay thế trang thiết bị, xe ô tô… tuy đã đến thời hạn thanh lý, thải loại nhưng vẫn có thể sử dụng được). Sau ngày 31 tháng 10 năm 2014, sẽ ngừng thực hiện và hủy bỏ kinh phí mua sắm, sửa chữa đã bố trí trong dự toán của các đơn vị nhưng đến thời điểm đó vẫn chưa phê duyệt dự toán, chưa tổ chức đấu thầu (chưa phê duyệt kế hoạch đấu thầu, chưa đăng báo đấu thầu).

Tiết giảm chi phí điện, nước, điện thoại, văn phòng phẩm, xăng dầu, tiếp khách, đi công tác trong nước; dừng các đoàn đi công tác nước ngoài bằng kinh phí ngân sách không thực sự cần thiết. Hạn chế tối đa việc tổ chức các lễ hội, lễ kỷ niệm, lễ khởi công, lễ khánh thành; kiên quyết cắt giảm, không tổ chức các hội nghị, hội thảo có nội dung không thiết thực.

Điều hành dự toán chi ngân sách theo đúng dự toán được duyệt, đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi tiêu đã quy định. Hạn chế tối đa việc bổ sung ngoài dự toán và ứng vốn, trừ trường hợp thật sự cần thiết, cấp bách và phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Không đề xuất bổ sung các đề án, chương trình, ban hành các chính sách mới, hoặc nâng định mức làm tăng chi ngân sách nhà nước mà chưa xác định được nguồn đảm bảo.

c) Rà soát, quản lý chặt chẽ các khoản chi chuyển nguồn, chỉ thực hiện chuyển nguồn đối với một số khoản chi thật sự cần thiết theo đúng quy định. Kiên quyết không thực hiện việc chuyển nguồn đối với các nhiệm vụ do chủ quan các cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách thực hiện chậm.

4. Công tác quản lý nhà nước về đô thị: Chỉ đạo thực hiện các công trình, chương trình để kịp tiến độ (khánh thành, khởi công) nhân kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2015) và chào mừng Đại hội lần thứ X Đảng bộ Thành phố, tiến tới Đại hội XII của Đảng.

a. Tiếp tục thực hiện các công tác quy hoạch được phê duyệt và triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình nhà ở trên địa bàn

Tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch 1309/KH-UBND ngày 28 tháng 03 năm 2014 về triển khai thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 gắn với thực hiện Quyết định số 24/QĐ-TTg ngày 06 tháng 01 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2025.

Phấn đấu trong 3 tháng cuối năm 2014 sẽ phát triển 2,12 triệu m2 diện tích sàn xây dựng, đạt chỉ tiêu 8 triệu m2 diện tích sàn xây dựng. Chuẩn bị tổng kết chương trình nhà ở giai đoạn 2011 - 2015 và Kế hoạch giai đoạn 2016 - 2020; hoàn chỉnh kế hoạch di dời, tháo dỡ, xây dựng mới các chung cư cũ bị hư hỏng, xuống cấp trên địa bàn thành phố; Kế hoạch phát triển và quản lý nhà ở xã hội; kế hoạch phát triển nhà tái định cư.

Tăng cường vai trò quản lý nhà nước trong việc định hướng, kiểm soát và điều tiết để thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, ổn định. Tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 2196/CT-TTg ngày 06 tháng 12 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp tăng cường quản lý thị trường bất động sản.

Hoàn chỉnh dự thảo Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư trên địa bàn Thành phố; Quy trình về tiếp nhận, quản lý, bố trí sử dụng nhà ở thuộc sở hữu nhà nước thuộc thẩm quyền quản lý của Ủy ban nhân dân Thành phố; Quy định về quản lý, sử dụng nhà ở công vụ do thành phố quản lý; Quyết định về giá cho thuê nhà ở công vụ; văn bản về phân công, phân cấp quản lý, bố trí nhà ở xã hội; kế hoạch tổng kiểm tra toàn bộ các chung cư trên địa bàn Thành phố.

b. Tăng cường quản lý phát triển hạ tầng đô thị

Tăng cường các biện pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện phấn đấu thi công hoàn thành trong năm 2014 ([61]); khởi công xây dựng các công trình ([62]) và phê duyệt dự án các công trình trọng điểm cấp bách của ngành ([63]).

Tăng cường kêu gọi đầu tư đối với các đoạn đường thuộc tuyến đường Vành đai 2 của Thành phố, trong đó ưu tiên đoạn từ cầu Rạch Chiếc trên đường Vành đai phía Đông đến ngã tư Bình Thái; cầu đường Bình Tiên; xây dựng hầm chui tại nút giao thông An Sương; xây dựng đường nối Đại lộ Đông Tây - cao tốc Sài Gòn - Trung Lương; nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13 (đoạn từ ngã tư Bình Phước đến cầu Bình Triệu); đường nối từ cầu vượt nút giao thông Gò Dưa đến đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành Đai Ngoài (đoạn từ ngã ba Linh Đông đến nút giao thông Gò Dưa); đường Vành đai 2 phía Nam Thành phố (từ nút giao thông An Lập đến đường Nguyễn Văn Linh)...

Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư; tập trung phát triển đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng ngành giao thông vận tải. Đồng thời thực hiện tốt công tác tổ chức quản lý giao thông, đảm bảo khai thác hợp lý, phát huy hiệu quả khai thác hệ thống hạ tầng giao thông hiện hữu. Tăng cường công tác quản lý Nhà nước các lĩnh vực ngành giao thông vận tải về công tác phối hợp quản lý hạ tầng giao thông đô thị với các đơn vị liên quan (về vận tải, cấp - thoát nước,…).

Thực hiện các giải pháp xóa giảm ngập cấp bách, nạo vét có trọng tâm, trọng điểm để phát huy hiệu quả trong mùa mưa năm nay; tập trung nguồn lực, đôn đốc tiến độ thực hiện các dự án để giải quyết ngập cho 05/06 điểm đăng ký xóa còn lại năm 2014. Đôn đốc kiểm tra, khảo sát hiện trường, lập thiết kế dự toán, triển khai thi công 47 công trình cấp bách còn lại. Tiếp tục chỉ đạo Ủy ban nhân dân các quận - huyện, sở, ban ngành và các đơn vị liên quan để xử lý 44 vị trí lấn chiếm kênh rạch và 04 vị trí thi công ảnh hưởng đến hệ thống thoát nước.

c. Thực hiện có hiệu quả công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu

Tiếp tục thực hiện tốt công tác quản lý đất đai. Triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 06 tháng 01 năm 2014 của Chính phủ về phê duyệt quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm giai đoạn 2011-2015 trên địa bàn Thành phố. Đẩy mạnh công tác đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo Chỉ thị 01/CT-TTg ngày 21 tháng 01 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai thi hành Luật Đất đai. Hoàn thành việc đồng bộ cơ sở dữ liệu đất đai tại địa phương, kết nối tra cứu thông tin đất đai tại các quận-huyện.

Tiếp tục phối hợp với các tỉnh, thành thực hiện Đề án bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng Kế hoạch hành động của thành phố về đa dạng sinh học đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020. Chỉ đạo các ngành các cấp thực hiện nghiêm Chỉ thị số 08/2014/CT-UBND ngày 06 tháng 5 năm 2014 về tăng cường quản lý và bảo vệ môi trường trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.

Tăng cường thanh tra kiểm tra về bảo vệ môi trường; các hoạt động thu gom vận chuyển và xử lý chất thải. Đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án thuộc Chương trình giảm ô nhiễm môi trường; công tác lập quy hoạch xử lý chất thải rắn trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050. Hoàn thành việc di dời các trạm trung chuyển, quy hoạch các khu liên hợp xử lý chất thải rắn. Xây dựng kế hoạch triển khai mô hình thí điểm thu gom chất thải nguy hại phát sinh tại cơ sở nhỏ nằm xen trong các khu dân cư.

5. Quan tâm phát triển văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ; tăng cường hoạt động truyền thông

a. Nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân

Tập trung tổ chức chu đáo các Lễ hội trong 3 tháng cuối năm 2014: Kỷ niệm 69 năm Ngày Nam Bộ kháng chiến (23/9/1945 - 23/9/2014); kỷ niệm 74 năm Ngày Nam Kỳ Khởi Nghĩa (23/11/1940 - 23/11/2014); kỷ niệm 68 năm Ngày toàn quốc kháng chiến (19/12/1946 - 19/12/2014); kỷ niệm 54 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc giải phóng Miền Nam (20/12/1960 - 20/12/2014); kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2014)…

Tập trung hoàn thành công trình tưởng niệm khu di tích tổng tấn công xuân Mậu Thân; dự án đền tưởng niệm Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định. Chuẩn bị khởi công các dự án: tượng đài Bác Hồ, tượng đài thống nhất, tượng đài Nam Bộ kháng chiến, dự án công trình xây dựng Rạp Xiếc và biểu diễn đa năng Phú Thọ, Quận 11.

Tăng cường đẩy mạnh giữ gìn hoạt động di sản như: công tác tuyên truyền, quảng bá nghệ thuật Đờn ca tài tử trên địa bàn Thành phố; giới thiệu các hoạt động của khối Di sản văn hóa trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tập trung đẩy mạnh công tác lập hồ sơ xếp hạng di tích và tu bổ, tôn tạo các công trình di tích bị xuống cấp; tiếp tục triển khai thực hiện đề tài “Kiểm kê khoa học về phong tục, tập quán, lễ nghi của đồng bào dân tộc Kinh, Hoa và các dân tộc khác” trên địa bàn Thành phố.

Tiếp tục triển khai tổ chức các giải thể thao phong trào phục vụ chính trị, kỷ niệm các ngày lễ lớn; đăng cai tổ chức giải thể thao cấp Thành phố, toàn quốc và quốc tế và tập trung công tác xây dựng lực lượng chuẩn bị tham dự và thi đấu đạt thành tích tốt Đại hội Thể dục Thể thao toàn quốc lần thứ VII tại Nam Định, ASIAD lần thứ 17 tại Hàn Quốc, Olympic trẻ lần II tại Trung Quốc năm 2014 và Đại hội Thể thao biển Châu Á tại Thái Lan.

b. Nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo; chất lượng nguồn nhân lực

Chủ động nâng cao chất lượng giáo dục ở các cấp học; đặc biệt ở các huyện ngoại thành. Thực hiện tốt việc đổi mới mô hình phát triển dựa vào chất lượng; chú trọng giáo dục đạo đức; nâng cao chất lượng công tác tư vấn vào trường học nhằm kéo giảm tình trạng bạo lực học đường. Tiếp tục củng cố kết quả phổ cập giáo dục ở các cấp, tăng cường phân luồng học sinh sau trung học cơ sở và xóa mù chữ cho người lớn; khuyến khích, hỗ trợ tạo điều kiện phát triển ngành giáo dục mầm non. Tiếp tục triển khai thực hiện Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020”[64].

Tiếp tục tổ chức sơ kết 10 năm thực hiện Quyết định số 02/2003/QĐ-UB ngày 03 tháng 01 năm 2003 của Ủy ban nhân dân thành phố về phê duyệt quy hoạch phát triển mạng lưới trường học ngành giáo dục và đào tạo Thành phố đến năm 2020. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án “Giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động các Trung tâm giáo dục thường xuyên 2010 -2020”.

Triển khai Chương trình hành động của Thành ủy, Kế hoạch của Ủy ban nhân dân Thành phố thực hiện Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Tập trung xây dựng chương trình, kế hoạch nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho hệ thống chính trị năm 2015 và tổng kết thực hiện giai đoạn 2011 - 2015; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, đổi mới sắp xếp tổ chức, bộ máy, đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực phát triển kinh tế - xã hội Thành phố đến năm 2020 và những năm tiếp theo.

c. Phát triển khoa học và công nghệ; tăng cường hoạt động truyền thông

Tổ chức sơ tuyển đề tài, công trình nghiên cứu khoa học cho kế hoạch năm 2015. Đẩy mạnh hoạt động chuyển giao ứng dụng kết quả nghiên cứu sau nghiệm thu. Triển khai thực hiện thương mại hóa kết quả nghiên cứu trong danh sách các sản phẩm đã được Thành phố phê duyệt. Tiếp tục triển khai thí điểm đánh giá một số chương trình nghiên cứu khoa học và công nghệ theo chuẩn mực quốc tế, phù hợp đặc thù Việt Nam. Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về khoa học và công nghệ tại các quận-huyện.

Đưa vào vận hành chính thức liên thông kết nối hệ thống quản lý văn bản, hồ sơ công việc, chỉ đạo điều hành từ Ủy ban nhân dân Thành phố đến các quận, huyện và sở, ban, ngành (giai đoạn 2); Nâng cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, 4; phát triển chính phủ điện tử của thành phố. Hoàn thiện dự thảo Quy hoạch Công nghệ thông tin Thành phố Hồ Chí Minh đến 2025 và Đề án nghiên cứu xây dựng chuỗi công viên phần mềm và công viên phần mềm Quang Trung 2.

Tiếp tục chỉ đạo các cơ quan báo, đài tổ chức tuyên truyền phục vụ 6 Chương trình đột phá, những chương trình trọng điểm khác theo chỉ đạo của Bộ và Thành phố, tuyên truyền pháp luật với nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Triển khai Đề án Quy hoạch báo chí Thành phố đến năm 2020.

6. Thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, tạo việc làm; phòng, chống dịch bệnh

a. Tiếp tục nâng cao chất lượng công tác y tế và chăm sóc sức khỏe nhân dân

Tiếp tục thực hiện các chương trình quốc gia về chăm sóc sức khỏe có mục tiêu, thực hiện các chương trình y tế chuyên sâu; nâng cao chất lượng khám chữa bệnh ở các cơ sở y tế, đầu tư nâng cấp cơ sở, trang thiết bị cho bệnh viện và phòng khám đa khoa cơ sở. Đẩy mạnh thanh, kiểm tra và giám sát các hoạt động chương trình vệ sinh an toàn thực phẩm vào các tháng cuối năm 2014. Tăng cường công tác giám sát dịch tễ tại các địa phương, chủ động phòng ngừa, ngăn chặn và chữa trị các loại dịch bệnh phát sinh trên địa bàn; phấn đấu giảm dần tỷ lệ mắc bệnh và tử vong do các bệnh truyền nhiễm gây ra. Tiếp tục thực hiện chương trình bình ổn giá thuốc, cung cấp thuốc chất lượng, giá hợp lý cho người dân. Tiếp tục thực hiện Đề án giảm tải bệnh viện và Đề án bác sĩ gia đình.

Tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công 3 bệnh viện (Nhi đồng Thành phố, ung bướu cơ sở 2, chấn thương chỉnh hình) và các bệnh viện cửa ngõ thành phố; tập trung thực hiện Chương trình Bác sĩ gia đình.

b. Thực hiện chính sách an sinh xã hội, công tác giải quyết việc làm

Tập trung thực hiện các giải pháp về giải quyết việc làm nhằm hoàn thành các chỉ tiêu về giải quyết việc làm, số chỗ làm mới trên địa bàn Thành phố. Đẩy mạnh và duy trì tổ chức định kỳ các buổi đối thoại, tham vấn và hỗ trợ đối với các Hiệp hội doanh nghiệp, các chủ đầu tư, các doanh nghiệp nhằm tăng cường sự hợp tác giữa các bên; nắm bắt, trao đổi thông tin và tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc về cơ chế để thúc đẩy phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh, gắn với tạo việc làm mới.

Xây dựng Dự án “Quy hoạch phát triển dạy nghề đến năm 2025”; triển khai Kế hoạch tổng kiểm tra, rà soát cơ sở dạy nghề trên địa bàn Thành phố để lập cơ sở dữ liệu quản lý dạy nghề giai đoạn 2011 - 2015. Tiếp tục thực hiện các dự án thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia năm 2014; triển khai Kế hoạch thực hiện Dự án “Nâng cao năng lực, truyền thông và giám sát, đánh giá chương trình Mục tiêu quốc gia về dạy nghề năm 2014” và tổ chức huấn luyện các thí sinh chuẩn bị dự thi tay nghề ASEAN lần thứ X tại Việt Nam vào tháng 10 năm 2014.

Tiếp tục thực hiện Đề án phát triển Quan hệ lao động tại Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2013 - 2015. Tiếp tục triển khai chương trình nâng cao chất lượng đào tạo nghề trong năm 2014 và đến năm 2020; tiếp tục thực hiện kế hoạch kiểm tra các cơ sở dạy nghề có vốn đầu tư nước ngoài và hướng dẫn đăng ký hoạt động dạy nghề trên địa bàn Thành phố.

Đẩy mạnh hoạt động cho vay vốn, sử dụng hợp lý các nguồn vốn từ Quỹ giảm nghèo, Quỹ quốc gia về việc làm và Quỹ hỗ trợ đào tạo và giải quyết việc làm cho người bị thu hồi đất để thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn Thành phố. Tăng cường các hoạt động tư vấn hướng nghiệp, đào tạo nghề, giải quyết việc làm và thực hiện tốt các chính sách mua bảo hiểm y tế; xây dựng sửa chữa nhà ở cho người nghèo. Tiếp tục tiếp nhận, kiểm tra và xét duyệt hồ sơ cho các cá nhân có công với cách mạng chưa được hưởng chính sách của Đảng và Nhà nước; xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động chăm lo cho diện chính sách trên địa bàn Thành phố nhân dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi năm 2015.

Tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động tại các quận - huyện, phường - xã - thị trấn về đảm bảo các quyền của trẻ em tại các địa bàn trọng điểm. Thực hiện có kết quả nội dung hợp tác các tổ chức phi chính phủ (Unicef, CDC...) đối với các dự án đã ký kết về Bảo vệ trẻ em.

7. Tập trung thực hiện có hiệu quả 6 Chương trình đột phá theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ IX. Tiếp tục nâng cao trách nhiệm của cơ quan thường trực từng chương trình trong việc kiểm tra, đánh giá, đề ra các giải pháp mới từ thực tiễn để nâng cao chất lượng, hiệu quả, tạo bước chuyển biến tích cực trong việc thực hiện từng chương trình đột phá trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ IX. Trong đó lưu ý: nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để đảm bảo có đủ người tài phục vụ cho sự nghiệp phát triển của Thành phố trong giai đoạn mới. Thực hiện đạt kết quả cao nhất Chương trình cải cách hành chính tại Thành phố, thực hiện công khai, minh bạch các thủ tục đầu tư, kinh doanh trên địa bàn Thành phố; thực hiện tốt công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân; công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, thực hành tiết kiệm. Tăng cường thực hiện Đề án tái cơ cấu kinh tế doanh nghiệp Thành phố, đẩy mạnh công tác cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; chuẩn bị thực hiện đề án phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn Thành phố để tạo đà kinh tế Thành phố phát triển vững mạnh hơn. Tiếp tục thực hiện Chương trình giảm ùn tắc và tai nạn giao thông gắn với chủ đề “Siết chặt quản lý hoạt động vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện”. Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án, đưa công trình vào khai thác sử dụng, đảm bảo khả năng thoát nước, chống ngập úng cho lưu vực; giải quyết triệt để tình trạng ngập nước do mưa; do lũ và triều, có xét đến hiện tượng mực nước biển dâng cao trong tương lai trên địa bàn Thành phố. Tập trung kiểm soát, ngăn chặn và đẩy lùi ô nhiễm không khí, tiếng ồn, nước mặt, nước ngầm, chất thải rắn thông thường, chất thải rắn nguy hại; khắc phục những khu vực bị ô nhiễm nghiêm trọng; tăng diện tích cây xanh, vườn hoa, thảm cỏ, công viên…, nhất là khu vực trung tâm Thành phố; xây dựng Thành phố xanh, sạch; nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của cộng đồng.

Chuẩn bị nội dung báo cáo tổng kết 5 năm thực hiện 6 chương trình đột phá của Thành phố nhiệm kỳ IX và chuẩn bị xây dựng các chương trình đột phá mới để trình Đại hội X của Đảng bộ Thành phố.

8. Tiếp tục mở rộng quan hệ hợp tác kinh tế - văn hóa, tổ chức đón tiếp chu đáo và trọng thị các quốc tế đến Thành phố Hồ Chí Minh; tổ chức có hiệu quả, tiết kiệm các đoàn Lãnh đạo thành phố đi công tác nước ngoài. Tiếp tục mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác kinh tế - văn hóa giữa Thành phố Hồ Chí Minh với các địa phương trong nước và nước ngoài. Triển khai có hiệu quả các thỏa thuận quốc tế đã ký kết. Triển khai các hoạt động ngoại giao văn hóa hiệu quả và thiết thực, góp phần xúc tiến thương mại, đầu tư, quảng bá du lịch, văn hóa của Việt Nam đến bạn bè quốc tế. Phát huy vai trò của đối ngoại nhân dân thông qua việc đổi mới và đa dạng hóa hình thức quan hệ với các đối tác, tăng cường giao lưu đối thoại nhằm tranh thủ sự ủng hộ quốc tế.

9. Bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, củng cố quốc phòng trên địa bàn Thành phố:

Xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch đảm bảo an ninh trật tự, an toàn Đại hội Đảng bộ các cấp và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng. Triển khai thực hiện Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 17 tháng 6 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về công tác đảm bảo an ninh và an toàn thông tin mạng trong tình hình mới. Hoàn chỉnh công tác xây dựng Đề cương sử dụng lực lượng dân quân tự vệ trong nhiệm vụ phòng, chống gây rối biểu tình. Diễn tập điểm chiến đấu-trị an cấp phường theo chỉ đạo của Bộ Quốc phòng, Quân khu 7; sẵn sàng huy động lực lượng, phương tiện tham gia đấu tranh bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền biển đảo.

Thành phố tiếp tục tập trung đấu tranh với các đối tượng chống đối, đấu tranh hiệu quả với số đối tượng lợi dụng dân chủ, nhân quyền tụ tập biểu tình, gây rối an ninh trật tự; tiếp tục giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp. Tăng cường công tác phòng, chống tội phạm, mở các đợt cao điểm tấn công trấn áp các loại tội phạm kết hợp xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Tập trung kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy các cơ sở có nguy cơ cháy cao; tiếp tục khảo sát và tập trung nghiên cứu, xây dựng chiến thuật, kỹ thuật chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đối với công trình ngầm. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định an toàn về cháy, nổ.

Tổ chức diễn tập phương án xử lý tình huống biểu tình, phá rối an ninh trật tự, bạo động, kết hợp diễn tập khu vực phòng thủ Thành phố Hồ Chí Minh năm 2014 theo hai cấp đơn vị quận - huyện và Thành phố. Ban hành Chỉ thị về triển khai thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng cháy và chữa cháy.

10. Tăng cường công tác vận động nhân dân, phát động phong trào thi đua yêu nước, thực hành tiết kiệm, thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2014 và những năm tiếp theo.

Thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở, tăng cường công tác dự báo, nắm chắc diễn biến tình hình về tư tưởng của nhân dân, nhất là trong công nhân, sinh viên, người lao động có thu nhập thấp để kịp thời giải quyết các vấn đề bức xúc của nhân dân và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của cơ sở. Đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, lập thành tích cao trong học tập, sản xuất kinh doanh, xây dựng đời sống văn hóa, chấp hành luật giao thông, thực hành tiết kiệm, phòng, chống lãng phí, đẩy mạnh công tác giảm nghèo, phòng, chống tội phạm, bảo vệ môi trường.

Thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, tạo sự thống nhất cao trong hệ thống chính trị, sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân thành phố nhằm phấn đấu vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2014. Triển khai việc chuẩn bị chu đáo cho nhân dân đón Tết cổ truyền Ất Mùi - 2015.

Xây dựng hoàn tất Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán thu chi ngân sách Thành phố năm 2015; báo cáo tổng kết tình hình thực hiện kế hoạch 2011 - 2015 và xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán thu chi ngân sách Thành phố giai đoạn 2016 - 2020, Kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 để phục vụ công tác tổ chức Đại hội Đảng bộ các cấp./.

 


Nơi nhận:
- Thường trực Chính phủ;
- Văn phòng Chính phủ (HN và TP.HCM);
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
- Bộ Tài chính;
- Tổng cục Thống kê;
- Thường trực Thành ủy;
- Thường trực HĐND thành phố;
- Thành viên Ủy ban nhân dân thành phố;
- Văn phòng Thành ủy và các Ban Thành ủy;
- Các Ban Hội đồng nhân dân thành phố;
- Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND.TP;
- Ủy ban MTTQ Việt Nam TP và các Đoàn thể TP;
- Các Sở, ban ngành TP; các Cty, Doanh nghiệp thuộc TP;
- UBND các quận - huyện;
- VPUB: CPVP; các Phòng CV, THKH (4b);
- Lưu:VT, (THKH/HT)

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Hứa Ngọc Thuận

 

PHỤ LỤC

CÁC CHỈ TIÊU CHỦ YẾU NĂM 2014 DO HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN THÀNH PHỐ ĐỀ RA

Chỉ tiêu

Đơn vị tính

Kế hoạch 2014

Thực hiện 9 tháng đầu năm

Ước thực hiện cả năm

So kế hoạch

Các chỉ tiêu kinh tế : 4 chỉ tiêu

1. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) trên địa bàn

%

9,5-10%

8,9%

9,5%

Đạt

2. Tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội

 

Chiếm 31% GDP

22%

29%

Đầu tư đạt hiệu quả cao hơn so kế hoạch đề ra

- Thu ngân sách

Tỷ đồng

226.300

189.317

226.300

Đạt

- Chi ngân sách

Tỷ đồng

41.979

30.718

41.979

Đạt

3. Chỉ số giá tiêu dùng năm 2014

%

< cả nước

2,41

< cả nước

Đạt

4. Tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu

%

10%

3,5

9,1[65]

Không đạt

Các chỉ tiêu xã hội: 12 chỉ tiêu

5. Số lao động được giải quyết việc làm

lượt người

265.000

218.418

278.000

Đạt

6. Số lao động được tạo việc làm mới

người

120.000

87.971

120.000

Đạt

7. Tỷ lệ lao động đang làm việc đã qua đào tạo nghề

%

68

67,88

69,93

Đạt

8. Tỷ lệ thất nghiệp giảm còn

%

4,7

-

4,7

Đạt

9. Tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí thành phố (thu nhập dưới 16 triệu đồng/người/năm) giảm còn

%

6,8

3

Dưới 3

Đạt

10. Tỷ lệ sinh

14,02

13,02

13,02

Đạt

11. Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng

%

<8

<8

<8

Đạt

12. Số giường bệnh trên 10.000 dân

giường

42

43

43

Đạt

13. Số bác sĩ trên 10.000 dân

bác sĩ

14,5

14,5

14,5

Đạt

14. Diện tích nhà ở bình quân đầu người

m2

16,9

16,6

16,9

Đạt

15. Phấn đấu số vụ ùn tắc giao thông trên 30 phút ở địa bàn thành phố.

 

Hạn chế mức thấp nhất

Hạn chế mức thấp nhất

Hạn chế mức thấp nhất

Đạt

16. Số vụ tai nạn giao thông, số người chết và số người bị thương do tai nạn giao thông giảm khoảng

%

5-10

Số vụ tai nạn giao thông giảm19,31%;

số người chết giảm12,44%; số người bị thương giảm 14,21%

5-10

Đạt

Các chỉ tiêu môi trường: 12 chỉ tiêu

17. Số lượt người sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng

Triệu lượt người

650

429,5

650

Đạt

18. Tỷ lệ hộ dân đô thị được cấp nước sạch

%

100

95,6

100

Đạt

19. Tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh

%

100

96

96

Không đạt

20. Tỷ lệ diện tích che phủ rừng và cây xanh phân tán quy đổi trên tổng diện tích đất tự nhiên đến cuối năm 2014

%

39,8

39,6

39,8

Đạt

21. Tỷ lệ chất thải rắn thông thường ở đô thị được thu gom, xử lý

%

100

100

100

Đạt

22. Tỷ lệ chất thải rắn nguy hại được thu gom, xử lý

%

100

100

100

Đạt

23. Tỷ lệ chất thải rắn y tế được thu gom, xử lý

%

100

100

100

Đạt

24. Tỷ lệ xử lý nước thải y tế

%

100

99,7

100

Đạt

25. Tỷ lệ khu chế xuất, khu công nghiệp đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn môi trường

%

100

100

100

Đạt

26. Tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý

%

100

95

95

Không đạti

27. Số điểm ngập do mưa giảm trên tổng số điểm ngập hiện nay

điểm

6/11

1

6

Đạt

28. Số điểm ngập nước do triều

điểm

1 trên 3 điểm ngập nặng còn lại.

1

1

Đạt

 



[1] Số liệu Cục Hải quan Thành phố đến ngày 15/9/2014.

[2] Tổng hạn mức tín dụng do các ngân hàng thương mại cam kết cho vay là 8.300 tỷ đồng, trong đó: vốn vay ngắn hạn dành cho các doanh nghiệp tham gia Chương trình Bình ổn thị trường là 2.800 tỷ đồng với lãi suất 5,5% -6%/năm và vốn vay trung và dài hạn là 2.150 tỷ đồng với lãi suất 7% - 10%/năm; còn lại 3.350 tỷ đồng dành cho các doanh nghiệp sản xuất, hợp tác xã, hệ thống phân phối tham gia chuỗi cung ứng hàng bình ổn thị trường vay với lãi suất 7% - 8%/năm.

[3] Cùng kỳ năm 2013, vốn huy động tăng 7,3% so cuối năm 2012;

  Cùng kỳ năm 2012, vốn huy động tăng 5,23% so cuối năm 2011.

[4] Bao gồm: Phát triển nông nghiệp và nông thôn, sản xuất kinh doanh hàng xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

[5] Lĩnh vực công nghiệp: 54 dự án với tổng vốn đầu tư  3.124,525 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư được hỗ trợ lãi vay là 1.487,481 tỷ đồng; Lĩnh vực Hạ tầng: 03 dự án với tổng vốn đầu tư 246,248 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư được hỗ trợ lãi vay là 146,039 tỷ đồng; Lĩnh vực Môi trường: 04 dự án với tổng vốn đầu tư 245,12 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư được hỗ trợ lãi vay là 134,37 tỷ đồng; Lĩnh vực Giáo dục và dạy nghề: 23 dự án với tổng vốn đầu tư 2.772,415 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư được hỗ trợ lãi vay là 1.249,129 tỷ đồng; Lĩnh vực Y tế: 12 dự án với tổng vốn đầu tư 1.144,068 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư được hỗ trợ lãi vay là 652,722 tỷ đồng; Lĩnh vực Văn hóa: 04 dự án với tổng vốn đầu tư 196,7 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư được hỗ trợ lãi vay là 119,49 tỷ đồng.

[6] Số liệu của Trung tâm quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng thuộc Sở Giao thông vận tải.

[7] Đến nay có 1.314 dự án đầu tư còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư 8,38 tỷ đô-la Mỹ (528 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với 5,008 tỷ đô-la Mỹ vốn đăng ký; 786 dự án có vốn đầu tư trong nước với 3,371 tỷ đô-la Mỹ vốn đăng ký).

[8] 4 dự án trong nước: (1) Trung tâm phát triển công nghệ cao đại học Nguyễn Tất Thành; 52,4 triệu đô-la Mỹ; (2) Trung tâm đào tạo nghề chất lượng cao Đại học Hutech: 21,4 triệu đô-la Mỹ; (3) Trung tâm nghiên cứu và phát triển thẻ thông minh MK Smart: 2 triệu đô-la Mỹ; (4) Nhà máy chế tạo và sản xuất chíp bán dẫn cnc: 257,5 triệu đô-la Mỹ.

[9] Hiện có 62 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đạt 2,535 tỷ đô-la Mỹ (vốn trong nước: 796,4 triệu đô-la Mỹ, vốn FDI: 1.738,7 triệu đô-la Mỹ); 40/62 dự án còn hiệu lực đang hoạt động chiếm 64,5%; 22 dự án chưa triển khai chiếm 35,5%.

[10] Thí điểm chuyển giao khẩu phần ăn TMR (Total Mixed Ration) theo công nghệ Israel cho các hộ chăn nuôi có quy mô lớn, tổ chức các lớp tập huấn, tư vấn và hỗ trợ nông nghiệp.

[11] Trong đó, trồng trọt ước tăng 3,9% so cùng kỳ (cùng kỳ tăng 3,8%); chăn nuôi tăng 4,1% so cùng kỳ (cùng kỳ tăng 4,3%); dịch vụ nông nghiệp tăng 9,4% so cùng kỳ (cùng kỳ tăng 4,7%); thủy sản tăng 9,7% so cùng kỳ (cùng kỳ tăng 9,6%). Diện tích gieo trồng lúa ước giảm 10,4% so cùng kỳ; diện tích gieo trồng rau các loại tăng 3,8%. Tổng sản lượng thủy sản ước đạt 43.075,2 tấn, tăng 9,8% so cùng kỳ. Trong đó: sản lượng nuôi trồng ước đạt 22.398,7 tấn, tăng 18,1%; sản lượng khai thác ước đạt 20.676,5 tấn, tăng 2%.

[12] Diện tích gieo trồng hoa, cây kiểng ước tăng 4,2%; hoa lan ước tăng 2,4%; tổng đàn bò ước tăng 17,2% (trong đó, đàn bò sữa tăng 5,1%; sản lượng sữa ước tăng 7,2%); tổng đàn bò sữa nuôi công nghệ cao Israel đạt 155 con, trong đó cái vắt sữa là 70 con, năng suất sữa bình quân đạt 22,7kg/con/ngày; cá cảnh ước tăng 11,1%, trong đó xuất khẩu tăng 12,8%... Đến cuối tháng 9/2014, cơ cấu từng ngành: trồng trọt chiếm tỷ trọng 24,9% (cùng kỳ 27,6%); chăn nuôi 39,3% (cùng kỳ 39,6%); thủy sản 28,5% (cùng kỳ 25,9%); dịch vụ nông nghiệp xấp xỉ cùng kỳ (cùng kỳ 6,2%).

[13] 9 tháng đầu năm 2014 đã có 739 phương án được phê duyệt với 2.042 hộ, doanh nghiệp vay, tổng vốn đầu tư 1.033 tỷ đồng, tổng vốn vay 629,6 tỷ đồng. Lũy kế đến nay có 1.973 quyết định phê duyệt cho 5.030 hộ với tổng vốn đầu tư 2.306,5 tỷ đồng, tổng vốn vay là 1.403,6 tỷ đồng.

[14] Xã Tân Thông Hội và xã Thái Mỹ (huyện Củ Chi), xã Lý Nhơn (huyện Cần Giờ), xã Xuân Thới Thượng (huyện Hóc Môn); xã Tân Nhựt (huyện Bình Chánh); xã Nhơn Đức (huyện Nhà Bè).

[15] Số liệu tính đến ngày 20/9/2014. Trong kỳ báo cáo tháng 8, do xảy ra sự cố đối với hệ thống xuất số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư nên số liệu trong báo cáo tháng 8 trước đây chưa được chính xác, số liệu tính toán lại đến ngày 20/8/2014 như sau: có 15.091 doanh nghiệp được cấp phép thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 79.119 tỷ đồng (so cùng kỳ giảm 12% về số lượng doanh nghiệp và tăng 5% về vốn đăng ký). Ngoài ra, có 26.979 doanh nghiệp đăng ký thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh với số vốn bổ sung 83.954 tỷ đồng (so cùng kỳ tăng 13% về số lượng doanh nghiệp và tăng 6% về vốn bổ sung).

[16] Tính đến ngày 30/9/2014.

[17] Trong 6 tháng đầu năm 2014.

[18] Hoa Kỳ, Nhật, Đức, Nga, Indonesia, Pháp, Mỹ, Thái Lan, Tây Ban Nha, Peru, Nam Phi, Anh, Hàn Quốc, Canada,v.v.

[19] Thành phố đã tổ chức các hội thảo, diễn đàn về chính sách tiền tệ, xúc tiến đầu tư nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) kịp thời tiếp cận các định hướng và chính sách mới, đưa ra những giải pháp hữu hiệu giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong việc thực thi chính sách, Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư; cụ thể gồm các sự kiện như tọa đàm “Chính sách tiền tệ và dự báo thị trường tài chính Việt Nam năm 2014”, Diễn đàn Đối thoại giữa Chính quyền với Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), Diễn đàn Xúc tiến Đầu tư vào các Khu Tây Bắc, Hội thảo “Đối thoại giữa Chính quyền với cộng đồng doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) về cải cách Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp” và Hội thảo “Gặp gỡ nhà cung cấp và thu hút đầu tư vào công nghiệp phụ trợ công nghệ cao”.v.v… Đã tổ chức 15 khóa huấn luyện đào tạo và hội thảo với các chuyên đề như lập kế hoạch kinh doanh, lập kế hoạch tiếp thị, đàm phán thương lượng trong kinh doanh, thu hút 465 người tham dự.

[20] Đến ngày 09/9/2014, Cổng thông tin điện tử Thương mại và Đầu tư (MIS) có 5.007 thành viên đăng ký sử dụng thường xuyên; đạt số lượt truy cập là 2.221.862 từ 197 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

[21] Đến nay, Hệ thống có 42 đơn vị thành viên là các sở - ban - ngành, quận - huyện và hơn 3.000 doanh nghiệp thành viên. 9 tháng đầu năm, Hệ thống đã nhận và trả lời 774 câu hỏi của doanh nghiệp; đã tổ chức 10 buổi đối thoại chuyên đề về thuế, hải quan, lao động và bảo hiểm xã hội, thu hút trên 2.763 người đến từ 2.098 doanh nghiệp tham dự, trả lời hơn 605 câu hỏi trực tiếp của doanh nghiệp.

[22] kim ngạch xuất khẩu hàng hóa vào Campuchia năm 2013 tăng 10,21% so năm 2012, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa vào Myanmar năm 2013 tăng 136,6% so năm 2012.

[23] Thông tư số 50/2013/TT-BTNMT ngày 27 tháng 12 năm 2013 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về định mức kinh tế kỹ thuật đo đạc địa chính, đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất, lập hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất. Thông tư số 25/2014/TT-BTNMT ngày 19 tháng 5 năm 2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về bản đồ địa chính.

[24] Đã thực hiện trên 1.508 suất diễn với hơn 1 triệu lượt người xem (Trung tâm Tổ chức Biểu diễn và Điện ảnh: 456 suất, 304.398 lượt người xem; Nhà hát Nghệ thuật Hát Bội: 142 suất, 71.400 lượt người xem; Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam: 608 suất, 268.900 lượt người xem; Trung tâm Ca nhạc nhẹ: 74 suất, 201.000 lượt người xem; Nhà hát Kịch Thành phố: 81 suất, 18.940 lượt người xem, Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang: 80 suất, 84.400 lượt người xem; Nhà hát Ca múa nhạc dân tộc Bông Sen: 67 suất, 63.260 lượt người xem) và 415 suất biểu diễn phục vụ vùng sâu, vùng xa, ngoại thành, các trường trại, thu hút hơn 197.100 lượt người xem (trong đó có 26 suất phục vụ trường trại, 2.600 lượt người xem và 389 suất phục vụ ngoại thành, vùng xa, 194.500 lượt người xem).

[25] Đã tổ chức thành công Lễ hội Đường sách lần thứ IV tại đường Mạc Thị Bưởi - Ngô Đức Kế, thu hút 152.857 lượt bạn đọc, phục vụ 305.664 lượt tài liệu (triển lãm giới thiệu tài liệu về biển đảo Việt Nam; triển lãm, giới thiệu tài liệu phục vụ người khiếm thị; xe Thư viện số lưu động phục vụ thiếu nhi, 03 đợt triển lãm sách, 02 buổi nói chuyện chuyên đề…). 9 tháng đầu năm 2014, lượt bạn đọc là 1,28 triệu lượt, đạt 128% kế hoạch năm. Tổng số khách tham quan 07 bảo tàng ước đạt 2,1 triệu lượt (tăng 2% so cùng kỳ); trong đó, khách nước ngoài ước đạt 600.000 lượt (tăng 3% so cùng kỳ năm 2013).

[26] Đã tổ chức 90 giải cấp thành phố; đăng cai tổ chức 18 giải toàn quốc và 15 giải quốc tế (4 giải châu Á, 11 giải quốc tế). Thi đấu trong nước: 529 huấn luyện viên, 3.176 vận động viên, 15 chuyên gia, 65 trọng tài tham dự giải toàn quốc đạt 556 huy chương vàng, 452 huy chương bạc, 404 huy chương đồng (so cùng kỳ năm 2013 đã cử 556 lượt huấn luyện viên, 3.091 lượt vận động viên, 10 chuyên gia, 76 trọng tài thuộc 30 môn thể thao tham dự giải toàn quốc đạt 555 huy chương vàng, 452 huy chương bạc, 404 huy chương đồng). Thi đấu quốc tế: 115 huấn luyện viên, 506 vận động viên, 10 chuyên gia, 11 trọng tài thuộc 28 môn thể thao đạt 80 huy chương vàng, 67 huy chương bạc, 61 huy chương đồng (9 tháng đầu năm 2013 cử 127 lượt huấn luyện viên, 550 lượt vận động viên, 06 lượt chuyên gia, 05 lượt trọng tài thuộc 31 môn thể thao đạt 94 huy chương vàng, 88 huy chương bạc và 69 huy chương đồng).

[27] Quyết định số 74/QĐ-UBND ngày 07 tháng 01 năm 2014 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về ban hành kế hoạch huy động trẻ đến trường và tuyển sinh vào các lớp đầu cấp năm học 2014 - 2015.

[28] Theo thống kê hiện nay thành phố có 912 trường mầm non, trong đó 419 đơn vị công lập, 10 đơn vị dân lập và 483 đơn vị tư thục; có 11.483 nhóm, lớp (4.325 công lập, 119dân lập và 7.039 tư thục).

[29] Trường mầm non 11, quận Gò Vấp; mầm non Rạng Đông và mầm non Hoa Lan, quận Tân Phú;  mầm non Bình Chiểu, quận Thủ Đức, Trường mẫu giào Cát Lái, Quận 2.

[30] Trường mầm non phường 10, Quận 5; mầm non Rạng Đông 4, Quận 6; mầm non Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân, mầm non Bình Lợi Trung, quận Bình Thạnh; mầm non 6, quận Gò Vấp; mầm non Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức; mầm non xã Phước Kiển-cơ sở 2, huyện Nhà Bè; mầm non 19/8, huyện Hóc Môn; mầm non Vĩnh Lộc A, mầm non Tân Túc và mầm non Bình Lợi, huyện Bình Chánh.

[31] Các bệnh viện TP tham gia: Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, Chấn thương chỉnh hình, Ung bướu, Nhân dân Gia Định, Từ Dũ.

[32] Quận 5, 6, 8, 9, 12, Gò Vấp, Huyện Cần Giờ, Nhà Bè, Củ Chi, Bình Chánh.

[33] Trung tâm Phú Văn, Phú Đức, Phú Nghĩa, Đức Hạnh, Bình Đức.

[34] 17 bệnh viện tuyến thành phố cử 59 bác sĩ đến làm việc tại 12 bệnh viện tuyến quận-huyện, thời gian công tác từ 01 năm đến 03 năm.  

[35] Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình đã triển khai 100 giường tại Bệnh viện An Bình; Khoa chấn thương chỉnh hình tại Bệnh viện quận Tân Phú đã triển khai 50 giường để điều trị vật lý trị liệu và phục hồi chức năng cho các bệnh nhân được chuyển từ Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình. Bệnh viện Nhi Đồng 1 lập khoa vệ tinh với 150 giường nhi tại bệnh viện quận Bình Tân và bệnh viện quận Tân Phú 70 giường . Bệnh viện Nhi Đồng 2 triển khai khoa vệ tinh với 50 giường tại Bệnh viện quận 2. Bệnh viện Ung bướu xây dựng khoa vệ tinh tại bệnh viện Quận 2 với 150 giường cho khoa nội ung bướu.

[36] Số liệu từ ngày 01/01/2014 đến ngày 15/08/2014.

[37] Tại Quận 8, Quận Tân Bình, Huyện Củ Chi.

[38] Tại xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh xảy ra chùm ca bệnh tiêu chảy với 09 ca bệnh, trong đó có 01 ca tử vong; Tại xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh xảy ra 01 trường hợp tử vong do tiêu chảy cấp.

[39] Hiện nay, Việt Nam chưa có trường hợp nhiễm Ebola.

[40] Tại Quận 9, Quận 12, Huyện Bình Chánh.

[41] Trong đó: Cao đẳng nghề: 9.993 người; trung cấp nghề: 3.782 người; sơ cấp nghề và dạy nghề thường xuyên: 306.828 người.

[42] Đạt 09 giải nhất, 04 giải nhì, 08 giải ba và 15 giải khuyến khích.

[43] Số liệu tính đến ngày 10/9/2014.

[44] Báo cáo của Văn phòng Ban chỉ đạo chương trình giảm nghèo, tăng hộ khá  (Số liệu đến ngày 31/07/2014).

[45] Báo cáo của Văn phòng Ban chỉ đạo chương trình giảm nghèo, tăng hộ khá (Số liệu đến ngày 31/07/2014).

[46] Đã duyệt cấp 219.151 thẻ bảo hiểm y tế cho hộ nghèo và cận nghèo; xây dựng 32 nhà tình nghĩa với kinh phí 1,664 tỷ, 770 nhà tình thương với kinh phí 31,654 tỷ, chống dột 351 căn với kinh phí 4,127 tỷ cho hộ nghèo TP.

[47] Trong đó có 1.102 Bà mẹ Việt Nam anh hùng (225 Bà Mẹ Việt Nam anh hùng hưởng trợ cấp hàng tháng, 877 thân nhân của Bà Mẹ Việt Nam anh hùng hưởng trợ cấp 01 lần).

[48] thăm hỏi tặng quà cho 136.642 người với tổng kinh phí hơn 47,62 tỷ đồng; xây dựng 28 căn nhà tình nghĩa với tổng số tiền hơn 1,873 tỷ đồng; 33 căn nhà tình thương cho diện chính sách với tổng kinh phí gần 1,1 tỷ đồng và sửa chữa chống dột cho 90 hộ với kinh phí hỗ trợ gần 1,433 tỷ đồng; vận động Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” đạt 7,253 tỷ đồng và tặng 309 sổ tiết kiệm với tổng số tiền 404 triệu đồng. Thực hiện giải quyết trợ cấp ưu đãi 4.826 học sinh - sinh viên với hơn 13 tỷ đồng; gia hạn 97.272 thẻ bảo hiểm y tế năm 2014 cho đối tượng bảo trợ xã hội.

[49] Đã cấp 465.603 thẻ bảo hiểm y tế miễn phí cho trẻ dưới 6 tuổi với tổng số tiền hơn 127,514 tỷ đồng, đạt tỷ lệ trên 97%; đã chuyển và giải quyết 17 hồ sơ trẻ gia đình nghèo được phẫu thuật tim miễn phí;... Đã tham vấn, tư vấn 3.467 lượt người về các chế độ, chính sách cho trẻ em; can thiệp, hỗ trợ, xử lý kịp thời 47 vụ vi phạm liên quan đến quyền trẻ em.

[50] Chương trình phát động từ đầu tháng 5/2014, tính đến ngày 11/7/2014 đã thu được hơn 37,7 tỷ đồng.

[51] Đã tuyên dương điển hình 3.145 tập thể và 26.861 cá nhân có nhiều thành tích trong việc học tập và làm theo lời Bác.

[52] Đa số các thành viên tham gia Tổ Cán sự xã hội tình nguyện đều là cán bộ hưu trí, đoàn viên, hội viên nòng cốt của các tổ chức đoàn thể chính trị-xã hội tại phường, xã, thị trấn đã tích cực tham gia công tác phòng, chống tệ nạn xã hội tại địa bàn.

[53] Báo cáo số 805/BC-PCCC-P1 ngày 08/9/2014 của Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy (số liệu tính từ ngày 16/12/2013 đến 07/9/2014).

[54] Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào, Chủ tịch Quốc hội Campuchia, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu, Chủ tịch Hạ viện kiêm Chủ tịch Quốc hội Myanmar…

[55] dự Lễ Khánh thành Bệnh viện Chợ rẫy Phnôm-Pênh; thăm và làm việc tại Trung Quốc về công tác xây dựng Đảng; thăm Pháp để tổ chức sự kiện “Những ngày Thành phố Hồ Chí Minh tại Lyon và vùng Rhôme-Alpes”, thăm Bỉ để tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại - đầu tư; thăm Mỹ và Canada học hỏi kinh nghiệm về hoạt động thị trường và mô hình chuyển đổi phát triển đô thị…

[56] Đại sứ Cuba, Thụy Điển, Singapore, Hoa Kỳ, Anh, Tân Tổng Lãnh sự Nhật Bản, Tổng Lãnh sự Ý, Tổng Lãnh sự Ấn Độ, Cơ quan phát triển Pháp (AFD), cố vấn Chiến lược của Tập đoàn Intel, cố vấn cấp cao của Tập đoàn Samsung…

[57] 10 lĩnh vực: cấp nước; thu gom rác thải; cấp phép xây dựng; cấp giấy chủ quyền nhà/đất; vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt; giáo dục mầm non; y tế; nộp thuế thu nhập cá nhân; kê khai nộp các loại thuế; đăng ký kinh doanh.

[58] Báo cáo số 240/BC-BATGT ngày 22/9/2014 của Ban An toàn giao thông Thành phố.

[59] 100% bệnh viện, trung tâm y tế do thành phố quản lý và 19/22 bệnh viện thuộc Bộ, ngành Trung ương có hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn môi trường; còn 03/22 cơ sở đang trong quá trình xây dựng hệ thống xử lý nước thải bao gồm: Bệnh viện 30/4; Bệnh viện Giao thông vận tải 8; Trung tâm phục hồi chức năng.

[60] Nhà máy xi măng Hà Tiên và nhà máy đóng tàu Ba Son.

([61])Đường Phạm Văn Đồng (Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành Đai Ngoài); cầu Long Kiểng; cầu Kênh Lộ; Cầu Kinh Thanh Đa; 10 cầu trên Tỉnh lộ 9; Cầu Kiệu; Chống sạt lở kênh Thanh Đa-đoạn 1.4; chống sạt lở bờ rạch Tôm huyện Nhà Bè; các dự án trong chương trình giảm ngập nước năm 2014;…

([62]) 3 tháng cuối năm dự kiến khởi công xây dựng công trình Nâng cấp, cải tạo đường Nguyễn Huệ (đoạn từ đường Lê Thánh Tôn đến đường Lê Lợi); Chống sạt lở bán đảo Thanh Đa (đoạn 2 và đoạn 4); Xây dựng cầu vượt kết cấu thép tại nút giao Ngã 6 Gò Vấp;...

([63]) 3 tháng cuối năm 2014 dự kiến phê duyệt dự án Sửa chữa và nâng cấp đường Tỉnh lộ 9 (Đặng Thúc Vịnh), Mở rộng nâng cấp đường Phan Văn Trị (đoạn từ cầu Hang Trong đến đường Tân Sơn Nhất -  Bình Lợi), Xây dựng hầm chui tại nút giao thông An Sương;...

[64] Với mục tiêu 2020 có 98 % người trong độ tuổi là 15-60 biết chữ; 70 % lao động nông thôn tham gia học tập cập nhật kiến thức, kỹ năng; 40% cán bộ công chức, viên chức có trình độ ngoại ngữ bậc 2 và 20 % đạt trình độ bậc 3.

[65] Sở Công thương mới ước tại văn bản số 9470/SCT-KHTC ngày 23 tháng 9 năm 2014.

i Chỉ tiêu tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý không đạt kế hoạch đề ra do hai cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng (Nhà máy xi măng Hà Tiên và Nhà máy đóng tàu Ba Son) trực thuộc Trung ương quản lý, nằm trong khu vực dân cư nên thời gian di dời kéo dài.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Báo cáo 176/BC-UBND về tình hình kinh tế - văn hóa - xã hội và quốc phòng - an ninh thành phố 9 tháng đầu năm; các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 3 tháng cuối năm 2014 do thành phố Hồ Chí Minh ban hành

  • Số hiệu: 176/BC-UBND
  • Loại văn bản: Báo cáo
  • Ngày ban hành: 01/10/2014
  • Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Người ký: Hứa Ngọc Thuận
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 01/10/2014
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản
File đang được cập nhật