Hệ thống pháp luật

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH DƯƠNG

Bản án số: 02/2023/KDTM-PT Ngày 12-01-2023

V/v tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

NHÂN DANH

NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH DƯƠNG

  • Thành phần Hội đồng xét xử phúc thẩm gồm có:Thẩm phán - Chủ tọa phiên tòa: Ông Đào Minh Đa Các Thẩm phán: Ông Phan Trí Dũng

    Ông Huỳnh Văn Luật

  • Thư ký phiên tòa: Bà Dương Thị Kim Thoa – Thư ký Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương.

  • Ðại di n Vi n Kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Dương tham gia phiên tòa: Ông Phạm Văn Xông - Kiểm sát viên.

    Trong các ngày 10 và 12 tháng 01 năm 2023 tại trụ sở Toà án nhân dân tỉnh Bình Dương xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 36/2022/TLPT- KDTM ngày 09/12/2022 về việc “tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa”.

    Do Bản án dân sự sơ thẩm số 13/2022/KDTM-ST ngày 28/9/2022 của Tòa án nhân dân thị xã B1, tỉnh Bình Dương bị kháng cáo.

    Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 29/2022/QĐXXPT- KDTM ngày 19/12/2022, giữa các đương sự:

  • Nguyên đơn: Công ty Trách nhiệm hữu hạn (viết tắt TNHH) I; địa chỉ: R, tầng 1, tháp 5, Tòa nhà T2, số 28, đại lộ Mai Chí T3, phường A, thành phố T4, Thành phố Hồ Chí Minh.

    Người đại diện hợp pháp của nguyên đơn: Bà Lê Thị Ngọc Á, sinh năm 1998; địa chỉ liên hệ: R, tầng 1, tháp 5, tòa nhà T2, số 28 đại lộ Mai Chí T3, phường A, thành phố T4, Thành phố Hồ Chí Minh (văn bản ủy quyền ngày 25/10/2022); có mặt.

  • Bị đơn: Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sản xuất Thương mại Sắt Thép Á1; địa chỉ: Thửa đất số 405, tờ bản đồ số 69, khu phố 4, phường M, thị xã B1, tỉnh Bình Dương.

    Người đại diện hợp pháp của bị đơn: Bà Hoàng Thị D, sinh năm 1979; địa chỉ liên hệ: số 144/54/16, đường X, khu phố T5, phường D, thành phố D, tỉnh Bình Dương (văn bản ủy quyền ngày 18/8/2022); có mặt.

  • Người kháng cáo: Nguyên đơn Công ty Trách nhiệm hữu hạn I.

NỘI DUNG VỤ ÁN:

Theo đơn khởi kiện ngày 09/3/2022 và quá trình tố tụng, người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn là bà Trương Thị X trình bày:

Vào tháng 6/2021, nhân viên của Công ty Trách nhiệm hữu hạn I (nguyên đơn) có liên lạc qua mạng xã hội zalo với nhân viên của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sản xuất Thương mại Sắt Thép Á1 (bị đơn) về việc mua bán thép mạ kẽm theo mẫu mã do nguyên đơn đưa ra. Sau khi trao đổi, hai bên thỏa thuận như sau: Bị đơn bán cho nguyên đơn 50 tấn thép vuông mạ kẽm theo mẫu của nguyên đơn, giá 28.000 đồng/kg; thanh toán bằng hình thức chuyển khoản; thời hạn thanh toán: đợt 1 thanh toán 30% giá trị đơn hàng sau 10 ngày kể từ ngày đặt khuôn; 70% giá trị hàng hóa còn lại sẽ thanh toán ngay trước khi nhận hàng hóa. Do sản phẩm thép theo mẫu do nguyên đơn đưa ra nên bị đơn yêu cầu nguyên đơn phải mua khuôn mẫu với giá 120.000.000 đồng, nguyên đơn đồng ý; hai bên thỏa thuận về khuôn mẫu như sau: Nguyên đơn thanh toán 70% giá trị khuôn để bị đơn làm khuôn, 30% giá trị khuôn còn lại sẽ được thanh toán ngay sau khi bị đơn hoàn thành khuôn và giao cho nguyên đơn (thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận tiền cọc) để duyệt khuôn.

Sau khi thống nhất, ngày 22/6/2021 nguyên đơn soạn thảo hợp đồng mua bán số 05/2021 theo đúng nội dung mà hai bên đã thỏa thuận, nguyên đơn ký vào hợp đồng và chuyển cho bị đơn xem (bị đơn chưa ký). Ngày 29/6/2021, bị đơn gửi phiếu “đề nghị thanh toán”, yêu cầu nguyên đơn thanh toán 70% giá trị khuôn mẫu theo hợp đồng số 05/2021 và chuyển cho nguyên đơn và cùng ngày 29/6/2021, nguyên đơn chuyển khoản cho bị đơn 84.000.000 đồng (đúng 70% giá trị khuôn mẫu).

Đến ngày 07/7/2021, nguyên đơn nhận được lại bản hợp đồng do bị đơn gửi qua mạng xã hội zalo cho nguyên đơn. Sau khi kiểm tra nội dung hợp đồng thì có sự thay đổi so với thỏa thuận ban đầu liên quan đến điều khoản thanh toán; theo đó bị đơn đã sửa đổi phần nội dung thanh toán từ 30% lên 50% giá trị hợp đồng sau 10 ngày đặt khuôn, giá trị hợp đồng còn lại thanh toán ngay trước khi nhận hàng. Phía nguyên đơn không chấp nhận điều khoản này vì không đúng với thỏa thuận ban đầu nên đã phản hồi lại cho bị đơn qua mạng xã hội zalo.

Ngày 15/7/2021, bị đơn yêu cầu nguyên đơn thương lượng lại điều khoản về thanh toán nhưng nguyên đơn không đồng ý; ngày 20/7/2021, nguyên đơn gửi mail cho bị đơn yêu cầu tiếp tục thực hiện thỏa thuận ban đầu về điều khoản thanh toán; hoặc chấm dứt thỏa thuận và bị đơn phải hoàn trả lại 84.000.000 đồng cho nguyên đơn.

Ngày 21/7/2021, phía bị đơn phản hồi là không đồng ý hoàn trả lại tiền vì lý do khuôn đã đặt xong, và tiền khuôn đã chuyển cho bên sản xuất khuôn (bên thứ 3).

Nay, nguyên đơn khởi kiện yêu cầu bị đơn phải trả lại số tiền cọc khuôn đã nhận là 84.000.000 đồng.

Bị đơn Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Sắt Thép Ắ1 (do bà Hoàng Thị D là người đại diện theo ủy quyền) trình bày:

Phía bị đơn thống nhất với nguyên đơn về việc giữa các bên có trao đổi về 02 nội dung:

Về việc cung ứng hàng hóa là thép vuông mạ kẽm (thép thành phẩm), số lượng hàng nguyên đơn đặt là 50 tấn, đơn giá 28.000 đồng/kg, mẫu mã hàng hóa do phía nguyên đơn quy định.

Về khuôn, phía bị đơn đặt mẫu khuôn 15, giá trị khuôn theo hai bên thỏa thuận là 120.000.000 đồng. Để bắt đầu sản xuất khuôn thì nguyên đơn có nghĩa vụ đặt cọc 70% giá trị khuôn, 30% giá trị khuôn còn lại phải thanh toán khi hoàn tất và bàn giao khuôn. Thời hạn bàn giao khuôn để nguyên đơn xem trước là 20 ngày kể từ ngày nhận cọc khuôn. Đối với thỏa thuận về khuôn thì hai bên thống nhất và không tranh chấp về cả điều khoản thanh toán và tiền cọc.

Đến ngày 29/6/2021, bị đơn nhận được số tiền cọc khuôn từ nguyên đơn chuyển khoản là 84.000.000 đồng. Ngay sau khi nhận cọc, bị đơn đã tiến hành giao kết với bên thứ ba để sản xuất khuôn và trước ngày 20/7/2021 bên thứ ba đã bàn giao khuôn cho Công ty bị đơn.

Vì hàng hóa (thép thành phẩm) nguyên đơn đặt hàng rất đặc thù, nên bị đơn nhận thấy trường hợp các bên giao kết hợp đồng cung ứng hàng hóa thì điều khoản thanh toán phải ở mức 50/50 (cọc trước 50% và thanh toán 50% ngay trước khi nhận hàng) mới đáp ứng được nhu cầu cũng như an toàn cho bị đơn. Do đó, phía bị đơn có trao đổi với nguyên đơn về việc điều chỉnh điều khoản thanh toán. Ngày 07/7/2021 (hợp đồng ghi ngày 01/7/2021), bị đơn có gửi file hợp đồng nguyên tắc (số 12/2021) qua zalo cho nguyên đơn, trong hợp đồng có ghi rõ điều khoản thanh toán là nguyên đơn phải thanh toán 50% giá trị hàng hóa sau 10 ngày đặt khuôn; 50% giá trị hàng hóa còn lại ngay trước khi nhận hàng. Nguyên đơn không đồng ý với điều khoản thanh toán hàng hóa nhưng trước ngày 12/7/2021 nguyên đơn không có bất kỳ động thái nào báo cho bị đơn biết là chấm dứt hay tạm dừng việc sản xuất khuôn. Do đó, phía bị đơn vẫn yêu cầu bên thứ ba sản xuất theo tiến độ bình thường. Ngày 13/7/2021, khi bên bị đơn báo cho nguyên đơn về việc mấy ngày nữa bàn giao khuôn, thì bên nguyên đơn mới báo cho bị đơn là do không đạt được thỏa thuận về điều khoản thanh toán hàng hóa, nên không đồng ý nhận khuôn và yêu cầu nhận lại tiền cọc khuôn đã chuyển khoản.

Ngày 20/7/2021, bị đơn có nhận được thông báo từ nguyên đơn về việc hoặc tiếp tục hợp đồng hoặc chấm dứt thỏa thuận và trả lại tiền. Vào ngày

21/7/2021, bị đơn đã phản hồi rất rõ ràng là nếu tiếp tục thì phải theo điều khoản thanh toán theo tỉ lệ cọc 50% và thanh toán tiền hàng 50% như bị đơn đưa ra. Nếu nguyên đơn không đồng ý thì phía nguyên đơn phải nhận khuôn về và thanh toán tiền khuôn còn thiếu cho bị đơn là 36.000.000 đồng.

Bị đơn cho rằng hai hợp đồng (mua khuôn mẫu và thép thành phẩm) là hoàn toàn độc lập. Đối với hợp đồng mua bán hàng hóa (thép khuôn mạ kẽm) thì giữa các bên chưa đạt được thỏa thuận, chưa ký hợp đồng và chưa thanh toán, nguyên đơn xác định các bên đã đạt được thỏa thuận là không đúng. Các bên chưa ký kết hợp đồng chính thức bởi người đại diện hợp pháp của hai công ty nên hợp đồng mua bán hàng hóa (thép thành phẩm) sẽ không được tiến hành và không có giá trị pháp lý ràng buộc các bên.

Riêng đối với thỏa thuận đặt khuôn mẫu, mặc dù hai bên chưa ký hợp đồng nhưng đã thỏa thuận và thực hiện trên thực tế; nguyên đơn đã chuyển khoản 84.000.000 đồng tiền cọc khuôn (tương đương 70% giá trị khuôn), còn thiếu số tiền 36.000.000 đồng (tương đương 30% giá trị khuôn còn lại), bị đơn đã hoàn thành khuôn theo như thỏa thuận và khuôn đang được lưu tại kho của bị đơn. Thỏa thuận đặt khuôn đúc để sản xuất thép thành phẩm đã được bị đơn thực hiện đúng thỏa thuận, nguyên đơn chưa thanh toán số tiền 36.000.000 đồng còn lại là ảnh hưởng đến quyền lợi của bị đơn nhưng bị đơn không yêu cầu giải quyết trong vụ án này.

Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 13/2022/KDTM-ST ngày 28/9/2022 của Tòa án nhân dân thị xã B1, tỉnh Bình Dương đã quyết định:

Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn Công ty TNHH I với bị đơn Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Sắt Thép Ắ1 về việc “tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa” (đối với số tiền 84.000.000 đồng).

Ngoài ra bản án còn quyết định về án phí và tuyên quyền kháng cáo cho các bên đương sự.

Ngày 17/10/2022, nguyên đơn kháng cáo toàn bộ bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm.

Tại phiên tòa, nguyên đơn thay đổi một phần nội dung kháng cáo, nguyên đơn chỉ yêu cầu bị đơn trả lại 1/2 số tiền đặt cọc là 42.000.000 đồng.

Bị đơn không đồng ý với yêu cầu của nguyên đơn và trình bày: Hợp đồng số 05 và hợp đồng số 12 đều do bị đơn soạn thảo gửi cho nguyên đơn; hai hợp đồng này đều chưa được người đại diện theo pháp luật của hai bên ký nên chưa có giá trị ràng buộc trách nhiệm của hai bên.

Hai bên không thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án. Ý kiến đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Dương:

Những người tiến hành tố tụng và tham gia tố tụng đã thực hiện đúng theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự.

Lời khai của hai bên và các tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ thể hiện rõ ràng là hai bên đã thỏa thuận giao kết hợp đồng mua bán thép mạ kẽm và khuôn mẫu đi kèm; bị đơn là bên soạn hợp đồng (số 05) nhưng sau khi nguyên đơn chuyển tiền đặt cọc khuôn mẫu thì bị đơn lại thay đổi điều khoản thanh toán (hợp đồng số 12); do nguyên đơn không đồng ý về điều khoản thay đổi nên hợp đồng không thực hiện được. Nguyên đơn yêu cầu lấy lại tiền cọc là có căn cứ, đề nghị Hội đồng xét xử sửa bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm và ghi nhận sự tự nguyên của nguyên đơn, buộc bị đơn trả lại cho nguyên đơn 42.000.000 đồng.

Sau khi nghiên cứu các tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ và được thẩm tra tại phiên tòa; căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa, ý kiến của Kiểm sát viên;

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN:

  1. Về tố tụng:

    [1.1] Nguyên đơn Công ty Trách nhiệm hữu hạn I đăng ký thành lập lần đầu ngày 04/10/2018, đăng ký thay đổi lần thứ 5 ngày 11/3/2021; mã số doanh nghiệp 0315306584; người đại diện theo pháp luật là ông S (quốc tịch: H, hộ chiếu số M82621790) - chức vụ: Giám đốc. Ngày 17/8/2022, ông S ký văn bản ủy quyền cho bà Trương Mỹ X tham gia tố tụng và được quyền kháng cáo bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm; văn bản về nội dung ủy quyền kháng cáo không được công chứng hoặc chứng thực như quy định tại khoản 4, 6 Điều 272 của Bộ luật Tố tụng dân sự; Tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận đơn kháng cáo do bà Trương Mỹ X ký tên đại diện cho nguyên đơn là vi phạm tố tụng.

    Bị đơn Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sản xuất Thương mại Sắt Thép Á1 đăng ký thành lập lần đầu ngày 05/01/2009, đăng ký thay đổi lần thứ 5 ngày 15/10/2017; mã số doanh nghiệp 3701335722; người đại diện theo pháp luật là ông Thân Ngọc Á - Chủ tịch hội đồng thành viên kiêm Giám đốc. Bị đơn chứng minh bằng các hợp đồng giao dịch với bên thứ 3 về việc mua bán khuôn mẫu đã hoàn thành, đã chuyển tiền mua khuôn mẫu cho bên thứ 3; tuy nhiên các chứng từ do bị đơn giao nộp đều là bản sao không có công chứng hoặc chứng thực nhưng Tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận và không yêu cầu bị đơn giao bản chính để đối chiếu là có thiếu sót.

  2. Về nội dung vụ án:

    [2.1] Nguyên đơn và bị đơn khai thống nhất về nội dung hai bên trao đổi qua mạng xã hội zalo rằng: Bị đơn bán cho nguyên đơn 50 tấn thép vuông mạ kẽm theo mẫu của nguyên đơn, giá 28.000 đồng/kg; thanh toán bằng hình thức chuyển khoản, đợt 1 thanh toán 30% giá trị đơn hàng sau 10 ngày kể từ ngày đặt khuôn; 70% giá trị hàng hóa còn lại sẽ thanh toán ngay trước khi nhận hàng hóa. Đồng thời, nguyên đơn phải mua khuôn mẫu (để sản xuất thép thành phẩm theo khuôn mẫu) với giá 120.000.000 đồng, thanh toán 70% giá trị khuôn để bị đơn làm khuôn, 30% giá trị khuôn còn lại sẽ được thanh toán ngay sau khi bị đơn hoàn thành khuôn và giao cho nguyên đơn (thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận

    tiền cọc) để duyệt khuôn. Sau khi thống nhất, bị đơn soạn hợp đồng số 05 ngày 21/6/2021 và gửi cho nguyên đơn, nội dung hợp đồng đúng theo thỏa thuận đã trao đổi giữa hai bên.

    Ngày 29/6/2021, bị đơn gửi phiếu yêu cầu thanh toán tiền cọc theo hợp đồng số 05 cho nguyên đơn và cùng ngày nguyên đơn đã chuyển khoản tiền cọc

    84.000.000 đồng cho bị đơn theo đúng thỏa thuận.

    Như vậy, hai bên thỏa thuận giao kết và thực hiện hợp đồng phù hợp với quy định tại khoản 15 Điều 3, khoản 1 Điều 24 của Luật Thương mại và các Điều: 385, 386, 387, 388, 393 và 398 của Bộ luật Dân sự năm 2015. Dù hai bên chưa ký hợp đồng nhưng theo quy định tại khoản 1 Điều 400 của Bộ luật Dân sự năm 2015 thì nguyên đơn đã chấp nhận giao kết hợp đồng với bị đơn theo nội dung Hợp đồng số 05/2021 và quy định tại Điều 401 của Bộ luật Dân sự năm 2015 thì Hợp đồng số 05/2021 đã có hiệu lực từ thời điểm nguyên đơn chuyển số tiền 84.000.000 đồng cho bị đơn.

    [2.2] Người đại diện theo pháp luật của bị đơn thừa nhận vào ngày 07/7/2021, bị đơn chuyển cho nguyên đơn Hợp đồng nguyên tắc số 12/2021 ngày 01/7/2021 có nội dung điều chỉnh phương thức thanh toán lần đầu của 50 tấn thép từ 30% lên 50%. Đây được xem là bị đơn đưa ra đề nghị mới nhằm sửa đổi một phần hợp đồng về phương thức thanh toán như quy định tại Điều 392 của Bộ luật Dân sự năm 2015, nguyên đơn không trả lời thì không được xem là đã chấp thuận sửa đổi hợp đồng theo đề nghị của bị đơn (khoản 2 Điều 393 của Bộ luật Dân sự năm 2015); và đến ngày 13/7/2021, bị đơn đã biết ý kiến của nguyên đơn là không đồng ý sửa đổi hợp đồng số 05/2021. Do đó, bị đơn phải có nghĩa vụ thực hiện theo nội dung hợp đồng số 05/2021, bị đơn không thực hiện là vi phạm hợp đồng, có lỗi làm cho hợp đồng không thực hiện được. Trong trường hợp này, nguyên đơn có quyền yêu cầu hủy bỏ hợp đồng, yêu cầu bị đơn trả lại tiền và bồi thường thiệt hại.

    Tòa án cấp sơ thẩm nhận định hợp đồng mua bán thép và mua bán khuôn mẫu là độc lập và từ đó không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn là không đúng pháp luật, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn.

    Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Dương đề nghị Hội đồng xét xử sửa án sơ thẩm theo hướng ghi nhận sự tự nguyện của nguyên đơn, buộc bị đơn trả lại cho nguyên đơn số tiền 42.000.000 đồng là có căn cứ.

    [2.3] Xét Tòa án cấp sơ thẩm có thiếu sót trong việc thu thập chứng cứ, vi phạm thủ tục tố tụng nhưng không nghiêm trọng nên chỉ cần sửa lại bản án sơ thẩm cho đúng pháp luật.

  3. Án phí kinh doanh, thương mại sơ thẩm: Các bên phải chịu theo quy định của pháp luật.

  4. Án phí kinh doanh, thương mại sơ thẩm: Do sửa bản án kinh doanh, thương mại sơ thẩm nên người kháng cáo không phải chịu.

QUYẾT ĐỊNH:

Căn cứ các Điều: 147, khoản 2 Điều 148, khoản 2 Điều 308 và Điều 313 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015; khoản 15 Điều 3, khoản 1 Điều 24 của Luật Thương mại và các Điều: 385, 386, 387, 388, 393, 398, 400, 401 của Bộ luật Dân sự năm 2015.

Căn cứ khoản 3 Điều 29 của Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa XIV quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

  1. Chấp nhận yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn Công ty TNHH I.

  2. Sửa Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 13/2022/KDTM-ST ngày 28/9/2022 của Tòa án nhân dân thị xã B1, tỉnh Bình Dương như sau:

    Ghi nhận sự tự nguyện của nguyên đơn Công ty TNHH I về việc yêu cầu bị đơn Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Sắt Thép Ắ1 phải trả lại số tiền

    42.000.000 đồng (bốn mươi hai triệu đồng).

    Buộc bị đơn Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Sắt Thép Ắ1 phải trả lại cho nguyên đơn Công ty TNHH I số tiền 42.000.000 đồng (bốn mươi hai triệu đồng).

    Kể từ ngày người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án, nếu người phải thi hành án chậm thi hành án thì còn phải trả tiền lãi, theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015, tương ứng với số tiền và thời gian chậm thi hành án.

  3. Án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm:

    Nguyên đơn Công ty TNHH I phải chịu 3.000.000 đồng (ba triệu đồng), được khấu trừ vào tiền tạm ứng án phí đã nộp 2.100.000 đồng (hai triệu, một trăm nghìn đồng) theo Biên lai thu tiền số 0011839 ngày 19/7/2022 của Chi cục thi hành án dân sự thị xã B1, tỉnh Bình Dương. Công ty TNHH I còn phải chịu

    900.000 đồng (chín trăm nghìn đồng).

    Bị đơn Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Sắt Thép Ắ1 phải chịu

    3.000.000 đồng (ba triệu đồng).

  4. Án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm: Công ty TNHH I không phải chịu. Chi cục Thi hành án dân sự thị xã B1 trả lại cho Công ty TNHH I

2.000.000 đồng (hai triệu đồng) tiền tạm ứng án phí đã nộp theo Biên lai thu số 0001218 ngày 26/10/2022 và số 0001466 ngày 07/12/2022 của Chi cục Thi hành án dân sự thị xã B1, tỉnh Bình Dương.

Theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7A và 9 Luật Thi hành án dân sự, thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án./.

Nơi nh¾n:

  • VKSND tỉnh Bình Dương;

  • Chi cục THADS thị xã B1;

  • TAND thị xã B1;

  • Các đương sự (để thi hành);

  • Lưu: Hồ sơ, Tổ Hành chính Tư pháp; Tòa K.

TM. HỘI ĐỒNG XÉT XỬ PHÚC THẨM THẨM PHÁN-CHỦ TỌA PHIÊN TÒA

(đã ký)

Đào Minh Đa

THÔNG TIN BẢN ÁN

Bản án số 02/2023/KDTM-PT ngày 12/01/2023 của TAND tỉnh Bình Dương về tranh chấp về mua bán hàng hóa

  • Số bản án: 02/2023/KDTM-PT
  • Quan hệ pháp luật: Tranh chấp về mua bán hàng hóa
  • Cấp xét xử: Phúc thẩm
  • Ngày ban hành: 12/01/2023
  • Loại vụ/việc: Kinh doanh thương mại
  • Tòa án xét xử: TAND tỉnh Bình Dương
  • Áp dụng án lệ: Đang cập nhật
  • Đính chính: Đang cập nhật
  • Thông tin về vụ/việc: nguyên đơn khởi kiện yêu cầu bị đơn phải trả lại số tiền cọc khuôn đã nhận là 84.000.000 đồng.
Tải về bản án