Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 03/2024/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 11 tháng 01 năm 2024

NGHỊ ĐỊNH

QUY ĐỊNH VỀ CƠ QUAN THỰC HIỆN CHỨC NĂNG THANH TRA CHUYÊN NGÀNH VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA CƠ QUAN ĐƯỢC GIAO THỰC HIỆN CHỨC NĂNG THANH TRA CHUYÊN NGÀNH

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Thanh tra ngày 14 tháng 11 năm 2022;

Theo đề nghị của Tổng Thanh tra Chính phủ;

Chính phủ ban hành Nghị định quy định về cơ quan thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và hoạt động của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định chi tiết một số điều, khoản và biện pháp thi hành Luật Thanh tra, bao gồm:

1. Điểm c khoản 2 Điều 18 về Thanh tra Tổng cục, Cục được thành lập tại Tổng cục, Cục thuộc Bộ có phạm vi đối tượng quản lý nhà nước chuyên ngành, lĩnh vực lớn, phức tạp, quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội.

2. Điểm b khoản 2 Điều 26 về Thanh tra sở tại sở có phạm vi quản lý rộng và yêu cầu quản lý chuyên ngành phức tạp.

3. Điều 34 về việc thành lập cơ quan thanh tra ở cơ quan thuộc Chính phủ.

4. Khoản 2 Điều 35 về nhiệm vụ, quyền hạn và hoạt động của cơ quan thanh tra ở cơ quan thuộc Chính phủ.

5. Khoản 2 Điều 36 về cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành.

6. Khoản 3 Điều 37 về hoạt động thanh tra và việc thực hiện kết luận thanh tra của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành.

7. Khoản 3 Điều 38 về người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành.

8. Tổ chức, hoạt động thanh tra trong cơ quan cơ yếu Chính phủ.

9. Chế độ bồi dưỡng đối với người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Nghị định này áp dụng đối với cơ quan quản lý nhà nước, Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước; Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Ban Cơ yếu Chính phủ, Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ, cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành, Thủ trưởng cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành; Chánh Thanh tra Bộ, Chánh Thanh tra Tổng cục, Cục và tương đương thuộc Bộ; Thanh tra Cơ yếu, Chánh Thanh tra Cơ yếu; Thanh tra Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Chánh Thanh tra Bảo hiểm xã hội Việt Nam; Thanh tra sở, Chánh Thanh tra sở; Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành, thành viên Đoàn thanh tra chuyên ngành; đối tượng thanh tra và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

Nghị định này không áp dụng đối với tổ chức các cơ quan thực hiện chức năng thanh tra trong Công an nhân dân, Quân đội nhân dân và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Điều 3. Nguyên tắc tổ chức và hoạt động thanh tra chuyên ngành

Tổ chức và hoạt động thanh tra chuyên ngành phải phù hợp với các nguyên tắc về tổ chức và hoạt động thanh tra, với tính chất, đặc điểm về ngành, lĩnh vực quản lý được quy định tại Luật Thanh tra, Nghị định số 43/2023/NĐ-CP ngày 30 tháng 6 năm 2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thanh tra, Nghị định này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Chương II

THANH TRA CƠ YẾU, THANH TRA BẢO HIỂM XÃ HỘI VIỆT NAM; THANH TRA TỔNG CỤC, CỤC THUỘC BỘ; THANH TRA SỞ

Mục 1. THANH TRA CƠ YẾU

Điều 4. Vị trí, chức năng của Thanh tra Cơ yếu

1. Thanh tra Cơ yếu là cơ quan của Ban Cơ yếu Chính phủ, giúp Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc quyền quản lý của Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ; thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về mật mã để bảo vệ thông tin bí mật nhà nước, chữ ký số chuyên dùng công vụ, mật mã dân sự, bảo đảm không chồng chéo với chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan khác có thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành cơ yếu; thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo quy định của pháp luật.

2. Thanh tra Cơ yếu chịu sự chỉ đạo, điều hành của Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ và chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn về công tác thanh tra của Thanh tra Chính phủ.

Điều 5. Nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra Cơ yếu

1. Trong lĩnh vực thanh tra, Thanh tra Cơ yếu có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

a) Tham mưu, xây dựng, báo cáo Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ trình Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành hoặc cấp có thẩm quyền ban hành và tổ chức thực hiện quy định về tổ chức, hoạt động của Thanh tra Cơ yếu;

b) Xây dựng dự thảo kế hoạch thanh tra của Ban Cơ yếu Chính phủ, trình Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ;

c) Tổ chức thực hiện kế hoạch thanh tra của Ban Cơ yếu Chính phủ;

d) Thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc quyền quản lý của Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ; thanh tra chuyên ngành trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về mật mã để bảo vệ thông tin bí mật nhà nước, chữ ký số chuyên dùng công vụ, mật mã dân sự;

đ) Thanh tra vụ việc khác khi được Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ giao;

e) Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị của Thanh tra Cơ yếu, quyết định xử lý về thanh tra của Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ;

g) Tổng hợp, báo cáo kết quả công tác thanh tra.

2. Giúp Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ thực hiện quản lý về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật.

3. Giúp Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ thực hiện quản lý về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo quy định của pháp luật.

Điều 6. Nhiệm vụ, quyền hạn của Chánh Thanh tra Cơ yếu

Trong lĩnh vực thanh tra, Chánh Thanh tra Cơ yếu có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

1. Lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra công tác thanh tra trong phạm vi quản lý của Ban Cơ yếu Chính phủ; lãnh đạo Thanh tra Cơ yếu thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Luật Thanh tra, Nghị định số 43/2023/NĐ-CP, Nghị định này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Quyết định việc thanh tra khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

3. Xử phạt vi phạm hành chính hoặc kiến nghị người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

4. Kiến nghị Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ đình chỉ theo thẩm quyền việc thi hành quyết định trái pháp luật trong lĩnh vực quản lý của Ban Cơ yếu Chính phủ được phát hiện qua thanh tra.

5. Kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, ban hành quy định cho phù hợp với yêu cầu quản lý; kiến nghị đình chỉ, hủy bỏ hoặc bãi bỏ quy định trái pháp luật được phát hiện qua thanh tra.

6. Kiến nghị Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ xem xét trách nhiệm, xử lý người thuộc quyền quản lý của Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ có hành vi vi phạm pháp luật được phát hiện qua thanh tra hoặc không thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra; yêu cầu, kiến nghị người có thẩm quyền xem xét trách nhiệm, xử lý cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật được phát hiện qua thanh tra hoặc không thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra.

7. Kiến nghị Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ giải quyết vấn đề liên quan đến công tác thanh tra.

Điều 7. Tổ chức, hoạt động của Thanh tra Cơ yếu

1. Thanh tra Cơ yếu có Chánh Thanh tra, Phó Chánh Thanh tra, Thanh tra viên và người làm công tác cơ yếu.

Chánh Thanh tra Cơ yếu do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, điều động, luân chuyển, biệt phái theo quy định của pháp luật về cơ yếu, Luật Thanh tra và quy định khác có liên quan sau khi tham khảo ý kiến của Tổng Thanh tra Chính phủ.

Phó Chánh Thanh tra Cơ yếu do Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, điều động, luân chuyển, biệt phái theo quy định của pháp luật về cơ yếu, Luật Thanh tra và quy định khác có liên quan.

2. Hoạt động thanh tra của Thanh tra Cơ yếu được thực hiện theo quy định của Luật Thanh tra, Nghị định số 43/2023/NĐ-CP, Nghị định này, pháp luật về cơ yếu, quy định khác của pháp luật có liên quan và các quy định cụ thể sau:

a) Chậm nhất vào ngày 30 tháng 11 hằng năm, Chánh Thanh tra Cơ yếu trình Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ ban hành kế hoạch thanh tra của Ban Cơ yếu Chính phủ.

Chậm nhất vào ngày 10 tháng 12 hằng năm, Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ ban hành kế hoạch thanh tra của Ban Cơ yếu Chính phủ sau khi được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng phê duyệt;

b) Chồng chéo, trùng lặp giữa hoạt động thanh tra của Thanh tra Cơ yếu với Thanh tra Bộ, Cơ quan thanh tra ở cơ quan thuộc Chính phủ, Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ, Thanh tra tỉnh, Thanh tra sở, Thanh tra huyện, cơ quan thanh tra tại đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt và các cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành thì Chánh Thanh tra Cơ yếu trao đổi với các Chánh thanh tra, Thủ trưởng cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành để xử lý. Trường hợp không thống nhất được thì Thanh tra Cơ yếu tiến hành thanh tra;

c) Thời hạn thanh tra, gia hạn thời hạn thanh tra, thời gian xây dựng báo cáo kết quả thanh tra, thời gian xây dựng dự thảo kết luận thanh tra của Thanh tra Cơ yếu được áp dụng theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 47, điểm b khoản 4 Điều 73 và điểm b khoản 5 Điều 75 của Luật Thanh tra;

d) Đoàn thanh tra do Chánh Thanh tra Cơ yếu thành lập thì Trưởng đoàn thanh tra phải từ Thanh tra viên trở lên.

3. Thanh tra Cơ yếu có con dấu và tài khoản riêng.

Điều 8. Thanh tra viên của Thanh tra Cơ yếu

1. Thanh tra viên của Thanh tra Cơ yếu là người làm công tác cơ yếu được bổ nhiệm vào ngạch thanh tra viên để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn trong hoạt động thanh tra theo quy định của pháp luật.

Tiêu chuẩn, việc bổ nhiệm vào ngạch thanh tra viên, miễn nhiệm Thanh tra viên được thực hiện theo quy định của Luật Thanh tra, Nghị định số 43/2023/NĐ-CP, Nghị định này, pháp luật về cơ yếu và quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Thanh tra viên của Thanh tra Cơ yếu được cấp trang phục thanh tra, thẻ thanh tra, được hưởng lương, phụ cấp thâm niên nghề, phụ cấp trách nhiệm theo nghề thanh tra và các chế độ, chính sách khác theo quy định.

Điều 9. Thanh tra lại kết luận của Thanh tra Cơ yếu

1. Tổng Thanh tra Chính phủ quyết định thanh tra lại vụ việc đã có kết luận của Thanh tra Cơ yếu nhưng phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

2. Căn cứ, thời hạn, trình tự, thủ tục thanh tra lại, nhiệm vụ, quyền hạn của người ra quyết định thanh tra lại, Trưởng đoàn thanh tra lại, thành viên Đoàn thanh tra lại được thực hiện theo quy định của Luật Thanh tra, Nghị định số 43/2023/NĐ-CP và Nghị định này.

Mục 2. THANH TRA BẢO HIỂM XÃ HỘI VIỆT NAM

Điều 10. Vị trí, chức năng của Thanh tra Bảo hiểm xã hội Việt Nam

1. Thanh tra Bảo hiểm xã hội Việt Nam là cơ quan của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành về đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội và luật chuyên ngành khác, bảo đảm không chồng chéo với chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan khác có thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo quy định của pháp luật.

2. Thanh tra Bảo hiểm xã hội Việt Nam chịu sự chỉ đạo, điều hành của Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam và chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn về công tác thanh tra của Thanh tra Chính phủ.

Điều 11. Nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra Bảo hiểm xã hội Việt Nam

1. Trong lĩnh vực thanh tra, Thanh tra Bảo hiểm xã hội Việt Nam có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

a) Xây dựng dự thảo kế hoạch thanh tra của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, hướng dẫn Bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi là Bảo hiểm xã hội tỉnh) xây dựng dự thảo kế hoạch thanh tra để tổng hợp và trình Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành;

b) Tổ chức thực hiện kế hoạch thanh tra của Bảo hiểm xã hội Việt Nam; theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kế hoạch thanh tra của Bảo hiểm xã hội tỉnh;

c) Thanh tra chuyên ngành về đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật;

d) Thanh tra vụ việc khác khi được Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam giao;

đ) Thanh tra lại vụ việc đã có kết luận của Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh nhưng phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật;

e) Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị của Thanh tra Bảo hiểm xã hội Việt Nam, quyết định xử lý về thanh tra của Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam;

g) Kiểm tra tính chính xác, hợp pháp của kết luận thanh tra của Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh và quyết định xử lý về thanh tra của Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh đối với vụ việc do Thanh tra Bảo hiểm xã hội Việt Nam kết luận khi cần thiết;

h) Chỉ đạo công tác thanh tra, hướng dẫn nghiệp vụ thanh tra đối với Bảo hiểm xã hội tỉnh;

i) Tổng hợp, báo cáo kết quả công tác thanh tra.

2. Giúp Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật.

3. Giúp Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo quy định của pháp luật.

Điều 12. Nhiệm vụ, quyền hạn của Chánh Thanh tra Bảo hiểm xã hội Việt Nam

Trong lĩnh vực thanh tra, Chánh Thanh tra Bảo hiểm xã hội Việt Nam có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

1. Lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra công tác thanh tra trong phạm vi quản lý của Bảo hiểm xã hội Việt Nam; lãnh đạo Thanh tra Bảo hiểm xã hội Việt Nam thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Luật Thanh tra, Nghị định số 43/2023/NĐ-CP, Nghị định này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Quyết định việc thanh tra khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

3. Đề nghị Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh tiến hành thanh tra khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật; trường hợp Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh không thực hiện thì ra quyết định thanh tra hoặc báo cáo Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam xem xét, quyết định.

4. Quyết định thanh tra lại vụ việc đã có kết luận của Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh nhưng phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

5. Xử phạt vi phạm hành chính hoặc kiến nghị người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

6. Yêu cầu Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh xem xét, chấn chỉnh, khắc phục sai phạm thuộc phạm vi quản lý do Thanh tra Bảo hiểm xã hội Việt Nam phát hiện qua thanh tra.

7. Xử lý chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra của các cơ quan Bảo hiểm xã hội tỉnh theo quy định tại Điều 31 của Nghị định này.

8. Kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, ban hành quy định cho phù hợp với yêu cầu quản lý; kiến nghị đình chỉ, hủy bỏ hoặc bãi bỏ quy định trái pháp luật được phát hiện qua thanh tra.

9. Kiến nghị Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam xem xét trách nhiệm, xử lý người thuộc quyền quản lý của Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam có hành vi vi phạm pháp luật được phát hiện qua thanh tra hoặc không thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra; yêu cầu, kiến nghị người có thẩm quyền xem xét trách nhiệm, xử lý cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật được phát hiện qua thanh tra hoặc không thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra.

10. Kiến nghị Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam giải quyết vấn đề liên quan đến công tác thanh tra.

Điều 13. Tổ chức, hoạt động của Thanh tra Bảo hiểm xã hội Việt Nam

1. Thanh tra Bảo hiểm xã hội Việt Nam có Chánh Thanh tra, Phó Chánh Thanh tra, Thanh tra viên và viên chức.

Chánh Thanh tra Bảo hiểm xã hội Việt Nam do Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, bố trí, phân công công tác, biệt phái sau khi tham khảo ý kiến của Tổng Thanh tra Chính phủ.

2. Tổ chức của Thanh tra Bảo hiểm xã hội Việt Nam được thực hiện theo quy định của pháp luật về tổ chức và quy định khác của pháp luật có liên quan.

3. Hoạt động thanh tra của Thanh tra Bảo hiểm xã hội Việt Nam được thực hiện theo quy định của Luật Thanh tra, Nghị định số 43/2023/NĐ-CP, Nghị định này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Việc xây dựng, ban hành kế hoạch thanh tra, thời hạn thanh tra, gia hạn thời hạn thanh tra, thời hạn thanh tra lại, tiêu chuẩn Trưởng đoàn thanh tra, thời gian xây dựng báo cáo kết quả thanh tra, thời gian xây dựng dự thảo kết luận thanh tra của Thanh tra Bảo hiểm xã hội Việt Nam được áp dụng như quy định đối với Thanh tra Bộ.

4. Thanh tra Bảo hiểm xã hội Việt Nam có con dấu và tài khoản riêng.

Điều 14. Thanh tra viên của Thanh tra Bảo hiểm xã hội Việt Nam

1. Thanh tra viên của Thanh tra Bảo hiểm xã hội Việt Nam là viên chức được bổ nhiệm vào ngạch thanh tra viên để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn trong hoạt động thanh tra theo quy định của pháp luật.

Tiêu chuẩn, việc bổ nhiệm vào ngạch thanh tra viên, miễn nhiệm Thanh tra viên của Thanh tra Bảo hiểm xã hội Việt Nam được thực hiện theo quy định của Luật Thanh tra, Nghị định số 43/2023/NĐ-CP, Nghị định này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam bổ nhiệm viên chức vào các ngạch thanh tra viên, Thanh tra viên chính; Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam bổ nhiệm viên chức vào ngạch thanh tra viên cao cấp sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ Nội vụ.

3. Thanh tra viên của Thanh tra Bảo hiểm xã hội Việt Nam được cấp trang phục thanh tra, thẻ thanh tra theo quy định pháp luật.

Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam quản lý và cấp thẻ thanh tra cho các ngạch thanh tra viên thuộc quyền quản lý của mình.

4. Thanh tra viên của Thanh tra Bảo hiểm xã hội Việt Nam được hưởng các quyền lợi như viên chức của ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam; được hưởng lương, phụ cấp thâm niên nghề, phụ cấp trách nhiệm theo nghề thanh tra và các chế độ, chính sách khác theo quy định.

Mục 3. THANH TRA TỔNG CỤC, CỤC THUỘC BỘ

Điều 15. Cơ quan Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ

1. Thanh tra Cục An toàn bức xạ và hạt nhân.

2. Thanh tra Cục Bổ trợ tư pháp.

3. Thanh tra Cục Hàng hải Việt Nam.

4. Thanh tra Cục Hàng không Việt Nam.

5. Thanh tra Ủy ban Chứng khoán nhà nước.

6. Thanh tra Kho bạc Nhà nước.

7. Thanh tra Tổng cục Dự trữ Nhà nước.

8. Thanh tra Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp.

9. Thanh tra Tổng cục Thống kê.

Điều 16. Tổ chức, hoạt động của Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ

1. Vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ, nhiệm vụ, quyền hạn của Chánh Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ, tổ chức, hoạt động của Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ được thực hiện theo quy định của Luật Thanh tra, Nghị định số 43/2023/NĐ-CP, Nghị định này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Việc thành lập Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ phải bảo đảm đáp ứng các quy định về tổ chức bộ máy, biên chế, pháp luật về thanh tra và quy định khác của pháp luật có liên quan.

3. Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ có con dấu và tài khoản riêng.

Mục 4. THANH TRA SỞ

Điều 17. Thành lập Thanh tra sở

1. Thanh tra sở được thành lập theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 26 của Luật Thanh tra bao gồm:

a) Thanh tra Sở Công Thương;

b) Thanh tra Sở Giao thông vận tải;

c) Thanh tra Sở Giáo dục và Đào tạo;

d) Thanh tra Sở Kế hoạch và Đầu tư;

đ) Thanh tra Sở Khoa học và Công nghệ;

e) Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội;

g) Thanh tra Sở Nội vụ;

h) Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

i) Thanh tra Sở Tài chính;

k) Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường;

l) Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông;

m) Thanh tra Sở Tư pháp;

n) Thanh tra Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoặc Thanh tra Sở Văn hóa, Thể thao, Thanh tra Sở Du lịch;

o) Thanh tra Sở Xây dựng;

p) Thanh tra Sở Y tế.

2. Tại những sở không thành lập cơ quan thanh tra theo quy định tại khoản 1 Điều này thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập Thanh tra sở căn cứ vào yêu cầu quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực tại địa phương và biên chế được giao. Trường hợp Thanh tra sở được luật quy định thì thực hiện theo quy định của luật và văn bản hướng dẫn thi hành.

Điều 18. Tổ chức, hoạt động của Thanh tra sở

1. Vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra sở, Chánh Thanh tra sở và tổ chức, hoạt động của Thanh tra sở được thực hiện theo quy định của Luật Thanh tra, Nghị định số 43/2023/NĐ-CP, Nghị định này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Việc thành lập Thanh tra sở phải bảo đảm đáp ứng các tiêu chí như thành lập phòng chuyên môn, nghiệp vụ thuộc sở theo quy định của pháp luật về tổ chức chính quyền địa phương.

3. Tại những sở không thành lập cơ quan thanh tra, Giám đốc sở giao đơn vị thuộc sở thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

4. Thanh tra sở có con dấu và tài khoản riêng.

Chương III

CƠ QUAN ĐƯỢC GIAO THỰC HIỆN CHỨC NĂNG THANH TRA CHUYÊN NGÀNH

Điều 19. Cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành

Cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành là cơ quan thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành, bao gồm Tổng cục, Cục và tương đương thuộc Bộ (sau đây gọi là Tổng cục, Cục thuộc Bộ), Cục thuộc Tổng cục và tương đương (sau đây gọi là Cục thuộc Tổng cục), cơ quan khác được quy định tại Điều 20 và Điều 21 của Nghị định này, trừ trường hợp luật có quy định khác.

Điều 20. Tổng cục, Cục thuộc Bộ được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành

1. Bộ Công Thương: Cục Công nghiệp, Cục Điều tiết điện lực, Cục Hóa chất, Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Tổng cục Quản lý thị trường, Ủy ban Cạnh tranh quốc gia.

2. Bộ Giao thông vận tải: Cục Đăng kiểm Việt Nam, Cục Đường bộ Việt Nam, Cục Đường sắt Việt Nam, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam.

3. Bộ Khoa học và Công nghệ: Cục Sở hữu trí tuệ, Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia.

4. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội: Cục An toàn lao động, Cục Quản lý Lao động ngoài nước.

5. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Cục Bảo vệ thực vật, Cục Chăn nuôi, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, Cục Lâm nghiệp, Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai, Cục Thú y, Cục Thủy lợi, Cục Thủy sản, Cục Trồng trọt.

6. Bộ Nội vụ: Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương, Ban Tôn giáo Chính phủ, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước.

7. Bộ Tài chính: Cục Quản lý công sản, Cục Quản lý giá, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí, Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán, Tổng cục Hải quan, Tổng cục Thuế.

8. Bộ Tài nguyên và Môi trường: Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, Cục Khoáng sản Việt Nam, Cục Quy hoạch và phát triển tài nguyên đất.

9. Bộ Thông tin và Truyền thông: Cục An toàn thông tin, Cục Báo chí, Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, Cục Tần số vô tuyến điện, Cục Viễn thông, Cục Xuất bản, In và Phát hành.

10. Bộ Tư pháp: Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực.

11. Bộ Y tế: Cục An toàn thực phẩm, Cục Dân số.

Điều 21. Cục thuộc Tổng cục và tương đương

1. Bảo hiểm xã hội tỉnh.

2. Cục Dự trữ Nhà nước.

3. Cục Hải quan.

4. Cục Quản lý thị trường.

5. Cục Thống kê.

6. Cục Thuế.

7. Kho bạc Nhà nước tỉnh.

Điều 22. Tổ chức tham mưu về công tác thanh tra chuyên ngành

Thủ trưởng cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành giao nhiệm vụ tham mưu về công tác thanh tra chuyên ngành cho đơn vị trực thuộc.

Điều 23. Nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành

1. Tổng cục, Cục thuộc Bộ được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

a) Xây dựng kế hoạch thanh tra gửi Thanh tra Bộ tổng hợp vào kế hoạch thanh tra của Bộ; tổ chức thực hiện nhiệm vụ thanh tra của mình trong kế hoạch thanh tra của Bộ;

Tổng cục thuộc Bộ hướng dẫn Cục trực thuộc được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành xây dựng dự thảo kế hoạch thanh tra; theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kế hoạch thanh tra của Cục trực thuộc được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành;

b) Thanh tra chuyên ngành đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi quản lý theo quy định của pháp luật;

c) Thanh tra những vụ việc khác do Bộ trưởng giao;

d) Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra của mình;

đ) Tổng hợp, báo cáo kết quả thanh tra.

2. Cục thuộc Tổng cục và tương đương được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

a) Xây dựng kế hoạch thanh tra gửi Thanh tra Tổng cục hoặc gửi Tổng cục thuộc Bộ trong trường hợp không có Thanh tra Tổng cục để tổng hợp vào kế hoạch thanh tra của Bộ; tổ chức thực hiện nhiệm vụ thanh tra của mình trong kế hoạch thanh tra của Bộ.

Bảo hiểm xã hội tỉnh xây dựng kế hoạch thanh tra gửi Thanh tra Bảo hiểm xã hội Việt Nam để tổng hợp vào kế hoạch thanh tra của Bảo hiểm xã hội Việt Nam và tổ chức thực hiện nhiệm vụ thanh tra của mình;

b) Thanh tra những vụ việc khác do Tổng cục trưởng giao; Bảo hiểm xã hội tỉnh thanh tra những vụ việc khác do Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam giao;

c) Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra của mình;

d) Tổng hợp, báo cáo kết quả thanh tra.

Điều 24. Nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ trưởng cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành

1. Lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra công tác thanh tra chuyên ngành được giao.

2. Quyết định thanh tra khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc theo yêu cầu của người có thẩm quyền; phân công công chức, viên chức thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành.

3. Kiến nghị người có thẩm quyền xử lý việc chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra.

4. Kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, ban hành quy định cho phù hợp với yêu cầu quản lý; kiến nghị đình chỉ, hủy bỏ hoặc bãi bỏ quy định trái pháp luật phát hiện qua thanh tra.

5. Xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.

Điều 25. Nhiệm vụ, quyền hạn, điều kiện, tiêu chuẩn của người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành

1. Khi tham gia Đoàn thanh tra, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn như Thanh tra viên theo quy định của Luật Thanh tra, Nghị định số 43/2023/NĐ-CP, Nghị định này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành phải bảo đảm các điều kiện, tiêu chuẩn được quy định tại khoản 3 Điều 38 của Luật Thanh tra và các điều kiện khác tùy theo đặc thù của ngành, lĩnh vực do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ quy định.

Điều 26. Chế độ, chính sách của người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành

1. Người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành được bồi dưỡng về nghiệp vụ thanh tra; được cấp trang phục, thẻ thanh tra chuyên ngành theo quy định của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ để sử dụng khi thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành.

2. Người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành được hưởng chế độ bồi dưỡng tính theo ngày thực tế thực hiện nhiệm vụ thanh tra. Mức bồi dưỡng đối với người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành là 80.000 đồng/ngày.

Chế độ bồi dưỡng đối với người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành được áp dụng đến khi thực hiện chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21 tháng 5 năm 2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.

Kinh phí thực hiện chế độ bồi dưỡng đối với người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành do ngân sách nhà nước bảo đảm theo phân cấp ngân sách hiện hành, được cơ quan có thẩm quyền giao trong dự toán chi ngân sách hằng năm của cơ quan, đơn vị theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước; đối với Bảo hiểm xã hội tỉnh thì thực hiện theo cơ chế tài chính của Bảo hiểm xã hội Việt Nam theo quy định của pháp luật.

Việc lập, chấp hành, kế toán và quyết toán kinh phí thực hiện chế độ bồi dưỡng đối với người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành được thực hiện theo quy định của pháp luật.

Chương IV

HOẠT ĐỘNG THANH TRA VÀ VIỆC THỰC HIỆN KẾT LUẬN THANH TRA CỦA CƠ QUAN ĐƯỢC GIAO THỰC HIỆN CHỨC NĂNG THANH TRA CHUYÊN NGÀNH

Mục 1. HOẠT ĐỘNG THANH TRA CỦA CƠ QUAN ĐƯỢC GIAO THỰC HIỆN CHỨC NĂNG THANH TRA CHUYÊN NGÀNH

Điều 27. Nguyên tắc tiến hành hoạt động thanh tra của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành

1. Hoạt động thanh tra của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành do Đoàn thanh tra thực hiện theo trình tự, thủ tục quy định của Luật Thanh tra, Nghị định số 43/2023/NĐ-CP, Nghị định này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Hoạt động thanh tra của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành phải gắn với việc thực hiện nhiệm vụ về chuyên môn - kỹ thuật, quy tắc quản lý ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý theo ngành, lĩnh vực nhằm phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật.

Điều 28. Xây dựng kế hoạch thanh tra

1. Chậm nhất ngày 01 tháng 11 hằng năm, Cục thuộc Tổng cục gửi dự thảo kế hoạch thanh tra của cơ quan mình đến Thanh tra Tổng cục hoặc gửi đến Tổng cục trong trường hợp Tổng cục không thành lập cơ quan thanh tra để tổng hợp; Bảo hiểm xã hội tỉnh gửi dự thảo kế hoạch thanh tra của cơ quan mình đến Thanh tra Bảo hiểm xã hội Việt Nam để tổng hợp.

2. Chậm nhất vào ngày 10 tháng 11 hằng năm, Tổng cục, Cục thuộc Bộ gửi dự thảo kế hoạch thanh tra của cơ quan mình đến Thanh tra Bộ để tổng hợp vào kế hoạch thanh tra của Bộ.

Điều 29. Ban hành quyết định thanh tra

1. Thủ trưởng cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành căn cứ quy định tại Điều 51 của Luật Thanh tra để ban hành quyết định thanh tra. Quyết định thanh tra bao gồm các nội dung quy định tại khoản 2 Điều 59 của Luật Thanh tra.

2. Thủ trưởng cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành ban hành quyết định thanh tra đột xuất phải gửi quyết định thanh tra để báo cáo Chánh Thanh tra của cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp; trường hợp cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp không thành lập cơ quan thanh tra thì báo cáo Thủ trưởng cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp.

Trường hợp thanh tra đột xuất theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền thì phải gửi quyết định thanh tra để báo cáo cơ quan giao nhiệm vụ thanh tra.

Điều 30. Thời hạn thanh tra

1. Thời hạn thực hiện một cuộc thanh tra được xác định trong quyết định thanh tra như sau:

a) Cuộc thanh tra do Tổng cục, Cục thuộc Bộ tiến hành không quá 45 ngày; trường hợp phức tạp thì có thể gia hạn một lần không quá 30 ngày;

b) Cuộc thanh tra do Cục thuộc Tổng cục, Bảo hiểm xã hội tỉnh tiến hành không quá 30 ngày; trường hợp phức tạp hoặc ở miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn thì có thể gia hạn một lần không quá 15 ngày.

2. Thời hạn tạm dừng cuộc thanh tra theo quy định tại Điều 70 của Luật Thanh tra không tính vào thời hạn thanh tra.

3. Cuộc thanh tra được gia hạn trong trường hợp phức tạp theo quy định tại khoản 1 Điều 48 của Luật Thanh tra; việc gia hạn thời hạn thanh tra do người ra quyết định thanh tra quyết định.

Điều 31. Xử lý chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra

1. Cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành nếu phát hiện chồng chéo, trùng lặp với hoạt động kiểm toán nhà nước thì phối hợp với cơ quan kiểm toán nhà nước để xử lý theo quy định của Luật Kiểm toán nhà nướcLuật Thanh tra, bảo đảm một nội dung hoạt động của tổ chức, cá nhân chỉ là đối tượng của một cơ quan thanh tra hoặc cơ quan kiểm toán nhà nước.

2. Chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và các cơ quan thanh tra khác được xử lý như sau:

a) Chồng chéo, trùng lặp với hoạt động của Thanh tra Chính phủ thì Thanh tra Chính phủ tiến hành thanh tra;

b) Chồng chéo, trùng lặp với hoạt động của Thanh tra Bộ thì trao đổi với Thanh tra Bộ để xử lý; trường hợp không thống nhất được thì Thanh tra Bộ tiến hành thanh tra;

c) Chồng chéo, trùng lặp giữa hoạt động thanh tra của các Tổng cục, Cục thuộc Bộ được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành thì các Tổng cục trưởng, Cục trưởng Cục thuộc Bộ trao đổi để xử lý, trường hợp không thống nhất được thì báo cáo Bộ trưởng xem xét, quyết định;

d) Chồng chéo, trùng lặp giữa hoạt động thanh tra của Tổng cục, Cục thuộc Bộ được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành với Thanh tra tỉnh, Thanh tra sở thì Tổng cục trưởng, Cục trưởng trao đổi với Chánh Thanh tra tỉnh, Chánh Thanh tra sở để xử lý; trường hợp không thống nhất được thì Tổng cục, Cục thuộc Bộ được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành tiến hành thanh tra;

đ) Chồng chéo, trùng lặp giữa hoạt động thanh tra của Cục thuộc Tổng cục được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành, Bảo hiểm xã hội tỉnh với Thanh tra tỉnh thì Cục trưởng, Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh trao đổi với Chánh Thanh tra tỉnh để xử lý; trường hợp không thống nhất được thì Thanh tra tỉnh tiến hành thanh tra;

e) Chồng chéo, trùng lặp giữa hoạt động thanh tra của Cục thuộc Tổng cục được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành, Bảo hiểm xã hội tỉnh với Thanh tra sở thì Cục trưởng, Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh trao đổi với Chánh Thanh tra sở để xử lý; trường hợp không thống nhất được thì Cục thuộc Tổng cục được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành, Bảo hiểm xã hội tỉnh tiến hành thanh tra;

g) Chồng chéo, trùng lặp giữa hoạt động thanh tra của Cục thuộc Tổng cục được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành với Tổng cục được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành thì Cục trưởng, Tổng cục trưởng trao đổi để xử lý, trường hợp không thống nhất được thì Tổng cục tiến hành thanh tra;

h) Chồng chéo, trùng lặp giữa hoạt động của các cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành của Bộ với cơ quan thanh tra của cơ quan thuộc Chính phủ thì Thủ trưởng cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành trao đổi với Thủ trưởng cơ quan thanh tra của cơ quan thuộc Chính phủ để xử lý; trường hợp không thống nhất được thì báo cáo Tổng Thanh tra Chính phủ xem xét, quyết định;

i) Các trường hợp khác có sự chồng chéo, trùng lặp giữa hoạt động thanh tra của các cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành với nhau thì các cơ quan được giao thực hiện thanh tra chuyên ngành trao đổi để xử lý; trường hợp không thống nhất được thì cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành cấp trên tiến hành thanh tra.

3. Thanh tra Bộ, Thanh tra cơ quan thuộc Chính phủ, Thanh tra tỉnh tổng hợp, báo cáo Thanh tra Chính phủ việc xử lý chồng chéo, trùng lặp trước khi xây dựng kế hoạch thanh tra hằng năm.

Điều 32. Thẩm quyền quyết định thanh tra lại

1. Chánh Thanh tra Bộ quyết định thanh tra lại vụ việc đã có kết luận của Tổng cục trưởng, Cục trưởng Cục thuộc Bộ được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành nhưng phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Chánh Thanh tra Bảo hiểm xã hội Việt Nam quyết định thanh tra lại vụ việc đã có kết luận của Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh nhưng phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

2. Tổng cục trưởng Tổng cục được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành hoặc Chánh Thanh tra Tổng cục trong trường hợp thành lập cơ quan thanh tra quyết định thanh tra lại vụ việc đã có kết luận của Cục trưởng Cục thuộc Tổng cục được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành nhưng phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Điều 33. Thành phần Đoàn thanh tra

1. Người ra quyết định thanh tra thành lập Đoàn thanh tra để tiến hành cuộc thanh tra theo phạm vi thanh tra, thời hạn thanh tra ghi trong quyết định thanh tra.

Đoàn thanh tra có Trưởng đoàn thanh tra, Phó Trưởng đoàn thanh tra (nếu cần thiết) và thành viên khác. Thành viên khác của Đoàn thanh tra là người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành và người khác tham gia Đoàn thanh tra nhưng không phải là người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành.

2. Trưởng đoàn thanh tra, Phó Trưởng đoàn thanh tra phải là người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành; Trưởng đoàn thanh tra, Phó Trưởng đoàn thanh tra do Thủ trưởng cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành phân công.

a) Đối với Đoàn thanh tra do Tổng Cục trưởng, Cục trưởng Cục thuộc Bộ thành lập thì Trưởng đoàn thanh tra phải từ Phó trưởng phòng hoặc chuyên viên chính hoặc tương đương trở lên;

b) Đối với Đoàn thanh tra do Cục trưởng Cục thuộc Tổng cục, Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh thành lập thì Trưởng đoàn thanh tra phải từ chuyên viên hoặc tương đương trở lên;

c) Trưởng đoàn thanh tra có nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại Điều 81 của Luật Thanh tra; chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước người ra quyết định thanh tra về việc thực hiện nhiệm vụ thanh tra.

3. Thành viên khác của Đoàn thanh tra là chuyên viên hoặc tương đương trở lên, do người ra quyết định thanh tra quyết định theo đề xuất của người được dự kiến làm Trưởng đoàn thanh tra; có đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại khoản 1 Điều 82 của Luật Thanh tra; chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước Trưởng đoàn thanh tra và người ra quyết định thanh tra về việc thực hiện nhiệm vụ thanh tra được giao.

Điều 34. Xây dựng, phổ biến kế hoạch tiến hành thanh tra

1. Trưởng đoàn thanh tra có trách nhiệm chủ trì xây dựng kế hoạch tiến hành thanh tra, trình người ra quyết định thanh tra phê duyệt theo quy định. Trường hợp có yêu cầu về trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật chuyên dụng phục vụ hoạt động thanh tra thì phải có kế hoạch huy động, sử dụng, bảo dưỡng, bảo trì kỹ thuật đảm bảo không ảnh hưởng đến tiến độ thanh tra.

Trường hợp cần có sự phối hợp với các cơ quan chức năng khác để bảo đảm hoạt động thanh tra thực hiện được thì cần xác định trong kế hoạch tiến hành thanh tra và trao đổi với các cơ quan hữu quan để thống nhất.

2. Trưởng đoàn thanh tra tổ chức họp Đoàn thanh tra để phổ biến kế hoạch tiến hành thanh tra; phương pháp, cách thức tiến hành thanh tra; phân công nhiệm vụ cho các thành viên Đoàn thanh tra.

3. Trường hợp có yêu cầu về trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật chuyên dùng phục vụ hoạt động thanh tra thì phải tổ chức tập huấn, đảm bảo thành viên Đoàn thanh tra sử dụng thành thạo trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật đó.

Điều 35. Thời gian xây dựng báo cáo kết quả thanh tra

Thời gian xây dựng báo cáo kết quả thanh tra được tính từ ngày Đoàn thanh tra kết thúc việc tiến hành thanh tra trực tiếp và các quy định cụ thể sau:

1. Đối với cuộc thanh tra do Tổng cục, Cục thuộc Bộ tiến hành, thời gian xây dựng báo cáo kết quả thanh tra không quá 20 ngày, trường hợp phức tạp thì có thể kéo dài nhưng không quá 30 ngày.

2. Đối với cuộc thanh tra do Cục thuộc Tổng cục, Bảo hiểm xã hội tỉnh tiến hành, thời gian xây dựng báo cáo kết quả thanh tra không quá 15 ngày, trường hợp phức tạp thì có thể kéo dài nhưng không quá 20 ngày.

Điều 36. Thời hạn xây dựng dự thảo kết luận thanh tra

Thời gian xây dựng dự thảo kết luận thanh tra được tính từ ngày người ra quyết định thanh tra giao xây dựng dự thảo kết luận thanh tra và được quy định như sau:

1. Đối với cuộc thanh tra do Tổng cục, Cục thuộc Bộ tiến hành, thời gian xây dựng dự thảo kết luận thanh tra không quá 20 ngày, trường hợp phức tạp thì có thể kéo dài nhưng không quá 30 ngày.

2. Đối với cuộc thanh tra do Cục thuộc Tổng cục, Bảo hiểm xã hội tỉnh tiến hành, thời gian xây dựng dự thảo kết luận thanh tra không quá 15 ngày, trường hợp phức tạp thì có thể kéo dài nhưng không quá 20 ngày.

Điều 37. Thẩm định dự thảo kết luận thanh tra

1. Khi xét thấy cần thiết, người ra quyết định thanh tra quyết định việc thẩm định dự thảo kết luận thanh tra theo quy định tại khoản 2, khoản 3 và khoản 4 Điều 77 của Luật Thanh tra.

2. Việc thẩm định đối với các thông tin, tài liệu thu thập bằng phương tiện máy móc, trang thiết bị kỹ thuật chuyên dụng phải được thực hiện bởi người có chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng theo quy định.

Điều 38. Ban hành kết luận thanh tra

1. Việc ban hành kết luận thanh tra của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành được thực hiện theo quy định tại Điều 78 của Luật Thanh tra và Nghị định này.

2. Đối với cuộc thanh tra do Tổng cục, Cục thuộc Bộ tiến hành thì Bộ trưởng có trách nhiệm đôn đốc, kiểm tra hoặc giao cho Chánh Thanh tra Bộ đôn đốc, kiểm tra việc ban hành kết luận thanh tra để bảo đảm thời hạn theo quy định.

Đối với cuộc thanh tra do Cục thuộc Tổng cục tiến hành thì Tổng cục trưởng có trách nhiệm đôn đốc, kiểm tra hoặc giao cho Chánh Thanh tra Tổng cục (nếu có) đôn đốc, kiểm tra; cuộc thanh tra do Bảo hiểm xã hội tỉnh tiến hành thì Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam có trách nhiệm đôn đốc, kiểm tra hoặc giao cho Chánh Thanh tra Bảo hiểm xã hội Việt Nam đôn đốc, kiểm tra.

Điều 39. Hoạt động của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành là Chi cục và tương đương

Trường hợp Chi cục và tương đương (sau đây gọi chung là Chi cục) được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành theo quy định của các luật chuyên ngành thì hoạt động thanh tra được thực hiện theo quy định của Luật Thanh tra, luật chuyên ngành, Nghị định số 43/2023/NĐ-CP, Nghị định này và các quy định cụ thể sau:

1. Về xây dựng kế hoạch thanh tra: Trước ngày 25 tháng 10 hằng năm, Chi cục gửi dự thảo kế hoạch thanh tra của cơ quan mình đến cơ quan thực hiện chức năng thanh tra cấp trên để tổng hợp.

2. Về thời hạn thanh tra: Thời hạn tiến hành thanh tra không quá 30 ngày, trường hợp phức tạp thì có thể gia hạn một lần không quá 15 ngày.

3. Về xử lý chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra: Trường hợp có sự chồng chéo, trùng lặp giữa hoạt động thanh tra của Chi cục với cơ quan thực hiện chức năng thanh tra khác thì các cơ quan trao đổi để xử lý, trường hợp không thống nhất được thì cơ quan có chồng chéo, trùng lặp với hoạt động thanh tra của Chi cục tiến hành thanh tra. Trường hợp chồng chéo, trùng lặp giữa hai Chi cục không thống nhất được thì báo cáo cơ quan thực hiện chức năng thanh tra cấp trên trực tiếp quyết định.

4. Về tiêu chuẩn Trưởng đoàn thanh tra: Đoàn thanh tra do Chi cục trưởng và tương đương (sau đây gọi chung là Chi cục trưởng) thành lập thì Trưởng đoàn thanh tra phải từ chuyên viên hoặc tương đương trở lên.

5. Về thời gian xây dựng báo cáo kết quả thanh tra: Thời gian xây dựng báo cáo kết quả thanh tra không quá 15 ngày, trường hợp phức tạp thì có thể kéo dài nhưng không quá 20 ngày.

6. Về thời gian xây dựng dự thảo kết luận thanh tra: Thời gian xây dựng dự thảo kết luận thanh tra không quá 15 ngày, trường hợp phức tạp thì có thể kéo dài nhưng không quá 20 ngày.

7. Về đôn đốc, kiểm tra việc ban hành kết luận thanh tra: Thủ trưởng cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp hoặc Chánh thanh tra của cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp có trách nhiệm đôn đốc, kiểm tra việc ban hành kết luận thanh tra của Chi cục trưởng để bảo đảm đúng thời hạn theo quy định.

8. Về thanh tra lại: Thủ trưởng cơ quan thực hiện chức năng thanh tra cấp trên trực tiếp tiến hành thanh tra lại vụ việc đã có kết luận thanh tra của Chi cục trưởng nhưng phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Mục 2. THỰC HIỆN KẾT LUẬN THANH TRA CỦA CƠ QUAN ĐƯỢC GIAO THỰC HIỆN CHỨC NĂNG THANH TRA CHUYÊN NGÀNH

Điều 40. Nguyên tắc thực hiện

Việc thực hiện kết luận thanh tra của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành, trách nhiệm của đối tượng thanh tra, người đứng đầu cơ quan, tổ chức quản lý trực tiếp đối tượng thanh tra và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, việc theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra và việc xử lý vi phạm trong thực hiện kết luận thanh tra được thực hiện theo quy định của Luật Thanh tra, Nghị định số 43/2023/NĐ-CP và Nghị định này.

Điều 41. Trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành

1. Thủ trưởng cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành có văn bản tổ chức thực hiện nội dung của kết luận thanh tra trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày ký ban hành kết luận thanh tra. Văn bản tổ chức thực hiện có các nội dung sau đây:

a) Xử lý hoặc yêu cầu, kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý sai phạm về kinh tế;

b) Xử lý hoặc yêu cầu, kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật;

c) Áp dụng hoặc yêu cầu, kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng biện pháp khắc phục, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật.

2. Văn bản chỉ đạo việc thực hiện nội dung kết luận thanh tra và kết quả thực hiện kết luận thanh tra phải được gửi cho Chánh Thanh tra, Thủ trưởng cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp.

3. Khi chỉ đạo việc thực hiện kết luận thanh tra, Thủ trưởng cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành có quyền yêu cầu đối tượng thanh tra trình phương án khắc phục sai phạm về kinh tế và xem xét, phê duyệt phương án khắc phục sai phạm để bảo đảm thu hồi triệt để tiền và tài sản nhà nước, tạo điều kiện cho đối tượng thanh tra tiếp tục duy trì, phát triển sản xuất, kinh doanh.

Điều 42. Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra

1. Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Thủ trưởng cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành có trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức thực hiện việc theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, công khai việc thực hiện kết luận thanh tra và xử lý kịp thời vấn đề phát sinh.

2. Cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp hoặc cơ quan thanh tra của cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành.

Chương V

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 43. Sửa đổi, bãi bỏ các văn bản liên quan đến cơ quan thực hiện chức năng thanh tra và hoạt động của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành

1. Sửa đổi cụm từ “Vụ Thanh tra - kiểm tra” tại Điều 5 của Nghị định số 89/2020/NĐ-CP ngày 04 tháng 8 năm 2020 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bảo hiểm xã hội Việt Nam thành “Thanh tra”.

2. Bãi bỏ căn cứ Luật Cơ yếu ngày 26 tháng 11 năm 2011; cụm từ “, cơ yếu” tại khoản 2 Điều 2, khoản 2, khoản 3 Điều 4, khoản 1 Điều 5; cụm từ “và cơ yếu” tại khoản 1 Điều 5; cụm từ “quy chế, chế độ, quy định của ngành Cơ yếu:” tại khoản 1 Điều 6; điểm d khoản 1 Điều 9; Điều 19, Điều 20, Điều 21; cụm từ “Thanh tra Cơ yếu,” tại điểm a khoản 2 Điều 37 của Nghị định số 33/2014/NĐ-CP ngày 26 tháng 4 năm 2014 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thanh tra quốc phòng.

3. Bãi bỏ toàn bộ các văn bản sau:

a) Nghị định số 35/2009/NĐ-CP ngày 07 tháng 4 năm 2009 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thanh tra Tài nguyên và Môi trường;

b) Nghị định số 07/2012/NĐ-CP ngày 09 tháng 02 năm 2012 của Chính phủ quy định về cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và hoạt động thanh tra chuyên ngành;

c) Nghị định số 82/2012/NĐ-CP ngày 09 tháng 10 năm 2012 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của thanh tra ngành Tài chính;

d) Nghị định số 90/2012/NĐ-CP ngày 05 tháng 11 năm 2012 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của thanh tra ngành Nội vụ;

đ) Nghị định số 26/2013/NĐ-CP ngày 29 tháng 3 năm 2013 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của thanh tra ngành Xây dựng;

e) Nghị định số 42/2013/NĐ-CP ngày 09 tháng 5 năm 2013 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động thanh tra giáo dục;

g) Nghị định số 57/2013/NĐ-CP ngày 31 tháng 5 năm 2013 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của thanh tra ngành Giao thông vận tải;

h) Nghị định số 140/2013/NĐ-CP ngày 20 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của thanh tra Thông tin và Truyền thông;

i) Nghị định số 213/2013/NĐ-CP ngày 20 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của thanh tra ngành Khoa học và Công nghệ;

k) Nghị định số 216/2013/NĐ-CP ngày 24 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động thanh tra ngành Kế hoạch và Đầu tư;

l) Nghị định số 17/2014/NĐ-CP ngày 11 tháng 3 năm 2014 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của thanh tra Ngoại giao;

m) Nghị định số 54/2014/NĐ-CP ngày 29 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của thanh tra ngành Tư pháp;

n) Nghị định số 122/2014/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2014 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thanh tra y tế;

o) Nghị định số 47/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2015 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động thanh tra ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

p) Nghị định số 127/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2015 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động thanh tra ngành Công Thương;

q) Nghị định số 21/2016/NĐ-CP ngày 31 tháng 3 năm 2016 của Chính phủ quy định việc thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế của cơ quan bảo hiểm xã hội;

r) Nghị định số 173/2016/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2016 của Chính phủ quy định về tổ chức và hoạt động của Thanh tra ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch;

s) Nghị định số 27/2017/NĐ-CP ngày 15 tháng 3 năm 2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 213/2013/NĐ-CP ngày 20 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của thanh tra ngành Khoa học và Công nghệ;

t) Nghị định số 110/2017/NĐ-CP ngày 04 tháng 10 năm 2017 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của thanh tra ngành Lao động - Thương binh và Xã hội;

u) Nghị định số 54/2020/NĐ-CP ngày 18 tháng 5 năm 2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 127/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2015 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động thanh tra ngành Công Thương;

v) Quyết định số 12/2014/QĐ-TTg ngày 27 tháng 01 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định chế độ bồi dưỡng đối với công chức thanh tra chuyên ngành.

Điều 44. Điều khoản chuyển tiếp

Các cơ quan thanh tra, cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành mà không được tiếp tục thành lập cơ quan thanh tra, không tiếp tục được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành theo quy định của Nghị định này mà đã có quyết định thanh tra trước khi Nghị định này có hiệu lực thi hành thì tiếp tục thực hiện các cuộc thanh tra như sau:

1. Các cuộc thanh tra có quyết định thanh tra được ban hành trước ngày 01 tháng 7 năm 2022 thì tiếp tục thực hiện theo quy định của Luật Thanh tra số 56/2010/QH12 và các văn bản hướng dẫn thi hành.

2. Các cuộc thanh tra có quyết định thanh tra được ban hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2022 đến trước ngày Nghị định này có hiệu lực thì tiếp tục thực hiện theo quy định của Luật Thanh tra số 11/2022/QH15 và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Điều 45. Hiệu lực thi hành

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 3 năm 2024.

Điều 46. Trách nhiệm thi hành

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ, Chánh Thanh tra bộ, Chánh Thanh tra Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Chánh Thanh tra Cơ yếu, Chánh Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ, Chánh Thanh tra sở, Thủ trưởng cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành, Thủ trưởng cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.


Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: VT, TCCV (2).

TM. CHÍNH PHỦ
KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG




Lê Minh Khái