Hệ thống pháp luật

ý thức pháp luật

"ý thức pháp luật" được hiểu như sau:

Tổng thể những tri thức, quan niệm, quan điểm, học thuyết về pháp luật thể hiện sự nhận thức, thái độ, tình cảm của con người đối với pháp luật.Ý thức pháp luật, xét về cấu trúc, bao gồm hai bộ phận: 1) Tư tưởng pháp luật, đó là tổng thể những quan điểm, quan niệm, học thuyết, sự hiểu biết về pháp luật; 2) Tâm lý pháp luật, đó là thái độ, tình cảm của con người đối với pháp luật. Tình cảm đó có thể là sự đồng tình, sự vui mừng phấn khởi, sự tôn trọng pháp luật hoặc là sự phản đối, sự thờ ơ, thiếu tôn trọng pháp luật.Ý thức pháp luật có thể hiểu trên nhiều cấp độ khác nhau, vì vậy có thể phân chia ý thức pháp luật thành các loại: ý thức pháp luật cá nhân, ý thức pháp luật giai cấp, ý thức pháp luật xã hội. Trong các nhà nước bóc lột, ý thức pháp luật của giai cấp thống trị và giai cấp bị thống trị hoàn toàn khác nhau. Do nhiều quy định của pháp luật chỉ thể hiện ý chí và bảo vệ quyền lợi của giai cấp thống trị mà không bảo vệ quyền lợi của giai cấp bị thống trị nên một đạo luật được giai cấp thống trị ủng hộ lại gặp phải sự phản đối quyết liệt từ phía giai cấp bị thống trị. Trong các nhà nước dân chủ, tiến bộ khi pháp luật thể hiện ý chí chung của nhân dân thì ý thức pháp luật trong xã hội sẽ thống nhất, việc nâng cao ý thức pháp luật cho các tầng lớp nhân dân sẽ thuận lợi hơn.Ý thức pháp luật là một hình thái ý thức xã hội, chịu sự chi phối của tồn tại xã hội. Vì vậy, muốn nâng cao ý thức pháp luật cho nhân dân, trước hết phải chăm lo đến đời sống của nhân dân, làm cho đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày một nâng cao. Xảy dựng một xã hội dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ, văn minh là tạo ra một nền tảng kinh tế-xã hội để xây dựng một xã hội có ý thức pháp luật và văn hoá pháp lý cao. Mặt khác, ý thức pháp luật có tính độc lập tương đối, nó có thể đi trước làm tiền đề cho kinh tế-xã hội phát triển. Vì vậy, việc tuyên truyền giáo dục pháp luật cho các tầng lớp nhân dân trong xã hội, nâng cao ý thức pháp luật cho nhân dân có vai trò quan trọng trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, thúc đẩy nền kinh tế - xã hội phát triển.