ý chí nhà nước
"ý chí nhà nước" được hiểu như sau:
Ý chí của giai cấp cầm quyền thông qua bộ máy nhà nước trở thành của nhà nước và được thể chế hoá thành pháp luật.Ý chí của giai cấp thống trị trong xã hội khi được thể chế hoá thành pháp luật thì được nâng lên thành ý chí nhà nước. Khái niệm ý chí nhà nước rộng hơn khái niệm ý chí của giai cấp thống trị. Tuy nhiên, ý chí của giai cấp thống trị trong xã hội bao giờ cũng là tiền đề của ý chí nhà nước. V. I. Lê Nin viết: “Ý chí, nếu đó là ý chí nhà nước, phải được thể hiện thành luật, được thể chế hóa bởi quyền lực".Ý chí nhà nước phản ánh những lợi ích chung của giai cấp cầm quyền được hình thành từ hệ tư tưởng của giai cấp cầm quyền nhưng đi vào cụ thể, nhân tố chủ quan của các cá nhân trực tiếp cầm quyền có vai trò, vị trí quan trọng. Ở đây, có nhân tố chủ quan của cá nhân người cầm quyền trực tiếp thông qua luật. Nhân tố chủ quan của cá nhân người thông qua luật in dấu ấn rất rõ đối với từng dự án luật được thông qua và không phải bao giờ cũng có sự trùng khớp giữa ý chí chung, xét một cách khách quan, phản ánh lợi ích của giai cấp cầm quyền và nhận thức chuyển hoá thành ý chí của các cá nhân được đưa vào luật. Không ít trường hợp xuất hiện sự "khập khiễng” giữa ý chí chung và ý chí cá nhân của kẻ trực tiếp cầm quyền và phải chờ thực tế thực hiện, thi hành luật, làm bộc lộ những khập khiễng đó, bằng hoạt động sửa đổi, bổ sung, thay thế để điều chỉnh, loại bỏ những khập khiễng đó. Trong trường hợp ngược lại, sẽ gây ra những hậu quả khó lường hết được đối với giai cấp cầm quyền. Mặt khác, ý chí nhà nước thường không thể chỉ thuần túy phản ánh lợi ích của giai cấp cầm quyền mà bắt buộc có sự tính đến, tùy thuộc vào tương quan, sự so sánh lực lượng và môi trường chính trị của xã hội, lợi ích, ý chí, lợi ích của các tầng lớp xã hội khác nhau. Phân tích, tìm hiểu ý chí nhà nước thể hiện trong pháp luật phải có cái nhìn toàn diện, biện chứng.