xét xử vắng mặt bị cáo
"xét xử vắng mặt bị cáo" được hiểu như sau:
Xét xử không có mặt bị cáo tại phiên tòa.Theo quy định tại sắc lệnh 112 ngày 28.6.1946 thì bị cáo bị xét xử vắng mặt tại phiên toà có quyền kháng án vắng mặt. Nhưng sắc lệnh này không quy định cụ thể những trường hợp được xét xử vắng mặt bị cáo. Đến năm 1974, Toà án nhân dân tối cao mới có Bản hướng dẫn về trình tự tố tụng sơ thẩm về hình sự (kèm theo Thông tư số 16-TATC ngày 27.9.1974 của Toà án nhân dân tối cao) nói rõ những trường hợp tòa án được xét xử vắng mặt bị cáo tại phiên tòa bao gồm: 1) Toà án nhân dân đã triệu tập hợp lệ, hồ sơ đã đầy đủ căn cứ để đưa ra xét xử nhưng bị cáo trốn hoặc cố tình vắng mặt mà không có lý do chính đáng; 2) Vụ án ít quan trọng, chứng cứ đầy đủ, bị cáo đã nhận được giấy gọi đến phiên tòa nhưng họ đã đề nghị toà án nhân dân cứ xử vắng mặt họ; 3) Trong một số vụ án có nhiều bị cáo mà Toà án nhân dân đều đã gọi hợp lệ, nếu trong số bị cáo có người vắng mặt có lý do chính đáng, không rõ lý do hoặc không có lý do chính đáng thì hội đồng xử án sẽ xem xét sự vắng mặt của bị cáo có trở ngại cho việc xét xử hay không, rồi sẽ quyết định hoãn phiên tòa hoặc tiếp tục đưa vụ án ra xét xử. Nếu bị cáo vắng mặt giữ vai trò chủ chốt thì phải hoãn phiên tòa, nhưng nếu bị cáo đó chỉ giữ vai trò thứ yếu mà hồ sơ đã đầy đủ thì Toà án nhân dân xử vắng mặt bị cáo đó.Kế thừa và phát triển các quy định về xét xử vắng mặt bị cáo tại phiên tòa trước đây, Bộ luật tố tụng hình sự năm 1988 đã có quy định Toà án có thể xử vắng mặt bị cáo và trong Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 kế thừa các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 1988 tiếp tục quy định các trường hợp tòa án có thể xử vắng mặt bị cáo như 1) Bị cáo trốn tránh và việc truy nã không có kết quả. Đây là trường hợp bị cáo tại ngoại, bỏ trốn, Tòa án có công văn yêu cầu Cơ quan điều tra truy nã bị cáo. Cơ quan điều tra đã ra lệnh truy nã và tổ chức truy bắt người có lệnh truy nã. Nếu hết thời hạn 1 tháng kể từ ngày tòa án yêu cầu truy nã mà chưa bắt được bị cáo thì Cơ quan điều tra gửi công văn thông báo cho toà án biết. Toà án quyết định việc xét xử vắng mặt bị cáo; 2) Bị cáo đang ở nước ngoài và không thể triệu tập đến phiên tòa được. Đây là trường hợp bị cáo đã trốn ra nước ngoài mà không thể thực hiện việc dẫn độ bị cáo về nước; 3) Bị cáo đã được giao giấy triệu tập hợp lệ mà vắng mặt nhưng xét thấy không trở ngại cho việc xét xử.Trong trường hợp xét xử vắng mặt bị cáo do bị cáo bỏ trốn hoặc đang ở nước ngoài thì quyết định đưa vụ án ra xét xử và bản cáo trạng được giao cho người bào chữa hoặc người đại diện hợp pháp của bị cáo. Quyết định đưa vụ án ra xét xử còn phải được niêm yết tại trụ sở chính quyền xã, phường, thị trấn nơi cư trú hoặc nơi làm việc cuối cùng của bị cáo. Chậm nhất là 15 ngày sau khi tuyên án, Toà án phải niêm yết bản sao bản án tại trụ sở chính quyền xã, phường, thị trấn nơi cư trú hoặc nơi làm việc cuối cùng của bị cáo.Theo pháp luật hiện hành của Việt Nam, xét xử vắng mặt bị cáo được quy định tại Khoản 2 Điều 290 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 do Quốc hội khóa 13 ban hành ngày 27 tháng 11 năm 2015.