Hệ thống pháp luật

xâm lược

"xâm lược" được hiểu như sau:

Việc dùng vũ lực phạm pháp của một quốc gia này chống lại một quốc gia khác. Đại hội đồng Liên hợp quốc trong năm 1974 đã đưa ra định nghĩa về xâm lược dưới dạng tổng quát như: "Xâm lược là việc một nhà nước này dùng vũ lực chống lại chủ quyền, quyền bất khả xâm phạm lãnh thổ hoặc độc lập chính trị của quốc gia khác hoặc bằng một cách thức khác trái với Hiến chương Liên hợp quốc". Theo phương thức thực hiện thì xâm lược có thể là trực tiếp hoặc gián tiếp. Xâm lược gián tiếp là xâm lược được thực hiện bởi các nhóm vũ trang, các lực lượng vũ trang khối chính quy hoặc những kẻ đánh thuê không thuộc lực lượng vũ trang của quốc gia hoặc lực lượng giấu mặt cho dù chúng được một quốc gia nhất định, tổ chức hoặc thực hiện hành vi xâm lược nhân danh quốc gia đó. Đặc biệt có thể bị coi là hành vi xâm lược và tấn công vũ trang trong trường hợp việc quốc gia hoặc nhân danh quốc gia này gửi các toán lính vũ trang, không chính quy hoặc lính đánh thuê để thực hiện hành vi dùng vũ lực chống lại quốc gia khác, những lực lượng này mang lại những thiệt hại cho quốc gia bị tấn công như những thiệt hại của hành vi xâm lược trực tiếp. Hội đồng bảo an Liên hợp quốc có thể xác minh các trường hợp khác với tính chất là hành vi xâm lược. Theo đó, xâm lược trực tiếp là hành vi bạo lực do lực lượng vũ trang chính quy của quốc gia thực hiện, bao gồm các hành động: 1) Tấn công hoặc thâm nhập-của lực lượng vũ trang của một quốc gia này vào lãnh thổ của một quốc gia khác hoặc bất cứ sự chiếm đóng quân sự nào cho dù chỉ mang tính chất tạm thời mà sự chiếm đóng quân sự đó là kết quả của sự tấn công hoặc thâm nhập nói trên, hoặc bất cứ sự thôn tính nào có dùng vũ lực đối với lãnh thổ của quốc gia khác hoặc một phần lãnh thổ đó; 2) Việc lực lượng vũ trang của nước này ném bom vào lãnh thổ của quốc gia khác hoặc việc quốc gia này dùng bất cứ vũ khí nào để chống lại quốc gia khác; 3) Việc lực lượng vũ trang nước này phong tỏa các cảng hoặc bờ biển nước khác; 4) Việc lực lượng vũ trang nước này tấn công lực lượng hải quân, lục quân, không quân nước khác; 5) Việc dùng lực lượng vũ trang nước này đang đóng trên lãnh thổ nước khác theo thoả thuận với nước tiếp nhận nhưng lại trái với các điều kiện đã được thỏa thuận hoặc cố ý kéo dài thời hạn đóng quân trên lãnh thổ nước khác cho dù thỏa thuận đóng quân đã chấm dứt hiệu lực.Pháp luật quốc tế quy định việc cho nước ngoài sử dụng lãnh thổ nước mình để thực hiện hành vi xâm lược hoặc can thiệp vũ trang vào nước thứ ba được coi là hành vi xâm lược hoặc là hành vi đồng phạm tội ác xâm lược và phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật quốc tế.

Ngoài ra "xâm lược" cũng được hiểu là:

Là hành vi chống lại độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc bằng cách sử dụng lực lượng vũ trang hoặc cách thức khác trái với pháp luật Việt Nam và luật pháp quốc tế.

(Theo Khoản 7, Điều 2, Luật Quốc phòng 2018)