Hệ thống pháp luật

xác định thẩm quyền xét xử

"xác định thẩm quyền xét xử" được hiểu như sau:

Là việc phân định thẩm quyền xét xử các vụ án giữa các toà án.Thẩm quyền xét xử của tòa án các cấp được xác định căn cứ vào những dấu hiệu nhất định và tính chất của từng vụ án cụ thể. Theo quy định tại các Điều 170, 171,172,173 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003), thẩm quyền xét xử của toà án được xác định như sau:Thẩm quyền xét xử theo loại tội: toà án nhân dân cấp huyện và tòa án quân sự khu vực xét xử sơ thẩm những vụ án hình sự về những tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng và tội phạm rất nghiêm trọng, trừ các tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia; các tội phá hoại hoà bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh; các tội phạm quy định tại các Điều 93, 95, 96, 172, 216, 217, 218, 221, 222, 223, 225, 226, 263, 293, 294, 295, 296, 322 và 323 của Bộ luật hình sự năm 1999; toà án nhân dân cấp tỉnh và tòa án quân sự cấp quân khu xét xử sơ thẩm những vụ án hình sự về những tội phạm không thuộc thẩm quyền của toà án nhân dân cấp huyện và tòa án quân sự khu vực hoặc những vụ án thuộc thẩm quyền của toà án cấp dưới mà mình lấy lên để xét xử.Thẩm quyền xét xử theo lãnh thổ: tòa án có thẩm quyền xét xử vụ án hình sự là tòa án nơi tội phạm được thực hiện. Trong trường hợp tội phạm được thực hiện tại nhiều nơi khác nhau hoặc không xác định được nơi thực hiện tội phạm thì toà án cóthẩm quyền xét xử là tòa án nơi kết thúc điều tra. Trường hợp bị cáo phạm tội ở nước ngoài nếu xét xử ở Việt Nam thì do toà án cấp tỉnh nơi cư trú cuối cùng ở trong nước của bị cáo xét xử, tùy trường hợp, chánh án toà án nhân dân tối cao ra quyết định giao cho Toà án nhân dân thành phố Hà Nội hoặc Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh xét xử. Bị cáo phạm tội ở nước ngoài, nếu thuộc thẩm quyền xét xử của toà án quân sự thì do toà án quân sự cấp quân khu trở lên xét xử theo quyết định của Chánh án toà án quân sự trung ương.Thẩm quyền xét xử những tội phạm xảy ra trên tàu bay hoặc tàu biển của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đang hoạt động ngoài không phận hoặc lãnh hải của Việt Nam: toà án có thẩm quyền xét xử là tòa án Việt Nam, nơi có sân bay hoặc bến cảng trở về đầu tiên hoặc nơi tàu bay, tàu biển đó được đăng ký.Đối với những vụ án mà bị cáo phạm nhiều tội, trong đó có tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của tòa án cấp trên thì toà án cấp trên xét xử toàn bộ vụ án.Khi xác định thấy vụ án không thuộc thẩm quyền của mình thì toà án chuyển vụ án cho toà án có thẩm quyền xét xử. Việc chuyển vụ án cho toà án ngoài phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc ngoài phạm vi quân khu do toà án nhân dân cấp tỉnh và tòa án quân sự cấp quân khu quyết định. Chỉ được chuyển vụ án cho tòa án khác khi vụ án chưa được xét xử. Việc quyết định chuyển vụ án do Chánh án toà án quyết định. Nếu vụ án thuộc thẩm quyền của toà án quân sự hoặc toà án cấp trên thì vụ án đã được đưa ra xét xử vẫn phải chuyển cho tòa án có thẩm quyền; việc chuyển vụ án do hội đồng xét xử quyết định.Việc giải quyết tranh chấp về thẩm quyền xét xử do Chánh án Toà án cấp trên trực tiếp quyết định. Việc giải quyết tranh chấp về thẩm quyền xét xử giữa Tòa án nhân dân và Toà án quân sự do Chánh án Toà án nhân dân tối cao quyết định.Theo pháp luật hiện hành của Việt Nam, thẩm quyền xét xử được quy định tại Điều 268, 270, 271, 272, 273, 274 và Điều 275 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 do Quốc hội khóa 13 ban hành ngày 27 tháng 11 năm 2015.