Hệ thống pháp luật

vùng tiếp giáp lãnh hải

"vùng tiếp giáp lãnh hải" được hiểu như sau:

Vùng biển nằm ngoài lãnh hải và tiếp liền với lãnh hải có chiều rộng không quá 24 hải lý kể từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng của lãnh hải.Thực chất chiều rộng của vùng tiếp giáp lãnh hải là 12 hải lý tính từ ranh giới phía ngoài của lãnh hải. Sự xuất hiện của vùng tiếp giáp lãnh hải là do nhu cầu kiểm soát thuế quan của quốc gia ven biển chống lại các hoạt động buôn lậu trên biển. Theo Công ước luật biển 1982, vùng tiếp giáp lãnh hải nằm trong vùng đặc quyền kinh tế. Nó không phải là vùng biển thuộc chủ quyền quốc gia và cũng không phải là một bộ phận của biển quốc tế mà chỉ là vùng biển quốc gia ven bờ có quyền tài phán trong một số lĩnh vực.Trong vùng tiếp giáp lãnh hải, quốc gia ven biển có quyền tiến hành các hoạt động kiểm soát nhằm: 1) Ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật và về hải quan, thuế, y tế hay nhập cư trên lãnh thổ hay trong lãnh hải của mình; 2) Trừng trị các hành vi vi phạm pháp luật nói trên.Vùng tiếp giáp lãnh hải của Việt Nam được quy định trong Tuyên bố ngày 12.5.1977 của Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.Theo pháp luật hiện hành của Việt Nam, vùng tiếp giáp lãnh hải được quy định tại Điều 13 của Luật Biển Việt Nam năm 2012 do Quốc hội khóa 13 ban hành ngày 21 tháng 06 năm 2012: “ Vùng tiếp giáp lãnh hải là vùng biển tiếp liền và nằm ngoài lãnh hải Việt Nam, có chiều rộng 12 hải lý tính từ ranh giới ngoài của lãnh hải.” 

Ngoài ra "vùng tiếp giáp lãnh hải" cũng được hiểu là:

Là vùng biển tiếp liền phía ngoài lãnh hải có chiều rộng mười hai hải lý.

(Theo Khoản 2, Điều 4, Luật Biên giới Quốc gia 2003)