vùng đặc quyền kinh tế
"vùng đặc quyền kinh tế" được hiểu như sau:
Vùng biển nằm ở ngoài lãnh hải và tiếp liền với lãnh hải đặt dưới chế độ pháp lý riêng, theo đó các quyền và quyền tài phán của quốc gia ven biển và các quyền tự do của các quốc gia khác đều do các quy định của Công ước Luật biển 1982 điều chỉnh.Vùng đặc quyền kinh tế có chiều rộng không vượt quá 200 hải lý tính từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải. Như vậy, chiều rộng riêng của vùng đặc quyền kinh tế là 188 hải lý nếu tính từ ranh giới phía ngoài của lãnh hải.Vùng đặc quyền kinh tế lần đầu được ghi nhận trong Công ước luật biển 1982. Đây là thắng lợi của cuộc đấu tranh của các nước mới giành được độc lập và các nước đang phát triển. Vùng đặc quyền kinh tế không phải là lãnh hải vì nó nằm ngoài lãnh hải và cũng không phải là một phần của biển cả vì theo Điều 86 Công ước luật biển 1982, biển cả nằm ngoài giới hạn của vùng này.Trong vùng đặc quyền kinh tế, quốc gia ven biển có quyền chủ quyền trong việc thăm dò, khai thác, bảo tồn và quản lý các tài nguyên thiên nhiên biển ở vùng nước phía trên đáy biển, của đáy biển và lòng đất dưới đáy biển cũng như các hoạt động khác nhằm thăm dò, khai thác vùng này vì mục đích kinh tế. Quốc gia ven biển có một số quyền tài phán nhất định để đảm bảo cho quyền chủ quyền không bị xâm phạm.Trong vùng đặc quyền kinh tế của quốc gia ven biển, các quốc gia khác đều được hưởng quyền tự do hàng hải, tự do hàng không...Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong tuyên bố ngày 12.5.1977 đã xác lập vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam rộng 200 hải lý kể từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải. Tại những khu vực mà vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam chưa ra tới hết 200 hải lý đã gặp vùng đặc quyền kinh tế của quốc gia khác như Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia... thì ranh giới phân chia vùng đặc quyền kinh tế giữa Việt Nam với các nước liên quan được xác định trên cơ sở thoả thuận phù hợp với pháp luật và tập quán quốc tế.