viện nguyên lão (the house of lords)
"viện nguyên lão (the house of lords)" được hiểu như sau:
Một trong hai viện và là Thượng nghị viện của Nghị viện Anh.Viện nguyên lão ra đời vào thế kỉ thứ XIV, là một trong thượng nghị viện tồn tại lâu đời nhất trong lịch sử cận, hiện đại và cũng trải qua nhiều thay đổi.Viện nguyên lão hình thành từ 5 nguồn: 1) Gia truyền - cha là quý tộc, thành viên viện nguyên lão từ ngày đầu, khi viện này ra đời, được lần lượt truyền lại cho người con trưởng. Trước 1958, phụ nữ chưa được hưởng quyền này, dù là con trưởng. Theo đạo luật năm 1958 thể hiện khuynh hướng dân chủ hoá, phụ nữ cũng được hưởng quyền kế vị. Viện nguyên lão có gần 700 thành viên thuộc loại này, vì vậy, Viện nguyên lão Anh còn được gọi là Viện quý tộc; 2) suốt đời cho những người có phẩm hàm từ bá tước trở lên;3) Thủ tướng Anh khi hết nhiệm kỳ; 4) các thủ lĩnh tôn giáo đương nhiệm; 5) một số thượng nghị sĩ khác do đích thân Nữ hoàng bổ nhiệm.Viện nguyên lão có bốn chức năng chính: 1) Lập pháp, đưa ra sáng kiến, sửa đổi, bổ sung pháp luật;2) Kiểm tra hoạt động của Chính phủ; 3) Thực hiện các dự án nghiên cứu chuyên môn mang tầm quốc tế; 4) Phúc thẩm các bản án (trừ các vụ án hình sự ở Scotland). Viện nguyên lão là một bộ phận không thể tách rời của cơ chế lập pháp, tất cả các đạo luật phải được sự thông qua của Viện nguyên lão và Hạ nghị viện trước khi trình Nữ hoàng phê chuẩn. Viện nguyên lão xem xét các dự luật do Chính phủ chuẩn bị và được Hạ nghị viện chuyển lên. Một tỉ lệ lớn các dự luật được đưa ra hàng năm là xuất phát từ Viện nguyên lão. Viện nguyên lão có quyền đề nghị việc sửa đổi, bổ sung các đạo luật, tuy nhiên, quyền này mang tính hạn chế, bởi Viện nguyên lão chỉ có thể trì hoãn việc thông qua luật sửa đổi, bổ sung trong thời hạn một năm. Sau đó, việc thông qua luật sửa đổi, bổ sung này sẽ tùy thuộc vào ý chí của Hạ nghị viện và Chính phủ. Viện nguyên lão có nhiệm vụ kiểm tra hoạt động của Chính phủ thông qua việc yêu cầu các Bộ trưởng chịu trách nhiệm về công việc và quyết định của mình. Viện nguyên lão thực hiện nhiệm vụ này theo nhiều cách. Ví dụ: yêu cầu các Bộ trưởng trả lời chất vấn về công việc của họ; yêu cầu các Bộ trưởng phải báo cáo bằng văn bản cho Viện nguyên lão về các vấn đề khẩn cấp, sau đó các thành viên của Viện nguyên lão sẽ đặt ra các câu hỏi cho Bộ trưởng hữu quan trả lời... Viện nguyên lão có một số uỷ ban tiến hành các cuộc điều tra độc lập về những vụ việc quan trọng liên quan đến lợi ích công cộng, sau đó các uỷ ban này báo cáo kết luận điều tra cho Nghị viện và công bố cho công chúng biết. Viện nguyên lão còn đóng vai trò tòa phúc thẩm tối cao, có quyền xét xử phúc thẩm các vụ án dân sự trên toàn Vương quốc Anh và các vụ án hình sự trên lãnh thổ nước Anh, xứ Uên (Wales) và Bắc Ailen. Quyết định của Viện nguyên lão có hiệu lực ràng buộc đối với tất cả các toà án của Vương quốc Anh.