Hệ thống pháp luật

viên chức

"viên chức" được hiểu như sau:

Người làm việc trong cơ quan nhà nước hoặc tổ chức phi chính phủ, tổ chức tư nhân được tuyển dụng, bổ nhiệm vào một ngạch hoặc được giao giữ một nhiệm vụ thường xuyên trong đơn vị sự nghiệp của nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, được hưởng lương từ ngân sách nhà nước và các nguồn thu từ đơn vị sự nghiệp theo quy định của pháp luật.Viên chức được phân loại theo trình độ đào tạo, theo ngạch viên chức hoặc vị trí công tác (Nghị định số 116/2003/NĐ-CP ngày 10.10.2003 của Chính phủ về việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý cán bộ công chức trong các đơn vị sự nghiệp của nhà nước).Theo trình độ đào tạo, viên chức được phân loại thành viên chức loại A, viên chức loại B và viên chức loại C. 1) Viên chức loại A là những người được bổ nhiệm vào ngạch có yêu cầu chuẩn là trình độ giáo dục đại học trở lên; 2) Viên chức loại B là những người được bổ nhiệm vào ngạch có yêu cầu chuẩn là trình độ giáo dục nghề nghiệp; 3) Viên chức loại C là những người được bổ nhiệm vào ngạch có yêu cầu chuẩn là trình độ dưới giáo dục nghề nghiệp.Theo ngạch, viên chức có các loại: 1) Viên chức ngạch tương đương ngạch chuyên viên cao cấp trở lên; 2) Viên chức ngạch tương đương ngạch chuyên viên; 3) Viên chức ngạch tương đương ngạch cán sự.Theo vị trí công tác, viên chức được phân loại thành viên chức lãnh đạo và viên chức chuyên môn nghiệp vụ.Theo pháp luật hiện hành của Việt Nam, viên chức được quy định tại Điều 2 Luật Viên chức năm 2010 do Quốc hội khóa 12 ban hành ngày 15 tháng 11 năm 2010. Và phân loại viên chức được quy định tại Điều 3 Nghị định 29/2012/NĐ – CP về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức do Chính phủ ban hành ngày 12 tháng 01 năm 2012.