Hệ thống pháp luật

vị trí thống lĩnh thị trường

"vị trí thống lĩnh thị trường" được hiểu như sau:

Vị trí của doanh nghiệp hoặc nhóm doanh nghiệp trên thị trường liên quan mà nhờ vào vị trí ấy, doanh nghiệp hoặc nhóm doanh nghiệp có khả năng quyết định các điều kiện giao dịch trên thị trường độc lập với các đối thủ cạnh tranh và người tiêu dùng ở mức độ đáng kể.Trên thế giới, khái niệm vị trí thống lĩnh thị trường (market dominant position hoặc market dominance) được sử dụng lần đầu tiên tại Điều 86 (nay được đánh số lại là Điều 82) Hiệp định thành lập Cộng đồng châu Âu năm 1957. Tuy nhiên, cho tới năm 1972, thuật ngữ này mới được giải thích trong quyết định của uỷ ban châu Âu xử lý vụ "Continental Can". Theo ủy ban châu Âu, “vị trí thống lĩnh thị trường” là mức độ tự do ý chí của doanh nghiệp trong việc ấn định giá và các điều kiện giao dịch khác trên thị trường mà không bị kiềm chế bởi áp lực cạnh tranh. Để có được mức độ tự do ấy, yếu tố về thị phần, lượng vốn và việc sở hữu công nghệ của doanh nghiệp đóng vai trò rất quan trọng. Sáu năm sau đó, trong vụ United Brands (năm 1978) Tòa công lý châu Âu chính thức định nghĩa vị trí thống lĩnh thị trường là một vị trí thể hiện sức mạnh kinh tế của một doanh nghiệp mà dựa vào đó doanh nghiệp có thể làm cho cạnh tranh trên thị trường liên quan không phát huy tác dụng và có thể hành xử độc lập ở mức độ đáng kể đối với các đối thủ cạnh tranh, khách hàng và sau cùng là người tiêu dùng.Mặc dù có những nét khá tương đồng, "vị trí thống lĩnh thị trường” theo quan điểm của pháp luật cạnh tranh của Cộng đồng châu Âu không đồng nghĩa với khái niệm "quyền lực thị trường" (market power) mà các nhà kinh tế hay sử dụng để đo lường khả năng chi phối giá cả của một doanh nghiệp hoặc nhóm doanh nghiệp trên một thị trường nhất định. Luật cạnh tranh Cộng đồng châu Âu cho rằng “vị trí thống lĩnh thị trường" là một khái niệm pháp lý còn “quyền lực thị trường” là khái niệm thuộc về khoa học kinh tế. Tuy nhiên, ngày nay, để việc áp dụng lý thuyết kinh tế trong phân tích cạnh tranh được dễ dàng, nhiều học giả cho rằng việc làm rõ mối liên hệ giữa hai khái niệm kể trên là vô cùng cần thiết. Thực tế, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật cạnh tranh của Vương quốc Anh đã chính thức giải thích “vị trí thống lĩnh thị trường” là “quyền lực thị trường của doanh nghiệp ở mức độ cao”.Ở Việt Nam, khái niệm “vị trí thống lĩnh thị trường” được quy định tại Luật cạnh tranh năm 2004. Tuy nhiên, các nhà làm luật của Việt Nam không giải thích thế nào là "vị trí thống lĩnh thị trường” và cũng không giải thích “Vị trí thống lĩnh thị trường" từ góc độ “quyền lực thị trường” mà thay vào đó, chỉ quy định rõ trường hợp nào thì một doanh nghiệp hoặc nhóm doanh nghiệp được coi là có vị trí thống lĩnh thị trường. Theo đó, doanh nghiệp được coi là có vị trí thống lĩnh thị trường nếu có thị phần từ 30% trở lên trên thị trường liên quan hoặc có khả năng gây hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể; nhóm doanh nghiệp được coi là có vị trí thống lĩnh thị trường nếu cùng hành động nhằm gây hạn chế cạnh tranh và thuộc một trong các trường hợp: 1) Hai doanh nghiệp có tổng thị phần 50% trở lên trên thị trường liên quan; 2) Ba doanh nghiệp có tổng thị phần 65% trở lên trên thị trường liên quan; 3) Bốn doanh nghiệp có tổng thị phần từ 75% trở lên trên thị trường liên quan (Điều 11 Luật cạnh tranh năm 2004).Theo pháp luật hiện hành của Việt Nam, Doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường được quy định tại Điều 24 Luật Cạnh tranh năm 2018 do Quốc hội khóa 14 ban hành ngày 12 tháng 06 năm 2018.