Hệ thống pháp luật

vi hiến

"vi hiến" được hiểu như sau:

Hành vi làm trái quy định của hiến pháp.Hành vi này có thể được thực hiện bởi bất kỳ tổ chức, cá nhân nào trong xã hội bao gồm cả các cơ quan công quyền như quốc hội, chính phủ hay tòa án và các cơ quan tư pháp khác... và ở bất cứ thời điểm nào trong thời gian hiến pháp có hiệu lực.Trong thực tiễn, các hành vi vi phạm hiến pháp diễn ra hết sức đa dạng và mức độ nguy hiểm cho xã hội cũng rất khác nhau. Các hành vi vi hiến có thể được nhận diện nhờ ở hai đặc điểm chủ yếu: 1) Vi phạm các nguyên tắc cơ bản đã được quy định trong bản hiến pháp; 2) Việc chế tài đối với các hành vi vi hiến không được quy định trực tiếp trong bản hiến pháp mà có thể được quy định trong các đạo luật chuyên ngành như luật hình sự, luật dân sự, luật hành chính, luật lao động, luật đất đai, luật môi trường, luật thương mại, luật tài chính, luật ngân hàng, luật hôn nhân và gia đình, luật đầu tư nước ngoài...Trong thực tiễn pháp lý, hầu hết các hành vi vi phạm hiến pháp tồn tại dưới dạng hành vi vi phạm pháp luật chuyên ngành. Chẳng hạn, đó là các hành vi như hành vi huỷ hoại đất đai, môi trường; hành vi trốn thuế hoặc dây dưa nộp thuế; hành vi vi phạm các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; hành vi vi phạm trật tự tư pháp; hành vi vi phạm chế độ hôn nhân và gia đình...Ở các nước theo truyền thống luật án lệ, do các nguyên tắc tập quán và nguyên tắc của án lệ có vai trò rất quan trọng nên có một số nguyên tắc tập quán và nguyên tắc án lệ đã được mặc nhiên thừa nhận bởi hiến pháp. Khi đó, những hành vi trái với các nguyên tắc này cũng được xem như là những hành vi vi hiến, cho dù trên thực tế người ta không thể viện dẫn chứng từ đạo luật thành văn là bản hiến pháp.Đạo luật có nội dung trái với hiến pháp cũng được coi là vi hiến. Ở một số quốc gia, các đạo luật trái hiến pháp có thể bị tòa án hiến pháp xét xử và tuyên bố tiêu hủy. Quyết định của tòa án hiến pháp là quyết định cuối cùng và không được kháng cáo.