"về các đạo luật của xixêrông"
""về các đạo luật của xixêrông"" được hiểu như sau:
Tác phẩm của Xixêrông (103 - 43 trước Công nguyên), nhà tư tưởng La Mã cổ đại, viết năm 52 trước Công nguyên, vào thời điểm cuộc đấu tranh giữa các tầng lớp bình dân, thị tộc, nông dân nghèo với các đẳng cấp thượng lưu quý tộc, đại điền chủ, quan chức đang diễn ra gay gắt trong lòng xã hội La Mã cổ đại.Các thiết chế dân chủ của thời cộng hoà cản trở tham vọng của các tầng lớp thượng lưu đang hướng tới thiết lập chế độ độc tài quân sự, còn các tầng lớp thị dân, bình dân, nông dân nghèo đang đấu tranh đòi duy trì, phục hồi các thiết chế dân chủ của thời cộng hoà, nhất là trong các vấn đề ruộng đất mà trong thời kỳ cộng hoà luôn luôn được xem là sở hữu chung của toàn xã hội, mọi người đều có phần bằng nhau. Các cuộc cải cách hòng phục hồi các thiết chế dân chủ của thời cộng hoà, nhất là trong các quan hệ ruộng đất đểu bị viện nguyên lão gồm các đại diện của giới thượng lưu vô hiệu hoá. Xixêrông - người đại diện cho quyền lợi của giới quý tộc đại điền chủ, người phát ngôn của các tầng lớp này, đưa ra cả một hệ thống các quan điểm về pháp luật.Theo Cicero, bản chất của pháp luật là lý trí chân thực thể hiện lẽ công bằng được viết ra cho con người một cách vĩnh viễn, không thay đổi. Cicero kiên định tuyên bố: nếu các đạo luật hiện hành ở một quốc gia nào đó mà trái với lẽ công bằng thì đó không phải là pháp luật. Tuy nhiên, phải thấy rằng, theo Cicero hợp với lẽ công bằng là tất cả những gì không xa lạ với lợi ích của tầng lớp quý tộc, giai cấp thống trị. Nhưng ông đã quên hoặc cố ý không hề nhắc đến lợi ích của những người nô lệ: cũng như của phái thị dân. Hơn nữa, khi xem xét pháp luật từ phương diện lẽ công bằng, sự hợp lý, vô hình chung Cicero đã xem pháp luật như một phạm trù đạo đức cũng như một phạm trù quan hệ với các quy luật tự nhiên. Cũng chính từ mối quan hệ ấy, Cicero xem pháp luật La Mã là một phần của pháp quyền tự nhiên có sẵn trong thiên nhiên. Theo ông, trước khi một đạo luật được con người viết ra, hay đúng hơn, trước khi cả nhà nước được thiết lập thì cái pháp quyền tự nhiên đó đã tồn tại và bản thân nhà nước cũng là một cấu tạo pháp quyền nhất định. Trong tinh thần đó, nhà nước và pháp luật là một thể thống nhất có tính pháp luật. Từ đó cũng có thể nói, quan tòa là đạo luật biết nói và đạo luật là quan tòa. Theo Ciceron, nhà nước được xem là một nhà nước pháp quyền không phải ở chỗ nó chấp hành các đạo luật mà nó đã thông qua mà ở chỗ, xét theo nguồn gốc, chính nó cũng là pháp luật - pháp luật tự nhiên. Pháp luật chính là cội nguồn tất yếu của nhà nước và pháp luật, đó là pháp luật tự nhiên được hình thành từ tính hợp lý của bản ngã loài người và thế giới mà trong đó con người đang sống. Pháp luật là sự kết tinh những điều thánh thiện nhất của tự nhiên, Trời - Đất.Từ toàn bộ lập luận, lý giải mang tính học thuyết của Cicero về các đạo luật, về pháp quyền tự nhiên, về nguồn gốc pháp quyền của nhà nước có thể nhận ra một đặc trưng được xem như là một ưu điểm mà Cicero cũng như giới luật gia La Mã nói chung đã đóng góp cho sự hình thành một cơ sở lý thuyết cho sự lý giải các phạm trù, khái niệm luật học về nhà nước, về pháp luật, mở đường xây dựng một hệ thống khái niệm của học thuyết về pháp luật, về nhà nước với tính cách là đối tượng nghiên cứu của luật học.Cicero cũng đã phát triển một loạt ý niệm về các vấn đề pháp luật quốc tế, nói riêng, về các cuộc chiến tranh giữa các quốc gia và với Cicero đã ra đời các khái niệm chiến tranh chính nghĩa và chiến tranh phi nghĩa, nhưng tiêu chí mà ông đưa ra để phân biệt hai loại chiến tranh lại hoàn toàn xuất phát từ lập trường chính trị của ông: chiến tranh phi nghĩa là một cuộc chiến tranh được tiến hành mà không có nguyên nhân và không có sự tuyên chiến một cách chính thức. Theo đó mà xác định một cuộc chiến tranh xâm lược, nô dịch, ăn cướp cũng sẽ được xem là chính nghĩa, khi kẻ gây chiến có những lý do để tiến hành chiến tranh và tuyên chiến một cách chính thức, đàng hoàng.Hệ thống quan niệm, tư tưởng của Cicero mang đậm tính chính trị, tính giai cấp - thể hiện và bảo vệ quyền lợi của giai cấp thống trị, chủ nô La Mã.