Hệ thống pháp luật

văn phòng trung ương đảng

"văn phòng trung ương đảng" được hiểu như sau:

Cơ quan trực thuộc Ban chấp hành trung ương Đảng, có chức năng tham mưu, giúp Ban chấp hành trung ương trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức, điều hành công việc lãnh đạo của Đảng; phối hợp, điều hòa hoạt động của các cơ quan tham mưu của Trung ương Đảng; đồng thời, là một trung tâm thông tin tổng hợp phục vụ lãnh đạo.Thời kì 1930 - 1945, Đảng hoạt động trong điều kiện bí mật, công tác phục vụ cho hoạt động của Trung ương Đảng được thực hiện bởi các bộ phận giúp việc, có tên gọi là Đội công tác. Trong giai đoạn Đảng tuyên bố "tự giải tán”, Đội công tác được bố trí làm việc ở các cơ quan, đơn vị khác. Đến cuối năm 1946, khi bắt đầu toàn quốc kháng chiến, cơ quan trung ương chuyển lên căn cứ địa Việt Bắc, Đội công tác được lập trở lại, tăng cường thêm cán bộ và làm các nhiệm vụ hành chính, quản trị phục vụ trung ương lãnh đạo kháng chiến.Tháng 5 năm 1947, Văn phòng trung ương Đảng được thành lập tại Định Hóa, Thái Nguyên, lúc đó gọi là Văn phòng thường vụ trung ương Đảng. Nhiệm vụ của Văn phòng là: thực hiện các công việc hành chính, quản trị, lo toàn bộ tài liệu, văn bản, quyết định của Ban chấp hành Trung ương, Thường vụ trung ương; tổng hợp báo cáo của các nơi gửi đến; tổ chức mật mã, điện đài. Quản trị hành chính phục vụ Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và các cơ quan khác của Đảng. Tháng 6.1949, hội nghị văn phòng cấp ủy tại Việt Bắc xác định Văn phòng là “cơ quan giúp việc hàng ngày của cấp ủy đảng, như các ban khác". Tháng 3 năm 1951, Hội nghị lần thứ nhất Ban chấp hành trung ương Đảng (khóa II) quyết định rõ "Văn phòng trung ương giúp Trung ương và Ban bí thư giải quyết công việc hàng ngày". Đẩu năm 1954, Văn phòng trung ương được hợp nhất với Văn phòng Tổng Bí thư.Thời kì 1954 - 1960, cùng với các cơ quan lãnh đạo của Đảng, Văn phòng trung ương chuyển trụ sở về Hà Nội. Ngày 15.12.1959, Ban bí thư đã ban hành Bản quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và lề lối làm việc của Văn phòng trung ương. Văn phòng trung ương có nhiệm vụ chính là nghiên cứu tổng hợp, hành chính, quản trị và ngân sách Đảng, trong đó nhiệm vụ theo dõi tình hình, nghiên cứu phục vụ Trung ương luôn được đặt lên hàng đầu. Thời kỳ 1961 - 1975, chức năng, nhiệm vụ của Văn phòng trung ương được cụ thể hoá với ba nhiệm vụ chính là giúp cho Ban bí thư biên tập văn kiện, theo dõi, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, hướng dẫn nghiệp vụ cho các cấp ủy Đảng cấp dưới; thực hiện công tác hành chính, quản trị; quản lý ngân sách và tài sản của Đảng.Năm 1961, Trung ương cục miền Nam được thành lập theo quyết định của Hội nghị lần thứ 3 Ban chấp hành trung ương Đảng khóa III (tháng 01 năm 1961). Từ đó Văn phòng trung ương cục miền Nam được thành lập (sau 1975 chuyển thành Ban đại diện Đảng tại miền Nam).Thời kỳ 1975 - 1986, chức năng và nhiệm vụ cũng như tổ chức của Văn phòng trung ương có nhiều thay đổi để phù hợp với vai trò và nhiệm vụ mới.Các quyết định quan trọng liên quan đến tổ chức và hoạt động của Văn phòng trung Ương Đảng là Chỉ thị số 25-CT/TVV ngày 23.12.1977 của Ban bí thư về quy định chức năng, nhiệm vụ của Văn phòng trung ương, văn phòng các tỉnh, thành ủy; Quyết định số 76-QĐ/TVV ngày 26.8.1980 của Ban bí thư về nhiệm vụ, tổ chức Văn phòng trung ương ĐảngThời kỳ 1986 - 1993, Quyết định số 33-QĐATW của Ban bí thư được ban hành ngày 15.12.1987 quy định về chức năng và nhiệm vụ của.Văn phòng trung ương Đảng thay Quyết định số 76-QĐ/TVV ngày 26.8.1980. Theo Quyết định số 33-QĐ/TVV, Văn phòng trung ương là một ban của Trung ương Đảng, giúp Trung ương Đảng, Bộ chính trị, Ban bí thư tổ chức điều hành công việc lãnh đạo của Đảng, là trung tâm thông tin tổng hợp phục vụ lãnh đạo.Từ 1993 đến nay, Sau Đại hội Đảng VII, Ban bí thư đã ban hành Quyết định số 64-QĐ/TVV ngày 10.3.1993 về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức của Văn phòng trung ương Đảng, trong đó xác định rõ “Văn phòng trung ương là một ban của Ban chấp hành trung ương, có chức năng tham mưu giúp trung ương, trực tiếp giúp Bộ chính trị và Ban bí thư tổ chức và điều hành công việc lãnh đạo của Đảng, là trung tâm thông tin tổng hợp phục vụ lãnh đạo". Quyết định số 71-QĐ/TVV ngày 01 tháng 12 năm 1999 của Bộ Chính trị (Khóa VIII) về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức của Văn phòng trung ương còn quy định thêm Văn phòng trung ương có trách nhiệm “phối hợp, điều hòa hoạt động của các cơ quan tham mưu của Trung ương Đảng".Về tổ chức bộ máy, hiện nay Văn phòng trung ương Đảng gồm có các vụ (Vụ tổng hợp, Vụ thư ký, Vụ địa phương I, Vụ địa phương II, Vụ thư từ - tiếp dân, Vụ văn thư, Vụ tổ chức); 1 cục (Cục lưu trữ); 1 trung tâm (Trung tâm công nghệ thông tin); 1 phòng (Phòng cơ yếu - Phòng 6).Về chế độ làm việc, Văn phòng trung ương thực hiện chế độ thủ trưởng, Chánh văn phòng chịu trách nhiệm tổ chức, lãnh đạo, điều hành công việc chung của Văn phòng. Giúp việc cho Chánh văn phòng có một số phó chánh văn phòng.