Hệ thống pháp luật

vận đơn

"vận đơn" được hiểu như sau:

Văn bản ghi nhận việc tiếp nhận hàng lên phương tiện vận chuyển (đường bộ, đường biển hoặc đường không), là sự thừa nhận chính thức của người vận chuyển về việc tiếp nhận số hàng hoá liên quan lên phương tiện vận chuyển do mình quản lý và điều khiển để chuyển đến nơi được chỉ định trong hợp đồng vận chuyển và giao cho người nhận hàng được chỉ định.Vận chuyển theo vận đơn bắt đầu được thực hiện từ đầu thế kỷ XIX ở các nước châu Âu và phát triển mạnh, nhất là trong lĩnh vực vận chuyển hàng hải, từ đầu thế kỉ XX.Trong pháp luật Việt Nam, vận đơn được ghi nhận tại nhiều văn bản khác nhau như Bộ luật dân sự với việc quy định vận đơn như là bằng chứng của việc giao kết hợp đồng vận chuyển tài sản; Bộ luật hàng hải; Luật hàng không dân dụng. Tuy nhiên, các văn bản pháp luật hiện hành về vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ, đường sông không có quy định về vận đơn nhưng có quy định về việc lập “giấy vận chuyển”, một loại chứng từ có chức năng pháp lý giống như vận đơn nhưng không có giá trị chuyển nhượng.Trong pháp luật quốc tế, văn bản cơ sở về vận đơn là Công ước Brussel ngày 25.8.1924, còn gọi là Công ước thống nhất một số quy tắc về vận đơn. Thông thường có các loại vận đơn sau: 1) Vận đơn đích danh - loại ghi rõ tên người nhận hàng và người vận chuyển chỉ trả hàng cho người có lai lịch ghi rõ trên vận đơn; 2) Vận đơn theo lệnh - loại ghi rõ tên người giao hàng hoặc những người do người giao hàng chỉ định sẽ phát lệnh trả hàng. Người vận chuyển chỉ được trả hàng một khi có lệnh của người được ghi tên trên vận đơn. Nếu vận đơn theo lệnh không ghi rõ tên người phát lệnh trả hàng thì người giao hàng mặc nhiên được coi là người có quyền đó. 3) Vận đơn xuất trình (còn gọi là vận đơn vô danh). Vận đơn không ghi rõ tên người nhận hàng hoặc người phát lệnh trả hàng. Người vận chuyển có quyền trả hàng cho người nào xuất trình được vận đơn; 4) Vận đơn suốt là vận đơn ký phát cho cả quá trình vận chuyển hàng hoá trong liên hiệp vận chuyển, tức là trong việc vận chuyển có sự tham gia của những người vận chuyển thuộc các loại hình khác nhau như đường biển, đường bộ, đường sông, đường không.Việc ký phát vận đơn, trong khung cảnh của luật chung về hợp đồng vận chuyển, là việc do các bên thỏa thuận. Tuy nhiên, trong luật hàng hải, việc ký phát vận đơn phải được thực hiện một khi người thuê vận chuyển có yêu cầu. Người ký phát vận đơn là người vận chuyển.Vận đơn có thể được ký phát trước khi hàng được chuyển lên phương tiện vận chuyển; tuy nhiên, loại vận đơn này hầu như không có giá trị giao dịch đối với người thứ ba. Thông thường, người thứ ba chỉ thực sự yên tâm giao dịch khi hàng đã được chuyển lên tàu; bởi vậy, vận đơn đáng tin cậy là vận đơn ký phát "sau khi lên hàng”.Vận đơn phải ghi nhận những chi tiết cần thiết liên quan đến lai lịch của người vận chuyển, của người thuê vận chuyển, đến đặc điểm của hàng hoá vận chuyển, các chi tiết về lộ trình vận chuyển và về cước phí vận chuyển. Thế nhưng, trong khung cảnh của luật thực định Việt Nam, việc vận đơn ghi không đầy đủ chi tiết không ảnh hưởng đến sự tồn tại và giá trị của hợp đồng vận chuyển hàng không (Điều 60 Luật hàng không dân dụng).Người vận chuyển có quyền ghi vào vận đơn các điều khoản cho phép giải trừ trách nhiệm của mình trong trường hợp có tranh cãi hoặc tranh chấp về số lượng, đặc điểm kỹ thuật hoặc chất lượng của hàng hoá được vận chuyển. Trên nguyên tắc các điều khoản bảo lưu chỉ được ghi vào vận đơn trong hai trường hợp: 1) Hàng đóng gói trước khi giao cho người vận chuyển và do đó, người vận chuyển không thể kiểm tra nội dung bên trong; 2) Người vận chuyển không có điều kiện hoặc phương tiện để kiểm tra các lời khai của người thuê vận chuyển liên quan đến hàng hoá. Trong trường hợp này, người vận chuyển phải ghi rõ những chi tiết nào không kiểm tra được và lý do của việc không kiểm tra được. Ví dụ. "hàng được đưa lên tàu chỉ 10 phút trước khi khởi hành; không thể kiểm tra số lượng”. Trong trường hợp vận chuyển hàng hải, luật Việt Nam cho phép người vận chuyển ghi chú vào vận đơn các nhận xét của mình về tình trạng bên ngoài hoặc bao bì hàng hoá, nếu có nghi vấn (Khoản 1 Điều 86 Bộ luật hàng hải).Trong việc thực hiện một hợp đồng thuê phương tiện vận chuyển, vận đơn có giá trị như một biên nhận hàng hoá hoặc một lời thừa nhận về sự tồn tại của hàng hóa trên phương tiện vận chuyển. Hàng hoá và vận đơn hoà nhập thành một và trong điều kiện đó, vận đơn trở thành một chứng từ chuyển nhượng được. Tuy nhiên, ở góc độ trách nhiệm của người vận chuyển, sự hoà nhập thành một giữa hàng hoá và vận đơn có thể không hoàn hảo một khi có các điều khoản bảo lưu do người vận chuyển đưa vào vận đơn một cách hợp lệ.Vận đơn được xem như văn bản ghi nhận và chi phối quan hệ hợp đồng vận chuyển. Không chỉ là bằng chứng về việc giao kết hợp đồng, vận đơn còn là bằng chứng về nội dung của hợp đồng, đặc biệt là về nội dung các cam kết của người điều khiển phương tiện vận chuyển đã ký phát chứng từ đó cũng như các cam kết của người nhận chứng từ đó. Tuy nhiên, chức năng thứ hai này chỉ mang tính chất phụ trợ và chỉ được phát huy trong trường hợp không có cách nào khác để xác định nội dung của hợp đồng.Chuyển nhượng vận đơn là việc chuyển nhượng hàng hoá trong thời gian còn được đặt dưới sự kiểm soát của người vận chuyển. Việc chuyển nhượng vận đơn được thực hiện theo các nguyên tắc sau:Vận đơn đích danh được chuyển nhượng bằng cách sang tên theo thủ tục do pháp luật quy định;Vận đơn theo lệnh được chuyển nhượng bằng cách ghi vào ô ký hậu của vận đơn về người có quyền phát lệnh trả hàng; 3) Vận đơn vô danh được chuyển nhượng bằng cách trao tay cho người được chuyển nhượng.Theo pháp luật hiện hành của Việt Nam, vận đơn được quy định tại Điều 129 của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam do Quốc hội khóa 11 ban hành ngày 29/06/2006 và khoản 2 Điều 148 của Bộ luật Hàng hải Việt Nam 2015 do Quốc hội khóa 13 ban hành ngày 25 tháng 11 năm 2015.