Hệ thống pháp luật

văn bản quy phạm pháp luật

"văn bản quy phạm pháp luật" được hiểu như sau:

Văn bản do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành theo trình tự thủ tục luật định, trong đó có chứa đựng các quy tắc xử sự mang tính bắt buộc chung, làm khuôn mẫu cho xử sự của các chủ thể pháp luật, được áp dụng nhiều lần cho nhiều chủ thể pháp luật trong một khoảng thời gian và không gian nhất định nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội theo một trật tự nhất định mà nhà nước muốn xác lập.Văn bản quy phạm pháp luật được chia làm hai loại là văn bản luật và văn bản dưới luật.Văn bản luật là văn bản có hiệu lực pháp lý cao nhất. Văn bản luật bao gồm Hiến pháp - đạo luật cơ bản của Nhà nước, các luật, các bộ luật và các nghị quyết có chứa quy phạm pháp luật của Quốc hội. Trong các loại văn bản này thì Hiến pháp là văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực pháp lý tối cao. Hiến pháp được ban hành với một thủ tục đặc biệt: phải có từ 2/3 số phiếu thuận trở lên của các đại biểu Quốc hội thì Hiến pháp mới có thể được ban hành. Bất kì văn bản pháp luật nào khác trái với Hiến pháp đều là văn bản vô hiệu và phải được bãi bỏ.Các văn bản dưới luật bao gồm: 1) Pháp lệnh, nghị quyết của uỷ ban thường vụ Quốc hội; 2) Lệnh, quyết định của Chủ tịch nước; 3) Nghị quyết, nghị định của Chính phủ; 4) Quyết định, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ; 5) Quyết định, chỉ thị, thông tư của bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chánh án toà án nhân dân tối cao, viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; 6) Nghị quyết, thông tư liên tịch giữa các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền với tổ chức chính trị - xã hội; 7) Nghị quyết của hội đồng nhân dân các cấp; 8) Quyết định, chỉ thị của uỷ ban nhân dân các cấp.