tỷ lệ dự trữ bắt buộc
"tỷ lệ dự trữ bắt buộc" được hiểu như sau:
Tỉ lệ phần trăm (%) dùng để tính số tiền mà tổ chức tín dụng phải gửi tại Ngân hàng Nhà nước để thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia.Tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với tổ chức tín dụng còn gọi là tỷ lệ dự trữ pháp định. Theo tỉ lệ này, tổ chức tín dụng phải ký gửi trên tài khoản tại Ngân hàng Nhà nước một khoản tiền tính trên tổng số tiền gửi huy động được ở từng thời điểm cụ thể (tổng số dư tiền gửi huy động được). Thông qua việc tăng hay giảm tỷ lệ vốn dự trữ pháp định mà Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh được lượng tiền trong lưu thông, buộc các tổ chức tín dụng có thể mở rộng hay hạn chế cung ứng tín dụng cho nền kinh tế. Việc Nhà nước quy định tỷ lệ dự trữ bắt buộc là phụ thuộc vào yêu cầu thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia. Ví dụ: Theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng năm 1997 và đã được sửa đổi, bổ sung năm 2004, Ngân hàng Nhà nước quy định tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với từng loại hình tổ chức tín dụng và từng loại tiền gửi với mức từ 0% đến 20% tổng số dư tiền gửi tại mỗi tổ chức tín dụng trong từng thời kỳ.