Hệ thống pháp luật

trốn tránh nghĩa vụ quân sự

"trốn tránh nghĩa vụ quân sự" được hiểu như sau:

Không chấp hành đúng những quy định về đăng ký nghĩa vụ quân sự, không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ, lệnh gọi tập trung huấn luyện của những người đang ở độ tuổi làm nghĩa vụ quân sự.Trốn tránh nghĩa vụ quân sự là hành vi nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm trật tự quản lý hành chính, vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ đặc biệt của công dân là nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc. Do vậy, luật hình sự Việt Nam luôn coi hành vi này là tội phạm. Trước khi có Bộ luật hình sự năm 1985, cơ sở pháp lý cho việc xét xử tội này là Luật nghĩa vụ quân sự năm 1981. Trong Bộ luật hình sự năm 1985 và Bộ luật hình sự năm 1999, tội này đều được quy định là tội phạm thuộc nhóm tội xâm phạm trật tự quản lý hành chính. Theo đó, tội phạm này đòi hỏi các dấu hiệu: 1) Chủ thể của tội này là người có nghĩa vụ quân sự (nghĩa vụ đăng ký nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ nhập ngũ, nghĩa vụ tập trung huấn luyện); 2) Chủ thể đã có hành vi không chấp hành đúng quy định của pháp luật về đăng ký nghĩa vụ quân sự hoặc không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ hoặc không chấp hành lệnh gọi tập trung huấn luyện. Một số biểu hiện cụ thể của hành vi trốn tránh nghĩa vụ quân sự như không có mặt đúng hạn theo giấy gọi nhập ngũ; trốn khỏi nơi cư trú khi có lệnh gọi nhập ngũ; tự gây thương tích để trốn tránh nghĩa vụ...; 3) Chủ thể đã bị xử phạt hành chính hoặc đã bị kết án về hành vi này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm.Hình phạt được quy định cho tội phạm này có mức tối đa là 5 năm tù.Theo pháp luật hiện hành của Việt Nam, tội trốn tránh nghĩa vụ quân sự được quy định tại Điều 332 Bộ luật hình sự năm 2015 do Quốc hội khóa 13 ban hành ngày 27 tháng 11 năm 2015.