Hệ thống pháp luật

trốn thuế

"trốn thuế" được hiểu như sau:

(Hành vi xâm phạm chính sách thuế của Nhà nước thông qua việc chủ thể) không hoàn thành hoặc hoàn thành không đầy đủ nghĩa vụ nộp thuế.Trốn thuế là hành vi nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm chế độ quản lý kinh tế của Nhà nước. Trước khi có Bộ luật hình sự năm 1985, trốn thuế được quy định là tội phạm thuộc nhóm các tội phạm về kinh tế trong sắc luật số 03 năm 1976. Trong Bộ luật hình sự năm 1985 và Bộ luật hình sự năm 1999, trốn thuế đều được quy định là tội phạm thuộc chương các tội phạm về kinh tế. Tuy nhiên, Bộ luật hình sự năm 1999 quy định tội này cụ thể hơn. Theo Bộ luật hình sự năm 1999 tội này đòi hỏi các dấu hiệu: 1) Chủ thể không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ nộp thuế theo quy định của luật. Thủ đoạn mà chủ thể sử dụng để không nộp thuế hoặc nộp ít hơn có thể là không đăng ký, kê khai, kê khai gian dối, lập chứng từ giả...; 2) Hành vi trốn thuế chỉ bị coi là tội phạm khi thoả mãn điều kiện được quy định cụ thể trong luật, thể hiện hành vi đó có tính nguy hiểm đáng kể của tội phạm. Theo Bộ luật hình sự năm 1999 điều kiện đó là: số tiền trốn thuế phải từ 50 triệu đồng trở lên hoặc chủ thể đã bị xử phạt hành chính hoặc đã bị kết án về hành vi khác thuộc chương các tội phạm về kinh tế, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm).Theo pháp luật hiện hành của Việt Nam, tội trốn thuế được quy định tại Điều 200 Bộ luật hình sự năm 2015 do Quốc hội khóa 13 ban hành ngày 27 tháng 11 năm 2015.