trộm cắp tài sản
"trộm cắp tài sản" được hiểu như sau:
Hành vi lén lút chiếm đoạt tài sản đang có người khác quản lý.Trộm cắp tài sản là hành vi nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm quyền sở hữu của người khác. Trước khi có Bộ luật hình sự năm 1985, trộm cắp tài sản được quy định là tội phạm trong sắc luật số 03 năm 1976 cũng như được quy định trong 2 pháp lệnh năm 1970 là Pháp lệnh trừng trị các tội xâm phạm tài sản xã hội chủ nghĩa và Pháp lệnh trừng trị các tội xâm phạm tài sản của công dân. Bộ luật hình sự năm 1985 quy định hai tội trộm cắp tài sản thuộc hai chương khác nhau là tội trộm cắp tài sản xã hội chủ nghĩa thuộc chương các tội xâm phạm sở hữu xã hội chủ nghĩa và tội trộm cắp tài sản của công dân thuộc chương các tội xâm phạm sở hữu của công dân. Trong Bộ luật hình sự năm 1999, hai tội phạm này đã được nhập thành tội danh chung là tội trộm cắp tài sản thuộc nhóm tội chiếm đoạt của các tội xâm phạm sở hữu.Hai dấu hiệu cho phép phân biệt hành vi trộm cắp tài sản với các hành vi khác xâm phạm sở hữu là các dấu hiệu phản ánh đặc điểm của hành vi chiếm đoạt và đặc điểm của đối tượng bị chiếm đoạt.Hành vi chiếm đoạt (tài sản) của tội trộm cắp tài sản có tính chất lén lút, có nghĩa: hành vi chiếm đoạt có đặc điểm khách quan là lén lút và ý thức chủ quan của người thực hiện cũng là lén lút. Hành vi chiếm đoạt được coi là lén lút nếu được thực hiện bằng hình thức mà hình thức đó có khả năng không cho phép chủ tài sản biết có hành vi chiếm đoạt khi hành vi này xảy ra. Ý thức chủ quan của người trộm cắp tài sản là lén lút nếu khi thực hiện hành vi chiếm đoạt, người đó có ý thức che giấu hành vi đang thực hiện của mình. Việc che giấu này chỉ đòi hỏi đối với người có trách nhiệm với tài sản. Nhưng trong thực tế, ý thức chủ quan của người trộm cắp tài sản cũng có thể là lén lút, che giấu đối với người khác.Đối tượng của hành vi lén lút chiếm đoạt của tội trộm cắp tài sản phải là tài sản đang có người quản lý. Đó là những tài sản đang nằm trong sự chi phối về mặt thực tế của người có trách nhiệm hoặc là tài sản đang còn trong khu vực quản lý, bảo quản của chủ tài sản. Đây là dấu hiệu cho phép phân biệt giữa trộm cắp tài sản với hành vi chiếm giữ trái phép tài sản.Hành vi trộm cắp tài sản chỉ bị coi là tội phạm khi thoả mãn điều kiện được quy định cụ thể trong luật, thể hiện hành vi đó có tính nguy hiểm đáng kể của tội phạm. Theo Bộ luật hình sự năm 1999, những điều kiện đó là: 1) Tài sản bị trộm cắp phải có giá trị từ năm trăm nghìn đồng trở lên; hoặc 2) Đã gây hậu quả nghiêm trọng; hoặc 3) Chủ thể đã bị xử phạt hành chính hoặc đã bị kết án về hành vi chiếm đoạt mà còn vi phạm.Hình phạt được quy định cho tội trộm cắp có mức cao nhất là tù chung thân.Theo pháp luật hiện hành của Việt Nam, tội trộm cắp tài sản được quy định tại Điều 173 Bộ luật hình sự năm 2015 do Quốc hội khóa 13 ban hành ngày 27 tháng 11 năm 2015.