Hệ thống pháp luật

trợ cấp thôi việc

"trợ cấp thôi việc" được hiểu như sau:

Khoản trợ cấp cho người lao động khi chấm dứt quan hệ lao động.Vấn đề trợ cấp thôi việc được Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đề cập đến trong Công ước 158 năm 1982 và là một nội dung trong pháp luật lao động của nhiều quốc gia.Ở Việt Nam, vấn đề trợ cấp thôi việc được Nhà nước quy định từ đầu những năm 60 thế kỉ XX, áp dụng đối với cán bộ, công nhân, viên chức nhà nước thôi việc. Khoản này do xí nghiệp, cơ quan sử dụng lao động trả nhưng có ý nghĩa như khoản bảo hiểm xã hội nhận một lần vì người hưởng trợ cấp thôi việc không được tính thời gian làm việc đã nhận trợ cấp thôi việc để hưởng bảo hiểm xã hội nữa.Theo Bộ luật lao động năm 1994 (sửa đổi, bổ sung năm 2002), bảo hiểm xã hội và trợ cấp thôi việc là những chế độ độc lập. Trợ cấp thôi việc do người sử dụng lao động trả một lần khi chấm dứt hợp đồng lao động cho người lao động đã làm việc từ đủ 12 tháng trở lên. Mức trợ cấp tuỳ thuộc vào thời gian làm việc, cứ mỗi năm làm việc, người lao động được trợ cấp bằng 1/2 tháng lương cộng với phụ cấp lương (nếu có). Trường hợp người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật hoặc bị xử lý kỷ luật sa thải vì trộm cắp, tham ô, tiết lộ bí mật công nghệ kinh doanh...thì không được trợ cấp thôi việc.Theo pháp luật hiện hành của Việt Nam, trợ cấp thôi việc được quy định tại Điều 48 Bộ luật lao động năm 2012 do Quốc hội khóa 13 ban hành ngày 18 tháng 06 năm 2012.