triết học pháp quyền của hêghen
"triết học pháp quyền của hêghen" được hiểu như sau:
Tác phẩm triết học của Hêghen - nhà tư tưởng lớn của Đức (Georg Wilhelm Friedrich Hegel; 1770 - 1831) trước C.Mác, trình bày về Nhà nước và pháp luật với sự "diễn đạt nhất quán nhất, phong phú và đầy đủ nhất” (C.Mác).Học thuyết của Hêghen hình thành ở thời đại được đánh dấu bằng những sự kiện lịch sử lớn và nhiều màu sắc. Đó là cuộc cách mạng Pháp năm 1789 vĩ đại được kết thúc bằng nền đế chính Bônapac (Napôlêông), sự phục hưng của dòng họ Buốc bông ở Pháp. Liên minh thần thánh với những hoạtđộng mang đậm bản chất phản động thể hiện ở việc đàn áp mọi phong trào cách mạng ở châu Âu. Đây chính là những nhân tố quan trọng bậc nhất đã in dấu ấn sâu sắc lên sự hình thành và phát triển của hệ tư tưởng của Hêghen. Những điều kiện lịch sử xã hội đặc thù của nước Đức vốn chịu tác động, ảnh hưởng của các sự kiện lịch sử của các nước châu Âu lúc bấy giờ với tình trạng lạc hậu về mặt kinh tế và chính trị của giai cấp tư sản Đức cũng đã trực tiếp tác động đến sự hình thành, phát triển của hệ tư tưởng của Hêghen, chứa đựng bên trong tính phức tạp và mâu thuẫn ở cấp độ thế giới quan. Hệ thống các quan điểm chính trị - pháp lý của Hêghen được trình bày một cách thật đầy đủ trong tác phẩm "Triết học pháp quyền". Chống chế độ phong kiến, Hêghen đề cao các khẩu hiệu tự do, nhân văn. Song ông lại kết hợp một cách kỳ lạ chúng với các quan điểm bảo thủ và thoả hiệp với chế độ phong kiến quân chủ.Hệ thống tư tưởng về nhà nước và pháp luật của Hêghen ra đời dựa trên một cơ sở triết học của chính ông - triết học biện chứng duy tâm khách quan. Để hiểu được quan điểm về nhà nước, pháp luật của Hêghen, vì vậy, phải có sự hiểu biết cần thiết hệ thống triết học của ông.Đương thời, C.Mác, F. Ăngghen, khi đề cập đến hệ thống triết học Hêghen có chỉ rõ đó là triết học biện chứng duy tâm khách quan và có lưu ý rằng, cần phân biệt hệ thống với phương pháp, rằng triết học duy tâm của Hêghen có hạt nhân duy lý, là học thuyết về sự phát triển. Hêghen cho rằng, động lực cơ bản của sự phát triển là cuộc đấu tranh diễn ra trong lòng sự vật giữa các mặt đối lập vốn luôn luôn tồn tại ở từng sự vật, hiện tượng. Đồng thời, Mác, Ăngghen cũng chỉ ra rằng, ở Hêghen có sự mâu thuẫn giữa hệ thống, phương pháp và phép biện chứng của Hêghen mang tính chất duy tâm.Hêghen xây dựng hệ thống quan điểm triết học của mình về Nhà nước và pháp luật xuất phát từ luận điểm về sự đồng nhất giữa cái thực tại và sự hợp lí, Hêghen hoàn toàn phủ định nguyên tắc cơ bản của học thuyết pháp quyền tự nhiên, đối lập pháp quyền tự nhiên với pháp luật thực định.Pháp luật, theo Hêghen là "đời sống hiện thực của ý chí tự do được thực hiện trong quá trình phát triển thông qua một loạt nấc thang theo hướng đi lên. Nấc thang đầu tiên thể hiện ở sự chiếm hữu vậtcủa cả nhân và trong mối quan hệ với các cá nhân khác liên quan đến sở hữu (khế ước) cũng như quan các quan hệ pháp luật. Nấc thang này được Hêghen gọi là pháp luật trừu tượng. Nội dung cơ bản của pháp luật trừu tượng là tổng thể các mối quan hệ giữa các cá thể với tính cách là các chủ sở hữu". "Pháp luật là mối quan hệ của con người, bởi lẽ họ là các nhân cách trừu tượng". Hêghen tuyên bố “Hãy là nhân cách và tôn trọng người khác như các nhân cách", thể hiện một ý nghĩa phản phong sâu sắc trước tình trạng nhân cách con người bị chà đạp trong chế độ nông nô chuyên chế. Hêghen cũng chỉ rõ cốt lõi của pháp luật trừu tượng là sở hữu. Và sở hữu ở đây chỉ có giá trị khi nó là tư hữu. Từ đó có sự ngự trị hoàn toàn và không hạn chế của nhân cách đối với đồ vật.Sở hữu được Hêghen coi chỉ là quan hệ của con người đối với đồ vật, nảy sinh từ sự cần thiết của mỗi cá nhân đối với việc xác định tự do của mình với thế giới bên ngoài. Nhờ có sở hữu, con người trở thành nhân cách "chỉ có trong sở hữu cá nhân mới trở thành lý tính". Theo Hêghen, tự do tư hữu là thành quả vĩ đại nhất của thời đại mới. Tự do này kéo theo đòi hỏi tự do hợp đồng và các mối quan hệ hợp đồng giữa chủ sở hữu. Bảo vệ tính hợp lý của tư hữu tư sản, Hêghen phê phán dự án "cộng sản chủ nghĩa" của Platon. ông cũng không đồng ý với Ruxô về việc bác bỏ bất công tài sản. Đồng thời, Ông đấu tranh chống các đặc quyền phong kiến. Hêghen cho rằng, các quyền đó không phù hợp với khái niệm đúng về sở hữu, theo đó, chủ ruộng đất phải là những người sở hữu canh tác chúng. Hêghen cũng không chấp nhận chế độ nông nô và chế độ nô lệ, bởi lẽ chúng chà đạp lên nhân phẩm con người. Nhưng Hêghen lại bảo vệ cái trật tự bất bình đẳng hiện hữu, tuyên bố rằng, cá nhân chỉ có thể bình đẳng trong các quan hệ pháp luật và còn nhấn mạnh sự bình đẳng về tài sản sẽ là không hợp lý,là bất công, rằng những khác biệt giữa các cá nhân sẽ dẫn đến sự bất bình đẳng giữa họ với nhau. Xét một cách khách quan, Hêghen ủng hộ sự bóc lột, bác bỏ tư tưởng bình đẳng giữa người và người bộc lộ rõ ràng lập trường chính trị của mình.Từ quan niệm quyền sở hữu với tính cách là sự thống trị của cá nhân đối với vật, Hêghen xem hợp đồng là sự thoả thuận của các cá nhân tự do có quyền sở hữu và thừa nhận lẫn nhau. Hợp đồng thể hiện ý chí của các cá nhân tham gia quan hệ hợp đồng thể hiện ý chí chung khi mà ý chí riêng có thái độ phủ định ý chí chung thì đó là sự vi phạm pháp luật hoặc đó là sự phi sự thật và tội phạm chính là một loại hình phi sự thật đó. Tội phạm là sự phủ nhận pháp luật đòi hỏi sự khôi phục pháp luật bằng con đường phủ nhận cái phủ nhận đó, tức là hình phạt. Hêghen xem hình phạt có mục đích tự thân và không thừa nhận cái học thuyết xem hình phạt là phương tiện gây sự khiếp sợ, rửa tội... Cũng vì vậy, ông bác bỏ quan điểm của Foiơbăc xem mục đích của hình phạt là gây sự khiếp sợ. Theo Hêghen, quan niệm về gây sự khiếp sợ xuất phát từ nhận thức không đúng xem con người là một thực thể không tự do, trong trường hợp đó, hình phạt đối với con người giống như một chiếc gậy vung lên trước mặt con vật. Ông nhấn mạnh không được đối xử với con người như đối với con vật.Hình phạt, theo Hêghen, là một sự bồi hoàn, một sự trả giá, nhưng Hêghen phản đối việc biến sự trả giá đó thành một sự trả thù, việc làm vô nghĩa của một cá nhân nào đó mà phải xem hình phạt là hậu quả không tránh khỏi của chính tội phạm. Hình phạt là việc thực hiện cái đòi hỏi của lẽ phải, sự công bằng. Hình thức tháo gỡ sự xâm phạm pháp luật này không có tính chất trả thù mà là lẽ phải, sự công bằng trừng phạt. Đó không phải là sự biểu lộ ý chí có tính riêng lẻ mà là của một ý chí chung, phổ biến. Theo quan điểm của Hêghen, chính người phạm tội phải tự đòi hỏi hình phạt, từ đó, theo Hêghen hình phạt là quyền của người phạm tội, bởi vì đó là sự biểu hiện ý chí của chính người đó phủ nhận quyền phủ định cái phủ định - tức là sự khôi phục pháp luật bằng hình phạt. Không thể không thấy ở học thuyết của Hêghen về hình phạt ảnh hưởng của những tư tưởng tiến bộ về phẩm giá của cá nhân con người.Điều đó bộc lộ ở chỗ, Hêghen không muốn nhìn người phạm tội như chỉ là một khách thể đơn thuần của quyền tư pháp mà nâng nó lên tầm của một thực thể tự do tự điều chỉnh chính mình. Tuy nhiên, cũng lại phải thấy, như nhận xét của C.Mác, bằng học thuyết về hình phạt của mình, Hêghen muốn bào chữa cho chính sách trừng phạt của xã hội bóc lột và xét theo thực chất cũng là sự thể hiện một cách tinh tế hơn quan niệm "trả giá" của pháp luật cổ đại.Học thuyết của Hêghen về đạo đức đề cập đến những luận điểm thuộc phạm trù quan trọng bậc nhất của pháp luật hình sự. lỗi và những hình thức của nó cũng như sự phê phán đạo đức cá nhân chủ nghĩa. Hêghen nói đến mối quan hệ giữa nhân cách và các hành động của con người, xem xét các vấn đề thuộc ý muốn, mục đích và động cơ của hành vi cá nhân. Chỉ có tự do bên ngoài là chưa đủ.Quan trọng là phải có tự do chủ thể, đạo đức cá nhân, trong đó các hành vi của cá nhân không được chỉ đạo bởi uy tín hay pháp luật mà xuất phát từ hình thức tư duy cá nhân và phù hợp với lương tâm con người.Đạo đức tạo nên nội dung chủ quan của mọi hành vi. Vì nó là sự thống nhất nội hàm và ngoại biên, chủ quan và khách quan trong các hành vi cá nhân chủ thể. Việc phân biệt các khía cạnh trên đây và việc xem xét chủng một cách biện chứng là điều rất cần để Hêghen chứng minh luận điểm về trách nhiệm phải đánh giá con người chỉ theo hành vi của họ. Từ đó đi đến kết luận quan trọng về quyền trừng phạt con người chỉ theo hành vi phạm pháp của họ, trách nhiệm hình sự chỉ bắt đầu khi xuất hiện sự cố ý trong hành động của cá nhân. Hêghen phê phán, đấu tranh chống lại các học thuyết phong kiến về luật hình sự cho phép luận tội một người chỉ dựa trên tình tiết khách quan và lộng quyền.Trong phần triết học pháp quyền liên quan đến xã hội dân sự, Hêghen đã có một sự tiếp cận với quan điểm duy vật về lịch sử khi ông khẳng định nhà nước không phải là một cái gì mà là một sản phẩm của kinh tế. Hêghen đã chỉ ra những mâu thuẫn của xã hội tư sản, nhưng không đưa ra được một sự đánh giá đúng đắn mà còn cho rằng sự tồn tại của những mâu thuẫn đó là hoàn toàn hợp lý,sự bất bình đẳng về tài sản là hoàn toàn tự nhiên và đưa đến sự phân tầng xã hội, hậu quả của những đặc điểm về thể lực và tinh thần khác nhau, thể hiện ở sự phân tầng về lợi ích và phân chia lao động khác nhau của xã hội dân sự.Nếu như gia đình là hạ tầng thứ nhất thi các đẳng cấp xã hội là hạ tầng thứ hai của nhà nước và vì pháp luật được ban hành là nhằm tới các phúc lợi chung, cái phổ biến trong hệ thống phúc lợi chung có phúc lợi riêng (tức là cái của tôi) là cái cũng rất quan trọng và rất cần được bảo vệ và việc bảo vệ các quyền của xã hội dân sự là do cảnh sát thực hiện và cùng với cảnh sát là các tập đoàn thực hiện. Cảnh sát thực hiện nhiệm, vụ duy trì trật tự bên ngoài còn các tập đoàn - những liên minh xã hội, đặc thù chăm lo hoạt động và khả năng lao động. Các tập đoàn bảo đảm sự an toàn cho mỗi thành viên của xã hội dân sự quan tâm đến anh ta, tạo ra giá trị trong xã hội niềm vinh dự đẳng cấp.Nhà nước đưa lại sự thống nhất bậc cao của tất cả các bộ phận nói trên nhưng nhà nước không phải là kết quả mà là cơ sở của gia đình cũng như của xã hội dân sự, nhà nước có trước các thành tố đó và là cơ sở của chúng tương tự như cái toàn thể là cái có trước các bộ phận của nó. C.Mác trong tác phẩm "Phê phán triết học pháp quyền của Hêghen” đã chỉ ra sự bóp méo hiện thực từ triết học duy tâm của Hêghen, vì ở Hêghen, gia đình và xã hội dân sự được tạo ra từ tư tưởng hiện thực. Trên thực tế những thực thể đó chính là những nhân tố trong khi vận hành đã chuyển hoá thành nhà nước.Hêghen kịch liệt chống lại thuyết pháp quyền tự nhiên về nhà nước và theo ông, nhà nước hoàn toàn không phải là một thiết chế bảo hiểm và được dựng lên hoàn toàn không phải để cung cấp một sự bảo vệ cái quyền tự do cá nhân và sở hữu. Nhà nước không phải là phương tiện phục vụ lợi ích của các cá nhân riêng lẻ. Nhà nước không phải là phương tiện. Theo Hêghen, hiểu như thế là hạ thấp ý nghĩa hiện thực của nhà nước. Nhà nước không phục vụ mà thống trị. Nhà nước không phải là phương tiện mà là mục đích tự thân, mục đích cao nhất trong tất cả các mục đích. Nhà nước tồn tại là cuộc diễu hành của thượng đế ở thế gian...”Đối với nhà nước Đức đương thời, Hêghen tỏ rõ sự đồng tình với chế độ quân chủ và cho rằng chế độ nhà nước đó cần phải được duy trì, vì không phải là điều quan trọng khi quốc vương ngự trị trong chế độ đó là một vị vua có sáng suốt hay không, vì sức mạnh của nhà nước đó là ở tính hợp lí của nó.Học thuyết của Hêghen về nhà nước và pháp luật có ảnh hưởng lớn về sau đối với sự phát triển của khoa học pháp lý nhìn từ phía các trường phái bảo thủ ra sức khai thác, kế thừa, các quan điểm bảo thủ và có khi là phản động của ông nhằm bào chữa cho chủ nghĩa phát xít ở Ý, ở Đức. Nhưng có điều rất đặc trưng là những phần tử phát xít"chính thống" ở Đức đã gạt bỏ triết học Hêghen vốn được xem là một trong những nguồn gốc của chủ nghĩa Mác. Khi nói đến một loạt các luận điểm bảo thủ, phản động trong học thuyết của Hêghen về nhà nước và pháp luật thì đồng thời không được quên rằng, cũng như cả nền triết học cổ điển Đức, hệ thống triết học Hêghen, trong đó có triết học pháp quyền, đóng vai trò là một cống hiến có giá trị vào di sản văn hoá của loài người.