tranh chấp kinh tế
"tranh chấp kinh tế" được hiểu như sau:
Mâu thuẫn, xung đột về quyền và nghĩa vụ kinh tế của các chủ thể khi tham gia quan hệ pháp luật kinh tế.Đặc trưng của tranh chấp kinh tế là chúng phát sinh trực tiếp từ hoạt động kinh doanh; chủ thể tham gia tranh chấp chủ yếu là các doanh nghiệp; tranh chấp gắn liền với lợi ích riêng biệt của mỗi chủ thể và luôn thuộc quyền tự định đoạt của họ; nhiều tranh chấp liên quan tới giá trị tài sản lớn.Trong điều kiện kinh tế thị trường, tranh chấp kinh tế phổ biến là tranh chấp hợp đồng kinh tế, tranh chấp trong nội bộ công ty, tranh chấp liên quan đến việc mua bán cổ phiếu, trái phiếu.Thuật ngữ tranh chấp kinh tế được sử dụng trong Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế năm 1994 nhưng không được sử dụng lại trong Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004. Thay vào đó, thuật ngữ “tranh chấp về kinh doanh, thương mại" được sử dụng trong Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004 để chỉ các loại tranh chấp sau: 1) Tranh chấp phát sinh trong hoạt động kinh doanh, thương mại giữa cá nhân, tổ chức có đăng ký kinh doanh với nhau và đều có mục đích lợi nhuận bao gồm: mua bán hàng hóa; cung ứng dịch vụ; phân phối; đại diện, đại lý; ký gửi; thuê, cho thuê, thuê mua; xây dựng; tư vấn, kỹ thuật; vận chuyển hàng hóa, hành khách bằng đường Sắt, đường bộ, đường thủy nội địa; vận chuyển hàng hóa, hành khách bằng đường hàng không, đường biển; mua bán cổ phiếu, trái phiếu và giấy tờ có giá khác; đầu tư, tài chính, ngân hàng; bảo hiểm; thăm dò, khai thác; 2) Tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ giữa cá nhân, tổ chức với nhau và đều có mục đích lợi nhuận; 3) Tranh chấp giữa công ty với các thành viên của công ty, giữa các thành viên của công ty với nhau liên quan đến việc thành lập, hoạt động, giải thể, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, chuyển đổi hình thức tổ chức của công ty; 4) Các tranh chấp khác về kinh doanh, thương mại mà pháp luật có quy định.