Hệ thống pháp luật

trái quyền

"trái quyền" được hiểu như sau:

Quyền của một người yêu cầu một người khác thực hiện một hành vi pháp lý nhất định.Mối quan hệ giữa người có quyền yêu cầu và người được yêu cầu gọi là quan hệ nghĩa vụ. Quan hệ đó được định nghĩa như là mối liên hệ pháp lý ràng buộc hai con người, hai chủ thể của quan hệ pháp luật. Người có quyền yêu cầu còn được gọi là chủ thể có hoặc trái chủ; người được yêu cầu còn được gọi là người có nghĩa vụ hoặc chủ thể nợ hoặc thụ trái. Trái quyền còn được gọi là trái vụ, nếu việc tiếp cận quan hệ được thực hiện từ góc độ người có nghĩa vụ. Trái quyền, trái vụ, nghĩa vụ là những cách gọi khác nhau để chỉ cùng một quan hệ pháp luật.Trong pháp luật tài sản, trái quyền được hình dung như một thực thể kép tồn tại cùng một lúc ở hai sản nghiệp thuộc về hai người khác nhau; trong sản nghiệp của người có quyền, trái quyền được ghi nhận trong khối tài sản có; trong sản nghiệp của người có nghĩa vụ, trái quyền được ghi nhận ở khối tài sản nợ.Trong ngôn ngữ thông dụng, trái quyền còn được gọi là quyền chủ nợ.Lý thuyết về trái quyền bắt đầu được xây dựng trong luật La Mã, được biết dưới tên gọi jus ad rem (quyền được chuyển giao một vật) và đã được hoàn thiện ở trình độ cao. Jus ad rem là một quyền phát sinh từ một quan hệ pháp lý gọi là obligatio, tức là một mối liên hệ pháp lý theo đó một người buộc phải trả một vật nào đó, phù hợp với các quyền của một người khác. Các thành tựu trong luật La Mã liên quan đến trái quyền được tiếp thu, thừa kế và tiếp tục phát triển trong luật cận đại và đương đại của các nước theo văn hoá pháp lý romano-germanique.Đối tượng của trái quyền là hành vi mà người có nghĩa vụ phải thực hiện nhằm đáp ứng yêu cầu của người có quyền. Hành vi đó được thể hiện dưới một trong ba hình thức; làm một việc (Ví dụ: giao hàng, sửa chữa một chiếc xe, xây dựng một căn nhà...), không làm một việc (Ví dụ: cam kết của một thương nhân đã chuyển nhượng sản nghiệp thương mại của mình cho người khác về việc không lập một cơ sở kinh doanh mới trong vùng, để giành thị phần với người được chuyển nhượng) hoặc chuyển quyền sở hữu đối với một tài sản (Ví dụ: chuyển quyền sở hữu đối với một số lượng hàng hóa cùng loại).Pháp luật hiện hành không sử dụng thuật ngữ "trái quyền" mà dùng thuật ngữ “quyền yêu cầu" để chỉ mối quan hệ giữa một người có quyền và một người có nghĩa vụ tương ứng. Người có trái quyền, tức là chủ thể có hoặc trái chủ, được gọi là "người có quyền”. Luật chung về nghĩa vụ (đồng thời cũng là luật chung về quyền yêu cầu) được ghi nhận trong Bộ luật dân sự và mang đầy đủ các đặc điểm về cấu trúc pháp lý và về tính chất của trái quyền trong luật La tinh.