Hệ thống pháp luật

tổng đại lý

"tổng đại lý" được hiểu như sau:

Hình thức đại lý trong mua bán hàng hoá mà bên đại lý gồm có cả một mạng lưới chứ không chỉ có một người. Mạng lưới đại lý có một người đứng đầu, gọi là tổng đại lý, và các đại lý trực thuộc.Tổng đại lý mua hàng là việc bên tổng đại lý, thông qua hệ thống đại lý trực thuộc, nhận tiền của bên giao đại lý để mua hàng theo yêu cầu của bên giao đại lý và hưởng thù lao do bên giao đại lý trả trên cơ sở thoả thuận giữa các bên. Tổng đại lý bán hàng là việc bên tổng đại lý nhận hàng của bên giao đại lý để bán, thông qua hệ thống đại lý trực thuộc, và hưởng thù lao do bên giao đại lý trả trên cơ sở thoả thuận giữa các bên.Tổng đại lý là một loại hình uỷ quyền trong hoạt động thương mại và là một hành vi thương mại. Chế định tổng đại lý mua bán hàng hoá được ghi nhận, định nghĩa chính thức trong pháp luật thương mại là một loại hình uỷ quyền, chế định này còn bao gồm các quy tắc trong luật chung về hợp đồng uỷ quyền trong luật dân sự.Việc giao kết hợp đồng tổng đại lý phải theo đúng các quy định trong luật chung về hợp đồng uỷ quyền cũng như các quy định tại Luật thương mại. Một cách tổng quát, hợp đồng tổng đại lý phải được giao kết bằng văn bản và phải ghi nhận tên, địa chỉ của các bên cùng với các thỏa thuận về hàng hoá đại lý, hình thức đại lý, thù lao cho bên tổng đại lý và thời hạn hợp đồng tổng đại lý.Giữa tổng đại lý và các đại lý trực thuộc thường kí kết hợp đồng đại lý trực thuộc. Đây cũng là một loại hợp đồng đại lý và do đó cũng phải hình thành theo đúng các quy định như đối với hợp đồng giữa tổng đại lý và bên giao đại lý. Hợp đồng đại lý trực thuộc không mang tính chất của một vụ uỷ quyền lại theo nghĩa của Bộ luật dân sự, bởi đại lý trực thuộc hoạt động nhân danh tổng đại lý chứ không nhân danh bên giao đại lý của tổng đại lý. Tổng đại lý thực sự là người được uỷ quyền của bên giao đại lý, các bên hợp đồng đại lý trực thuộc có các quyền và nghĩa vụ quy định của Luật thương mại cũng như tại Bộ luật dân sự. Theo Luật thương mại, các đại lý trực thuộc hoạt động dưới sự quản lý của tổng đại lý và với danh nghĩa của tổng đại lý. Vậy, đại lý trực thuộc là người được uỷ quyền của tổng đại lý. Trong quan hệ hỗ tương, tổng đại lý và đại lý trực thuộc lần lượt có các quyền và nghĩa vụ của bên giao đại lý và bên đại lý, của người uỷ quyền và người được uỷ quyền. Nghĩa vụ trả thù lao của tổng đại lý cho đại lý trực thuộc hoàn toàn không lệ thuộc vào nghĩa vụ trả thù lao của bên giao đại lý cho tổng đại lý, mặc dù trên thực tế, loại thù lao thứ hai chính là nguồn để chi trả loại thù lao thứ nhất. Đến hạn trả thù lao cho đại lý trực thuộc, tổng đại lý có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ ngay cả trong trường hợp chưa nhận được thù lao do bên giao đại lý chi trả cho mình.Giữa bên giao đại lý và đại lý trực thuộc của tổng đại lý không có mối quan hệ pháp lý nào, bởi đại lý trực thuộc hoạt động dưới danh nghĩa tổng đại lý chứ không phải dưới danh nghĩa bên giao đại lý. Vấn đề đặt ra: trong trường hợp tổng đại lý không thực hiện nghĩa vụ trả thù lao cho đại lý trực thuộc do mất khả năng thanh toán, thì đại lý trực thuộc có hay không có quyền trực tiếp yêu cầu bên giao đại lý trả thù lao cho mình? Cho đến nay, chưa có câu trả lời đối với câu hỏi này; thực tiễn giao dịch, có xu hướng không thừa nhận quyền khởi kiện trực tiếp của đại lý trực thuộc tổng đại lý đối với bên giao đại lý.Hợp đồng tổng đại lý, hợp đồng đại lý trực thuộc chấm dứt trong những trường hợp: 1) Hợp đồng đã được thực hiện xong hoặc hết thời hạn hiệu lực; 2) Các bên thỏa thuận bằng văn bản chấm dứt hợp đồng trước khi hết hạn hiệu lực; 3) Hợp đồng vô hiệu khi nội dung hợp đồng hoặc việc thực hiện hợp đồng trái với quy định của pháp luật; 4) Một bên đơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng khi việc vi phạm hợp đồng của bên kia là điều kiện để đình chỉ hợp đồng mà các bên đã thoả thuận; 5) Các trường hợp khác do pháp luật quy định.Theo pháp luật dân sự, một hợp đồng uỷ quyền, tổng đại lý hoặc đại lý trực thuộc chấm dứt trong các trường hợp dự kiến cho việc chấm dứt hợp đồng uỷ quyền, được ghi nhận tại Bộ luật dân sự. Trong trường hợp bên giao đại lý, tổng đại lý hoặc đại lý trực thuộc là một pháp nhân thì hợp đồng tổng đại lý, hợp đồng đại lý trực thuộc không nhất thiết chấm dứt khi pháp nhân chấm dứt. Nếu pháp nhân chấm dứt được kế thừa bởi một pháp nhân khác (như trong trường hợp sáp nhập) thì hợp đồng tổng đại lý, hợp đồng đại lý được pháp nhân thừa kế tiếp nhận để tiếp tục thực hiện, trừ trường hợp có thoả thuận khác. Sự tồn tại của hợp đồng tổng đại lý là lý do tồn tại của hợp đồng đại lý trực thuộc. Bởi vậy, nếu hợp đồng tổng đại lý chấm dứt, thì hợp đồng đại lý trực thuộc cũng phải chấm dứt.