tội xâm phạm sở hữu
"tội xâm phạm sở hữu" được hiểu như sau:
Tội phạm xâm phạm quyền sở hữu của người khác.Trước khi có Bộ luật hình sự Bộ luật hình sự năm 1985, tội xâm phạm sở hữu được quy định trong Pháp lệnh trừng trị các tội xâm phạm tài sản xã hội chủ nghĩa năm 1970 và Pháp lệnh trừng trị các tội xâm phạm tài sản riêng của công dân năm 1970. Trong Bộ luật hình sự năm 1985, tội xâm phạm sở hữu vẫn được chia thành hai nhóm tội phạm khác nhau là nhóm các tội xâm phạm sở hữu xã hội chủ nghĩa và nhóm các tội xâm phạm sở hữu của công dân. Bộ luật hình sự năm 1999 đã nhập hai nhóm đó thành một để phù hợp với nguyên tắc bình đẳng giữa các thành phần kinh tế cũng như để tránh các phức tạp trong áp dụng luật do phải xác định tính chất của tài sản thuộc sở hữu nào. Trong Bộ luật hình sự năm 1999, nhóm các tội xâm phạm sở hữu được quy trong Chương “Các tội xâm phạm sở hữu" với 13 tội danh khác nhau. Trong đó có một số tội vừa xâm phạm quan hệ sở hữu vừa xâm phạm quan hệ nhân thân như tội cướp tài sản. Những tội phạm này được xếp vào nhóm tội xâm phạm sở hữu vì lý do mục đích chính của người phạm tội là nhằm vào sở hữu. Một số tội phạm tuy xâm phạm sở hữu nhưng đồng thời lại xâm phạm quan hệ xã hội khác (do đặc điểm của chủ thể hoặc do tính chất đặc biệt của tài sản) mà sự xâm hại này mới thể hiện rõ hơn tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội nên không được xếp vào nhóm tội xâm phạm sở hữu như tội tham ô tài sản được xếp vào nhóm tội phạm về tham nhũng thuộc chương các tội phạm về chức vụ, tội phá huỷ công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia được xếp vào nhóm tội xâm phạm an toàn công cộng.Tội xâm phạm sở hữu có thể được phân thành ba nhóm. Nhóm các tội chiếm đoạt là nhóm chiếm số đông (8 tội) và có tính điển hình. Nhóm tội có mục đích tư lợi nhưng không có tính chiếm đoạt gồm 2 tội và nhóm tội không có mục đích tư lợi gồm 3 tội.Theo pháp luật hiện hành của Việt Nam, tội xâm phạm sở hữu được quy định tại Chương XVI Bộ luật hình sự năm 2015 do Quốc hội ban hành ngày 27 tháng 11 năm 2015.