Hệ thống pháp luật

tội phạm

"tội phạm" được hiểu như sau:

Hành vi nguy hiểm cho xã hội, có lỗi, được quy định trong Bộ luật hình sự năm 1999 và phải chịu hình phạt.Tội phạm là khái niệm cơ bản nhất trong luật hình sự Việt Nam. Do vậy, trong Bộ luật hình sự năm 1985 cũng như trong Bộ luật hình sự năm 1999, định nghĩa khái niệm tội phạm đều được đưa vào một trong những điều đầu tiên của Bộ luật hình sự. Các định nghĩa này đều nêu bật được 3 dấu hiệu phản ánh đặc điểm bên trong của hành vi bị coi là tội phạm. Đó là nguy hiểm cho xã hội, có lỗi và được quy định trong bộ luật hình sự. Dấu hiệu phải chịu hình phạt là dấu hiệu phản ánh đặc điểm bên ngoài của hành vi bị coi là tội phạm và được quy định bởi 3 dấu hiệu phản ánh đặc điểm bên trong của hành vi bị coi là tội phạm. Do vậy, định nghĩa tội phạm trong bộ luật không nêu dấu hiệu này.Tội phạm, trước hết phải là hành vi của con người. Đây là nguyên tắc cd bản của luật hình sự - Nguyên tắc hành vi. Theo đó, luật hình sự Việt Nam không truy cứu trách nhiệm hình sự con người về tư tưởng của họ mà chỉ có thể truy cứu trách nhiệm hình sự hành vi của con người khi hành vi đó thoả mãn các dấu hiệu được quy định trong luật.Dấu hiệu “nguy hiểm cho xã hội” có nghĩa hành vi phải gây ra hoặc đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể cho quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ và người thực hiện hành vi gây thiệt hại đó phải có lỗi. Như vậy, tính nguy hiểm cho xã hội bao hàm tính gây thiệt hại về khách quan và tính có lỗi thuộc về chủ quan của tội phạm. Tuy nhiên, tính có lỗi được tách ra thành một dấu hiệu riêng của tội phạm nhằm nhấn mạnh nguyên tắc có lỗi trong luật hình sự. Hành vi gây thiệt hại bị coi là có lỗi nếu chủ thể đã lựa chọn, quyết định thực hiện hành vi đó khi có đủ điều kiện lựa chọn và quyết định xử sự khác không có hại cho xã hội. Luật hình sự đòi hỏi tội phạm phải có dấu hiệu này là nhằm đảm bảo mục đích giáo dục của trách nhiệm hình sự. Mục đích này chỉ có thể có khả năng đạt được khi áp dụng trách nhiệm hình sự cho người có lỗi.Tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi phụ thuộc vào các yếu tố khác nhau như tính chất quan trọng của quan hệ xã hội bị xâm hại, tính chất và mức độ hậu quả, tính chất và mức độ lỗi, tính chất của động cơ, mục đích, tính chất của thủ đoạn, phương tiện cũng như hoàn cảnh thực hiện hành vi, các đặc điểm về nhân thân của chủ thể... Để đánh giá hành vi có tính nguy hiểm đáng kể của tội phạm hay không và nguy hiểm đến mức độ nào cần xem xét đánh giá tất cả các yếu tố này đặt trong mối liên hệ tổng hợp với nhau.Dấu hiệu “được quy định trong luật hình sự” đòi hỏi hành vi bị coi là tội phạm phải được quy định trong luật hình sự hay nói cách khác, chỉ hành vi được quy định trong luật hình sự mới có thể là tội phạm. Điều này cũng có nghĩa là cấm áp dụng nguyên tắc tương tự. Trong sự so sánh với hai dấu hiệu trên, dấu hiệu “được quy định trong luật hình sự” là dấu hiệu mang tính hình thức pháp lý,được quy định bởi dấu hiệu nội dung là tính nguy hiểm cho xã hội và tính có lỗi.Khi đã thỏa mãn dấu hiệu nguy hiểm cho xã hội, dấu hiệu có lỗi và dấu hiệu được quy trong luật hình sự thì hành vi bị coi là tội phạm và có dấu hiệu thứ tư - bị đe dọa phải chịu biện pháp cưỡng chế nhà nước nghiêm khắc nhất là hình phạt.Thể hiện nguyên tắc phân hóa trách nhiệm hình sự trong luật và để có cơ sở cá thể hóa hình phạt trong áp dụng, luật hình sự Việt Nam phân loại tội phạm thành bốn nhóm: tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Sự phân loại thành bốn nhóm tội phạm một mặt, biểu hiện cơ bản của việc phân hóa trách nhiệm hình sự, mặt khác là cơ sở thống nhất cho sự phân hóa trách nhiệm hình sự qua các quy định khác... Sự phân loại này trong Bộ luật hình sự năm 1999 là sự thay đổi theo hướng phân hóa hơn so với Bộ luật hình sự năm 1985, trong đó tội phạm mới chỉ được phân thành hai nhóm là tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng.Tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm có tính gây nguy hại không lớn cho xã hội và do vậy mức cao nhất của khung hình phạt được quy định chỉ đến 3 năm tù.Tội phạm nghiêm trọng là tội phạm có tính gây nguy hại lớn cho xã hội và do vậy mức cao nhất của khung hình phạt được quy định đối với tội này là từ trên 3 năm tù đến 7 năm tù.Tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm có tính gây nguy hại rất lớn cho xã hội và do vậy mức cao nhất của khung hình phạt được quy định đối với tội này là từ trên 7 năm tù đến 15 năm tù.Tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm có tính gây nguy hại đặc biệt lớn cho xã hội và do vậy mức cao nhất của khung hình phạt được quy định là trên 15 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.Cách phân loại tội phạm trên đây là cách phân loại dựa trên mức độ của tính nguy hiểm cho xã hội của tội phạm và nhằm mục đích tạo cơ sở thống nhất cho việc phân hóa trách nhiệm hình sự trong luật. Ngoài cách phân loại này, còn có thể phân loại tội phạm theo các tiêu chí khác. Ví dụ: căn cứ vào tính chất của lỗi có thể phân tội phạm thành tội cố ý và tội vô ý; căn cứ vào tính chất của khách thể bị xâm hại có thể phân tội phạm thành các nhóm tội khác nhau như các tội xâm phạm an ninh quốc gia, các tội xâm phạm sở hữu, các tội xâm phạm nhân thân...; căn cứ vào đặc điểm cấu trúc của cấu thành tội phạm có thể phân tội phạm thành các tội có cấu thành tội phạm hình thức và các tội có cấu thành tội phạm vật chất;...Theo pháp luật hiện hành của Việt Nam, tội phạm được quy định tại Chương III Bộ luật hình sự năm 2015 do Quốc hội khóa 13 ban hành ngày 27 tháng 11 năm 2015.