Hệ thống pháp luật

tội phạm về tham nhũng

"tội phạm về tham nhũng" được hiểu như sau:

Tội phạm về chức vụ, trong đó người phạm tội vì tư lợi (hoặc động cơ cá nhân) có hành vi lợi dụng hoặc lạm dụng chức vụ, quyền hạn gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, của xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân.Đặc điểm chung của tội phạm về tham nhũng là: 1) Chủ thể của các tội này là chủ thể đặc biệt. Đây là đặc điểm chung của các tội phạm về chức vụ. Họ phải là người có chức vụ hoặc quyền hạn; 2) Chủ thể có hành vi lợi dụng hoặc lạm dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác.Khái niệm tội phạm về tham nhũng được quy định trong luật hình sự Việt Nam kể từ khi Bộ luật hình sự năm 1999 được ban hành và có hiệu lực. Trước đó chưa có sự phân chia các tội phạm về chức vụ thành các tội về tham nhũng và các tội khác về chức vụ. Trong Bộ luật hình sự năm 1999, các tội phạm về tham nhũng được quy định vào một mục riêng với 7 điều luật. Theo đó, tội tham nhũng bao gồm: tội tham ô tài sản; tội nhận hối lộ; tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ; tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi; tội giả mạo trong công tác.Hình phạt được quy định cho nhóm tội phạm về tham nhũng rất nghiêm khắc. Phần lớn các tội phạm của nhóm có mức hình phạt cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình.Theo pháp luật hiện hành của Việt Nam, các tội phạm về tham nhũng được quy định tại Mục 1 Chương XXIII Bộ luật hình sự năm 2015 do Quốc hội ban hành ngày 27 tháng 11 năm 2015.