tội phạm về môi trường
"tội phạm về môi trường" được hiểu như sau:
Tội phạm về môi trường xâm phạm đến các quan hệ xã hội liên quan đến việc bảo vệ môi trường tự nhiên thuận lợi, có chất lượng, đến việc sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên thiên nhiên và việc bảo đảm an ninh sinh thái đối với dân cư.Tội phạm về môi trường bao gồm các tội phạm gây thiệt hại cho môi trường đất, môi trường nước, môi trường không khí, cho nguồn lợi thuỷ sản, tài nguyên rừng cũng như các hành vi nguy hiểm cho xã hội khác có liên quan đến việc bảo vệ môi trường.Các tội phạm về môi trường được quy định trong luật hình sự Việt Nam là một nhóm tội phạm kể từ khi Bộ luật hình sự năm 1999 có hiệu lực. Trước đó, trong Bộ luật hình sự năm 1985 chỉ có một điều luật quy định về tội phạm môi trường - tội vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường gây hậu quả nghiêm trọng và tội này được quy định trong Chương “Các tội xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng và trật tự quản lý hành chính”.Trong Chương "Các tội phạm về môi trường" của Bộ luật hình sự năm 1999 có các tội phạm sau: 1) Tội gây ô nhiễm không khí; 2) Tội gây ô nhiễm nguồn nước; 3) Tội gây ô nhiễm đất; 4) Tội huỷ hoại nguồn lợi thuỷ sản; 5) Tội huỷ hoại rừng; 6) Tội làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người; 7) Tội làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho động vật, thực vật; 8) Tội nhập khẩu công nghệ, máy móc, thiết bị, phế thải hoặc các chất không bảo đảm tiêu chuẩn bảo vệ môi trường; 9) Tội vi phạm các quy định về bảo vệ động vật hoang dã quý hiếm; 10) Tội vi phạm chế độ bảo vệ đặc biệt đối với khu bảo tồn thiên nhiên.Theo pháp luật hiện hành của Việt Nam, tội phạm về môi trường được quy định tại Chương XIX Bộ luật hình sự năm 2015 do Quốc hội ban hành ngày 27 tháng 11 năm 2015.