Hệ thống pháp luật

tội phạm về ma tuý

"tội phạm về ma tuý" được hiểu như sau:

Tội phạm bao gồm hành vi vi phạm quy định về quản lý, sử dụng các chất ma túy do Bộ luật hình sự quy định.Tội phạm về ma tuý bao gồm nhiều loại hành vi phạm tội khác nhau nhưng đều có chung hai đặc điểm cơ bản: 1) Tính nguy hiểm cho xã hội của các tội phạm về ma tuý thể hiện ở sự đe dọa nghiêm trọng đến sức khoẻ và sự phát triển bình thường của con người cũng như đến hạnh phúc gia đình và trật tự công cộng nói chung; 2) Các tội phạm về ma tuý đều có chung đối tượng là các chất ma tuý (hoặc liên quan đến các chất ma tuý). Đó là các chất có khả năng gây nghiện cao cho người sử dụng, làm cho người nghiện không chỉ bị lệ thuộc vào chất đó mà còn làm cho họ bị tổn hại về nhiều mặt và thậm chí còn có thể đẩy họ vào con đường phạm tội để có tiền thỏa mãn cơn nghiện.Theo Bộ luật hình sự năm 1999, đối tượng của tội phạm về ma tuý bao gồm: 1) Các chất ma túy như thuốc phiện, heroin,... (các chất cụ thể được coi là chất ma tuý được liệt kê trong các công ước về kiểm soát chất ma túy năm 1961, năm 1971 và năm 1988 cũng như trong Nghị định số 67/2001/NĐ-CP năm 2001 của Chính phù); 2) Các tiền chất ma túy (các chất cần cho quá trình sản xuất các chất ma túy) (các chất cụ thể được coi là tiền chất ma tuý được liệt kê trong các công ước về kiểm soát chất ma túy năm 1961, năm 1971 và năm 1988 cũng như trong Nghị định số 67/2001/NĐ-CP năm 2001 của Chính phủ); 3) Các cây trồng có chứa chất ma tuý như cây thuốc phiện, cây cần sa...; 4) Các phương tiện dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma tuý.Trước khi có Bộ luật hình sự năm 1985, luật hình sự Việt Nam mới chỉ quy định một tội danh liên quan đến chất ma tuý là tội vi phạm thể lệ quản lý thuốc phiện và coi tội phạm này thuộc nhóm tội phạm kinh tế. Bộ luật hình sự năm 1985 khi mới ban hành cũng chỉ có một điều luật quy định riêng về hành vi liên quan đến chất ma tuý. Đó là điều luật quy định về tội tổ chức dùng chất ma tuý thuộc nhóm tội xâm phạm trật tự công cộng. Khi đó, các hành vi khác liên quan đến chất ma tuý không được quy định thành các tội danh riêng mà chỉ có hành vi buôn bán chất ma túy được coi là một dạng của tội danh chung - tội buôn bán hàng cấm thuộc Chương “Các tội phạm kinh tế” hoặc tội buôn lậu hoặc vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới. Trong lần sửa đổi, bổ sung Bộ luật hình sự lần thứ nhất năm 1989, Bộ luật hình sự có thêm tội danh riêng liên quan đến chất ma tuý là tội sản xuất, tàng trữ, mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma tuý. Đến lần sửa đổi, bổ sung Bộ luật hình sự lần thứ tư năm 1997, Bộ luật hình sự đã có một chương riêng quy định các tội phạm về ma tuý.Trong Bộ luật hình sự năm 1999, các tội phạm về ma tuý tiếp tục được quy định thành một chương riêng với 10 điều luật khác nhau. Theo đó, có các tội phạm sau; 1) Tội trồng cây thuốc phiện hoặc cây khác có chứa chất ma tuý; 2) Tội sản xuất trái phép chất ma tuý; 3) Tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma tuý; 4) Tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý; 5) Tội chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma tuý;6) Tội sử dụng trái phép chất ma tuý; 7) Tội cưỡng bức, lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma tuý; 8) Các tội liên quan đến tiền chất ma tuý và các phương tiện dùng để sản xuất, sử dụng trái phép chất ma tuý...; 9) Tội vi phạm quy định về quản lý,sử dụng thuốc gây nghiện hoặc các chất ma tuý khác.Do tính chất đặc biệt nguy hiểm nên đường lối xử lý đối với tội phạm về ma tuý rất nghiêm khắc, nhiều tội có mức hình phạt cao nhất là hình phạt tù chung thân hoặc tử hình. Riêng đối với tội trồng cây thuốc phiện và tội sử dụng trái phép chất ma tuý thì đường lối xử lý lại lấy giáo dục là chính. Do vậy, điều luật khi quy định về các tội phạm này đều quy định thêm dấu hiệu để phân biệt giữa trường hợp chỉ bị coi là vi phạm với trường hợp bị coi là tội phạm, trong đó có dấu hiệu đã được giáo dục...Theo pháp luật hiện hành của Việt Nam, tội phạm về ma túy được quy định tại Chương XX Bộ luật hình sự năm 2015 do Quốc hội ban hành ngày 27 tháng 11 năm 2015.