Hệ thống pháp luật

tội phạm về kinh tế

"tội phạm về kinh tế" được hiểu như sau:

Tội phạm xâm hại sự ổn định và phát triển nền kinh tế quốc dân, gây thiệt hại cho Nhà nước, tổ chức hoặc công dân qua hành vi vi phạm quy định của pháp luật trong quản lý kinh tế.Với nội dung là sự vi phạm các quy định của Nhà nước trong quản lý kinh tế, khái niệm tội phạm về kinh tế luôn luôn có sự thay đổi về phạm vi cũng như nội dung cụ thể cùng với sự thay đổi và phát triển của nền kinh tế quốc dân.Trước khi có Bộ luật hình sự năm 1985, các tội phạm về kinh tế được quy định trong nhiều văn bản khác nhau, trong đó Pháp lệnh trừng trị các tội đầu cơ, buôn lậu, làm hàng giả, kinh doanh trái phép năm 1982 là văn bản gần nhất và quy định tập trung nhất các tội phạm về kinh tế. Xét theo trình tự thời gian, có thể liệt kê các văn bản quy định tội phạm về kinh tế sau: 1) sắc luật số 01 năm 1957 quy định tội đầu cơ; 2) Pháp lệnh trừng trị các tội xâm phạm tài sản xã hội chủ nghĩa năm 1970 quy định tội cố ý làm trái nguyên tắc, chính sách, chế độ, thể lệ về kinh tế, tài chính gây thiệt hại đến tài sản xã hội chủ nghĩa và tội vi phạm chế độ tem phiếu dùng vào việc phân phối tài sản xã hội chủ nghĩa; 3) Pháp lệnh trừng trị các tội xâm phạm tài sản riêng của công dân năm 1970 quy định tội gian lận để chiếm đoạt tài sản riêng của khách hàng; 4) Pháp lệnh quy định về việc bảo vệ rừng năm 1972; 5) Sắc luật số 03 năm 1976 (trong đó có điều luật quy định tội kinh tế).Trong Bộ luật hình sự năm 1985 và Bộ luật hình sự năm 1999 đều có một chương quy định các tội phạm về kinh tế. Theo Bộ luật hình sự năm 1999, nhóm tội phạm này có tên là các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế gốm 29 tội phạm khác nhau. Các tội phạm đó thuộc các nhóm sau: 1) Nhóm tội xâm phạm chế độ quản lý thị trường như tội buôn lậu, tội sản xuất, buôn bán hàng giả, tội kinh doanh trái phép, tội đầu cơ, tội trốn thuế...; 2) Nhóm tội xâm phạm chế độ quản lý tài chính, tiền tệ như tội lập quỹ trái phép, tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả, ngân phiếu giả, công trái giả...; 3) Nhóm tội xâm phạm chế độ quản lý tài nguyên như tội vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng, tội vi phạm các quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên...; 4) Nhóm tội xâm phạm chế độ quản lý kinh tế nói chung như tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng...Trong các tội phạm kinh tế nêu trên có nhiều tội đã được quy định từ trước như tội đầu cơ và có những tội mới được quy định như tội quảng cáo gian dối. Bên cạnh đó, cũng có nhiều tội trước đây đã được quy định nhưng không còn được quy định trong Bộ luật hình sự năm 1999 như tội lạm sát gia súc.Theo pháp luật hiện hành của Việt Nam, tội phạm về kinh tế được quy định tại Chương XVIII Bộ luật hình sự năm 2015 do Quốc hội ban hành ngày 27 tháng 11 năm 2015.