Hệ thống pháp luật

tội phạm về chức vụ

"tội phạm về chức vụ" được hiểu như sau:

Tội phạm xâm phạm hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức do người có chức vụ thực hiện trong khi thi hành công vụ.Tội phạm về chức vụ là tội phạm có chủ thể là chủ thể đặc biệt. Chủ thể của tội này chỉ có thể là người có chức vụ, quyền hạn do bổ nhiệm, do dân cử, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác. Đó là người được giao thực hiện công vụ nhất định và trong khi thực hiện công vụ đó họ có quyền hạn nhất định. Hành vi phạm tội của các tội phạm về chức vụ là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc là hành vi vượt quá quyền hạn (lạm dụng) làm trái công vụ, xâm phạm hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức, xâm phạm lợi ích chung hoặc lợi ích hợp pháp của công dân.Trước khi có Bộ luật hình sự năm 1985, các tội phạm về chức vụ được quy định trong nhiều văn bản khác nhau, trong đó Pháp lệnh trừng trị các tội hối lộ năm 1981 là văn bản quy định tập trung nhất các tội phạm về chức vụ. Xét theo trình tự thời gian, có thể liệt kê các văn bản quy định tội phạm về chức vụ sau: 1) sắc lệnh số 223 năm 1946 quy định tội công chức nhận hối lộ; 2) sắc lệnh số 200 năm 1948 quy định tội đào nhiệm; 3) sắc lệnh số 267 năm 1956 quy định tội cố ý làm trái công vụ và tội thiếu trách nhiệm...; 4) Pháp lệnh trừng trị các tội xâm phạm tài sản xã hội chủ nghĩa năm 1970 quy định tội tham ô tài sản xã hội chủ nghĩa; tội bao che cho kẻ xâm phạm tài sản xã hội chủ nghĩa; tội thiếu tinh thần trách nhiệm, gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản xã hội chủ nghĩa; 5) Pháp lệnh trừng trị các tội: xâm phạm tài sản riêng của công dân năm 1970 quy định tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản riêng của công dân; 6) sắc luật số 03 năm 1976 (trong đó có điều luật quy định tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn và tội hối lộ).Trong Bộ luật hình sự năm 1985 và Bộ luật hình sự năm 1999 đều có một chương quy định các tội phạm về chức vụ. Theo Bộ luật hình sự năm 1999, các tội phạm về chức vụ gồm các tội phạm về tham nhũng và các tội phạm về chức vụ khác.Các tội phạm về tham nhũng bao gồm tội tham ô tài sản; tội nhận hối lộ; tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ; tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi; tội giả mạo trong công tác. Trong các tội phạm này có hai tội trước đây được quy định trong các chương khác của Bộ luật hình sự năm 1985. Đó là tội tham ô tài sản được quy định trong Chương các tội xâm phạm sở hữu xã hội chủ nghĩa và tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản được quy định trong Chương các tội xâm phạm sở hữu của công dân.Các tội phạm khác về chức vụ bao gồm tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; tội cố ý làm lộ bí mật công tác; tội vô ý làm lộ bí mật công tác; tội làm mất tài liệu bí mật công tác; tội đào nhiệm. Trong chương các tội phạm về chức vụ còn có một số tội phạm mà chủ thể của các tội phạm này không phải là người có chức vụ, quyền hạn, nhưng những tội phạm này có liên quan với người có chức vụ, quyền hạn nên cũng được coi là thuộc các tội phạm về chức vụ.Trong Bộ luật hình sự, ngoài các điều luật thuộc Chương “Các tội phạm về chức vụ" cũng còn nhiều điều luật thuộc các chương khác quy định về hành vi lợi dụng hoặc lạm dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ thuộc các lĩnh vực khác nhau. Đó là các điều luật thuộc Chương “Các tội xâm phạm hoạt động tư pháp” như điều luật quy định tội truy cứu trách nhiệm hình sự người không có tội,... hoặc các điều luật thuộc Chương “Các tội xâm phạm quyền tự do, dân chủ của công dân" như điều luật quy định tội buộc công chức thôi việc trái pháp luật,... hoặc điều luật quy định tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng thuộc Chương “Các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế”,..Theo pháp luật hiện hành của Việt Nam, tội phạm về chức vụ được quy định tại Điều 352 Bộ luật hình sự năm 2015 do Quốc hội ban hành ngày 27 tháng 11 năm 2015: “Các tội phạm về chức vụ là những hành vi xâm phạm hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức do người có chức vụ thực hiện trong khi thực hiện công vụ, nhiệm vụ.Người có chức vụ là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện một nhiệm vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện công vụ, nhiệm vụ.”