Hệ thống pháp luật

tòa bồi thẩm (bồi thẩm đoàn)

"tòa bồi thẩm (bồi thẩm đoàn)" được hiểu như sau:

Tòa án xem xét và giải quyết các vụ án hình sự và cá biệt đối với một số nước Toà án còn xem xét và giải quyết các vụ dân sự. Tòa bồi thẩm có hai bộ phận rất rõ ràng: một bộ phận gồm các thẩm phán chuyên nghiệp và bộ phận khác là các bồi thẩm đoàn. Khi xem xét và giải quyết các vụ án hình sự bộ phận các thẩm phán chuyên nghiệp giải quyết những vấn đề về mặt pháp lý (tức là những vấn đề đòi hỏi có sự hiểu biết sâu về pháp luật). Đó là những vấn đề pháp lý về hành vi phạm tội và mức hình phạt đối với bị cáo. Bộ phận thứ hai xem xét các vấn đề sự kiện: có lỗi hay không có lỗi trong hành vi thực hiện tội phạm của bị cáo. Đối với các vụ dân sự, bồi thẩm đoàn xem xét các vấn đề như tính đúng đắn, tính có căn cứ của các đơn khiếu kiện và mức đền bù thiệt hại. Các bồi thẩm đoàn trong tất cả các trường hợp đưa ra quyết định của mình một cách độc lập không phụ thuộc vào các thẩm phán chuyên nghiệp.Tòa bồi thẩm xuất hiện vào thời kỳ đầu Trung cổ. Trong các nguồn văn học cổ của nước Anh có giả thiết cho rằng Tòa bồi thẩm xuất hiện sau chiến tranh năm 1066. Tuy nhiên, có giả thiết khác cho rằng Tòa bồi thẩm xuất hiện vào thế kỉ IX - dưới thời trị vì của vua Alphet.Tài liệu đầu tiên khẳng định sự tồn tại của Tòa bồi thẩm đó là sắc luật của Vua Ghenrila II (1166).Ngày nay, thành phần của Tòa bồi thẩm không phải chỉ một thẩm phán, mà có thể ba hoặc có thể hơn và bồi thẩm đoàn không chỉ 12 như thông lệ mà có thể 15 như ở Scotland, 8 như ơ Áo, 10 như ở Na Uy, 6 đến 12 bồi thẩm như ở một số bang của Mỹ. Về thẩm quyền của Tòa bồi thẩm cũng có sự khác nhau giữa các nước. Ví dụ: ở Áo, Thẩm phán chuyên nghiệp và bồi thẩm đoàn xem xét vấn đề có tội hay không có tội của vụ án, còn ở Bỉ bồi thẩm đoàn chỉ có quyền xem xét mức hình phạt cụ thể đối với bị cáo. Duy nhất tại Anh, theo quy định của pháp luật, Tòa bồi thẩm chỉ xem xét một số loại án mà thôi. Ở Mỹ, hàng năm có có khoảng 120.000 vụ án được xem xét ở Tòa bồi thẩm.Ưu điểm và nhược điểm của Tòa bồi thẩm trong những năm qua là chủ đề tranh luận rộng rãi của không chỉ các luật gia, nhà triết học và các nhà chính trị của nhiều thế hệ từ Môngtexkiơ, Bletston, Jefơxơn đến các nhà lý luận và thực tiễn hiện đại. Những cuộc tranh luận đó đã và đang diễn ra xung quanh những vấn đề như: ý nghĩa xã hội của Tòa bồi thẩm (sự tham gia của đại diện quần chúng nhân dân nhằm nâng cao niềm tin đối với Tòa án trong xã hội; hạn chế khả năng lạm dụng quyền lực của các thẩm phán chuyên nghiệp; gây ảnh hưởng, làm trở ngại đến các quyết định của Toà án...)