Hệ thống pháp luật

toà án

"toà án" được hiểu như sau:

Cơ quan trung tâm của quyền tư pháp có chức năng giải quyết các vi phạm pháp luật.Ở Việt Nam, Toà án là một trong những cơ quan thuộc hệ thống bộ máy nhà nước có chức năng xét xử các vụ án hình sự, dân sự, hành chính và giải quyết những việc khác theo quy định của pháp luật.Theo Hiến pháp năm 1946, các toà án được gọi là cơ quan tư pháp. Tòa án nhân dân tối cao, các tòa án nhân dân địa phương, các toà án quân sự là các cơ quan xét xử của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà và theo quy định tại Điều 47 Hiến pháp năm 1946, thì Quốc hội có thể quyết định việc thành lập toà án đặc biệt.Theo quy định của Hiến pháp năm 1980, Tòa án nhân dân tối cao, các tòa án nhân dân địa phương, các toà án quân sự là những cơ quan xét xử của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Trong tình hình đặc biệt hoặc trong trường hợp cẩn xét xử những vụ án đặc biệt, Quốc hội hoặc Hội đồng nhà nước có thể quyết định thành lập toà án đặc biệt. Còn ở cơ sở, thành lập các tổ chức thích hợp của nhân dân để giải quyết những việc vi phạm pháp luật và tranh chấp nhỏ trong nhân dân, theo quyđịnh của pháp luật. Chế độ bầu cử thẩm phán nhân dân được thực hiện ở toà án nhân dân các cấp theo nhiệm kỳ luật định. Quốc hội bầu và bãi miễn chánh án Toà án nhân dân tối cao, Hội đồng nhà nước cử và bãi nhiệm Phó Chánh án Toà án nhân dân tối cao, thẩm phán và hội thẩm nhân dân của Tòa án nhân dân tối cao. Hội đồng nhân dân các cấp bầu và bãi miễn các thành viên của Toà án nhân dân cùng cấp.Theo Hiến pháp năm 1992 được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2001, Tòa án nhân dân tối cao, các tòa án nhân dân địa phương, các toà án quân sự và các toà án khác do luật định là những cơ quan xét xử của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Trong tình hình đặc biệt, Quốc hội có thể quyết định việc thành lập toà án đặc biệt. Chế độ bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức và nhiệm kỳ của thẩm phán, chế độ bầu cử và nhiệm kỳ của hội thẩm nhân... do luật định, riêng chánh án Toà án nhân dân tối cao do Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm. Đối với các toà án nhân dân địa phương, việc quản lý về mặt tổ chức có sự biến động so với trước đây. Từ năm 1946 đến 1960 do Bộ Tư pháp quản lý. Từ năm 1960 đến 1980 do Hội đồng nhân dân và uỷ ban nhân dân cùng cấp quản lý. Từ năm 1980 đến năm 1992 do Bộ Tư pháp cùng Hội đồng nhân dân, uỷ ban nhân dân cùng cấp quản lý; từ năm 1992 đến năm 2001 do Bộ Tư pháp quản lý. Từ năm 2002 đến nay do Chánh án Toà án nhân dân tối cao trực tiếp quản lý.Theo pháp luật hiện hành của Việt Nam, tòa án được quy định tại Điều 102, 103, 104, 105 và Điều 106 Hiến pháp năm 2013 do Quốc hội khóa 13 ban hành ngày 28 tháng 11 năm 2013.

Ngoài ra "toà án" cũng được hiểu là:

Là tổ chức hoặc cơ quan thuộc hệ thống tư pháp của một nước.

(Theo khoản b, Điều 2 Luật mẫu về trọng tài thương mại quốc tế của Ủy ban Liên hiệp quốc về Luật Thương mại quốc tế 1985)