tố tụng kinh tế
"tố tụng kinh tế" được hiểu như sau:
Thủ tục tố tụng tại tòa án áp dụng đối với việc giải quyết tranh chấp kinh tế.Tố tụng kinh tế là chế định pháp luật hình thức, được thiết lập để bảo vệ các quan hệ pháp luật nội dung - các quan hệ pháp luật kinh tế.Là một chế định của luật kinh tế, tố tụng kinh tế được hiểu là tổng thể các quy phạm pháp luật điều chỉnh các quan hệ phát sinh trong quá trình giải quyết tranh chấp kinh tế, giữa tòa án với người tham gia tố tụng và giữa những người tham gia tố tụng với nhau. Nội dung của tố tụng kinh tế bao gồm các quy định pháp luật về: 1) Các nguyên tắc giải quyết các vụ án kinh tế; 2) Thẩm quyền giải quyết các vụ án kinh tế của toà án; 3) Trình tự giải quyết vụ án kinh tế bao gồm: thủ tục xét xử sơ thẩm, thủ tục xét xử phúc thẩm, thủ tục giám đốc thẩm và thủ tục tái thẩm.Theo pháp luật Việt Nam, giữa tố tụng kinh tế và tố tụng dân sự về cơ bản là giống nhau, chỉ khác nhau một số điểm về nguyên tắc xét xử, thẩm quyền xét xử, thời hạn, thời hiệu và về vai trò của Viện kiểm sát trong giải quyết vụ án kinh tế. Chính vì vậy, hai thủ tục tố tụng đó đã được thống nhất quy định trong Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004.Theo pháp luật hiện hành của Việt Nam, tố tụng kinh tế được quy định tại Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 do Quốc hội khóa 13 ban hành ngày 27 tháng 11 năm 2015.