Hệ thống pháp luật

tổ chức xã hội

"tổ chức xã hội" được hiểu như sau:

Tổ chức được thành lập trên cơ sở ý chí tự nguyện của các thành viên nhằm bảo vệ lợi ích chính đáng của các thành viên và tham gia quản lý nhà nước, quản lí xã hội.Tổ chức xã hội có các đặc điểm sau: 1) Tổ chức xã hội được hình thành trên nguyên tắc tự nguyện của những thành viên cùng chung lợi ích hay cùng giai cấp, cùng nghề nghiệp, cùng sở thích; 2) Tổ chức xã hội nhân danh chính tổ chức mình để tham gia hoạt động quản lý nhà nước. Trong trường hợp đặc biệt do pháp luật quy định, tổ chức xã hội mới hoạt động nhân danh nhà nước; 3) Tổ chức xã hội hoạt động theo điều lệ do các thành viên trong tổ chức xây dựng hoặc theo quy định của nhà nước; 4) Tổ chức xã hội hoạt động nhằm bảo vệ lợi ích chính đáng của các thành viên và tham gia vào quản lý nhà nước, quản lí xã hội.Tổ chức xã hội có nhiều loại khác nhau như tổ chức chính trị - xã hội (Ví dụ: Mặt trận tổ quốc, công đoàn, Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh...), tổ chức xã hội - nghề nghiệp (Ví dụ: Đoàn luật sư), tổ chức được thành lập theo dấu hiệu nghề nghiệp, sở thích hoặc dấu hiệu khác (Ví dụ: Hội nhà văn, Hội khuyến học, vv). Các tổ chức xã hội khác nhau thì có các quyền và nghĩa vụ khác nhau. Sự khác biệt đó bắt nguồn từ sự khác biệt về vị trí, vai trò, phạm vi hoạt động của các tổ chức xã hội. Pháp luật quy định quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm pháp lý của tổ chức xã hội, đồng thời đề ra những đảm bảo pháp lý nhằm ngăn ngừa những hành vi cản trở hoạt động của tổ chức xã hội. Những người có hành vi vi phạm pháp luật cản trở các tổ chức xã hội cũng như các thành viên của tổ chức xã hội tiến hành các hoạt động hợp pháp của mình thì tuỳ theo mức độ của vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.