Hệ thống pháp luật

tổ chức tự quản

"tổ chức tự quản" được hiểu như sau:

Tổ chức được thành lập theo chế độ dân bầu để quản lý những công việc mang tính cộng đồng hoặc do Nhà nước uỷ quyền.Trên thực tế tồn tại, tổ chức tự quản rất đa dạng dưới nhiều hình thức khác nhau như thôn, tổ dân phố, tổ hòa giải ở cơ sở...Tổ chức tự quản được thành lập theo nơi cư trú, nơi làm việc của công dân. Tổ chức tự quản không có cơ cấu tổ chức chặt chẽ, không tạo thành hệ thống, giữa các tổ chức cùng loại không có mối quan hệ đoàn thể. Hoạt động của tổ chức tự quản đặt dưới sự quản lý trực tiếp của các cơ quan nhà nước hữu quan. Các tổ chức tự quản ở cơ sở có điều kiện gần dân, trực tiếp với dân, nắm chắc tình hình an ninh, trật tự xã hội ở địa phương, giúp cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương thực hiện tốt hơn hoạt động quản lý hành chính ở địa phương. Tổ chức tự quản có những nhiệm vụ chủ yếu sau đây: phát triển hoạt động tự quản xã hội của dân cư, tham gia vào giải quyết các công việc của Nhà nước và xã hội; thảo luận những vấn đề phát sinh tại nơi ở và nơi làm việc của công dân cũng như những vấn đề liên quan đến hoạt động của cơ quan nhà nước, tham gia các hoạt động chung như giữ gìn vệ sinh, trật tự an ninh khu phố; - thông tin cho dân cư về những vấn đề có ý nghĩa xã hội và về công việc của mình, quyết định những vấn đề thuộc thẩm quyền trên cơ sở sự tham gia của các thành viên, hỗ trợ các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện nhiệm vụ quản lý, thực hiện chức năng kiểm tra xã hội đối với hoạt động của cơ quan và cán bộ, công chức nhà nước, tham gia giáo dục ý thức pháp luật cho công dân.