Hệ thống pháp luật

tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (wipo)

"tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (wipo)" được hiểu như sau:

Tổ chức liên chính phủ được thành lập trên cơ sở Công ước stốckhôm ngày 14.7.1967 và là cơ quan chuyên môn của Liên hợp quốc.Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới đến nay đã có khoảng 110 quốc gia thành viên và Việt Nam đã tham gia tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới từ năm 1986.Tiền thân của tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới là Văn phòng Liên hợp quốc tế về bảo hộ sở hữu trí tuệ được thành lập năm 1893. Mục đích của tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới là tăng cường và bảo hộ pháp lý sở hữu trí tuệ trên toàn thế giới thông qua hợp tác quốc tế, bảo đảm sự hợp tác về mặt hành chính của các liên minh được thành lập trên cơ sở các điều ước đa phương (Công ước Pari về bảo hộ sở hữu công nghiệp năm 1883, Thỏa ước Madrid về đăng ký nhãn hiệu hàng hoá năm 1891, Công ước Becnơ về bảo hộ tác phẩm văn học, nghệ thuật năm 1886); nghiên cứu, soạn thảo các biện pháp bảo hộ quyền tác giả và quyền sở hữu công nghiệp.Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới phối hợp hoạt động với Tổ chức giáo dục, khoa học và văn hoá của Liên hợp quốc (UNESCO) và Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD) đểgiúp đỡ các nước đang phát triển trong lĩnh vực bảo hộ quyền tác giả và quyền sở hữu công nghiệp.Các cơ quan của tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới gồm có đại hội đồng là cơ quan tối cao, bao gồm tất cả các quốc gia thành viên, có nhiệm vụ định ra phương hướng .hoạt động của tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới qua các thời kỳ, bổ nhiệm tổng giám đốc và uỷ ban phối hợp với nhiệm vụ tư vấn cho các cơ quan của các liên minh.Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới có trụ sở tại Geneva (Thụy Sĩ).