Hệ thống pháp luật

tổ chức kinh tế, sự nghiệp của nhà nước

"tổ chức kinh tế, sự nghiệp của nhà nước" được hiểu như sau:

Tổ chức sản xuất, kinh doanh hoặc phục vụ nền kinh tế quốc dân, phục vụ đời sống xã hội, do Nhà nước thành lập và quản lý nhằm thực hiện chức năng, nhiệm vụ của nhà nước.Đây là cách nói khái quát về các loại tổ chức do nhà nước thành lập và quản lý vì những mục tiêu quản lý nhà nước và tổ chức phục vụ đời sống xã hội. Nói tổ chức kinh tế, sự nghiệp của nhà nước cũng là để phân biệt với các cơ quan, tổ chức cấu thành nên bộ máy nhà nước - bộ máy công quyền. Mặc dù được Nhà nước thành lập, đầu tư vốn, trang thiết bị, cấp kinh phí để hoạt động và đặt dưới sự quản lý của Nhà nước nhưng các tổ chức này không phải là cơ quan hay bộ phận của cơ quan nhà nước; chúng là những thực thể xã hội độc lập với chính các cơ quan nhà nước: 1) Tổ chức kinh tế của nhà nước là doanh nghiệp và các chủ thể kinh tế khác của Nhà nước hoạt động trên các lĩnh vực của nền kinh tế quốc dân. Tổ chức kinh tế của Nhà nước hoạt động theo nguyên tắc hạch toán, quyết toán độc lập. Nhiệm vụ chủ yếu của chúng là nhiệm vụ phát triển nền kinh tế quốc dân; 2) Tổ chức sự nghiệp của Nhà nước là tổ chức phi lợi nhuận do Nhà nước thành lập, cấp kinh phí hoạt động nhằm phục vụ đời sống xã hội trên các lĩnh vực như khoa học, giáo dục, y tế, văn hoá, nghệ thuật, thể thao, xã hội...Nhiệm vụ chủ yếu của các tổ chức này là đáp ứng các nhu cầu phát triển xã hội. Phương tiện vật chất để các tổ chức này hoạt động chủ yếu do ngân sách nhà nước cấp. Trong điều kiện hiện nay, với xu hướng tăng cường xã hội hoá các hoạt động sự nghiệp, nhà nước dành cho các tổ chức sự nghiệp của nhà nước quyền tự chủ về tài chính trong phạm vi kinh phí được cấp và nguồn thu trên cơ sở các hoạt động theo quy định của pháp luật.Khác với nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung trước đây, nền kinh tế thị trường đòi hỏi phải có sự phân biệt và tách bạch về tổ chức và hoạt động của cơ quan nhà nước với các tổ chức kinh tế, sự nghiệp của nhà nước.