Hệ thống pháp luật

tổ chức hàng hải quốc tế(imo)

"tổ chức hàng hải quốc tế(imo)" được hiểu như sau:

Tổ chức quốc tế liên chính phủ được thành lập trên cơ sở của Công ước năm 1948 (có hiệu lực từ năm 1958) thực hiện chức năng thúc đẩy hợp tác quốc tế trong lĩnh vực hàng hải.TỔ chức hàng hải quốc tế lúc đầu được gọi là Tổ chức tư vấn về hàng hải giữa các chính phủ (IMCO). Đến tháng 5.1982, tổ chức này chính thức được đổi tên thành Tổ chức hàng hải quốc tế (IMO).Mục đích của IMO là đẩy mạnh sự hợp tác giữa các quốc gia về các vấn đề có liên quan đến ngành hàng hải quốc tế, bảo đảm an toàn hàng hải, bảo vệ môi trường biển, tạo điều kiện thuận lợi trong giao thông hàng hải quốc tế...Cơ cấu của IMO gồm: 1) Đại hội đồng là cơ quan cao nhất bao gồm tất cả các quốc gia thành viên,tiến hành họp thường kỳ 2 năm một lần. Đại hội đồng có thẩm quyền quyết định chính sách của IMO và các vấn đề đã được các cơ quan của Đại Hội đồng xem xét; 2) Hội đồng gồm 32 thành viên (sắp tới có thể là 40 thành viên nếu những sửa đổi Công ước IMO có hiệu lực). Hội đồng điều hành công việc giữa hai lần họp của Đại Hội đồng; 3) Để giúp việc cho Hội đồng còn có các ban và phân ban chuyên môn như Ban an toàn hàng hải, Ban bảo vệ môi trường biển, Ban pháp luật... 4) Ban thư ký là cơ quan thường trực của IMO gồm tổng thư ký, phó tổng thư ký và các nhân viên.Hiện nay, IMO có 156 thành viên. Việt Nam tham gia IMO từ tháng 6.1984. Trụ sở của IMO đặt tại Luân Đôn (Anh).