tố cáo
"tố cáo" được hiểu như sau:
Báo cho cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi trái pháp luật của bất cứ cơ quan, tổ chức hoặc của cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức.Nội dung của tố cáo chứa đựng thông tin về hành vi vi phạm của cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân bị tố cáo. Hành vi vi phạm này có thể trực tiếp xâm phạm đến quyền và lợi ích của bản thân người tố cáo hoặc không trực tiếp xâm phạm đến quyền và lợi ích của bản thân người tố cáo mà lại gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, tổ chức hoặc công dân. Như vậy, đối tượng của tố cáo có phạm vi rộng lớn hơn nhiều so với khiếu nại. Quyền và nghĩa vụ của người tố cáo được quy định theo nguyên tắc Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện để họ thực hiện quyền tố cáo một cách tốt nhất, đồng thời người tố cáo phải có trách nhiệm về hành vi tố cáo của mình.Theo quy định của Luật khiếu nại, tố cáo năm 2004, người tố cáo có các quyền: 1) Gửi đơn hoặc trực tiếp tố cáo với cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền; 2) Yêu cầu giữ bí mật họ, tên, địa chỉ, bút tích của mình; 3) Yêu cầu được thông báo kết quả giải quyết tố cáo; 4) Yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền bảo vệ khi bị đe dọa, trù dập, trả thù.Người tố cáo có các nghĩa vụ: 1) Trình bày trung thực về nội dung tố cáo; 2) Nêu rõ họ, tên, địa chỉ của mình; 3) Chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc tố cáo sai sự thật.Cơ quan, tổ chức, cá nhân tiếp nhận tố cáo, giải quyết tố cáo phải giữ bí mật cho người tố cáo, không được tiết lộ họ, tên, địa chỉ, bút tích của người tố cáo và các thông tin khác có hại cho người tố cáo. Trong trường hợp cấp thiết, cơ quan, tổ chức, cá nhân tiếp nhận tố cáo phải báo ngay cho cơ quan có trách nhiệm để áp dụng các biện pháp ngăn chặn kịp thời hành vi vi phạm pháp luật, áp dụng biện pháp cần thiết để đảm bảo an toàn cho người tố cáo khi họ yêu cầu.Theo pháp luật hiện hành của Việt Nam, tố cáo được quy định tại khoản 1 Điều 2 Luật tố cáo năm 2018 do Quốc hội khóa 13 ban hành ngày 12 tháng 6 năm 2018: “Tố cáo là việc cá nhân theo thủ tục quy định của Luật này báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân, bao gồm: a) Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ; b) Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực.”
Ngoài ra "tố cáo" cũng được hiểu là:
Là việc cá nhân theo thủ tục quy định của Luật này báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân, bao gồm: a) Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ; b) Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực.
(Theo Khoản 1, Điều 2, Luật Tố cáo 2018)