tình trạng phá sản
"tình trạng phá sản" được hiểu như sau:
Tình trạng một doanh nghiệp, hợp tác xã không có khả năng thanh toán được các khoản nợ đến hạn khi chủ nợ có yêu cầu.Các khoản nợ đến hạn có thể là các khoản vay ngân hàng, các khoản vay của các tổ chức tín dụng khác hoặc vay của các tổ chức khác, lương và các khoản khác còn nợ của người lao động, các khoản nợ thuế, nợ phát sinh trong hoạt động kinh doanh khác đã đến thời hạn phải trả.Thuật ngữ tình trạng phá sản đã được quy định trong Luật phá sản doanh nghiệp năm 1993 và tiếp tục được sử dụng trong Luật phá sản năm 2004. Tuy nhiên, nội dung thuật ngữ này có sự khác nhau nhất định giữa hai đạo luật vừa nêu. Theo Luật phá sản doanh nghiệp năm 1993 thì doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản là doanh nghiệp gặp khó khăn hoặc bị thua lỗ trong hoạt động kinh doanh sau khi đã áp dụng các biện pháp tài chính cần thiết mà vẫn mất khả năng thanh toán nợ đến hạn. Trong khi đó, theo Luật phá sản năm 2004 thi doanh nghiệp, hợp tác xã không có khả năng thanh toán được các khoản nợ đến hạn khi chủ nợ có yêu cầu thì coi là lâm vào tình trạng phá sản.Theo pháp luật hiện hành của Việt Nam, tình trạng phá sản được quy định tại khoản 2 Điều 4 Luật phá sản năm 2014 do Quốc hội khóa 13 ban hành ngày 19 tháng 6 năm 2014: “Phá sản là tình trạng của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán và bị Tòa án nhân dân ra quyết định tuyên bố phá sản.”