Hệ thống pháp luật

tinh thần pháp luật - de l’esprit des lois

"tinh thần pháp luật - de l’esprit des lois" được hiểu như sau:

Tác phẩm luật học nổi tiếng của nhà tư tưởng Pháp Môngtexkiơ (Charles de Secondat Montesquieu) xuất bản lần đầu tiên ở Giơnevơ vào năm 1748.Trong các bản dịch ra tiếng Việt, tên gọi tác phẩm này được dịch ra khác nhau. Bản dịch đầu tiên là của tác giả Trịnh Xuân Ngạn gọi là "Vạn pháp tinh lý”, xuất bản tại Sài Gòn năm 1961. Gần đây, bản dịch của tác giả Hoàng Thanh Đạm có tên gọi mới là “Tinh thần pháp luật” (do Nhà xuất bản Giáo dục ấn hành năm 1996).Đây là tác phẩm có chủ đề rộng lớn, tác giả không những bàn về pháp luật, về những hình thức chính thể, về nguyên tắc phân chia quyền lực trong tổ chức bộ máy nhà nước mà còn bàn về những vấn đề liên quan đến pháp luật như chính trị, đạo đức, phong tục tập quán, vấn đề hôn nhân và gia đình, ảnh hưởng của khí hậu, địa lí đối với pháp luật, vấn đề thu nhập quốc gia, vấn đề thuế, tự do hoá thương mại, ảnh hưởng của tôn giáo đối với pháp luật, vấn đề giáo dục quốc gia... Tư tưởng có ý nghĩa nhất của tác phẩm này theo quan điểm của nhiều luật gia là tư tưởng chống chế độ quân chủ chuyên chế và sự sáng tạo ra học thuyết phân chia quyền lực trong tổ chức bộ máy nhà nước theo nguyên tắc tam quyền, theo đó, quyền lực nhà nước được phân thành quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp độc lập với nhau, chế ngự và đối trọng, cân bằng với nhau nhằm chống lại sự độc quyền và sự lạm dụng quyền lực.