tiêu hôn
"tiêu hôn" được hiểu như sau:
Biện pháp chế tài của pháp luật nhằm mục đích tiêu huỷ giá thú (tiêu huỷ hôn nhân) khi có bằng chứng để chứng tỏ rằng, việc giá thú (hay hôn nhân) đó đã vi phạm các điều kiện mà pháp luật quy định khi lập giá thú. Những người có quyền yêu cầu tiêu hôn có thể khởi tố ra Tòa án yêu cầu phán xét tuyên tiêu huỷ giá thú vô hiệu.Tiêu hôn cũng là một thuật ngữ pháp lý được sử dụng trong pháp luật dân sự Việt Nam thời kỳ Pháp thuộc và ở miền Nam thời kỳ trước năm 1975. Tiêu hôn được bắt nguồn từ gốc chữ Hán (chữ Tiêu là tiêu huỷ, thủ tiêu; chữ Hôn là chỉ sự hôn nhân hay giá thú; Tiêu hôn là tiêu huỷ hôn nhân hay tiêu huỷ giá thú), thuật ngữ này được sử dụng đồng nghĩa với thuật ngữ “Huỷ việc kết hôn trái pháp luật” trong Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 (xt. Huỷ việc kết hôn trái pháp luật).Pháp luật dân sự Việt Nam thời kỳ Pháp thuộc (Bộ Dân luật Bắc Kỳ 1931 và Hoàng Việt Trung Kỳ hộ luật 1936) quy định, các trường hợp lập giá thú mà vi phạm các điều kiện do luật định sẽ bị xử lý tiêu hôn như; vi phạm độ tuổi lập giá thú; vi phạm các trường hợp cấm không được lập giá thú; không có sự tự nguyện của hai bên trai, gái, có sự nhầm lẫn hay bị cưỡng ép; không được cha mẹ đôi bên đồng ý; việc giá thú không được tiến hành trước mặt viên hộ lại; một trong hai bên trai gái đã có vợ hoặc có chồng mà chưa tiêu hôn hoặc ly hôn...Về hậu quả pháp lý của việc tiêu hôn, pháp luật có quy định, sau khi Tòa án ra phán quyết tiêu huỷ giá thú, tài sản của vợ chồng được thanh toán như khi ly hôn, con sinh ra trong cuộc hôn nhân đó vẫn là con chính thức, các quyền và nghĩa vụ của cha mẹ đối với con cũng được áp dụng như khi ly hôn và việc tiêu hôn phải được viên hộ lại ghi vào sổ hộ tịch (Xem Điều 89, Điều 90 Bộ Dân luật Bắc Kỳ 1931 và Hoàng Việt Trung Kỳ hộ luật 1936).Pháp luật dân sự miền Nam Việt Nam (trước năm 1975, thông qua Luật gia đình trong sắc Luật 15/64 ngày 23.7.1964 và Bộ Dân luật 1972) cũng có quy định về tiêu hôn (tiêu huỷ giá thú) và các trường hợp có thể dẫn đến tiêu hôn bao gồm: 1) Không có sự tự nguyện giá thú của một bên hoặc cả hai bên vợ chồng, 2) Một trong hai bên vợ chồng có sự nhầm lẫn hay bị cưỡng bức giá thú; 3) Vợ hoặc chồng chưa đến tuổi giá thú do pháp luật quy định (trừ trường hợp người vợ đã có con hoặc đang có thai); 4) Có sự loạn luân (hai bên nam nữ là anh em họ hàng với nhau thuộc các trường hợp pháp luật cấm giá thú); 5) Song hôn (tức là lấy vợ, lấy chồng mới mà chưa ly hôn với người vợ, người chồng trước); 6) Giá thú và hôn lễ được cử hành không công khai hoặc tiến hành trước một viên chức hộ lại không có thẩm quyền; 7) Việc cử hành hôn lễ trái phép có tính cách gian lận.Ngoài ra, pháp luật còn quy định trường hợp người vợ hoặc người chồng bỏ đi biệt tích quá 2 năm, thì bên kia có quyền yêu cầu Toà án tuyên bố người vợ, người chồng bỏ đi là mất tích và xin tiêu huỷ giá thú với người đó.Người có quyền đệ đơn yêu cầu Tòa án phán xét, tuyên tiêu hủy giá thú là người vợ, người chồng, công tố viên và những người có quyền lợi liên quan do pháp luật quy định. Khi có các căn cứ như đã nêu ở trên, Toà án sẽ xem xét và ra phán quyết tiêu huỷ giá thú pháp luật.Hiện nay, thuật ngữ "Tiêu hôn" không còn được sử dụng trong Luật hôn nhân và gia đình mà được thay thế bằng thuật ngữ “Huỷ việc kết hôn trái pháp luật”.Theo pháp luật hiện hành của Việt Nam, hủy việc kết hôn trái pháp luật được quy định tại Điều 10 Luật hôn nhân gia đình 2014 do Quốc hội khóa 13 ban hành ngày 19 tháng 6 năm 2014.