Hệ thống pháp luật

tiền lương

"tiền lương" được hiểu như sau:

Số tiền người sử dụng lao động có nghĩa vụ trả cho người lao động khi họ cung ứng sức lao động, theo quy định của pháp luật hoặc theo sự thỏa thuận hợp pháp của các bên trong hợp đồng lao động.Tiền lương được trả theo năng suất lao động, chất lượng và hiệu quả công việc nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu do Nhà nước quy định. Trên thực tế, khái niệm tiền lương còn có thể hiểu theo nghĩa rộng, như khái niệm thu nhập của người lao động, bao gồm cả tiền lương cơ bản, các khoản tiền phụ cấp lương (Xt. Phụ cấp lương) và tiền thưởng.Tiền lương là mục đích chính của người lao động khi tham gia quan hệ lao động, là nguồn sống chủ yếu của người làm công nên được pháp luật của hầu hết các nước quan tâm. Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) có một số công ước về tiền lương, đặc biệt là Công ước số 95 (1949) về bảo vệ tiền lương.Ở Việt Nam, trong nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung, tiền lương chủ yếu được Nhà nước quy định chi tiết cho công nhân, viên chức theo kế hoạch của nền kinh tế quốc dân. Trong nền kinh tế thị trường, tiền lương là giá cả sức lao động, chịu sự chi phối của tương quan cung-cầu lao động trên thị trường. Tiền lương của người lao động làm công do các bên thỏa thuận, căn cứ vào công việc, điều kiện của các bên... và kết quả lao động nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu. Tiền lương của cán bộ, công chức do Nhà nước quy định. Tiền lương còn là cơ sở để đóng và hưởng bảo hiểm xã hội, tính các chế độ trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm và các mức bồi thường (nếu có). Khi chỉ số giá sinh hoạt tăng lên làm cho tiền lương thực tế của người lao động bị giảm sút, thì Chính phủ điều chỉnh mức lương tối thiểu để bảo đảm tiền lương thực tế.