Hệ thống pháp luật

tịch thu tài sản

"tịch thu tài sản" được hiểu như sau:

Tước của người bị kết án một phần hoặc toàn bộ tài sản thuộc sở hữu của họ để sung quỹ nhà nước.Tịch thu tài sản là hình phạt bổ sung được quy định trong luật hình sự Việt Nam kể từ khi có các văn bản pháp luật hình sự đầu tiên như sắc lệnh số 223 năm 1946 về tội hối lộ, sắc lệnh số 200 năm 1948 về tội đào nhiệm... Theo Bộ luật hình sự năm 1999, tịch thu tài sản được áp dụng đối với người bị kết án về tội nghiêm trọng, tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng trong những trường hợp mà điều luật trong Phần các tội phạm của Bộ luật hình sự quy định. Cụ thể, tịch thu tài sản được quy định là hình phạt bổ sung cho tất cả các tội xâm phạm an ninh quốc gia cũng như cho một số tội phạm có tính vụ lợi thuộc các tội xâm phạm sở hữu, các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, các tội phạm về tham nhũng, các tội xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng. Tịch thu tài sản có thể là tịch thu toàn bộ hoặc chỉ tịch thu một phần tài sản thuộc sở hữu của người bị kết án. Trong trường hợp tịch thu toàn bộ tài sản, tòa án vẫn phải để lại một phần tài sản đủ cho người bị kết án và gia đình họ có điều kiện sinh sống.Cần phân biệt tịch thu tài sản là hình phạt phụ với tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm là biện pháp tư pháp.Theo pháp luật hiện hành của Việt Nam, tịch thu tài sản được quy định tại Điều 45 Bộ luật hình sự năm 2015 do Quốc hội khóa 13 ban hành ngày 27 tháng 11 năm 2015.